top of page

Đài Loan đang thành công dẹp trừ thông tin chính trị xuyên tạc. Phương Tây cũng có thể.


Ý thức chung về sự thật có thể được giành lại bằng tiền bạc và công sức.


Walter Kerr & Macon Phillips, ngày 11 tháng 11, 2020

Những người biểu tình tập hợp ngoài mưa trong cuộc biểu tình chống lại truyền thông thân Trung Quốc trước văn phòng tổng thống ở Đài Bắc vào ngày 23 tháng 6 năm 2019. HSU TSUN-HSU / AFP VIA GETTY IMAGES


Nếu bạn đọc các tin tức hoặc các bài đăng trên mạng xã hội ở Đài Loan vào tháng 12 năm ngoái, bạn có thể đã được xem một số “sự thật” gây sốc. Tin HIV đã lây lan nhanh chóng ở Đài Loan kể từ khi chính phủ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Một tin khác nói Tổng thống Tsai Ing-Wen đã giả mạo bằng tiến sĩ của bà. Tsai đã thắng lợi lớn bất chấp những tin tức dối thái quá này trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng. Tin giả đã thất bại.


Khó tưởng tượng được trong bối cảnh các thuyết âm mưu về buôn bán trẻ em hoặc các mối nguy hiểm được cho là tiêm chủng đang thống trị Facebook và YouTube trong những tháng vừa qua, Đài Loan đã cho mọi người hy vọng rằng chúng ta có thể trở lại sống trong môi trường tin tức bình thường. Phương Tây đối với thông tin sai lệch cho đến nay hầu hết là phản ứng. Có thể tốt hơn nhiều nếu chúng ta theo mô hình của Đài Loan và có lập trường tích cực chống lại nó. Như một tiêu đề của tờ Washington Post viết, “Thông tin sai lệch có uy lực. Đài Loan cho chúng ta thấy mình có thể đánh bại nó như thế nào ”.


Đài Loan áp dụng cách tiếp cận toàn xã hội để chống lại thông tin sai lệch. Cộng đồng công nghệ dân sự của nó làm việc với các công ty truyền thông xã hội, như Line dịch vụ nhắn tin phổ biến của hòn đảo, để xác định, gỡ rối và hạ cấp các thuyết âm mưu lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội. Khi ai đó bắt gặp một câu chuyện tin tức mờ ám, họ có thể gửi nó đến chatbot (người máy) Cofacts nổi tiếng, nơi các nhóm tình nguyện viên sau đó nhanh chóng nghiên cứu tuyên bố đó để xác định tính hợp lệ của nó. Trung tâm Kiểm tra Sự thật Đài Loan (Taiwan Fact Check Center) độc lập duy trì một kho lưu trữ trực tuyến các thuyết âm mưu bị bác bỏ.


Đài Loan cũng biểu lộ hàng thủ tốt nhất đến từ tấn công chắc chắn. Thay vì chỉ đơn giản là chơi khăm bằng cách bác bỏ mọi thực tế giả mới, chính phủ tạo ra các cuộc trò chuyện mới bằng cách tổ chức các cuộc tranh luận công khai về các vấn đề thông qua nền tảng vTaiwan do người dân điều hành. Thay vì thúc đẩy sự cuồng loạn để bán được nhiều quảng cáo hơn, các thuật toán của vTaiwan làm nổi bật nơi có sự đồng thuận trong cuộc tranh luận và giảm thiểu tiếng nói ở những điểm cực đoan nhất. Xe tải xóa mù chữ về các vùng nông thôn để hướng dẫn mọi người cách phát hiện tin giả. Và với Trung Quốc muốn gây chia rẽ ở Đài Loan, các nhóm địa phương cố ý nhận tiền nước ngoài để truyền bá thông tin sai lệch về bầu cử có thể phải đối mặt với tiền phạt, và các nhà lãnh đạo của họ có thể đi tù.


Dựa trên xu hướng toàn cầu về việc thuê các nhà công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới của chính phủ, Tsai đã bổ nhiệm một kỹ sư phần mềm, Audrey Tang, để tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của chính phủ vào năm 2016. Trong khi Tang đã dẫn đầu các sáng kiến để tung ra các công nghệ mới giúp tăng tính minh bạch và chống lại thông tin sai lệch, cô cũng giúp Đài Loan phân biệt chính mình bằng cách kết hợp các khoản đầu tư đó với các nỗ lực tham gia cấp cộng đồng, chẳng hạn như tuyển dụng hàng nghìn dược sĩ để giúp xóa tan tin đồn về COVID-19.


Kể từ đầu những năm 2000, và đặc biệt là kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, phương Tây đã cảnh giác cao hơn về nguy hiểm của thông tin sai lệch. Trong một cuộc thăm dò 2018 của Eurobarometer, 83% cho biết họ nghĩ rằng tin giả là một mối đe dọa đối với nền dân chủ.


Không như Đài Loan, phương Tây đã không kêu gọi toàn xã hội nỗ lực chống lại thông tin sai lệch. Chường trình EUvsDisInfo, chương trình hàng đầu của Liên minh châu Âu nhằm chống lại thông tin sai lệch, phần lớn đóng vai trò như là một trụ sở cho các nhà báo và quần chúng kiểm chứng các tin tức đáng nghi ngờ và các thuyết âm mưu được phổ biến trong các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu. Được thành lập vào năm cuối của chính quyền Tổng thống Barack Obama, Trung tâm Tương tác Toàn cầu kiểm chứng các nguồn thông tin sai lệch từ nước ngoài trong các nền dân chủ mong manh, chia sẻ thông tin đó với các đồng minh Hoa Kỳ và tạo nội dung để chống lại các tin tức sai sự thật đó.


Tuy nhiên, chỉ hồi đáp với thông tin sai lệch vẫn không đủ để ngăn ngừa điều này. Các tập đoàn hoạt động có lợi nhuận như trang Facebook cũng sẽ không giải quyết được vấn đề thông tin sai lệch một cách thần kỳ — mặc dù họ có trách nhiệm đáng kể trong việc tạo ra vấn đề ngay từ ban đầu. Xây dựng một xã hội kiên cường có thể chống lại thông tin sai lệch bắt đầu từ việc nỗ lực tăng cường hiểu biết về văn hóa truyền thông của công chúng, cũng như phải liên tục tạo ra và duy trì các mối quan hệ giữa mọi người, chứ không phải chỉ riêng các thuật toán mới của các trang mạng. Học hỏi từ những nhà đổi mới như Đài Loan nên là một ưu tiên bao trùm đối với các nền dân chủ tự do trong những năm 2020.


Để đạt được điều đó, các quốc gia dân chủ cần phải hợp tác cùng nhau. Để giống Đài Loan chống lại thông tin sai lệch và củng cố xã hội mở rộng kiến thức thành công, việc tăng cường đầu tư vào các chương trình hỗ trợ nước ngoài và ngân sách ngoại giao công chúng nên được thực hiện một cách đa dạng, có phối hợp và tham vấn với các tổ chức xã hội dân sự quốc tế và địa phương. Việc này không chỉ là một cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch do Hoa Kỳ hoặc Pháp dẫn đầu, mà là một cuộc chiến tất cả các quốc gia dân chủ đều chia sẻ vì ta muốn duy trì nền dân chủ.


Mặc dù các quốc gia dân chủ phương Tây nên ưu tiên trao đổi chuyên nghiệp, tài trợ cho các cộng đồng công nghệ dân sự và nâng cao năng lực trong các tổ chức quan trọng, nhưng sẽ không có tiến bộ trừ khi chúng ta đặt sự đồng cảm trước chủ nghĩa ngoại lệ (exceptionalism). Nước Mỹ có nhiều điều để học hỏi từ các quốc gia khác và tất cả các nền dân chủ tự do nên xem các mạng lưới toàn cầu giống chương trình Lãnh đạo giới trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hoặc Sáng kiến Lãnh đạo giới trẻ châu Phi của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hơn những chiếc loa phóng thanh hiện đại. Với thêm sự khiêm tốn, chúng ta có thể tìm thấy những ý tưởng tốt nhất, bất kể là chúng đến từ đâu; hỗ trợ một phương tiện truyền thông độc lập và được trao quyền; và kết nối những người bảo vệ nhân quyền và dân chủ từ khắp nơi trên thế giới.


Việc chống lại thông tin sai lệch không chỉ là trách nhiệm của những phóng viên thường hay những công chức thất vọng. Các nhà giáo dục, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động công bằng xã hội, các nhóm bênh vực quyền lợi cao niên, các nhà bảo vệ môi trường, các nhà lãnh đạo lao động, các nhà hành nghề y tế công cộng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và nhiều thành phần khác đều đóng góp vào cuộc chiến này. Tiếp cận với những thành viên xã hội này, giúp họ hiểu biết thông tin sai lệch ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của họ như thế nào, tuyển dụng các nhà lãnh đạo của họ để lên tiếng và khuyến khích tất cả mọi người hợp tác cùng nhau là cách chúng ta có thể chiến thắng.


Đài Loan đã không hoàn toàn giải quyết được thách thức về thông tin sai lệch. Thậm chí cho đến ngày nay, các lý thuyết âm mưu vẫn còn tồn tại và điều này đã góp phần khiến cuộc bầu cử ngày càng phân cực hơn. Tuy nhiên, hòn đảo này vẫn vượt xa hầu hết các quốc gia dân chủ khác trong việc chống lại thông tin sai lệch, đây là một thành tích còn đáng chú ý hơn vì trên thực tế, Đài Loan cũng là mục tiêu số 1 của thông tin sai lệch về nước ngoài trên thế giới.


Để chiến thắng được cuộc chiến bất đối xứng chống lại nền dân chủ này sẽ đòi hỏi một chiến lược và sự tấn công mới, với các nguồn lực mạnh mẽ và sự phối hợp đa phương phù hợp, tập trung vào việc xây dựng nỗ lực cho toàn xã hội trong mọi nền dân chủ đang bị tấn công. Và chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào Đài Loan để tìm câu trả lời.


Người dịch: Xuân Mai & Que Do

Biên tập: L. Ta

Comments


bottom of page