top of page

Đánh giá Trumponomics: Cách đánh giá thành tích kinh tế của Tổng thống Trump

Translated from The Economist article How to judge President Trump’s economic record


Trước đại dịch, thuyết kinh tế của ông Trump đã có một điểm đúng và một điểm sai


Ngày 17 tháng 10, 2020

Tổng thống Donald Trump kêu gọi người dân Mỹ tái bầu ông đắc cử vì những thành tích của ông đối với nền kinh tế. Trước đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ đạt tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm, tăng trưởng mức lương cho người lao động thu nhập thấp đạt con số ấn tượng 5% mỗi năm, và một thị trường chứng khoán sôi nổi. Ông Trump cho rằng những kết quả trên có được là nhờ vào chiến lược ba mũi nhọn của ông, bao gồm cắt giảm thuế, nới lỏng quản lý nhà nước, và chính sách thương mại cứng rắn. Ông cũng tuyên bố chiến lược này sẽ vực dậy nền kinh tế sau đại dịch. Nhiều cử tri đồng tình với điều này. Kinh tế là một chủ đề mà ông Trump thường ít thua thiệt trong các kết quả thăm dò cử tri.


Tuy nhiên, thành tích kinh tế của chính quyền Trump là khá lẫn lộn. Một điều đúng đó là: khi ông Trump nhậm chức, nền kinh tế vẫn đang cần một cú hích, và đã có được nhờ các chính sách cắt giảm thuế và tăng cường chi tiêu. Thế nhưng thành công này cũng góp phần che giấu những hậu quả từ chính sách bảo hộ thương mại của ông.


Trumponomics (tạm dịch: Thuyết kinh tế Trump) đã không đạt được những gì giới ủng hộ dự đoán. Trong thời gian tranh cử năm 2016, ông Trump đã dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng ít nhất 4% mỗi năm; sau khi nhậm chức, ông hạ mục tiêu xuống còn 3%. Trong khoảng từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019, Hoa Kỳ tăng trưởng ở mức trung bình 2.5% một năm, chỉ hơn chút ít so với mức 2.4% của ba năm trước đó. Chính quyền ông Trump lý luận rằng chính sách hạ thuế sẽ tự bù đắp cho chính nó, và việc nới lỏng luật lệ đối với doanh nghiệp sẽ khích lệ đầu tư. Hệ quả thực tế là mức thâm hụt ngân sách tăng từ 4.4% lên đến 6.3% GDP, theo tính toán từ IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế), và mặc dù việc nới lỏng quản lý có giúp doanh nghiệp tự tin hơn, vẫn không có sự tăng trưởng đầu tư lâu dài nào được ghi nhận. Những cải tổ về mặt luật lệ và thuế đã hạn chế một số chính sách bất cập, ví như việc giảm trừ thuế cho tiền lãi vay thế chấp, hay các loại thuế tại tiểu bang và địa phương. Tuy nhiên những cải tổ này là nhỏ so với quy mô của cả nền kinh tế quốc gia. Trong khoảng thời gian ba năm trước 2019, chính quyền tuyên bố đã tiết kiệm được 51 tỷ USD chi phí quản lý nhà nước, con số chỉ bằng khoảng 0.2% GDP hàng năm, và chưa tính đến những lợi ích công của việc quản lý. Các ước đoán chỉ ra rằng những cải cách chính sách thuế của ông Trump sẽ chỉ góp phần kích thích tăng trưởng ở mức tối đa khoảng 0.1% mỗi năm.


Vì vậy, điểm đặc thù của nền kinh tế Hoa Kỳ trước đại dịch không phải là kiểu kinh tế trọng cung hay thậm chí là sự bùng nổ việc làm, vốn đều thấy được ở các nước giàu. Điều đặc thù là trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đáng kể trong giai đoạn 2018 và 2019, tăng trưởng của Hoa Kỳ chỉ giảm tương đối nhẹ (xem bài viết). Đây là hệ quả của cú đệm tạm thời nhờ vào gia tăng thâm hụt ngân sách. Ông Trump có quyền thỏa mãn trước chính sách kích thích tăng trưởng của mình. Năm 2017, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thời điểm đó không phù hợp cho một gói kích thích, do nền kinh tế cũng như thị trường lao động đã chạm đến giới hạn; năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang đưa ra kết luận tương tự và nâng lãi suất bốn lần. Tuy nhiên, thực tế thì cơ hội phát triển vẫn còn khá thoải mái. Kết quả là, mức chi tiêu công rộng rãi tạo nên tăng trưởng mạnh hơn so với các nước giàu có khác mà không gây lạm phát cao. Lãi suất lại được hạ, khiến chi phí nợ công giảm.


Điều mỉa mai là gói kích thích trực tiếp có lẽ đã không cần thiết nếu không phải vì ông Trump gây chiến tranh thương mại và tăng cường thuế quan, ảnh hưởng xấu đến tâm lý chung và kìm hãm tăng trưởng toàn cầu. Trước đại dịch, IMF dự báo rằng cuộc đôi co giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ gạt phăng gần 1% tổng giá trị kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ cân bằng lại sự trì trệ này thay vì hoàn toàn vượt hẳn ra khỏi nó. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng hàng rào thuế quan của ông Trump làm mất đi nhiều hơn là tạo thêm việc làm sản xuất, do thuế quan khiến nguyên vật liệu nhập khẩu tốn kém hơn, đồng thời kích động sự trả đũa nhắm vào hàng hóa đến từ Mỹ. Việc làm sản xuất gần như không tăng năm 2019. Cùng lúc đó, thuế quan làm tăng giá tiêu dùng lên khoảng 0.5%, đủ để gây tác động tương đương với sự suy giảm gần 1,300 USD thu nhập trung bình của hộ gia đình.


Tựu chung lại, những thành phần đa dạng của Trumponomics mang lại ba bài học. Thứ nhất, nhiều lợi ích lớn có thể đạt được nhờ vào việc phát triển nóng nền kinh tế và siết chặt thị trường lao động, đặc biệt đối với người thu nhập thấp. Các chính sách nên nhắm vào việc phục hồi trạng thái trên càng nhanh càng tốt sau đại dịch. Nếu điều đó đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách lớn trong khi lãi suất đang thấp thì cũng phải chấp nhận (mặc dù với tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp của Hoa Kỳ hiện nay, đồng tiền chi vào các khoản đầu tư kích thích tăng trưởng sẽ có ích hơn so với việc cắt giảm thuế theo kiểu lũy thoái). Thứ hai, đối với nền kinh tế vốn đã được nới lỏng về luật pháp, cải cách mang tính trọng cung có lẽ không tác động đáng kể lên tăng trưởng GDP. Như vậy không có nghĩa cải cách dạng này là xấu – xóa bỏ bớt các khoản miễn giảm thuế là tốt – nhưng đồng thời các chính trị gia cũng không nên lớn tiếng hứa hẹn về tăng trưởng, điều vốn dễ bị kìm hãm bởi những yếu tố không tránh khỏi như già hóa dân số. Bài học thứ ba là thuế quan nhằm kích thích sản xuất thường là chính sách tự hoại, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và người tiêu dùng.


Năm 2019, ông Trump lãnh đạo thị trường lao động mạnh mẽ nhất ở Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Ông xứng đáng nhận phần nào sự tuyên dương. Mặc dù vậy, ông đang quảng bá Trumponomics một cách quá mức. Thuyết kinh tế này vừa là sự thúc đẩy, vừa là sự kìm hãm.


Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: K.Tran

Comentarios


bottom of page