top of page

Hội thoại về COVID-19 (Phần 1)


Phần 1: Cuộc sống hậu COVID-19 và Bài học từ phòng chống dịch HIV cho COVID-19


The University of Melbourne, ngày 28 tháng 10, 2020

Ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại


Panelists:

  • Dr Anthony Fauci

    • Director, National Institute of Allergy & Infectious Diseases, USA

  • Professor Sharon Lewin AO

    • Director, The Peter Doherty Institute for Infection and Immunity

Panel moderated by

  • Professor Shitij Kapur

    • Dean, Faculty of Medicine, Dentistry and Health Sciences

    • Assistant Vice-Chancellor (Health)


Dr. Kapur: Dr. Fauci, quan điểm của anh về một cuộc sống bình thường theo kiểu mới sẽ ra sao? Chúng ta sẽ sống như thế nào vào năm sau?


Dr. Fauci: Chúng ta sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường một cách từ từ và sẽ nhanh hơn khi nào vaccine cho Covid-19 được triển khai toàn thế giới. Vì nếu chỉ có 1 nước được chủng ngừa, phần còn lại của thế giới vẫn bị dịch bệnh hoành hành. Khi đó các nước lại phải tham gia đối phó. Tại Mỹ, nếu ta bắt đầu chiến dịch vaccine bây giờ thì vào quý 2 hoặc 3 năm 2021 ta sẽ có đủ một tỉ lệ dân số nhất định đã được tiêm phòng. Nếu định nghĩa bình thường của chúng ta là vào rạp phim hay nhà hát, sân vận động, đi nhà hàng ăn uống đông kín người mà vẫn không sợ sự ‘siêu lây nhiễm’, thì điều này sẽ còn xa vời cho đến cuối năm 2021 hoặc năm sau nữa. Ngoài ra, chúng ta có thể thiết lập nên chuẩn bình thường mới trong cách thức giao tiếp hay trong việc đeo khẩu trang, giống như nhiều nước châu Á khác đã làm, ngay cả khi không có dịch bệnh. Thay vì chúng ta phải mất nửa buổi hoặc cả ngày di chuyển qua các nước khác hay bang khác để dự các cuộc họp chỉ trong 1-2 tiếng thì chúng ta chỉ cần ở nhà và bật Zoom lên. Một trong những điều có thể thấy rõ ràng là chúng ta sẽ gia tăng độ nhạy cảm về sự tàn phá tiềm tàng của dịch bệnh.


Dr. Kapur: Những thói quen mới về phòng dịch bệnh có thể được hình thành. Nhưng có người lại nói đó chỉ là một con virus có tỉ lệ chết thấp, và phần lớn chúng ta rồi sẽ ổn. Có điều gì ngược ngạo ở đây không?


Dr. Fauci: Vấn đề khó khăn là tìm ra một thông điệp nhất quán cho mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch này. Trong vài thập niên làm việc với virus, đây là lần đầu tiên tôi thấy có một virus gây bệnh ở một phổ rất rộng. Đó là từ không gây ra triệu chứng gì (khoảng 40% người nhiễm) cho đến phần lớn người bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ và trung bình; rồi có đến 20-25% người bệnh nặng bị tử vong. Một số người đặc biệt là giới trẻ sẽ nghĩ rằng nếu họ bị nhiễm virus, khả năng cao là họ không có triệu chứng gì, hoặc nếu có sẽ nhẹ thôi. Điều này thật khó để cho toàn dân hiểu được mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của bệnh.


Dr. Kapur: Quay lại với vấn đề họp mặt qua Zoom hay các mạng xã hội khác, cùng với tiện ích nó mang lại, chúng ta sẽ bị mất mát những gì?


Dr. Fauci: Tôi nghĩ là chúng ta sẽ mất rất nhiều nếu phải xoay chuyển từ cực này sang hẳn cực khác. Ngôn ngữ hình thể mà ta giao tiếp ngoài đời thực khác hẳn với khi giao tiếp qua mạng. Ta sẽ không cảm nhận những kết nối, sự nồng ấm khi ta đứng cạnh người khác. Tôi hy vọng chúng ta không quá cực đoan để loại bỏ hoàn toàn việc tiếp xúc giữa người và người. Quan trọng đừng để trẻ em trong độ tuổi đi học bị lậm vào làm việc trên mạng vì các nhà tâm lý học khuyên rằng các hoạt động thể chất của trẻ trong trường rất quan trọng cho việc phát triển.


Dr. Kapur: Vậy anh dự đoán trường học vào năm sau như thế nào?


Dr. Fauci: Tại Mỹ, chúng tôi đang cố hết sức để trẻ được quay lại trường học. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch bệnh tại từng học khu. Chúng tôi phân loại các cấp độ nghiêm trọng của dịch bệnh bằng màu sắc xanh lá, vàng, cam và đỏ. Ở những vùng cấp độ đỏ, rất khó để học sinh đi học lại bình thường. Còn các vùng khác, có thể có vài thay đổi nhỏ như một nửa học trực tuyến, một nửa học trên lớp; hoặc luân phiên ngày học/ buổi học cho các nhóm. Chúng tôi cố gắng hết sức để trẻ có thể quay lại trường.


Dr. Kapur: xin được hỏi Dr. Lewin AO và Dr. Fauci, cả hai người đều là chuyên gia hàng đầu về HIV/AIDS, chúng ta đã học hỏi những gì từ HIV/AIDS để có thể áp dụng cho COVID-19?


Dr. Lewin AO: tôi xin nhấn mạnh là HIV vẫn là một cơn đại dịch quan trọng. Hiện nay có 37 triệu người đang sống chung với HIV cho thấy HIV vẫn còn tiếp diễn và có thể COVID-19 cũng sẽ như vậy. Bài học chúng ta rút ra được từ HIV là:


1/ Khoa học rất quan trọng. Nó thay đổi cách chúng ta nghĩ về HIV, rõ ràng nhất là nhiễm HIV không còn là một án tử hình với người bị nhiễm, mà người đó có thể sống thọ như một người bình thường. Khoa học giúp ta thay đổi cách chữa trị, phát minh ra các cách chẩn đoán tiên tiến mà được áp dụng cho chẩn đoán COVID-19 ngày nay.


2/ Khả năng lãnh đạo cũng quan trọng. Có một số nước như Nam Phi hay ở Châu Á, ban đầu đợt dịch HIV bùng phát rất mạnh nhưng sau đó được quản lý rất tốt. Cách quản lý ở Úc đã tạo ra sự khác biệt lớn trong phòng chống HIV.


3/ Sự tương tác và làm việc với cộng đồng. Chúng ta không chống dịch từ cấp lãnh đạo đi xuống. Chúng ta phải làm từ dưới lên trên, bắt nguồn từ cộng đồng. Và chúng ta cũng thấy rõ sức mạnh của việc hợp tác toàn cầu. Có nhiều câu chuyện thực tế cho chúng ta học hỏi làm sao các nước nghèo và giàu hợp tác với nhau để vượt qua những khó khăn như cách tiếp cận thông tin, trang thiết bị y tế hay sự bình đẳng…


Dr. Fauci: rất đồng ý với chị Sharon.


1/ . Khoa học thật sự đã mở lối đi cho chúng ta. Từ một căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, bây giờ, nếu một người được chẩn đoán nhiễm HIV, rồi được đưa vào điều trị, dùng một viên thuốc kết hợp 3 dược chất khác nhau, thế là người đó có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Đây quả thực là sự thành công to lớn. Đối với COVID-19, chúng ta cũng cần có một loại thuốc kháng virus giống như vậy, bổ trợ thêm cho việc tiêm chủng vaccine trong cộng đồng. Nếu chúng ta có một loại thuốc kháng virus tổng hợp cho COVID-19, điều trị cho bệnh nhân chỉ trong vòng vài ngày sau khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, chúng ta sẽ loại bỏ được sự sợ hãi của dịch bệnh này. Ngoài ra nếu một bệnh nhân đã vào giai đoạn thở máy, các loại dược chất như dexamethasone sẽ giúp giảm các đáp ứng quá mức của hệ miễn dịch. Những phương pháp trị liệu trong giai đoạn sớm cũng cần thiết ví dụ như kháng thể đơn dòng. Hiện giờ có rất nhiều nghiên cứu khác nhau đang được tiến hành.


2/ Kết nối cộng đồng là công việc vô cùng quan trọng mà chúng tôi học được từ chương trình HIV. Giờ đây, COVID-19 cũng đưa ra những thách thức tương tự. Tại Mỹ, chúng tôi ghi nhận một sự chênh lệch bất thường về bệnh tật, nhập viện và tử vong giữa các cộng đồng. Người Mỹ gốc Phi có khả năng nhập viện cao gấp 5 hoặc 6 lần và có khả năng tử vong ít nhất gấp 2 đến 3 lần. Cộng đồng Latino cũng tương tự vậy. Và chúng ta phải kết nối chặt chẽ hơn để hiểu thêm về những yếu tố xã hội nào ảnh hưởng lên sức khỏe cộng đồng đó, làm cho họ dễ bị tổn thương bởi đại dịch này ngoài những căn bệnh có sẵn trên họ.


Dr. Kapur: tôi có thắc mắc là hiện tại chúng ta đang rất mong chờ vaccine cho COVID-19, trong khi 30 năm qua, chúng ta vẫn chưa có được vaccine cho HIV?


Dr. Fauci: điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của cơ thể chúng ta tạo ra các kháng thể, các phản ứng miễn dịch hiệu quả để chống lại virus một cách tự nhiên và bảo vệ chúng ta khỏi sự tái nhiễm. Thật không may cho trường hợp HIV, bộ gene của virus tích hợp quá nhanh vào bộ gene của chúng ta sau một thời gian ngắn bị nhiễm. Lúc đó cơ thể người trở thành một kho chứa virus mà chúng tôi vẫn chưa biết cách nào loại bỏ chúng triệt để. Và tôi tin rằng đó là lý do tại sao chúng tôi đã cố gắng nghiên cứu về vaccine cho HIV trong nhiều thập kỷ mà không thành công. Nhưng với coronavirus, chúng ta biết rằng phần lớn mọi người tự phục hồi sau khi nhiễm, có nghĩa là cơ thể của họ có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả. Vì vậy, nếu cơ thể có thể làm điều đó đối với nhiễm trùng tự nhiên, chúng ta có thể làm điều đó bằng vaccine.


Dr. Kapur: ngoài việc làm sao có được vaccine, thử thách tiếp theo là làm sao để mọi người chấp nhận nó. Thật bất ngờ khi các cuộc thăm dò đang cho thấy có sự hoài nghi về vaccine, đặc biệt ở các quốc gia phương Tây thì lại có nhiều ‘nghi ngại’ hơn ở các quốc gia kém phát triển. Mọi người đang lo lắng cho sự an toàn của họ và đôi khi lại sợ hãi quá mức về việc tiêm hay không tiêm vaccine dù nó đã được chấp thuận thông qua các quy trình thích hợp của FDA và mọi thứ khác.


Dr. Fauci: đúng vậy, bây giờ có một phong trào chống vaccine ở Hoa Kỳ bắt nguồn từ việc chống vaccine sởi, quai bị, rubella. Nhưng hiện tại, có một sự hoài nghi mà chúng tôi phải tiếp cận với cộng đồng để khắc phục, đó là các tín hiệu không nhất quán đang phát ra từ chính phủ. Vì vậy, chúng tôi thực sự cần phải cực kỳ minh bạch. Các dữ liệu sẽ được phân tích thông qua các Hội đồng giám sát dữ liệu và an toàn, đưa qua các ban tư vấn, qua các nhà khoa học tại FDA theo đúng quy trình phê duyệt vaccine. Hy vọng rằng với sự minh bạch đó, chúng tôi sẽ có thể thuyết phục mọi người tiêm chủng trên diện rộng. Vẫn sẽ có sự miễn cưỡng đối với một bộ phận dân số nhất định. Nhưng khi có nhiều người đi tiêm chủng và kết quả cho thấy rằng vaccine an toàn và giúp giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, tôi nghĩ rằng ngày càng có nhiều người muốn được chủng ngừa.


Dr. Lewin AO: tại Úc, chúng tôi cũng có khoảng 20-30% dân số lưỡng lự về tiêm phòng vaccine COVID-19. Tuy nhiên khác với các bệnh siêu lây nhiễm (như bệnh sởi - measles) cần tiêm chủng cho tất cả mọi người, chúng ta chỉ cần tiêm chủng cho khoảng 60-70% dân số cho COVID-19 là có thể đủ phòng ngừa. Ngoài ra, chúng ta phải biết rằng vaccine chủ yếu bảo vệ chống lại bệnh tật chứ không phải ngăn sự lây nhiễm. Điều này có nghĩa là vaccine ngăn virus đi vào phổi và giúp một người không bị bệnh. Nhưng vaccine lại không có hiệu quả ngăn nhiễm virus vào mũi. Vì vậy, những người có nhiều khả năng bị bệnh hơn sẽ hưởng lợi từ vaccine nhiều hơn. Nhưng dù sao chúng tôi luôn muốn tiêm chủng cho tất cả mọi người.


Mời các bạn đón xem Phần 2: Khoa học - chính trị trong đại dịch và Vaccine cho COVID-19.


Lược dịch: Châu Trần

Comments


bottom of page