top of page

Đào tạo truyền thông: một cách thức khác để giải quyết vấn đề dịch bệnh

Translated from Global Health Now's article Another Way to Fight Disease: Media Training

By Michele Barry, Kristina Krohn, on 17-03-2022, 13:00:00

Việc một đại dịch gây chết người khác tiếp tục hủy hoại nơi nào đó trên thế giới giờ chỉ còn là vấn đề về thời gian. Liệu chúng ta có phản ứng như khi chúng ta chấm dứt bệnh đậu mùa?

Hình: Edith Bracho-Sanchez phỏng vấn một nguồn tin ở Tijuana, Mexico vào năm 2019. Ảnh: Courtesy. Hay chúng ta kéo dài cuộc khủng hoảng và để lại những hậu quả song song đó như tâm lý bài xích người nước ngoài và thất nghiệp như chúng ta đã làm để ứng phó với COVID-19 và những đợt bùng phát dịch Ebola gần đây? Ấn phẩm mới của chúng tôi trên Tạp chí Academic Medicine đã đưa ra một cách thức để giúp công chúng đưa ra những lựa chọn sức khỏe khôn ngoan bằng cách sử dụng một chiến lược đã được kiểm nghiệm: thúc đẩy các bác sĩ, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực y tế toàn cầu, trở nên tốt hơn trong việc giao tiếp bằng cách cung cấp chương trình đào tạo và thực hành về các nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật kể chuyện và một nền báo chí chuẩn mực đạo đức. Trong nhiều năm, chúng tôi đã thấy mô hình gây chết người tương tự lặp lại. Các vấn đề sức khỏe toàn cầu phần lớn bị truyền thông phương Tây phớt lờ cho đến khi chúng gây nên những thảm họa thê thảm. Đến lúc ấy, truyền thông xã hội và tin tức online 24/7 mới không ngừng đăng tin. Sau đó, các bình luận viên ít hoặc không được đào tạo về khoa học thường xuyên giật gân câu chuyện và cung cấp thông tin sai lệch. Kết quả là, làn sóng thông tin ấykhiến vấn đề dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn. Và với trường hợp đại dịch COVID-19, hàng triệu người bị lung lay bởi những thông tin sai lệch về chống lại vaccine và đã chọn không tiêm chủng. Kết quả là nhiều người trong số họ đã tử vong: Tổ chức Kaiser Family ước tính rằng 163.000 ca tử vong ở Hoa Kỳ do COVID-19 từ tháng 6 đến tháng 11 năm 2021 đã có thể được cứu sống nếu tiêm vaccine. Vậy đâu là cách để ngăn chặn làn sóng thông tin sai lệch? Câu trả lời là thông tin khoa học chính xác, minh bạch được cung cấp bởi một nguồn tin đáng tin cậy. Chúng ta cần lấp đầy khoảng trống thông tin, cung cấp cho công chúng những thông tin khoa học vững chắc trước khi khủng hoảng dần lớn lên. Và khi khủng hoảng xảy ra, chúng ta cần những chuyên gia có thể chia sẻ thông tin kịp thời và đáng tin cậy. Các bác sĩ, với tư cách là những chuyên gia đáng tin cậy nhất Hoa Kỳ, thường chính là những người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, rất ít bác sĩ biết cách làm thế nào để loại bỏ những thuật ngữ chuyên môn để giao tiếp hiệu quả với công chúng. Bài báo về Y học học thuật của chúng tôi đánh giá Học bổng Nghiên cứu sinh về Truyền thông Y tế Toàn cầu của đại học Stanford như một mô hình để đào tạo các bác sĩ về kĩ năng giao tiếp và khuyến khích các trường y khoa trên toàn thế giới phát triển các chương trình tương tự. Trung tâm Đổi mới Sức khỏe Toàn cầu Stanford đã khởi động chương trình đầu tiên của loại hình này vào năm 2011 hợp tác với chủ tịch phát ngôn y tế của NBC News. Mục tiêu của chương trình: Đào tạo các bác sĩ để chủ động chia sẻ các câu chuyện sức khỏe toàn cầu với công chúng và cung cấp thông tin thực tế, đáng tin cậy trong thời kỳ khủng hoảng y tế. Chương trình này cho phép sinh viên trường y khoa mỗi năm làm chủ các nguyên tắc kể chuyện, báo chí đa phương tiện và y tế thông qua đào tạo tại trường chuyên ngành báo chí, thực tập chuyên sâu với Sanjay Gupta tại CNN, và qua một dự án y tế toàn cầu. Đến nay, chương trình đã đào tạo ra 10 tuyên truyền viên y tế toàn cầu có tay nghề cao. Những cựu sinh viên này, hầu hết là bác sĩ, hiện đang truyền đạt những hiểu biết và kiến thức chuyên môn về y tế thông qua các cuộc phỏng vấn hấp dẫn trên truyền hình, các trang blog lôi cuốn và các trang xã luận hùng hồn. Một cựu nghiên cứu sinh, Michael Nedelman, hiện đang làm việc tại ban tin tức về Sức khỏe của CNN với tư cách là nhà sản xuất đã diễn tả giá trị của chương trình thực tập dưới góc độ này: “Trong trường y, bạn phát triển một số thói quen tốt cho bác sĩ, nhưng không tốt cho báo chí.” Ví dụ, các bác sĩ được đào tạo để chủ động đưa ra một chẩn đoán, trước tiên là trình bày các dữ kiện và cuối cùng là đánh giá, chẩn đoán và điều trị. Mặc dù điều này có hiệu quả với y học, nhưng nó thường không phù hợp với báo chí. Ở báo chí, điều quan trọng là phải đưa ra được những thông tin quan trọng khiến người đọc phải chú ý tới. Chương trình đã giúp các cựu sinh viên như Nedelman và những người khác chia sẻ bí quyết y tế của họ vì lợi ích của cộng đồng. Ví dụ, Edith Bracho-Sanchez đã phát hành “Sức khỏe trẻ em Latin”, một podcast do Univision xuất bản nhằm cung cấp cho các gia đình Latino lời khuyên về các chủ đề bao gồm nhi khoa, COVID-19, dinh dưỡng và giấc ngủ. Bà sử dụng podcast này và nền tảng Hỏi & Đáp đi kèm trên mạng xã hội để cung cấp thông tin cho một nhóm nhân khẩu học mà hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ thường bỏ qua. Chúng ta được khích lệ rằng có rất nhiều chương trình đào tạo về truyền thông cho sinh viên y khoa và bác sĩ đã được phát triển từ năm 2011 để giúp tạo ra những giá trị như trên. Tuy nhiên, thế giới cần những nhà truyền thông y tế đa dạng và chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là khi các tòa soạn báo ngày càng thu hẹp và số lượng các nhà báo khoa học được đào tạo giảm sút. Cần có thêm nhiều chương trình như của Stanford và chúng tôi khuyến khích các trường y và trung tâm y tế toàn cầu áp dụng các mô hình như vậy nếu có thể. Các trường y khoa và trường báo chí sẽ hợp tác để đào tạo về phương tiện truyền thông cơ bản vào giáo dục y tế thường xuyên, như cách tác giả và cựu nghiên cứu sinh Kristina Krohn đang thực hiện tại Đại học Minnesota. Ngoài ra, các trường y khoa trên khắp Hoa Kỳ có thể cho người dân hoặc sinh viên y khoa luân phiên lựa chọn bằng cách ghép các sinh viên y khoa với sinh viên báo chí cũng như các đài báo địa phương. Mục đích là để cải thiện chất lượng tin tức y tế địa phương và tìm hiểu các khía cạnh chính của một báo cáo y tế kịp thời và chất lượng. Kinh nghiệm làm việc như một nhà nghiên cứu cho các câu chuyện tin tức y tế có thể cho sinh viên y khoa những bài học quý giá về hoạt động bên trong của các tòa soạn. Các bác sĩ gây dựng được lòng tin khi họ bật mí những bí mật của nghiên cứu học thuật hoặc kinh nghiệm thực tế trong ngành y để giao tiếp trực tiếp với công chúng. Và lòng tin sẽ cứu sống nhiều người, bằng chứng là một nghiên cứu gần đây của Lancet, cho thấy mức độ tin tưởng cao vào chính phủ có liên hệ đến tỷ lệ nhiễm COVID-19 thấp hơn. Hãy cung cấp cho các bác sĩ tương lai một công cụ nữa để cứu chữa bằng cách đào tạo họ về nghệ thuật giao tiếp tốt và minh bạch.


Người dịch: Pham Khanh Linh

Biên tập: Ha Do Thanh

コメント


bottom of page