top of page

"Những điều chúng ta làm sẽ vang vọng qua nhiều thế hệ," Bài diễn văn của TT Obama ở Đại hội Dân chủ

Updated: Aug 22, 2020

Ngày 19 tháng 8, 2020


Chào buổi tối, thưa quý vị. Như quý vị đã nhận thấy, đây không phải là một đại hội thông thường. Đây cũng không là thời điểm bình thường. Vì thế đêm nay, tôi muốn nói thật tình về các nguy cơ trong cuộc bầu cử này. Vì những việc chúng ta thực hiện suốt 76 ngày sắp tới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thế hệ tương lai.


Tôi đang đứng tại Philadelphia, nơi Hiến pháp được biên soạn và ký thông qua. Đây không phải là một văn bản hoàn hảo. Nó từng cho phép nạn buôn nô lệ vô nhân đạo hoành hành và không đảm bảo quyền tham gia chính trường của phụ nữ lẫn đàn ông tay trắng. Nhưng ẩn sâu bên trong văn bản này là một ngôi sao Bắc Đẩu định hướng cho những thế hệ tương lai, một hệ thống chính phủ đại diện dân - một nền dân chủ - mà qua đó chúng ta có thể biến những lý tưởng cao quý nhất của mình thành hiện thực. Qua Cuộc nội chiến và những lần đấu tranh đầy đắng cay, chúng ta đã cải thiện bản Hiến pháp này để nó bao gồm tiếng nói của những người từng bị bỏ rơi. Và dần dần, chúng ta đã khiến đất nước này công bằng, bình đẳng và tự do hơn.


Vị trí duy nhất theo Hiến pháp được toàn dân bầu cử là chức vụ Tổng thống. Vì thế ở mức tối thiểu, chúng ta nên mong đợi vị tổng thống cảm nhận trọng trách bảo đảm an ninh và phúc lợi của tất cả 330 triệu người dân nước nhà, mặc cho chúng ta trông như thế nào, chúng ta thờ phụng ai, chúng ta thương yêu ai, chúng ta giàu sang hay nghèo hèn, hoặc chúng ta đã bỏ phiếu bầu cho ai chăng nữa.


Nhưng chúng ta cũng nên trông đợi vị tổng thống là người coi sóc nền dân chủ. Chúng ta nên trông đợi rằng dẫu có sự tự cao, tham vọng, hoặc các niềm tin chính trị riêng, tổng thống phải gìn giữ, bảo vệ và đấu tranh cho giá trị tự do và lý tưởng mà quá nhiều người dân Hoa Kỳ đã phải xuống đường biểu tình và chấp nhận đi tù, đã chiến đấu và hy sinh mạng sống vì nó.


Tôi có dịp ngồi tại Văn Phòng Bầu Dục với cả hai người đàn ông đang tranh cử vị trí tổng thống. Tôi chưa hề kỳ vọng người kế nhiệm sẽ trân trọng tầm nhìn hay các chính sách của tôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng, vì lợi ích của đất nước, Donald Trump có thể nghiêm túc đặt mối quan tâm của mình vào công việc này; hy vọng rằng ông ấy có thể cảm thấy được gánh nặng của chức vị tổng thống và khám phá được chút tôn trọng cho nền dân chủ được đặt dưới tay ông.

Nhưng ông ta lại chưa từng làm vậy. Gần bốn năm nay, ông ta chẳng thể hiện sự quan tâm nào cho công việc này, không có hứng thú để tìm mối quan tâm chung, không đoái hoài sử dụng quyền lực cá nhân tối cao để giúp đỡ bất cứ ai ngoài bản thân và bè lũ, chỉ lo dùng chiếc ghế tổng thống như một chương trình truyền hình thực tế để gây sự chú ý mà ông thèm khát.


Donald Trump không tự cải thiện bản thân cho công việc bởi vì ông ấy không thể. Và hậu quả của thất bại ấy thật nghiêm trọng. 170,000 người dân Hoa Kỳ tử vong. Hàng triệu công việc ra đi trong khi những người chủ cả thu được lợi nhiều hơn bao giờ hết. Chúng ta được phép hành động xốc nổi, danh tiếng của chúng ta trên thế giới sụt giảm thảm hại, và thể chế dân chủ của chúng ta bị đe dọa hơn bao giờ hết.


Bây giờ, tôi biết trong những thời điểm chia rẽ như thế này, phần lớn quý vị đã có quyết định cho mình. Nhưng có lẽ vài quý vị vẫn chưa biết rõ ứng cử viên nào mình nên chọn hoặc do dự có nên bỏ phiếu hay không. Có thể quý vị đã mệt mỏi với hướng đi của đất nước mà chẳng nhìn thấy một hướng đi tốt đẹp hơn, hoặc chỉ là quý vị không biết đủ thông tin về người muốn lãnh đạo chúng ta.


Vậy thì để tôi kể quý vị nghe về người bạn của tôi, Joe Biden.


Mười hai năm trước, khi tôi bắt đầu tìm kiếm một vị phó tổng thống, tôi không ngờ lại tìm ra một người anh em. Joe và tôi đến từ những nơi khác nhau và thuộc về hai thế hệ khác nhau. Nhưng điều làm tôi nhanh chóng ngưỡng mộ ông là tính kiên cường, vì đã tranh đấu quá nhiều; sự đồng cảm, vì đã mất mát không ít. Joe là người đàn ông sớm học cách đối xử mỗi người ông gặp gỡ bằng lòng tôn trọng và phẩm giá, sống theo những lời cha mẹ đã dạy ông: “Joe à, không ai tốt hơn con cả, nhưng con cũng chẳng tốt hơn ai đâu.”


Thái độ đồng cảm ấy, nhân cách ấy, niềm tin ấy ai cũng tin tưởng -- đó chính là con người của Joe.


Khi ông trò chuyện với người vừa mất việc làm, Joe nhớ ngay cái đêm cha của ông ngồi xuống bên cạnh ông nói về nỗi buồn tương tự.


Khi Joe lắng nghe một vị phụ huynh đang cố gắng quán xuyến mọi việc trong thời điểm hiện nay, ông lắng nghe với tư cách là một người cha độc thân từng bắt chuyến tàu trở về thành phố Wilmington mỗi đêm để ông có thể dỗ con mình yên giấc.

Khi ông gặp gỡ những gia đình quân nhân vừa mất đi người hùng của họ, ông là người đồng bệnh tương lân; với tư cách người cha của một sĩ quan Hoa Kỳ; với tư cách một người có đức tin vẫn còn mạnh mẽ sau nỗi mất mát đau đớn nhất.


Trong tám năm, Joe luôn là thành viên cuối cùng còn đứng cùng tôi mỗi khi tôi đối mặt với quyết định khó khăn. Ông đã khiến tôi trở thành một vị tổng thống tốt hơn -- và ông có đủ nhân cách lẫn kinh nghiệm để khiến chúng ta trở thành một đất nước tốt hơn.


Còn người bạn Kamala Harris của tôi, ông đã chọn người đồng hành lý tưởng quá sẵn sàng cho công việc này; người biết vượt qua các trở ngại khó đến thế nào và đã dành cả sự nghiệp đấu tranh giúp các người khác hoàn thành giấc mơ Mỹ của chính họ.

Bên cạnh kinh nghiệm cần thiết để hoàn tất công việc, Joe và Kamala có các chính sách bền vững sẽ biến tầm nhìn của họ về một đất nước tốt hơn, công bằng hơn, và mạnh mẽ hơn thành hiện thực.


Họ sẽ kiểm soát được đại dịch này , như cách Joe làm được khi ông giúp tôi kiểm soát tình hình H1N1 và chặn dịch Ebola xâm nhập bờ cõi chúng ta.


Họ sẽ mở rộng dịch vụ bảo hiểm sức khỏe cho nhiều người dân Hoa Kỳ hơn, giống như cách Joe và tôi thực hiện mười năm trước khi ông giúp soạn thảo dự luật Bảo hiểm Y tế Toàn dân và thuyết phục đủ phiếu để luật được thông qua.


Họ sẽ giải cứu nền kinh tế, như Joe từng giúp tôi làm được sau thời gian Đại Khủng hoảng. Tôi yêu cầu ông ấy quản lý Đạo luật Phục hồi, qua đó đã khởi động giai đoạn gia tăng số việc làm dài nhất trong lịch sử. Và ông xem thời điểm hiện tại không phải là cơ hội để trở lại vị thế chúng ta từng có, mà để thực hiện những thay đổi bị trì hoãn quá lâu, từ đó có thể khiến nền kinh tế nước ta thực sự mang đến cuộc sống thoải mái hơn cho mọi người, từ cô phục vụ đang cố gắng nuôi dạy con một mình đến anh nhân viên làm theo ca luôn đối mặt nguy cơ mất việc, hay người sinh viên đang cố gắng trả chi phí cho lớp học học kỳ sau.


Joe và Kamala sẽ phục hồi vị thế của chúng ta trên thế giới -- và như bài học chúng ta thu được từ đại dịch này, điều đó thật sự quan trọng. Joe hiểu thế giới, và thế giới hiểu ông. Joe biết sức mạnh thật sự của chúng ta nằm ở chỗ làm gương cho thế giới noi theo. Một quốc gia ủng hộ nền dân chủ, không phải những tên độc tài. Một quốc gia có thể truyền cảm hứng và khuyến khích những nước khác vượt qua các mối đe dọa như biến đổi khí hậu, khủng bố, nghèo đói, và bệnh dịch.


Nhưng hơn hết thảy, tôi biết chắc Joe và Kamala thật sự lo lắng cho mỗi người dân Hoa Kỳ. Và họ quan tâm sâu sắc đến nền dân chủ.


Họ tin rằng trong một nền dân chủ, quyền bầu cử là thiêng liêng, và chúng ta nên khiến chuyện bỏ phiếu trở nên dễ dàng chứ không nên làm khó.


Họ tin rằng không ai, kể cả tổng thống, đứng trên luật pháp, và không một vị dân cử trong chính phủ nào, kể cả tổng thống, nên dùng quyền lực có trong tay để làm giàu cho bản thân hay cho người ủng hộ họ.


Họ hiểu được rằng trong nền dân chủ này, người Tổng tư lệnh không lợi dụng nam nữ quân nhân, những người quyết hy sinh tất cả để bảo vệ quốc gia, như một công cụ chính trị để chống lại người biểu tình ôn hoà trên chính đất Hoa Kỳ. Họ hiểu rằng sự đối lập trong chính trị không có nghĩa là bên kia phản quốc chỉ vì họ bất đồng với mình; rằng một nền báo chí tự do không phải “kẻ thù", mà là cách chúng ta buộc các viên chức dân cử chịu trách nhiệm; rằng khả năng chúng ta chung tay giải quyết các vấn đề quan trọng như đại dịch dựa vào lòng trung thành với sự thật, khoa học và logic thay vì chỉ dựng đại câu chuyện.


Những điều này đáng lẽ chẳng có gì đáng tranh cãi. Các nguyên tắc này không chỉ thuộc về Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ. Chúng là nguyên tắc Mỹ. Nhưng trong thời điểm hiện nay, tổng thống và những người cổ xuý ông ta đã cho thấy rằng họ không tin vào nguyên tắc ấy.


Đêm nay, tôi mong rằng các bạn sẽ đặt niềm tin vào khả năng dẫn dắt đất nước ra khỏi thời kỳ tăm tối này và xây nó lại tốt hơn của Joe và Kamala. Nhưng cái khó ở chỗ này: không một người Mỹ nào có thể một mình chấn chỉnh đất nước. Tổng thống cũng không thể. Nền dân chủ chưa bao giờ chỉ có tính giao dịch -- anh cho tôi lá phiếu bầu; tôi làm mọi thứ tốt đẹp. Nó yêu cầu sự tham gia chủ động và đầy hiểu biết của các công dân. Vì vậy, tôi mong rằng các bạn đặt niềm tin vào chính khả năng của bạn -- chấp nhận trách nhiệm công dân -- để đảm bảo rằng các nguyên lý cơ bản của nền dân chủ không bao giờ phai nhạt.


Bởi vì chính nền dân chủ của chúng ta giờ đây lại đang bị đe dọa.


Tôi hiểu tại sao nhiều người thất vọng với chính phủ Hoa Kỳ. Cách mà các luật lệ được đặt ra rồi bị lạm dụng trong Quốc hội tạo cơ hội cho lợi ích nhóm trì trệ sự tiến bộ. Tin tôi đi, tôi biết rõ. Tôi hiểu tại sao một người công nhân xí nghiệp Da trắng thấy lương mình bị cắt xén hay công việc của mình bị mang ra nước ngoài có thể cảm thấy rằng chính phủ không còn quan tâm đến anh, tại sao một người mẹ Da đen có thể cảm thấy rằng chính phủ đó chưa từng quan tâm đến cô. Tôi hiểu tại sao một người nhập cư mới có thể nhìn quanh đất nước này và tự hỏi liệu có còn đất cho họ không; tại sao một người trẻ tuổi có thể nhìn vào tình trạng chính trị hiện tại không khác gì rạp xiếc, sự ác độc và lừa dối và những thuyết âm mưu điên rồ, rồi nghĩ: hành động để mà làm gì?


Mục đích là như vầy đây: đương kim tổng thống và những người có uy quyền -- những người hưởng lợi bằng cách kềm giữ mọi thứ ở yên một chỗ -- đang dựa vào sự chán chường của các bạn. Họ biết rằng họ không thể lấy lòng các bạn bằng chính sách. Vì vậy họ đang cố gắng khiến cho việc đi bầu bất khả thi, để thuyết phục bạn rằng lá phiếu bầu của bạn không quan trọng. Họ thắng bằng cách đó. Họ có thể tiếp tục đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời bạn, và cuộc đời của những người thân của bạn, bằng cách đó. Đó cũng là lý do tại sao nền kinh tế sẽ tiếp tục thiên về những người giàu có và giao thiệp rộng, tại sao hệ thống y tế của chúng ta sẽ còn bỏ sót nhiều người. Đây là cách một nền dân chủ héo mòn, cho đến khi nó không còn tồn tại.


Chúng ta không thể để điều đó xảy ra. Đừng để họ tước đi quyền của bạn. Đừng để họ tước đi nền dân chủ. Hãy có một kế hoạch cho việc bạn tham gia bầu cử và đi bầu. Hãy làm việc này càng sớm càng tốt và bày cho cha mẹ và bạn bè cách đi bầu. Hãy làm điều mà người Mỹ đã làm trong hơn hai thế kỷ khi họ từng đối mặt với những thời kỳ còn khó khăn hơn hiện tại -- những người anh hùng thầm lặng đã đủ can đảm để tiếp tục tuần hành, tiếp tục tiến về phía trước khi đối mặt với gian khổ và bất công.


Tháng trước, chúng ta đã mất đi một “cây cổ thụ” của nền dân chủ, John Lewis. Vài năm trước, tôi đã ngồi lại cùng John và một vài lãnh đạo cuối cùng của phong trào Dân quyền đầu tiên. Một người nói với tôi rằng ông chưa bao giờ tưởng tượng được rằng ông có thể bước vào Nhà Trắng và thấy một người tổng thống với hình hài giống như cháu trai của ông. Rồi ông nói với tôi rằng ông đã tìm tòi lại, và hoá ra là ngày tôi sinh ra cũng chính là ngày ông đã vào tù vì nỗ lực bãi bỏ luật kỳ thị Jim Crow ở miền Nam.


Những điều chúng ta làm sẽ vang vọng qua nhiều thế hệ.


Không cần biết lý lịch, chúng ta đều là con của những người Mỹ đã chiến đấu vì chính nghĩa. Ông bà cố đã làm việc trong những nơi tồi tàn nguy hiểm bóc lột mà không có quyền lợi hay người đại diện. Nông dân thập niên 1930 với giấc mơ bị chôn vùi trong đất bụi. Người Ai-len, người Ý, người gốc Á Châu và gốc Latin từng bị miệt thị rằng đến từ xứ nào thì hãy về lại nơi đó. Người Do Thái và người Cơ Đốc Giáo, người Hồi Giáo và người Sikh, bị ngờ vực vì cách họ phụng thờ. Người Mỹ Da đen bị xiềng xích và quất roi rồi bị treo cổ. Bị phỉ nhổ vì họ muốn ngồi ở quầy ăn trưa cùng người Da trắng. Bị đánh đập vì họ muốn đi bầu.


Nếu bất kỳ ai có quyền tin rằng nền dân chủ này không có hiệu lực, và sẽ không bao giờ hữu hiệu, sẽ phải là những người Mỹ trên. Tổ tiên của chúng ta. Họ phải sống cả đời trong một nền dân chủ chưa bao giờ đếm xỉa đến họ. Họ hiểu rõ sự thật nghiệt ngã rằng đời thực không như là mơ. Và dù cho vậy, thay vì đầu hàng, họ đã đến với nhau và bàn rằng bằng cách nào đó, con đường nào đó, chúng ta sẽ biến nó thành hiện thực. Chúng ta sẽ mang lại sức sống cho những ngôn từ trong các văn kiện lập quốc.


Tôi đã chứng kiến tinh thần đó thức tỉnh trở lại trong vài năm gần đây. Người dân ở mọi lứa tuổi và lý lịch đã tràn vào các trung tâm thành phố và phi trường, kể cả những con đường nông thôn, để lên tiếng bảo vệ các gia đình khỏi sự chia ly. Để lớp học không còn là một trường tập bắn. Để con em chúng ta không phải lớn lên trên một hành tinh cằn cỗi vắng bóng sự sống. Người Mỹ của mọi sắc tộc đã đến với nhau để tuyên bố, khi đối mặt với bất công và sự tàn bạo dưới bàn tay của chính phủ, rằng Sinh mạng Người Da đen đáng Trân trọng, không hơn, nhưng không kém, để không một đứa trẻ nào trên đất nước này còn phải cảm nhận nỗi đau kỳ thị chủng tộc quặn thắt.


Hỡi những người trẻ đã dẫn dắt chúng ta trong mùa hè này, nhắn nhủ rằng chúng ta cần trở nên tốt hơn -- trên rất nhiều phương diện, các bạn là ước mơ đã trở thành hiện thực của đất nước này. Các thế hệ trước đây phải được thuyết phục rằng mọi người đều có phẩm giá như nhau. Nhưng với các bạn, điều này là hiển nhiên -- một sự tin chắc. Và điều mà tôi muốn nói với các bạn là cho dù còn chưa tươm tất và chưa đáng hài lòng, hệ thống tự trị của các bạn có thể được khai thác để giúp bạn biến niềm tin thành sự thật.


Các bạn có thể đem lại ý nghĩa mới cho nền dân chủ này. Các bạn có thể đưa nó đến một nơi tốt đẹp hơn. Các bạn là nguyên liệu đã từng thiếu trước đây -- những người sẽ đưa ra quyết định xem liệu nước Mỹ sẽ tuân theo chân ngôn lập quốc của nó hay không.


Công việc đó sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử. Nhưng cơ hội thành công, dù nhiều hay ít, hoàn toàn dựa vào kết quả của cuộc bầu cử này. Chính quyền này đã cho thấy rằng nó sẽ đốn hạ nền dân chủ của chúng ta nếu họ cần làm vậy để thắng. Vì thế, chúng ta phải xắn tay vào xây đắp nó -- bằng cách đổ hết sức lực của mình vào 76 ngày tiếp theo, bằng cách đi bầu như lần đầu được bầu -- cho Joe, cho Kamala và cho các ứng cử viên khác trên lá phiếu, để chúng ta không còn ngờ vực về những gì mà đất nước chúng ta yêu dấu đại diện -- ngày hôm nay và cho muôn ngày sau.


Hãy bảo trọng. Chúa phù hộ các bạn.


Người dịch: Tuan Nguyen & Cookie Duong

Biên tập: M.K. Tran

Comments


bottom of page