top of page

Hai cách phe Cộng Hoà tấn công nền dân chủ - Tệ và ... rất tệ


Các chiến dịch của đảng Dân chủ chỉ có thể vượt qua một số, nhưng không phải là tất cả, những nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm tước quyền của nhiều cử tri.


By Ian Millhiser, on 03-05-2021, 03:00:00

Các chiến dịch của đảng Dân chủ chỉ có thể vượt qua một số, nhưng không phải là tất cả, những nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm tước quyền của nhiều cử tri.

Mới đây, đảng Dân chủ - rộng hơn là nền dân chủ của nước Mỹ - mới chỉ giành được một chiến thắng được coi là rất tạm thời ở Texas.

Vào tối Chủ nhật 30/05, đảng Cộng hòa ở Texas dự kiến thông qua Dự luật 7 của Thượng viện (Senate Bill 7), trong đó có một số điều khoản khiến việc bỏ phiếu ở Texas trở nên khó khăn hơn. Nhưng các đảng viên đảng Dân chủ đã tận dụng hai thủ tục ràng buộc để tạm thời ngăn chặn dự luật này.

Phiên họp lập pháp đã kết thúc vào lúc nửa đêm, đặt ra thời hạn cho tất cả các dự luật mà các nhà lập pháp ở Texas mong muốn ban hành và 2/3 số thành viên Hạ viện phải có mặt để tiến hành công việc. Vì vậy, các đảng viên Dân chủ đã câu giờ bằng cách rời bỏ phòng họp Hạ viện trước khi phía Cộng hòa có thể kêu gọi một cuộc bỏ phiếu về dự luật.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm trước, một điều còn đáng ngạc nhiên hơn đã xảy ra. Mặc dù các đảng viên Cộng hòa đã thống nhất với việc thông qua một số dự luật hạn chế cử tri, các phiên bản luật của Hạ viện và Thượng viện của vẫn còn khá nhiều điểm khác biệt. Hôm thứ Bảy (29/05), một hội đồng thảo luận bao gồm các thành viên của cả hai viện đã đưa ra phiên bản của dự luật mà họ dự kiến sẽ thông qua vào Chủ nhật - và nó đã loại bỏ nhiều điều khoản “diều hâu” nhất của dự luật bên Thượng viện. Ví dụ, phiên bản dự luật của Thượng viện dự tính kiểm soát chặt chẽ vị trí đặt phòng phiếu tại những quận hạt lớn nhất của Texas - những nơi có các thành phố lớn với đa số dân ủng hộ đảng Dân chủ. Nếu điều khoản này được thông qua, nhiều điểm bỏ phiếu tại khu vực theo phe Dân chủ, vốn tập trung đông cử tri thuộc sắc dân thiểu số, sẽ bị đóng cửa. Nhưng uỷ ban thảo luận đã gỡ bỏ điều khoản này. Tương tự vậy, ủy ban cũng đã bác bỏ một điều khoản mơ hồ, vốn có thể loại bỏ cử tri khỏi danh sách sau khi họ "được xác định là không đủ điều kiện để bỏ phiếu". Điều khoản này không ghi rõ làm thế nào để xác định một cử tri không đủ điều kiện.

Vậy liệu rằng cuộc chiến bảo vệ quyền bầu cử ở Texas đã thành công? Khó có thể coi là vậy. Thống đốc Greg Abbott, một thành viên đảng Cộng hoà, dự kiến sẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt để đảm bảo rằng những đạo luật hạn chế cử tri mới sẽ được thông qua. Có khả năng một số điều khoản đã bị xóa sẽ được đưa trở lại trong phiên họp này.

Tuy nhiên, việc ủy ban thảo luận đã không thông qua các điều khoản này cho thấy rằng có một số bất đồng nội bộ trong đảng Cộng hòa ở Texas về mức độ cực đoan của những biện pháp hạn chế cử tri mà họ dự tính triển khai. Và sự bất đồng này có thể mở ra một hướng đi cho phe Dân chủ khi phiên họp đặc biệt diễn ra.

Về cơ bản, có hai loại luật về việc hạn chế cử tri. Nhiều điều khoản hiện đang được các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa thúc đẩy khiến cho việc bỏ phiếu theo một cách nhất định, chẳng hạn như bỏ phiếu bằng thư (mail-in ballot) hoặc thả phiếu vào hộp (drop box), trở nên khó khăn hơn. Hoặc họ đặt ra những rào cản hành chính không cần thiết để gây khó dễ cho cử tri đi bầu. Những điều khoản này thường không có mục đích gì khác ngoài việc khiến việc bỏ phiếu khó khăn hơn, nhưng chúng không phải là những trở ngại không thể vượt qua. Có những điều khoản khác còn nguy hiểm hơn. Chúng có thể tước quyền các cử tri mà không có lý do xác đáng. Hoặc cho phép các quan chức đảng phái từ chối chứng nhận một cuộc bầu cử, ngay cả khi không có nghi ngờ chính đáng nào về kết quả bỏ phiếu. Hay những điều khoản này sẽ gây khó khăn cho một số cử tri (những người nhiều khả năng ủng hộ đảng không nắm quyền) tới mức họ không thể bỏ phiếu, và kết quả là đảng đương nhiệm không thể thua.

Đây là những loại điều khoản có khả năng cao được sử dụng để thao túng kết quả bầu cử. Phân biệt giữa hai điều này có thể mang lại nhiều lợi ích bởi những người ủng hộ quyền bầu cử phải lựa chọn cuộc chiến của họ trên nhiều mặt trận.

Không phải tất cả các điều luật hạn chế bỏ phiếu đều nguy hiểm như nhau Mới đây, phóng viên Ronald Brownstein của tờ Atlantic cho biết Nhà Trắng dưới thời TT Biden bỗng trở nên lạc quan một cách đáng kinh ngạc trước loạt dự luật đàn áp cử tri mới nhất vốn đang được thông qua tại các cơ quan lập pháp tiểu bang khác nhau. Brownstein viết: “Mặc dù các quan chức Nhà Trắng nhìn nhận các luật này là thứ xúc phạm dân quyền, họ không cho rằng hầu hết các luật đó sẽ có lợi cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử năm 2022 và 2024 như nhiều nhà hoạt động ủng hộ phong trào khai phóng lo ngại.”

Ví dụ như các hạn chế nhắm vào quyền bỏ phiếu khiếm diện (absentee voting). Trước khi cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra, Tổng thống Donald Trump khi đó thường xuyên phản đối việc bỏ phiếu qua thư, thường xuyên đưa ra những phát ngôn sai lệch về vấn đề gian lận phiếu bầu. Và có vẻ như những lời dối trá của ngài cựu Tổng thống đã ghim sâu vào tâm trí của những người ủng hộ ông - và thế là trong năm 2020, tỉ lệ cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu qua thư nhiều hơn cao hơn rất nhiều so với phe Cộng hoà.

Đảng viên đảng Cộng hòa ở Georgia đối phó với sự chênh lệch trong tỉ lệ cử tri bỏ phiếu khiếm diện này bằng cách ban hành một số hạn chế đối với việc bỏ phiếu qua thư.Và nhiều khả năng Texas cũng sẽ bổ sung thêm những hạn chế mới cho các đạo luật kiểm soát phiếu bầu khiếm diện vốn đã hà khắc của tiểu bang này. Nhưng không rõ liệu những hạn chế mới này sẽ thực sự có lợi cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử trong tương lai hay không. Như chuyên gia dữ liệu David Shor của đảng Dân chủ hồi tháng 3 nói với tôi rằng "nếu bạn nhìn vào bảy tiểu bang có từ rất ít phiếu bầu qua thư đến bầu theo một số lượng lớn (Alabama / Connecticut / Montana / Massachusetts / New Jersey / New York / Pennsylvania), họ có xu hướng nghiêng về phía Trump khoảng 0.2% so với 43 bang khác.” Dường như mức độ bỏ phiếu vắng mặt cao hơn giữa các đảng viên Dân chủ đã dẫn đến tổng số cử tri Dân chủ đi bầu lớn hơn, ít nhất là so với các tiểu bang Cộng hòa lân cận. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng cử tri gốc Phi vận động để đối phó với các cuộc tấn công nhắm vào quyền bầu cử, có khả năng vô hiệu hóa - hoặc, ít nhất, giảm nhẹ - tác động của các cuộc tấn công đó. Nhưng không có nghĩa là những cử tri cảnh giác, hay những chiến dịch thông minh có thể vượt qua được hết tất cả những đạo luật hạn chế cử tri mới được tung ra này.

Chẳng hạn như, điều luật mới của Georgia cho phép các quan chức Đảng Cộng hòa cấp tiểu bang tiếp quản các hội đồng bầu cử địa phương ở các nơi đông cử tri Dân chủ như Atlanta. Đó là một điều hệ trọng bởi những hội đồng địa phương này có thể đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu, loại bỏ (disqualify) các cử tri hoặc thậm chí từ chối chứng nhận kết quả bầu cử. Kể cả những lá phiếu tới từ các cử tri mẫu mực nhất cũng vẫn có khả năng bị vứt vào sọt rác.

Tương tự đó, một điều khoản của dự luật vốn vượt qua ủy ban thảo luận tại Texas yêu cầu các quan chức bầu cử quận phải “phát triển một kế hoạch bổ sung” nhằm tiến hành “duy trì danh sách cử tri” nếu “quận có số lượng cử tri đã đăng ký bằng hoặc nhiều hơn số người đủ điều kiện để đăng ký bầu cử trong quận.” Các quận hạt chậm trễ trong việc tuân thủ quy định này có thể bị phạt $1,000 cho mỗi ngày. Vậy tại sao cần phân biệt giữa hai loại luật phản dân chủ này? Tôi làm rõ rằng, việc chúng ta phân biệt giữa loại chiến thuật hạn chế bầu cử có thể được khắc phục thông qua chiến dịch vận động cũng như giáo dục cử tri, với những đạo luật chỉ có thể được giải quyết bằng con đường pháp lý, ví dụ như như quy chế về quyền bầu cử liên bang, không phải là để cảm thấy thoải mái hơn với bất kì loại chiến thuật nào. Dù có hiệu quả hay không, chúng vẫn là những đòn giáng vào nền dân chủ. Thay vào đó, điều quan trọng là những vệ binh của nền dân chủ nên đặc biệt cảnh giác trong việc tìm cách đánh bại loại luật thứ hai bằng bất cứ phương tiện nào sẵn có. Hiện tại, luật về quyền bỏ phiếu của liên bang đang bị các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ như Joe Manchin (West Virginia) và Kyrsten Sinema (Arizona) ngăn chặn một cách hiệu quả, họ kiên quyết giữ nguyên một cơ chế ngăn trở (filibuster) vốn cho phép đảng Cộng hòa phủ quyết gần như tất cả các dự luật liên bang. Nếu các thượng nghị sĩ này hồi tâm chuyển ý- hoặc giả sử đảng Dân chủ giành được thêm ghế trong Thượng viện bất chấp các chiến thuật phản dân chủ của đảng Cộng hoà - các nhà lập pháp Dân chủ trong quốc hội sẽ vẫn phải đối mặt với một cuộc giằng co nội bộ đầy trắc trở liên quan tới quyền bỏ phiếu. Đúng là Hạ viện hồi đầu năm đã thông qua Đạo luật Vì Nhân dân (For the People Act), một dự luật toàn diện về quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, không khó để một dự luật tham vọng nhưng yểu mệnh được một viện trong quốc hội thông qua. Nhưng để dự luật đó nhận được cái gật đầu của đa số lưỡng viện thì khó hơn gấp bội, đặc biệt khi mà các nhà lập pháp sẽ phải cam chịu tất cả những hệ quả mà hành động của mình mang lại. Và, tất nhiên, bất kỳ dự luật nào được Quốc hội hiện tại muốn được thông qua, thì đều phải giành được sự ủng hộ của các đảng viên Đảng Dân chủ bảo thủ như Manchin và Sinema - người trước đây từng ra dấu rằng ông muốn có một cách tiếp cận khác với những gì được đưa ra trong đạo luật Vì Nhân dân. Nếu phe Dân chủ có thể thông qua một dự luật về quyền bỏ phiếu kém tham vọng hơn Đạo luật Vì Nhân dân, sẽ là khôn ngoan nếu khoanh vùng được đâu là những chiến thuật hạn chế cử tri cấp tiểu bang có thể được khắc phục thông qua chiến dịch vận động cũng như giáo dục người đi bầu, và đâu là những chiến thuật có khả năng lũng đoạn của bầu cử trừ khi có sự can thiệp của Quốc hội; để rồi từ đó tập trung xử lí những chiến thuật nguy hiểm hơn này.

Tương tự, một số đại công ty đã lên tiếng phản đối luật hạn chế cử tri của Georgia và tin cho hay 100 giám đốc điều hành đã gặp nhau để thảo luận về cách đánh bại các cuộc tấn công tương tự vào nền dân chủ. Các công ty này có nhiểu ảnh hưởng đối với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hơn so với các nhà lập pháp Dân chủ hay các nhóm ủng hộ quyền bầu cử. Và, mặc dù họ có thể không có đủ sức ảnh hưởng để có thể hủy bỏ tất cả các đạo luật hạn chế cử tri, nhưng những người này có thể gây áp lực buộc các nhà lập pháp Cộng hòa loại bỏ một số điều khoản “diều hâu” nhất. Cuối cùng, các luật sư Dân chủ không có nhiều nguồn lực để có thể thách thức những đạo luật phản dân chủ này. Và các thẩm phán ủng hộ quyền bỏ phiếu có thể mong muốn làm suy yếu những đạo luật như vậy nhưng cũng có thể sẽ cần phải thận trọng khi đưa ra một quyết định ủng hộ dân chủ vốn có khả năng bị đảo ngược bởi các toà án cấp cao hơn - đặc biệt trong bối cảnh một Tối cao Pháp viện bày tỏ sự hoài nghi với quyền bầu cử như hiện nay. Tuy nhiên các tòa án cấp dưới vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền đi bầu - trong vài năm qua, các thẩm phán liên bang và tiểu bang ở những nơi như Pennsylvania, Virginia và North Carolina đã làm suy yếu hoặc hoàn toàn loại bỏ tình trạng thao túng ranh giới đơn vị bầu cử (gerrymander) ở các tiểu bang đó. Tối cao Pháp viện nhiều khả năng sẽ đưa ra những hạn chế mới nhắm vào quyền lực của nhánh tư pháp trong công cuộc bảo vệ nền dân chủ, tuy nhiên những vị thẩm phán cần trọng một cách hợp lí vẫn có thể vô hiệu hoá một số những đòn tấn công hiểm ác nhất nhắm vào quyền bầu cử. Đảng Cộng hòa nắm giữ một thứ quyền lực khổng lồ tại Hoa Kỳ, trong Thượng viện, các cơ quan lập pháp tiểu bang, và đặc biệt là trong ngành tư pháp. Có khả năng nhiều nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm hạn chế quyền bỏ phiếu sẽ tiếp tục tiếp diễn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các đạo luật như thế này là bất khả xâm phạm. Cả Đảng Dân chủ cũng những thành viên của đảng đều có khả năng hạn chế trong việc thách thức các đạo luật như vậy. Nhưng nếu may mắn, họ có thể loại bỏ ít nhất một vài điều khoản tồi tệ nhất trong số đó.

Người dịch: Que Do

Biên tập: Vu Nguyen & Bảo Trân


Comments


bottom of page