Translated from Conversations on COVID-19: The Global View
Phần 3: Những điều chưa biết về COVID-19 cần tìm hiểu
The University of Melbourne, ngày 28 tháng 10, 2020
Ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại
Panellists
Dr Anthony Fauci - Director, National Institute of Allergy & Infectious Diseases, USA
Professor Sharon Lewin AO - Director, The Peter Doherty Institute for Infection and Immunity
Panel moderated by
Professor Shitij Kapur - Dean, Faculty of Medicine, Dentistry and Health Sciences, Assistant Vice-Chancellor (Health)
Dr. Kapur: Sharon, tại thời điểm này, chị muốn biết điều gì tiếp theo về COVID mà chị nghĩ sẽ giúp mọi người chuẩn bị đối phó tốt hơn chống lại dịch bệnh trong cộng đồng?
Dr. Lewin AO: các biện pháp mà chúng tôi sử dụng để phòng dịch bệnh trong cộng đồng còn theo cảm tính. Anh biết đấy, chúng tôi đã tận dụng mọi biện pháp mà chúng tôi cho là nó có thể phòng ngừa như đeo khẩu trang, ngừng tụ tập, làm việc tại nhà và đóng cửa trường học. Đó là cách thà chọn lầm hơn bỏ sót. Sau đó chúng tôi từ từ gỡ ra từng cái một với hy vọng rằng chúng tôi đã chọn đúng. Và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có một đánh giá định lượng tốt hơn về những biện pháp can thiệp không dùng thuốc (ví dụ sử dụng khẩu trang hay thực hành giãn cách xã hội...), thì điều đó sẽ hữu ích. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhận thấy hiệu quả tiềm năng của đeo khẩu trang hay những việc khác, nhưng chúng tôi muốn thấy những kết quả rõ ràng hơn. Các nhà khoa học luôn muốn có câu trả lời chính xác. Để làm điều đó, chúng tôi phải làm một cách ngẫu nhiên, với sự can thiệp bằng cách này hay cách khác, ta sẽ nhận được câu trả lời đúng. Nhưng chúng tôi không thể làm điều đó đối với các can thiệp không dùng thuốc như việc dùng khẩu trang. Những gì chúng tôi có thể làm là nhìn sang các quốc gia khác. Ở Úc, chúng tôi xem xét những gì nước khác đã làm, những gì hiệu quả, những gì không hiệu quả và làm sao chúng tôi có thể cập nhật vào chính sách của mình. Bằng cách đó tôi hy vọng chúng ta sẽ hiểu chính xác hơn về hiệu quả của những biện pháp riêng lẻ đó.
Dr. Fauci: Tôi đồng ý với những gì Sharon đã nói. Hai điều mà tôi muốn biết thêm:
1/ là đáp ứng miễn dịch của người có thể tồn tại bao lâu sau khi bị nhiễm virus. Bởi vì nếu nó không thể cầm cự lâu dài, chúng ta lại sẽ có một khoảng thời gian rất khó khăn trong vài năm tới đây. Chúng ta còn biết rất ít về phản ứng của tế bào miễn dịch T (T cells). Nếu phản ứng miễn dịch của một người giảm đi nhanh chóng thì sau một năm hoặc lâu hơn, họ vẫn nhạy cảm với cùng một loại virus mà họ đã mắc phải một năm trước đó. Đó sẽ là một vấn đề thực sự. Nếu một loại coronavirus có thể giết người lại có tính chất của loại gây ra cảm lạnh thông thường, đó là quay lại thách thức con người hàng năm. Mặc dù bạn có thể đã nhiễm con virus này năm trước đó, sau khi bạn phục hồi, bạn lại bị nhiễm nó một lần nữa qua mùa sau. Đó thực sự sẽ là một tình huống rất... rất khó khăn khi có một căn bệnh nguy hiểm chết người mà bạn có thể tiếp tục mắc phải năm này qua năm khác. Đó là một điều tôi muốn biết, đáp ứng miễn dịch của người với virus này kéo dài bao lâu. Và chúng ta phải đợi một hoặc hai hoặc ba năm nữa trôi qua mới thấy rõ điều đó.
2/ tác hại lâu dài của nhiễm virus trên cơ thể. Chúng tôi đang thấy rất nhiều trường hợp ở Hoa Kỳ. Có những người mắc bệnh trong khảng thời gian rất dài. Những người đó tuy không còn virus trong cơ thể nhưng vẫn có các triệu chứng gần như suy nhược, khó thở, đau cơ, suy giảm trí nhớ rối loạn chuyển hóa máu, khó tập trung. Chúng tôi quan sát thấy điều đó ở những người bệnh ở mức trung bình và ở nhà điều trị. Chúng tôi cũng thấy điều đó ở những người bệnh nặng phải nhập viện và cả trên những bệnh nhân vào phòng chăm sóc đặc biệt. Chúng tôi đang thực hiện một nghiên cứu đoàn hệ (cohort study) rất lớn, đang xem xét các tác động lâu dài. Mọi người thường nói khi bị bệnh hoặc là bạn sẽ chết, hoặc là bạn sẽ hồi phục hoặc bạn sẽ ổn. Tuy nhiên có thể có một nhóm bị nhiễm bệnh, sau đó hồi phục nhưng họ không hề ổn tí nào. Họ có thể có các di chứng và các vấn đề khác, hoặc việc nhiễm virus sẽ có thể dẫn đến các vấn đề thứ cấp trong tương lai. Ý tôi là, chưa ai biết về điều đó. Có một nghiên cứu trên tạp chí tim mạch JAMA Cardiology, nơi họ tập hợp một số những người đã bình phục khỏi COVID-19, đang khỏe mạnh mà không có triệu chứng gì; họ chụp MRI tim và phát hiện ra bệnh viêm tim ở 60% người trong nhóm đó. Tôi không biết điều đó có nghĩa là gì khi có một tỉ lệ phần trăm cao những người đã khỏi bệnh có phản ứng viêm cơ tim. Phải chăng họ sẽ dễ bị bệnh cơ tim hơn, dễ bị loạn nhịp tim hơn? Tôi không biết điều đó. Hay cũng có thể viêm tim trên nhóm người đó chỉ là ngẫu nhiên không liên quan đến virus corona. Tôi hy vọng nó sẽ là một phát hiện không quan trọng. Nhưng tác hại lâu dài của virus như thế nào thì tôi mong được biết.
Dr. Kapur: Điều anh vừa nói thật đáng sợ. Nhưng tôi muốn kết thúc cuộc trò chuyện bằng một điều gì đó tích cực. Và tôi nghĩ nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, sau những sự kiện kịch tính như thế này xảy ra, chúng ta lại có một thế giới tốt hơn một chút. Ví dụ sau dịch cái chết đen ở Châu Âu, nó đã thay đổi luật lao động. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta có Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới - WHO. Vậy anh nghĩ điều gì sẽ là di sản tích cực lâu dài của COVID?
Dr. Fauci: thành thật là tôi không biết chính xác. Nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ cam kết mạnh hơn việc xây dựng mối liên kết toàn cầu mà chúng ta đang có, chẳng hạn như Mạng An ninh Y tế Toàn cầu - Global Health Security Network, tính minh bạch, tính liên kết, chia sẻ các thông tin thống nhất trong một Tổ chức sức khoẻ toàn cầu chứ không theo kiểu chia sẻ thông tin rời rạc giữa các quốc gia riêng lẻ. Đại dịch COVID giờ đây đã ảnh hưởng 30 triệu người và giết chết hơn một triệu người trên thế giới. Và chúng ta vẫn chưa thực sự biết cách nào để vượt qua nó. Phải có sự liên kết toàn diện thì chúng ta mới mong thoát khỏi tình cảnh tồi tệ như vậy nhanh hơn.
Xin cám ơn Dr. Fauci, Dr. Lewin AO and Dr. Kapur.
Lược dịch: Châu Trần
Comments