top of page

Giới trẻ Mỹ nhận ra sức nặng lá phiếu bầu của mình

Translated from The Economist article Younger Americans feel their voting weight


Sau nhiều năm nắm quyền ảnh hưởng của thế hệ cũ, giới trẻ giờ đây nhiều khả năng sẽ quyết định cuộc bầu cử.


Ngày 06 tháng 9, 2020


Năm nay là năm của người trẻ. Những người tham gia các cuộc biểu tình chống bất công sắc tộc phần lớn đều đang ở độ tuổi 20. Độ tuổi trung bình của những người biểu tình bị bắt giữ kể từ giữa tháng Sáu ở Portland, Oregon (một trong những trung tâm biểu tình) là 28. Người trẻ đã may mắn không chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp bởi COVID-19 nhưng chịu tác động mạnh nhất từ những công tác chống dịch. Hồi tháng Tư, cứ 5 người ở độ tuổi 18 đến 29 thì có đến 4 mất việc làm hoặc chịu giảm lương đáng kể. Nhưng chỉ khoảng 3 trên 5 người độ tuổi 50 đến 64 gặp phải tình trạng tương tự. Giới trẻ phần lớn làm những công việc dễ chịu ảnh hưởng bởi việc đóng cửa, như phục vụ bàn hoặc nhân viên bán lẻ.


Và năm 2020 sẽ là năm của người trẻ ở một khía cạnh quan trọng khác. Trong cuộc bầu cử này, đây sẽ là lần cuối cùng thế hệ “bùng nổ dân số” nắm cửa trên (baby-boomers, những người sinh trong khoảng thời gian 1946 đến 1964) và cuộc bầu cử đầu tiên có số cử tri dưới tuổi 40 chiếm đa số, đặc biệt là thế hệ thiên niên kỷ sinh ra trong khoảng 1981 đến 1996. Bill Frey, một chuyên gia dân số ở Viện Brookings, một viện nghiên cứu chính sách, cho rằng: “Hoa Kỳ đang chuyển mình từ một nền chính trị và văn hoá vốn được nhào nặn chủ yếu bởi thế hệ ‘bùng nổ’ da trắng trong nửa sau thế kỷ 20 sang một quốc gia đa dạng sắc tộc hơn, thúc đẩy bởi lớp trẻ: thế hệ thiên niên kỷ, thế hệ Z và con em họ.”


Thế hệ “bùng nổ” đã thống trị nền chính trị Hoa Kỳ kể từ thập niên 1990, khi họ trở thành thế hệ đang sống lớn nhất thời bấy giờ và đóng góp một lượng lớn phiếu bầu. (các thế hệ “bùng nổ” và “thiên niên kỷ” đều được ghi nhận chính thức, do những thuật ngữ này được chính Cục Dân số sử dụng; các thế hệ khác đều chỉ là cách phân biệt tự phát.) Kể từ cuộc cuộc bầu cử Bill Clinton năm 1992, sáu trong số tám Tổng thống và Phó Tổng thống thuộc thế hệ “bùng nổ” (Joe Biden, nay là ứng cử viên Đảng Dân chủ, là một trong những ngoại lệ do lớn tuổi hơn hẳn). Phần lớn Quốc hội cũng tương tự. Kể từ năm 1998, độ tuổi trung vị của các Nghị sĩ rơi vào thế hệ “bùng nổ.”


Tuy nhiên, vào năm 2019, thế hệ này đã không còn đông đảo nhất và thế hệ thiên niên kỷ đã vượt lên tuyệt đối. Thời điểm đó có đến 72 triệu người thế hệ thiên niên kỷ độ tuổi 23 đến 38, nhiều hơn thế hệ bùng nổ (55 đến 73 tuổi lúc bấy giờ) 500,000 người, trích thông số từ Trung tâm Nghiên cứu Pew. Thế hệ cũ đang lần lượt ra đi; dân nhập cư ngày càng đông hơn ở thế hệ mới. Lần đầu tiên, vào năm 2019, nhiều hơn một nửa dân số Mỹ thuộc thế hệ thiên niên kỷ hoặc trẻ hơn (bao gồm thành viên của các thế hệ đi sau như Gen Z, sinh trong khoảng 1997 đến 2012, và Hậu Gen Z, sinh sau năm 2013). Đây là thế hệ Netflix chứ không phải chỉ mạng đơn thuần; thế hệ của Greta Thunberg chứ không phải Greta Scacchi. Ba nhóm trẻ tuổi nhất chiếm 51% dân số Hoa Kỳ năm 2019. Năm 2010, con số này chỉ ở mức 41%.


Ảnh hưởng của những thay đổi hiện nay trong cấu trúc dân số đối với bầu cử là không đáng kể, do phần lớn Gen Z vẫn còn chưa đến tuổi đi bầu, và thế hệ thiên niên kỷ có tiếng là - mặc dù không hoàn toàn đúng - thờ ơ với chính trị. Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. “Thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z sẽ cấu thành 40% cử tri năm 2020, mang lại cho họ quyền lực vô cùng lớn.” Carolyn Dewitt, lãnh đạo Rock the Vote (tạm dịch: “Khuấy động phiếu bầu”), một tổ chức vận động bầu cử, cho hay. Hai nhóm đủ tuổi bầu cử trẻ nhất nhiều khả năng sẽ nắm nhiều lá phiếu hơn hai nhóm lớn tuổi nhất, gồm thế hệ “bùng nổ” và nhóm vẫn được gọi là “thế hệ lặng câm” sinh trước năm 1946 (xem biểu đồ 1).

“Nếu người trẻ không đi bầu...còn gì là nền dân chủ nữa,” Wisdom Cole thuộc tổ chức giới trẻ của NAACP (tạm dịch: “Hiệp hội Quốc gia về Tiến bộ cho Người da màu”) cho hay.


Sự dịch chuyển theo thiên hướng về giới trẻ đang diễn ra nhanh chóng một cách bất ngờ chứ không phải theo từng bước nhỏ. Trong lần bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010, thế hệ bùng nổ và trên họ nắm số phiếu gần gấp đôi so với các thế hệ trẻ hơn. Mới chỉ năm 2014, sự cách biệt này vẫn còn tồn tại: thế hệ bùng nổ chiếm 57 triệu phiếu bầu; cử tri trẻ tuổi hơn chỉ chiếm 36 triệu phiếu. Bốn năm sau đó, ba thế hệ trẻ nhất (nay bao gồm một phần Gen Z) đã nắm nhiều phiếu bầu hơn các bậc tiền bối. Không phải trùng hợp ngẫu nhiên mà lần bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 chứng kiến một làn sóng xanh khi Đảng Dân chủ giành lại Hạ viện.


Thế hệ trẻ có sự khác biệt về thái độ, đa dạng sắc tộc, và giáo dục so với các bậc tiền bối. Theo Pew, thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z là những người nhìn chung đồng thuận rằng nhà nước cần làm nhiều hơn để giải quyết các vấn đề, hôn nhân đồng giới là tốt cho xã hội, biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người gây ra, và người da đen bị đối xử tệ hơn người ra trắng. Phần lớn họ cũng cho rằng chủ nghĩa tư bản cần phải được ghìm lại, Richard Fry thuộc Pew cho hay, nhiều khả năng do hai thế hệ này đều đang bắt đầu tìm việc làm đúng vào thời suy thoái: thế hệ thiên niên kỷ gặp phải Đại Suy thoái, còn Gen Z gặp phải suy thoái do covid.


Thúc đẩy thế hệ Z

Họ cũng bao gồm nhiều thành phần sắc tộc thiểu số hơn hẳn. Hiểu đơn giản là, càng trẻ tuổi bạn càng nhiều khả năng là người da đen, Mỹ Latin hoặc châu Á. Ông Frey tính toán rằng gần ba phần tư người độ tuổi 60 là da trắng. Một nửa những người dưới tuổi 20 thuộc các nhóm thiểu số. Tầm ảnh hưởng của các nhóm thiểu số trẻ tuổi là đặc biệt đáng kể ở các tiểu bang miền nam. Ở Texas, 44% cử tri hợp lệ là người gốc Mỹ Latin hoặc người da đen. Nhưng trong số cử tri dưới 40 tuổi, nhóm sắc tộc thiểu số chiếm quá nửa. Ở Arizona, cộng đồng gốc Mỹ Latin chiếm 31% tổng số phiếu bầu hợp lệ, nhưng lại chiếm đến 44% trong nhóm dưới 40 tuổi. Ở 8 tiểu bang khác, bao gồm Georgia và Florida, quá nửa số cử tri dưới 40 tuổi thuộc các nhóm thiểu số. Đây là những nơi mà Đảng Dân chủ có cơ hội thắng cử lần đầu tiên sau cả một thế hệ. Họ cũng là những người bị kích động mạnh nhất từ những vụ sát hại George Floyd và nhiều nạn nhân khác.


Thế hệ thiên niên kỷ và Gen Z cũng được giáo dục tốt hơn ông bà cha mẹ họ. Pew Research Centre đã nhìn vào trình độ học vấn giữa độ tuổi 25 đến 37 trong mỗi thế hệ. Với thế hệ bùng nổ dân số, có khoảng 25% trong số họ có bằng cử nhân hoặc bậc cao hơn. Với thế hệ thiên niên kỷ, con số đã tăng thành 39%. Sự nhảy vọt đặc biệt là điều tuyệt vời cho phái nữ. Trong số thế hệ bùng nổ dân số, nhiều nam giới có bằng đại học hơn nữ giới. Trong số thế hệ thiên niên kỷ, 43% nữ giới có bằng đại học, hơn hẳn 7% so với nam. Kết quả tồi tệ của đảng Cộng hòa trong năm 2018 ở các đồn lũy cũ là các khu ngoại ô, phần nhiều đến từ sự căm ghét đối với ông Trump của nhóm phụ nữ thế hệ thiên niên kỷ có trình độ đại học.


Giáo dục và chủng tộc là những yếu tố dễ dự đoán nhất đến sự ủng hộ đảng phái. Tỉ lệ ủng hộ đảng Dân chủ của người Da Đen là 10:1, người gốc châu Á và Mĩ Latinh là 2:1; cỡ 53% số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tự nhận mình theo đảng Dân chủ, chỉ có 40% tự nhận là theo đảng Cộng hòa

Tổng hợp các điều này lại với nhau, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy rằng các cử tri trẻ tuổi ngày càng có khuynh hướng thiên tả hơn so với thế hệ Bùng Nổ. Những cử tri trẻ tuổi sẽ tập trung vào vấn đề hơn là việc ủng hộ đảng phái, nhưng họ có xu hướng bầu cho đảng Dân chủ (xem đồ thị số 2).


Vào năm 2016, theo ước tính từ ông Frey của Brookings, số dân ở độ tuổi từ 33 đến 44 (thế hệ thiên niên kỷ già hơn) đã bầu cho bà Hillary Clinton hơn hẳn 10 điểm (tầm 45% đến 55%); cử tri độ tuổi 18 đến 29 (thế hệ thiên niên kỷ trẻ hơn và Gen Z) hơn tầm 19 điểm. Thế hệ thiên niên kỷ tạo ra nền tảng của sự hậu thuẫn cho những người cánh tả cấp tiến, những người đã làm rất tốt trong các cuộc tranh cử sơ bộ đảng Dân chủ năm nay.


Nhưng kết quả sẽ thế nào? Năm nay, cô DeWitt thừa nhận rằng, “phần trên cùng của lá phiếu sẽ không là động lực.” Cũng như sẽ không cố tình cản trở các bước bỏ phiếu. Dù sao thì cử tri dưới độ tuổi 30 luôn bỏ phiếu ít hơn những người lớn tuổi hơn, thường với mức chênh lệch lớn, mặc dù điều đó cũng do các đảng chính trị chứ không riêng gì bản thân cử tri. Vào năm 2016, hai phần ba nhóm cử tri trẻ tuổi cho biết rằng họ đã không được liên hệ bởi bất kỳ đảng phái nào trước cuộc bầu cử, có thể bởi vì các đảng chỉ lo tập trung nỗ lực vào việc tăng cường tỷ lệ cử tri vào những người đã từng đi bầu trước đó (khiến cho số lượng cử tri thấp trong giới trẻ như là một điềm báo). “Cử tri trẻ tuổi bỏ phiếu dựa trên các vấn đề xã hội,” ông Cole trong Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP) lên tiếng. “Chúng ta sẽ không khiến họ đi bầu nhiều hơn bằng cách bảo họ, ‘Đi bầu đi! Bầu cử đi!’.” Và, theo lời ông Fry từ bên Pew Research Center nói, “đại dịch ảnh hưởng đến số lượng cử tri là điều ai cũng đoán được.”


Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu thay đổi ở đây. Hoá ra tỷ lệ cử tri trong độ tuổi từ 18 đến 29 nhiều hơn gần gấp đôi giữa các cuộc bầu cử giữa kỳ từ năm 2014 đến 2018. Có thể thấy được, những người tổ chức bầu cử, các nhà hoạt động của thế hệ Gen Z tham gia nhiều trong chiến dịch bầu cử năm 2020 hơn là những cử tri lớn tuổi hơn. Nền tảng đăng ký cử tri trực tuyến Rock the Vote đã có 900,000 lượt đăng ký cho đến nay, so với 500,000 lượt đăng ký tại cùng thời điểm vào năm 2016. Theo suy đoán của cô DeWitt, có thể rằng cơn thịnh nộ về cái chết của George Floyd và những người khác sẽ là một cơn thức tỉnh cho giới trẻ. Sự ghê tởm đối với ông Trump có thể bao trùm nhiều thế hệ.


Các đảng viên đảng Dân chủ đương nhiên là rất cẩn trọng trong cuộc thăm dò ý kiến về ứng cử viên Joe Biden. Theo kết quả từ năm 2016, các ứng cử viên dẫn trước có thể bị tụt lại và Đại cử tri đoàn có thể khiến cho một ứng cử viên thua lá phiếu phổ thông nhưng vẫn được vào nhà Trắng. Nhưng theo quan điểm của thế hệ, điều đó là không ngạc nhiên gì khi đảng Dân chủ nên dẫn đầu. Điều đó không chỉ phản ánh tính cách và hồ sơ của ông Trump mà còn phản ánh các mảng kiến tạo của dân số học trong việc bầu cử.


Người dịch: Tom Nguyễn, Tegan Trần

Biên tập: Khánh Đoan

Comments


bottom of page