Translated from Reuters's article Vietnam to deploys troops, issues stay-home order as Covid-19 deaths spiral and Nikkei's article Vietnam deploys troops in Ho Chi Minh City to suppress COVID
By Reuters and TOMOYA ONISHI, 20 tháng 8 2021
Chính quyền Việt Nam đang triển khai các lực lượng bao gồm cả quân đội để đối phó với dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ ở vùng trọng điểm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam do số ca tử vong tăng vọt. Động thái này diễn ra trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.
Vào thứ sáu, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một cuộc họp báo chỉ trong 10 phút mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ truyền thông. Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của thành phố, cho biết cư dân ở những khu vực này được yêu cầu "ở yên tại chỗ" từ ngày 23 tháng 8. Họ hy vọng các biện pháp cứng rắn này giúp kiểm soát tình hình dịch bệnh và giảm bớt tỉ lệ tử vong cho tới ngày 15 tháng 9.
Lệnh cứng rắn nhất của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh số người chết và nhiễm tăng vọt, bất chấp các biện pháp phong tỏa hàng tuần tại trung tâm kinh tế với 9 triệu dân, tâm điểm của đợt bùng phát dịch chết người nhất đất nước.
Chi tiết về các hoạt động vẫn chưa được công bố. "Kế hoạch sẽ bao gồm việc triển khai các lực lượng đặc nhiệm hoặc quân đội", ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết.
Người ta thấy nhiều cảnh sát với loa phóng thanh lái xe xung quanh các khu dân cư vào thứ Sáu hướng dẫn mọi người tuân theo các quy trình và đảm bảo thực phẩm sẽ được cung cấp đầy đủ.
Theo một tài liệu quân sự mà Reuters có được, Bộ Quốc phòng có kế hoạch gửi 1.000 quân y và thiết bị y tế vào cuối tuần.
Truyền thông nhà nước đưa tin, chính phủ cũng đã gia hạn các hạn chế ở thủ đô Hà Nội thêm 15 ngày.
Được biết, lực lượng phòng dịch sẽ được triển khai đến các tỉnh như Đồng Nai và Bình Dương, nơi có các nhà máy trọng điểm do các công ty đa quốc gia vận hành như Hyosung của Hàn Quốc, Tập đoàn CP của Thái Lan, New Motion của Singapore, Formosa và Polytex Far Eastern của Đài Loan.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận là đầu tàu kinh tế của cả nước. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 22,3% tổng sản phẩm cả nước và đóng góp 27,5% vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2019.
Theo truyền thông nhà nước: thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập khoảng 200 lực lượng đặc nhiệm, bao gồm quân đội, lực lượng công an và bộ đội biên phòng để tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và cung cấp thực phẩm và hỗ trợ cần thiết cho người dân trong vùng cách ly.
Tuy nhiên, chính phủ đã không gọi động thái này là thiết quân luật mặc dù việc triển khai các lực lượng như vậy được nhiều người đánh giá là biện pháp cứng rắn nhất mà chính phủ có thể làm.
Phó Tổng thống Harris sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới châu Á vào cuối tuần này với các điểm dừng theo kế hoạch tại Singapore và Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã có 167.717 người nhiễm COVID-19 kể từ ngày 27 tháng Tư và 5.939 người đã tử vong. Thành phố 13 triệu dân này đã phải trải qua khoảng thời gian phong tỏa kể từ ngày 31/5, cùng với lệnh giới nghiêm ban đêm kể từ ngày 26/7.
Tỷ lệ tử vong của Việt Nam do Covid, số ca chết được xác nhận/ số ca nhiễm được xác nhận, đứng ở mức 3,4% vào ngày 19 tháng 8, cao hơn của Thái Lan là 1,1% và Nhật Bản là 0,1%, theo Our World in Data. Hà Nội đổ lỗi cho biến thể delta đã gây ra tình trạng tồi tệ này.
Để đối phó với tình trạng số người chết ngày càng tăng của Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình khoảng 240 người mỗi ngày, quân đội đã tiến hành hỏa táng các thi thể. Một số người tin rằng con số tử vong cao hơn, vì các cơ sở chữa trị quá tải khó thống kê được con số chính xác.
Việc triển khai quân đội cũng diễn ra trong lúc các nhà máy đặt tại Đồng Nai và Bình Dương bị Covid tấn công. Người lao động ở hai tỉnh, chủ yếu là người nhập cư từ miền Trung và Tây Nguyên, đã bị bó buộc trong khuôn viên nhà máy của họ, không thể trở về nhà kể từ cuối tháng 4 khi làn sóng COVID hiện nay bắt đầu lan rộng. Với số người chết ngày càng tăng, những công nhân này đã bị kiểm soát chặt chẽ hơn kể từ tháng Bảy.
Một nhà phân tích chính trị trong nước cho biết: "Thủ tướng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, sử dụng quyền lực mở rộng của mình để thực hiện các biện pháp cần thiết mà không cần Quốc hội thông qua."
Quốc hội Việt Nam vào tháng 7 đã thông qua một nghị quyết trao quyền cho thủ tướng và chính phủ để đưa ra các quyết định nhanh chóng trong thời kỳ đại dịch, trong nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của coronavirus.
Trong khi đó, tin tức về cuộc khủng hoảng coronavirus ngày càng tồi tệ đã làm cổ phiếu Việt Nam vào thứ Sáu, với chỉ số chuẩn (.VNI) của nó, giảm 3,3% khi đóng cửa.
Việt Nam đã chậm chân trong việc đặt mua vaccine trong khi cho đến cuối tháng 4 họ vẫn giữ được kỷ lục ngăn chặn dịch Covid tốt nhất thế giới, với 35 trường hợp tử vong và chỉ hơn 2.900 trường hợp tính đến ngày 1 tháng 5.
Trên cả nước, Việt Nam hoàn thành tiêm đủ liều cho chỉ 2% dân số [xem nguồn]. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng một nửa dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.
Nhưng tại cuộc họp vào cuối ngày thứ Năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm hàng loạt ở thành phố HCM. Ông nói với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tại cuộc họp do VTV thuật lại: "Nếu anh không làm xét nghiệm toàn dân thành phố trong vòng hai tuần tới, đó là lỗi của anh".
Lược dịch: Chau Tran
Comentarios