Translated from The Atlantic's article THE ANTI-VACCINE RIGHT BROUGHT HUMAN SACRIFICE TO AMERICA
By Kurt Andersen, on 25-01-2022, 00:00:00
Từ mùa hè năm ngoái, chiến dịch chống vaccine của giới bảo thủ đã cướp đi hàng ngàn mạng sống vô tội mà không có mục đích chính đáng nào. Tại thời điểm đại dịch vừa bùng phát, khi coronavirus bắt đầu lan khắp nước Mỹ buộc các bác sĩ, nhà thuốc, và nhân viên siêu thị phải tiếp tục làm việc bất chấp nguy cơ nhiễm bệnh, một số nhà bình luận đã ẩn dụ so sánh việc này với hủ tục giết người tế thần. Sự tập trung vào việc mở cửa nền kinh tế và ngăn chặn thị trường chứng khoán sụp đổ làm người ta liên tưởng tới việc “giết người tế thần Moloch*" theo tác giả Kitanya Harrison. Mùa hè năm đó, khi Đảng Cộng hoà đã ngả ngũ với sách lược chống xét nghiệm, chống cách ly, chống khẩu trang, bàng quan thế sự của mình, Dân biểu Jamie Raskin (Dân chủ) nói rằng đây là “chính sách giết người tế thần người diện rộng." Giáo sư Nhân chủng học Shan-Estelle Brown và nhà nghiên cứu Zoe Pearson viết rằng những người phải làm việc bình thường là nạn nhân của việc “bị buộc hiến tế nhưng có vẻ tình nguyện.” Trong khi đó, cộng đồng cánh hữu lại so sánh sự bất tiện của việc đóng cửa các cơ sở công cộng với chính hủ tục hiến tế này. *Moloch là tên trong Kinh thánh của một vị thần của người Canaan và người Semit liên quan đến tục hiến sinh trẻ em. Tôi bắt đầu để tâm tới việc so sánh này: Sau buổi vận động trong nhà cỡ lớn đầu tiên của Trump vào tháng Sáu 2020, tôi thốt lên trên Twitter rằng cứ như sáu nghìn thần dân MAGA tham dự một sự kiện “hiến tế làm vui lòng giáo chủ.” Và ít nhất mỗi tháng một lần, Trump đều đóng vai vị vua hiếu chiến trị vì trên cái chết oai hùng của con dân mình. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí tại Phòng Bầu dục, khi được hỏi liệu nước Mỹ có nên “chấp nhận thực trạng rằng sẽ có thêm nhiều người chết” khi kế hoạch mở-cửa-toàn-bộ-ngay-bây-giờ của ông được thực hiện hay không, Trump nói: “Tôi gọi những người này là các chiến bin, và tôi nói ngay luôn…cả nước ta, là những chiến binh cả. Chúng ta phải chiến đấu thôi.” “Chiến binh," “giết người tế thần diện rộng," đây chỉ là những diễn ngôn đầy cảm xúc trong tranh cãi về nền kinh tế chính trị của chúng ta. Liệu chính quyền có nên (và nếu nên thì thực hiện ra sao) can thiệp để người dân và doanh nghiệp tồn tại hay không, và bao nhiêu mạng người là đủ, bao nhiêu tổn thất kinh tế là đáng. Cơn bút chiến này ít ra còn được dựa trên lý trí, dựa trên việc cân đo đong đếm giữa tổn thất và lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế ngày nay không còn ở trạng thái nguy hiểm, và tỉ lệ thất nghiệp cũng như lương bổng đã quay về mức trước đại dịch. GDP đầu người của nước Mỹ cao hơn cuối năm 2019, tiền tiết kiệm cá nhân đang tăng, và các doạnh nghiệp đang khởi động lại nhanh hơn bao giờ hết, lợi tức và giá cổ phiếu cao kỷ lục. Và trong hơn một năm qua, chúng ta có nhiều loại vaccine hiệu quả rất cao trong việc ngăn ngừa COVID trở nặng và gây tử vong. Những điều trên cho ta thấy chiến dịch tuyên truyền của cánh hữu chống lại vaccine và các biện pháp y tế khác đã và đang giết bao nhiêu người Mỹ mà không có lý do chính đáng, hợp đạo đức nào. Những gì chúng ta thấy từ giữa năm 2021 là một cuộc giết người tế thần diện rộng, theo đúng nghĩa đen của nó và tương đồng với những đợt hiến tế khủng khiếp trong lịch sử. Các nhà nhân chủng học định nghĩa giết người tế thần là “việc giết người có tổ chức để thỏa mãn các đấng siêu nhiên và – dù không được công khai – để gia cố sức mạnh chính trị và kinh tế của giới tinh hoa." Hủ tục này đã xuất hiện từ cuốn đầu tiên của Kinh Thánh với hình ảnh Chúa ra lệnh cho Abraham hãy hiến tế con mình để chứng tỏ lòng thành, chỉ để hủy bỏ yêu cầu này ở phút cuối cùng. Hàng ngàn năm khắp thế giới, nhiều đợt hiến tế nhỏ và lớn đã diễn ra thường xuyên. Một điểm khác biệt giữa ngày đó và bây giờ là xác suất tử vong. Trong những đợt hiến tế hàng trăm, hàng ngàn năm trước, người bị hiến chắc chắn sẽ chết dù họ có tự nguyện hay không. Ngày nay, chỉ có một phần nhỏ người không chấp nhận vaccine ra đi. Đây là hiến tế kiểu hiện đại. Khi lướt qua những tài liệu nhân chủng học, tôi ngạc nhiên vì chúng miêu tả quá đúng những tác nhân gây ra cái chết của hàng ngàn người Mỹ vì COVID nhiều tháng qua. Trải nghiệm COVID của chúng ta có nhiều điểm tương đồng với những yếu tố then chốt mà các sử gia cho là điển hình của nạn hiến tế. Vậy những điểm này là gì? 1. Phức tạp xã hội và văn hoá Các tài liệu cho thấy việc hiến tế mạng người không chỉ xuất hiện ở những xã hội thô sơ mà còn ở những “cộng đồng tiến bộ nhưng đang sa sút” theo học giả Stanley Arthur Cook của Đại học Cambridge viết một thế kỷ trước, thời điểm hủ tục này có vẻ đang chết dần đi. Trong phần mở đầu cuốn “The Strange World of Human Sacrifice” (tạm dịch là “Thế giới kỳ dị của tục giết người tế thần”), sử gia tôn giáo Jan Bremmer viết: “Việc hiến tế người không chỉ xuất hiện ở các bộ lạc nhỏ lẻ. Trái lại, hiến tế người có vẻ như là thứ ở những đế chế hùng mạnh…”Những nền văn hoá phát triển hơn" sẽ có “chính quyền mạnh hơn” và dễ dàng tước đi sinh mạng của người dân hơn mà không khiến cho “cộng đồng đau buồn vì sự ra đi của một số thành viên." Một nghiên cứu gây chấn động năm 2016 về mức độ phức tạp xã hội của các nền văn hoá Đông Á và Thái Bình Dương cho thấy “các nạn nhân bị hiến tế thường thuộc đẳng cấp thấp kém hơn.” Ở nhiều nơi trên thế giới, nạn nhân của tục hiến tế thường là người bệnh, người già, hoặc có cả hai yếu tố trên. Nhìn vào nước Mỹ ngày nay – đế chế hùng mạnh nhất thế giới và có dân số hàng thứ ba toàn cầu, sở hữu một chính quyền mạnh và phức tạp về xã hội lẫn chính trị, một nền văn hoá vừa tiến bộ vừa sa sút dần – ta thấy khoảng ⅔ nạn nhân COVID là những người có thu nhập dưới mức bình quân. ¾ nạn nhân có độ tuổi trên 65 tuổi, với tuổi quân bình là khoảng 75. 2. Căng thẳng xã hội ở mức cao điểm Bremmer viết: “Việc hiến tế thường diễn ra trong những hoàn cảnh khác thường nhất, trong những cơn khủng hoảng.” Ở các xã hội của người Inca ở Nam Mỹ vào thế kỷ 15 và 16, “việc hiến tế thường được thực hiện như một cách phản ứng trước các thảm hoạ tự nhiên, ví dụ như đại dịch, dựa trên niềm tin rằng bệnh tật và thiên tai là hình thức trừng phạt của thế lực siêu nhiên vì những tội lỗi đã gây ra.” Khủng hoảng y tế COVID-19 còn dẫn theo những việc khó lường khác về mặt xã hội và kinh tế: sinh hoạt công cộng đình trệ, tội phạm tăng cao, giá cổ phiếu giảm một phần ba, nạn thất nghiệp lên khoảng 15%. Vào mùa xuân năm 2020, một khảo sát của Đại học Chicago cho thấy trong khoảng 80% số dân Mỹ tin vào Thượng đế, hơn 60% trong số đó tin rằng đại dịch là “dấu hiệu của Chúa nói với chúng sinh hãy thay đổi cách ta đang sống". 43% số người theo đạo Phúc Âm (Evangelicals) tin “mạnh mẽ” vào ý kiến trên. Trong một khảo sát khác cũng trong nam 2020, khoảng 3 trên 5 người Phúc Âm da trắng tin rằng đại dịch và những hệ quả của nó là “bằng chứng cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ tận thế theo Kinh Thánh.” Theo lẽ thường, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo bảo thủ sẽ tìm cách giải thích khủng hoảng. Pat Robertson, một “ngôi sao” trong cộng đồng này, tuyên bố: “Chúng ta đã cho phép thứ bệnh dịch này (ám chỉ hôn nhân đồng giới) lan truyền khắp xã hội – rồi giờ lại hỏi vì sao Chúa lại trừng phạt chúng ta ư?." Nhiều tín đồ còn có vẻ như không xem chính họ là người có tội (sinner) đáng phải nhận hình phat này. Theo khảo sát từ Đại học Chicago ở giai đoạn đầu của đai dịch, 55% con chiên tin rằng Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi nhiễm bệnh. 3. Chính trị pha lẫn đức tin Nhiều tài liệu đã cho ta thấy nạn giết người tế thần thường diễn ra ở những nền văn minh có chính quyền và tôn giáo liên kết chặt chẽ với nhau. Ở Mỹ, tín đồ Phúc Âm cấu thành ⅓ số đảng viên Cộng Hoà và 78% số cử tri Phúc Âm đã bầu cho ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2020. Donald Trump có thể là lãnh đạo kém Thiên Chúa giáo nhất của một đảng mang ảnh hưởng Thiên Chúa giáo rất sâu đậm, nhưng ông cũng là một người "biết diễn" tương tự như những nhà truyền giáo thành công của lịch sử Mỹ. Vào mùa thu năm 2020, Trump dựng nên một tấn kịch ngoạn mục, đậm nét Thiên Chúa giáo: ông bị nhiễm COVID, rồi tiến vào lũng âm u* một ngày thứ Sáu. Ba ngày sau, Trump xuất hiện trên truyền hình trực tiếp, đứng trên ngôi đền vĩ đại nhất của nước Mỹ (ám chỉ Nhà Trắng) và hiên ngang gỡ khẩu trang khỏi mặt, tựa như mình đã phục sinh. *(Tác giả đang dẫn Thánh Vịnh 23:4) Ngay cả những người ủng hộ Thiên Chúa giáo mạnh mẽ nhất của Trump cũng không màng việc ông không cùng chung đức tin với mình. Nhưng sự lãnh đạo của Trump với cánh hữu ở Mỹ đang khiến giới "Phúc Âm" càng trở nên đồng nghĩa với “Đảng Cộng hòa” trong suy nghĩ của nhiều người trung thành với Trump. Trong một nghiên cứu lâu dài được thực hiện bởi Pew, quan sát 2900 người Mỹ da trắng tự nhận là thích Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống lần đầu tiên của ông. Năm 2016, chỉ 1/6 số người không thuộc cộng đồng Phúc Âm hoặc “tái sinh," nhưng đã thay đổi quan điểm trong năm 2020. Đảng Cộng hòa đã bị biến đổi bởi sự kết hợp giữa tôn giáo và tính đảng phái ở khoảng đầu thế kỷ này. Năm 2017, tôi đã viết về việc Đảng Cộng hòa thế kỷ 21 luôn phủ nhận những giá trị khoa học có thật trong cuốn Fantasyland (tạm dịch là Vùng đất tưởng tượng), trong đó có câu: “Nếu ngày càng nhiều đảng viên tin vào những hiện tượng siêu nhiên kỳ quái hơn, chẳng phải việc đảng đó có những lập trường giả tạo cũng là điều dễ hiểu sao?" 4. Quy mô cực lớn Việc hiến tế người ở thế kỷ 15 và 16 thường được thực hiện bởi xã hội Aztec, “một đế chế tương đối trẻ," đã giết hàng ngàn (có thể là chục ngàn) người một năm. Với nền văn minh đó, ký giả chuyên khảo cổ và Mỹ Latin (sống tại Mexico) của tạp chí Science đã từng viết: “Quyền lực chính trị và niềm tin tôn giáo là chìa khóa để hiểu về quy mô của tục lệ này.” Một đế chế Bắc Mỹ trẻ. Nạn nhân qua đời hàng năm lên tới con số hàng ngàn. Guồng máy chính quyền tạo nên từ tín ngưỡng tôn giáo và các chính khách thèm khát quyền lực. Những điều này Hoa Kỳ đều có cả. 5. Tình nguyện làm nạn nhân và “tình nguyện” bắt buộc Trong kinh Quran, khi Abraham được ra lệnh phải giết con mình bởi Đấng Tối cao, người con đã tình nguyện hy sinh để phục tùng Chúa. Người Aztec quan niệm rằng nạn nhân sẽ được hưởng một vị thế đặc biệt, tôn nghiêm ở kiếp sau. Vài trường hợp khác cho rằng nhiều người đã “tự nguyện vào đền tế thân." Sử gia Bremmer viết rằng trước những đợt hiến tế được thực hiện trong cộng đồng người Kond ở Ấn Độ đầu những năm 1800, “nạn nhân luôn được đối xử tử tế trước khi hy sinh” và vì lẽ đó, “dân Kond luôn sẵn sàng tự tế bản thân mình.” Không ngạc nghiên gì mấy khi mỗi lần việc tế thân được đề cập, lằn ranh giữa việc tự nguyện hay không tự nguyện, tự sát hay cố sát dần mập mờ. Trong những đợt hiến tế của bộ lạc Chukchi bản địa của Siberia vào cuối thế kỷ 19, những cái chết “tình nguyện" này thực ra đã bị ảnh hưởng của những lời lừa bịp ủng hộ việc tế thân, theo nghiên cứu vào năm 2013 của nhà nhân chủng học Rane Willerslev. Hàng triệu người Mỹ trong năm 2021 đã bị ảnh hưởng bởi bộ máy tuyên truyền cánh hữu, không chịu tiêm ngừa và kết quả là “tình nguyện” chết vì COVID. Nhiều người dẫn chương trình của Fox News liên tục chỉ trích vaccine. Trong năm 2021, theo trang Media Matters, Tucker Carlson nói về vaccine suốt nửa thời lượng chương trình sau ngày Joe Biden nhậm chức Tổng thống, và chỉ duy nhất một chương trình trong số đó KHÔNG tìm cách chỉ trích vaccine. Carlson nói trong một chương trình tháng này: “Mũi tăng cường không hiệu quả” và “người tiêm mũi tăng cường có nguy cơ mắc COVID cao hơn bình thường.” Tuổi bình quân của khán giả Fox News là 65. Người không tiêm vaccine ở tuổi 65 tới 79 có xác suất chết vì COVID cao hơn 21 lần hơn người đã tiêm cùng độ tuổi, và người không tiêm vaccine ở tuổi 50 trở lên có xác suất vào nhà thương vì COVID cao hơn 44 lần hơn người đã tiêm. Mùa thu vừa rồi, Joy Pullmann, biên tập viên của tờ báo cánh hữu The Federalist đã viết một bài có tựa “Với Cơ Đốc nhân, chết vì COVID (hay bất cứ thứ gì khác) cũng là điều tốt cả.” Bà miêu tả việc tiêm vaccine, cũng như các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khác là một phần của “ảo tưởng rằng con người có thể kiểm soát cái chết” vì bà cho rằng “không có gì trên thế giới này có thể khiến thời gian của chúng ta trên Địa Cầu này dài hơn dẫu chỉ một giây.” Bà còn nói thêm: “Đức tin Thiên Chúa đã cho ta thấy rõ rằng cái chết, dù sẽ gây đau buồn cho những người ở lại nhân thế và là hậu quả đáng thương của tội lỗi loài người, thật ra là điều tốt lành cho những người tin vào Chúa.” Pullmann viết thêm: “Đã tới lúc người Thiên Chúa giáo, cá nhân và tập thể, ăn năn với cách tiếp cận của chúng ta với đại dịch.” Ý bà là hãy xin ăn năn vì “tội” dám cách ly, dám tiêm ngừa và tìm cách…đừng chết. Theo bà, tín hữu Cơ Đốc đã “tử vì đạo” (martyred) ở Trung Hoa Cộng sản và “bị hãm hiếp cũng như diệt chủng để trừng phạt đức tin của mình” ở Trung Đông. Bà kết luận: "Đã tới lúc người Tây phương phải xem thường nỗi nhục nhã – nhục vì tìm cách thoát khỏi cái chết do COVID gây ra – và đốc thúc chủng tộc của chúng ta như những Cơ Đốc nhân, không phải những kẻ hèn hạ. Những lời này gợi tôi nhớ tới vị mục sư nổi tiếng vì đã thúc giục hàng trăm tín đồ hãy chết đàng hoàng ở “Đền thờ Nhân dân” (Peoples Temple) năm 1978. “Hãy tử tế với người già và uống thuốc này đi,” Jim Jones nói với cư dân khu định cư tôn giáo Jonestown đang tụ họp gần những hũ chứa thứ nước ngọt Flavor-Aid pha thuốc độc, với những thuộc hạ sẵn sàng thúc ép bằng vũ lực đứng bên. “Hãy chết với phẩm hạnh," hắn nói trong tiếng la hét của những tín đồ. “Hãy nằm xuống với phẩm hạnh. Đừng nằm xuống với nuớc mắt và giày vò. Dừng cơn cuồng loạn này lại đi!” Nhưng hôm nay, thay vì yêu cầu tín đồ hãy chết vì Chúa (hay theo Trump trong năm 2020, vì kinh tế nước nhà), những người chủ mưu của nạn hiến tế ngày nay dùng những thủ đoạn dựa trên nỗi sợ hãi của người dân. Ở Vero Beach, Florida, cha xứ cánh hữu Rick Wiles (mỉa mai thay, tên Wiles của ông còn có nghĩa “mưu mẹo, mưu chước”) đã nói rằng “quỷ dữ đang thực hiện kế hoạch đã được khởi động từ 10-15 năm trước” và cho rằng vaccine là “mật ngọt của Satan.” Ở Boynton Beach, Florida, một trong ba thành viên của chi nhánh Uỷ ban Toàn quốc Đảng Cộng hoà (RNC) của bang này (nghề nghiệp chính là luật sư di chúc) viết rằng “Mụ Thống đốc quỷ quyệt (Dân chủ) Whiter* (sic) muốn người dân của mình phải đóng Con dấu của Quỷ (Mark of the Beast) để được xã hội chấp nhận." Người bạn Cộng hòa nửa mùa của Trump, rapper Kanye West nói trong năm 2020 rằng "vaccine là Con dấu của Quỷ. Bọn họ muốn cấy chip vào chúng ta, làm mọi thử để buộc chúng ta không thể bước vào cổng Thiên Đàng. *Đúng ra phải là Gretchen Whitmer QAnon cũng tạo nên những người tình nguyện nhiệt tình trong “công cuộc” hiến tế diện rộng này, không màng tới sự mỉa mai trong việc thuyết âm mưu chủ đạo của phong trào này lại cho rằng “bọn tinh hoa theo chủ nghĩa tự do” mới là những kẻ thực hiện các đợt hiến tế ghê rợn. Những tín đồ Tin Lành 500 năm trước (và đặc biệt là những người sùng đạo đã di cư qua Tân Thế giới 400 năm trước) vẫn xem mình là thiểu số Thiên Chúa giáo bị nô dịch bởi tầng lớp tinh hoa thế tục. Phong trào Tin Lành Chính thống (fundamentalist Protestant) được hồi sinh tầm một thập kỷ trước nổi tiếng với thái độ bài khoa học của mình, vì lời kinh Sáng Thế (Genesis – sách đầu tiên trong Cựu Ước) không khớp hoàn toàn trong sự tiến bộ trong địa chất học, vũ trụ học hay sinh học. Bắt đầu từ những năm 1960 và 1970, phong trào nào lại hồi sinh lần nữa và lấy mục tiêu là những môn khoa học khác, lần này có cả ngành virus học (virology). Không chỉ dân da trắng Tin Lành có tỉ lệ tiêm vaccine thấp hơn bình thường, theo Public Religion Research Institute (tạm dịch: Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng), “người đi lễ thường xuyên có tỉ lệ từ chối vaccine gấp đôi người ít đi lễ hơn.” 6. Sự thiếu hiểu biết của người tham gia Người điều phối và nạn nhân của tục hiến tế không nhất thiết cần hiểu rõ mục tiêu của nó. Nhà dân tộc học Nga Vladimir Bogoraz viết trong chuyên khảo nổi tiếng của ông vào đều những năm 1900 về bộ lạc Chukchi ở Siberia, “Tôi hỏi họ rằng họ có biết đang hiến tế cho ai không…Câu trả lời là “Ai mà biết!" Chuyên gia Chukchi Willerslev nói rằng phát biểu này cho thấy sự “thiếu hăng hái về mặt đức tin” của nhân chứng," và “hủ tục hiến tế được tin là sẽ có hiệu quả với điều kiện là mọi quy tắc, thủ tục đều được thực hiện." Nói tóm lại, ngay cả việc nhận thức được trò bịp này cũng không cản trở người tham gia được. Thủ đoạn quan liêu là một phần thường thấy trong những chính sách COVID của các viên chức Cộng hoà. Báo cáo cuối năm 2021 của Tiểu ban về Khủng hoảng Coronavirus của Hạ viện Hoa Kỳ (House Select Subcommittee on the Coronavirus Crisis) cho thấy cách chính quyền Trump đã làm người dân thiếu hiểu biết về nguy cơ của virus như thế nào và đánh giá thấp tỉ lệ tử vong. Mùa xuân năm 2020, khi Nhà Trắng ra lệnh cho CDC phải nới lỏng các khuyến cáo về khẩu trang và giãn cách xã hội ở nhà thờ, quan chức chuyên “quản lý sự cố” (incident manager) của CDC là ông Jay Butler đã email cho đồng nghiệp rằng: “Tôi e rằng đây không phải chiến dịch y tế công cộng hiệu quả – Tôi lo rằng sáng Chủ nhật tuần này sẽ có người bệnh đi lễ và sẽ tử vong vì những gì chúng ta (ám chỉ CDC) buộc phải thực hiện.” Butler lo sợ vì “với tư cách là người đã trò chuyện với các nhà thờ và cha xứ (và bản thân cũng là một tín hữu thường đi lễ)," chính quyền Trump đã không khuyến cáo việc xét nghiệm bệnh dịch. Deborah Birx, cựu điều phối viên dịch bệnh Nhà Trắng, nói với Tiểu ban Hạ viện rằng: “Việc mềm dẻo trong chính sách xét nghiệm những người không có triệu chứng là nguyên nhân chính gây ra lây nhiễm trong cộng đồng.” Thuyết âm mưu hiến tế người và thuyết “kiểm soát xã hội” cho rằng giới tinh hoa sẽ dùng mọi thủ đoạn để buộc quần chúng nhân dân phục tùng mình. Nhưng bằng chứng cho việc này rất ít, chưa được giới học thuật hiện đại kiểm chứng. Câu hỏi rất lớn nên được đặt ra là: “Liệu có điều khác biệt nào giữa những nền văn hoá có và không có hiến tế hay không?”. Tận dụng kho lưu trữ dữ liệu xã hội và gen của một hơn một trăm nền văn hoá trải khắp 1/6 Trái Đất, xuyên suốt từ đông Thái Bình Dương tới Úc và Đông Nam Á, chúng tôi đã tìm được câu trả lời: “Hiến tế người đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững quyền lực của tầng lớp thống trị lên người dân.”
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Auckland (Úc), Đại học Victoria (Úc) và Viện Lịch sử loài người Max Planck (Max Planck Institute for the Science of Human History) (Đức) đã thống kế 93 nền văn hóa vùng Austronesian, trong đó có 40 nền văn hóa có tập quán hiến tế, và phân chia chúng thành ba loại dựa trên mức độ quân bình kinh tế xã hội, từ quân bình nhất (con cái không hưởng tài sản hay địa vị từ cha mẹ) tới kém quân bình nhất (tài sản hay địa vị chỉ có thể được hưởng từ cha mẹ). Kết quả rất rõ ràng: xã hội càng kém quân bình, tục hiến tế càng phổ biến, cụ thể là 67% ở những xã hội kém quân bình nhất, 37% ở phân khúc giữa, và 25% ở phân khúc xã hội quân bình. Các nhà nghiên cứu này viết rõ: “tục hiến tế người tăng mạnh theo tỉ lệ phân tầng xã hội." Tôi có nên nhắc về việc nước Mỹ từ những năm 1970 đã trở nên kém quân bình hơn, kém bình đẳng hơn, phân tầng giai cấp mạnh mẽ hơn và mức độ di động kinh tế xã hội giảm sút vì các chính sách được tiến hành bởi giới lãnh đạo Cộng hòa, các công ty lớn và giới tài phiệt? Dù họ có tin rằng COVID có thật hay không, hay liệu Chúa sẽ giúp họ sống hay không, hay liệu vaccine có phải “mật ngọt của Satan” hay sẽ gây vô sinh hoặc tệ hơn, hay liệu lệnh tiêm ngừa có phải là một kế hoạch nham hiểm của giới tinh hoa cánh tả, hay biến thể Omicron có phải một đòn “tung hoả mù” để dư luận không chú tâm vào phiên tòa của Ghislane Maxwell hay không (họ viện dẫn “Delta” và “Omicron”, tên hai biến thể COVID, khi xáo lại sẽ trở thành media control – kiểm soát tin tức) – bất kể lý do của họ là gì đi nữa, hàng triệu dân Mỹ đã được cánh hữu thuyết phục hãy đẩy mạnh cái chết, có thể là hy sinh chính mình và người khác, với vẻ ngoài là vì tự do cá nhân nhưng chắc hắn là để tăng tình đoàn kết và khắng khít giữa những người thân Cộng hòa. Đó là lý do mà Thống đốc Cộng hòa của tiểu bang Texas, sau khi ra lệnh mang khẩu trang ở giai đoạn đầu của đại dịch, lại luồn cúi trước nhóm cực đoan mà đưa ra lệnh cấm doanh nghiệp yêu cầu khách hàng phải tiêm vaccine. Đó là lý do mà trong một cuộc hội đàm của những ứng cử viên Cộng hòa đang tranh cử ghế Thượng viện Hoa Kỳ đại diện bang Ohio tháng 11 vừa rồi, một ứng viên khoe khoang “tôi là người duy nhất ở đây chưa tiêm ngừa đấy”. Đó là lý do Tổng Chưởng lý thuộc Đảng Cộng hòa của tiểu bang Missouri, đang ứng cử chức Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, thông báo cho các quan chức y tế và giáo chức tháng 12 vừa rồi rằng “bất cứ lệnh yêu cầu mang khẩu trang, cách ly và các biện pháp an toàn” liên quan tới COVID là “vi hiến” và vì thế “không còn hiệu lực”. Một hạt ở bang này còn tưởng rằng ông buộc phải “chấm dứt mọi hoạt động liên quan tới COVID”. Đó là lý do 13 tiểu bang ban hành luật cấm lệnh vaccine đều có điểm chung là Đảng Cộng hòa kiểm soát cơ quan lập pháp, và có ít nhất là năm tiểu bang Cộng hòa chấp nhận người mất việc làm vì từ chối vaccine được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vào năm 2020, phong trào chống đối việc mang khẩu trang và thực thi các biện pháp y tế của chức sắc Cộng hoà đã ảnh hưởng tới nhiều người, nhưng điều này không. Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi trong khoản nửa sau của năm 2021 với việc vaccine bắt đầu được phổ biến cho toàn dân. Trong số 20 tiểu bang có tỉ lệ bao phủ vaccine thấp nhất nước Mỹ, Trump đã thắng 17 tiểu bang trong đợt bầu cử 2020. Theo một phân tích, trong một phần mười dân Mỹ có xu hướng thân Cộng hoà nhất chỉ có 42% tiêm vaccine đầy đủ. Ở bang Washington, thiểu số chưa tiêm vaccine hiện đang cấu thành 9 trên 10 nạn nhân COVID dưới 65 tuổi, và ¾ ở số nạn nhân cao tuổi hơn. Người không chích vaccine (với xác suất 3/5 là đảng viên Cộng hoà) và người tử vong vì COVID đang dần trở thành một hiện tượng đặc trưng của Đảng Cộng hoà. Tôi bắt đầu xem trọng ý tưởng “giết người tế thần diện rộng” này sau khi quan sát một biểu đồ mùa thu vừa rồi. Nhà xã hội học Kieran Healy của Đại học Duke đã vẽ đồ thị giữa số tử vong và mức độ thiên Cộng hoà (degree of Republicanism) của 3 ngàn hạt/quận của nước Mỹ, rồi chia những hạt/quận này thành 10 nhóm đều nhau. từ “đỏ” nhất (ủng hộ Đảng Cộng hoà) tới “xanh” nhất (ủng hộ Đảng Dân chủ). Ở những khu vực “đỏ” nhất – có tỉ lệ bầu cho Trump cao hơn 70% – tỉ lệ tử vong vì COVID tư tháng Sáu tới tháng 11 cao gấp năm tới sáu lần những khu vực “xanh”. Độ tương quan về mặt thống kê rất rõ ràng – một người sống trong hạt càng ngả Cộng hoà có tỉ lệ chết vì COVID càng cao. Ở thời hoàng kim 500 năm trước, giới lãnh đạo Aztec hiến tế khoảng 20 ngàn người một năm theo nhiều ước tính. Ngày nay, theo các chuyên gia ở Kaiser Family Foundation (Tổ chức Gia đình Kaiser), nếu chỉ ước tính “số tử vong vì COVID có thể được ngằn ngừa bằng việc tiêm vaccine”, số người Mỹ đã phải qua đời một cách không cần thiết từ tháng Sáu tới 11 năm ngoái là 163 ngàn. Một tuần lễ trước Giáng Sinh, tại một hội nghị bảo thủ tại Phoenix, Arizona có tên Americafest (tạm dịch là “Lễ hội Mỹ”), Sarah Palin* nói “Phải bước qua xác tôi mới hòng tiêm được tôi” và “nếu chúng ta khởi nghĩa, sẽ có nhiều người theo chúng ta hơn chúng nó." (Tuần này, phiên toà của bà Palin kiện tờ New York Times đã bắt đầu, nhưng thẩm phán thông báo bà đã dương tính với coronavirus và “tất nhiên, bà chưa tiêm ngừa”). 87% số người lớn đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. 13% còn lại là những người kiên quyết không chích ngừa – và hầu hết trong số đó, cũng như Palin, là đảng viên Cộng hoà hoặc thiên Cộng hoà. *Cựu Thống đốc Alaska, ứng cử viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hoà chung liên danh với John McCain năm 2008. Một điều đáng lưu ý là vị Tổng thống Cộng hòa kích động phong trào chống cách ly, chống khẩu trang trong năm 2020 cũng không bám theo luận điệu chống vaccine hoàn toàn. Dù đã được miễn dịch tự nhiên từ lần nhiễm virus trước đây, Trump là một trong những người đầu tiên được chích vaccine một năm trước, và gần đây đã tiêm thêm mũi tăng cường. “Tôi tin vào sự tự do của các vị mà, tôi tin chứ, nhưng các vị phải làm những gì mình cần làm thôi.” Trump nói trong một buổi vận động tháng Tám vừa rồi tại một hạt ở Alabama, nơi ông hưởng 88% số phiếu. Ông nói thêm: “Tôi khuyên là nên chích vaccine đi. Tôi chích rồi, tốt lắm, chích vaccine đi.” Một vài người la ó. Điều này sẽ hút thêm tin tức, âu cũng là điều Trump muốn. Ông nhắc lại điều này trong ba cuộc phỏng vấn liên tục những ngày sau đó, thậm chí có phần mạnh mẽ hơn khi nói chuyện với Bill O'Reilly trong một buổi trò chuyện, trên Fox News, và trên Daily Wire với “ngôi sao” MAGA Candace Owens. Trong sáu năm vừa rồi, rất ít người ủng hộ trung thành với Trump – dù có tôn giáo hay không – chỉ trích tính không nhất quán của ông. Và với việc Trump có thể chạy đua Tổng thống lần nữa trong năm 2024, ông phải biết được tỉ lệ thắng thua của đợt bầu cử 2016 và 2020 chỉ cỏn vẹn vài ngàn phiếu ở một số bang chiến địa, và người ủng hộ của ông lại là người hy sinh nhiều nhất. “Tôi xem phỏng vấn một số chính khách” Trump nói đầu tháng nay, “rồi một trong những câu hỏi là “ông/bà đã tiêm mũi tăng cường chưa?”… Bọn họ trả lời lòng vòng, nhưng chung quy lại là “có”, nhưng đâu dám nói huỵch toẹt ra đâu, vì bọn họ đâu có gan." Một đối thủ tiềm năng của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ, Thống đốc Florida Ron DeSantis, luôn từ chối phát biểu liệu ông đã tiêm mũi tăng cường hay chưa. Đại dịch này rồi cũng sẽ hết, và số người để hiến tế rồi cũng sẽ cạn. Nhưng những người đã chính trị hoá và làm mọi chuyện tệ hơn trong tấn kịch chết chóc đã nhận ra, dẫu là vô thức, rằng việc hiến tế người diện rộng đã trở thành thứ vũ khí chính trị mới cho một đảng có hệ tư tưởng ủng hộ bất bình đẳng tới mức cực đoan. Rồi họ sẽ lợi dụng khủng hoảng y tế nào tiếp theo? Nói cho cùng thì 40 năm nay họ đã cho thấy lương tri của mình khi nhắm mắt làm ngơ hàng ngàn mạng sống một năm ra đi vì thứ “tôn giáo” súng đạn của Mỹ. Nhưng nghiên cứu từ giới nhân chủng học cũng cho ta vài tia hy vọng. 93 nền văn hóa Austronesian đã đề cập trên đều có dân số dưới một triệu. Trong một nghiên cứu đa văn hoá đang được thực hành, dựa trên một kho dữ liệu lịch sử tên Seshat (tách biệt khỏi nghiên cứu Austronesian và có quy mô rộng hơn), người ta đã tìm thấy mối quan hệ ngược giữa hiến tế và dân số. Việc hiến tế có tổ chức, được nhà nước kiểm soát thường khó diễn ra ở những xã hội lớn hơn. Tác giả Laura Spinney giải thích cho tờ The Atlantic năm 2018: kho dữ liệu Seshat “có đề cập tới những siêu đế chế với hàng chục triệu công dân” và vì thế “có mức độ phức tạp gần hơn với xã hội hiện đại.” Người ta dần nhận ra đặc tính “ký sinh” của việc hiến tế người. Harvey Whitehouse, nhà nhân chủng học của Đại học Oxford, kết luận “hình thức bất bình đẳng ác độc này không thể sinh tồn trong những xã hội cỡ lớn vì tính bất công của nó." Có lẽ tại quốc gia 330 triệu dân này, hoặc đơn giản là tại những khu vực “rất đỏ,” chiến thuật “sống chết mặc bây” của Đảng Cộng hòa rồi cũng sẽ chấm dứt. Chúng ta có bằng chứng thực tiễn rằng đạo đức nhân loại rồi sẽ nghiêng về phía công lý. Thế nhưng, ngày nay con số tử vong vẫn tăng dồn dập mà không có lý do chính đáng. Kurt Andersen là tác giả của cuốn Evil Geniuses: The Unmaking of America: A Recent History.
Người dịch: Sam Tran
Biên tập: Derek
Comments