top of page

Hội thoại về COVID-19 (Phần 2)


Phần 2: Khoa học - chính trị trong đại dịch và Vaccine cho COVID-19


The University of Melbourne, ngày 28 tháng 10, 2020

Ảnh chụp màn hình cuộc hội thoại


Panelists:

Dr Anthony Fauci - Director, National Institute of Allergy & Infectious Diseases, USA

Professor Sharon Lewin AO - Director, The Peter Doherty Institute for Infection and Immunity

Panel moderated by:

Professor Shitij Kapur - Dean, Faculty of Medicine, Dentistry and Health Sciences, Assistant Vice-Chancellor (Health)


Dr. Kapur: trong đại dịch này, các chính trị gia thích xuất hiện cùng những chuyên gia y tế như anh Tony, kéo anh về phía của họ nếu anh đang kể một câu chuyện mà họ thích. Điều này đã ảnh hưởng gì đến vai trò của một chuyên gia y tế, mà trước đây tôi thường nói là một vai trò ẩn sâu sau sân khấu? Ở một mặt nào đó, có được sự tín nhiệm của công chúng là điều tuyệt vời, nhưng nó cũng bắt đầu mang màu sắc chính trị. Vì vậy, Dr. Fauci, anh nghĩ gì về ý nghĩa của việc trở thành một chuyên gia y tế của công chúng?


Dr. Fauci: điều này rất khó và khó nhất là chúng ta phải luôn dựa vào các dữ liệu và khoa học để dẫn lối. Chúng ta cần khiêm tốn để thừa nhận rằng không ai biết được mọi thứ tại bất kỳ thời điểm nào. Chúng ta cần đủ linh hoạt để biết rằng khi có càng nhiều dữ liệu được thu thập, chúng ta có thể cần phải thay đổi đề xuất của chính mình. Khi chúng ta đồng hành cùng với các chính trị gia, đừng bao giờ ngại nói những điều gì đó mà họ có thể không thích nghe. Điều này rất quan trọng.


Một trong những cái bẫy mà một số nhà khoa học mắc phải là họ thích ý tưởng về việc có ảnh hưởng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. Và đôi khi họ có thể ngại nói điều gì đó làm phật lòng các chính trị gia. Chúng ta phải luôn nhớ rằng để duy trì uy tín của mình, chúng ta phải tiếp tục đưa ra những thông điệp nhất quán dựa trên cơ sở khoa học. Khoa học dẫn đường làm nền tảng cho những gì chúng ta sẽ làm và những gì chúng ta đang làm. Điều đó thực sự quan trọng.


Mặt khác, khi chia sẻ thông tin cho cộng đồng với tư cách là một nhà khoa học, mục đích của chúng ta làm điều đó không phải là để gây ấn tượng với mọi người về mức độ thông minh hay hiểu biết của chúng ta. Quan trọng nhất là để cộng đồng hiểu chúng ta đang nói cái gì. Các nhà khoa học thường rơi vào tình huống này, họ cố gắng tỏ ra hết sức bí ẩn trong cách họ trình bày thông tin và thế là không ai biết họ đang nói về cái gì. Đây là một vấn đề cần nhìn nhận nghiêm túc. Chúng ta đừng nghĩ rằng có nói nhiều thì họ cũng không hiểu nên nói cho qua loa. Chúng ta phải đảm bảo rằng công chúng hiểu được những gì chúng ta đang nói.


Dr. Kapur: ồ tôi tin là anh đã làm điều đó rất tốt Dr. Fauci, và anh là một hình mẫu tuyệt vời cho thế hệ các nhà khoa học đi sau. Tôi nghĩ rằng anh đã đưa ra một điểm rất quan trọng về việc nói sự thật trước quyền lực, điều đó luôn khó cho nhân loại và nó sẽ còn tiếp tục khó khăn. Ở khía cạnh khác mà anh đã chỉ ra, đó là sự khiêm tốn và khả năng sai lầm của khoa học. Bây giờ, đây là điều mà đôi khi công chúng khó chấp nhận. Họ mong đợi ở khoa học là những câu trả lời trắng đen rõ ràng. Nhưng không may là câu trả lời của khoa học thường mang tính xác suất. Làm thế nào để chúng ta truyền tải khái niệm đó đến mọi người và khiến các nhà khoa học có được sự tín nhiệm trong đó?


Dr. Fauci: Chà, thật không dễ dàng, đặc biệt nếu chúng ta phải giải thích rằng khi khoa học đang dẫn con người vượt qua một vấn đề luôn biến đổi, thì thông tin khoa học đó sẽ thay đổi cho phù hợp với những biến đổi đó. Mọi thứ không đứng yên một chỗ. Nếu anh nhìn vào những gì chúng ta biết trong vài tuần đầu tiên của dịch bệnh COVID-19 bùng phát và những gì chúng ta biết bây giờ, sẽ thấy những điều mà chúng ta đã nói lúc đó không giống như những gì chúng ta đang nói bây giờ bởi vì tình hình đã thay đổi. Vì vậy, chúng ta phải làm cho mọi người hiểu những gì chúng ta đang nói. Khoa học là một quá trình chuyển động không ngừng và nó có chức năng tự điều chỉnh. Khoa học có khả năng tự kiểm chứng và tự sửa sai sau khi có nhiều thông tin, dữ liệu được cập nhật. Và đó là điều mà công chúng cần hiểu.


Dr. Kapur: Fauci, anh đã cho chúng tôi những lý do để hy vọng và lạc quan, nhưng cũng có những lý do để thận trọng. Anh tự tin đến mức nào rằng vaccine sẽ được cung cấp trên toàn cầu?


Dr. Fauci: Vâng, những gì tôi đã thấy cho đến nay khiến tôi cảm thấy tự tin một cách hợp lý rằng vaccine sẽ được phổ biến toàn cầu. Hãy để tôi giải thích tại sao. Hoa Kỳ đã đầu tư hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ tỷ đô la để trợ cấp, mua trước, phát triển trước các liều vaccine. Các công ty mà chúng tôi liên kết sản xuất vaccine như Johnson và Johnson, không chỉ đủ cung cấp cho Hoa Kỳ hàng trăm triệu liều, mà có khả năng sản xuất ra hàng tỉ liều cho thế giới. Khi chúng ta nói đến hàng tỷ liều, chúng ta đang nói về việc cố gắng có được sự phân phối công bằng. Tôi nghĩ rằng chính vì điều này khiến tôi bị ‘ghét’ trong một số mối quan hệ này nhưng lại được ‘ưa thích’ trong các mối quan hệ khác. Tôi tin rằng các quốc gia giàu có trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, gần như có nghĩa vụ đạo đức là đảm bảo rằng khi đối diện với một vấn đề lớn như vaccine cứu người, chúng ta có nghĩa vụ đảm bảo rằng các quốc gia bị hạn chế về nguồn lực vẫn có được vaccine. Đó là toàn bộ lý do và động lực giải thích tại sao chúng tôi phát triển chương trình PEPFAR, Kế hoạch Khẩn cấp Cứu trợ AIDS của Tổng thống -the President's Emergency Plan for AIDS Relief. Tổng thống George W. Bush (43rd) vào thời điểm đó đã nói rằng một quốc gia nghèo và không có nguồn lực không có nghĩa là họ phải chết vì những căn bệnh mà chúng ta có thể giúp họ dễ dàng chỉ bằng cách cung cấp cho họ các nguồn lực dưới dạng thuốc và cách phòng ngừa. Tôi nghĩ điều tương tự cũng đúng đối với vaccine COVID nên chúng tôi muốn chuẩn bị sẵn sàng.


Dr. Lewin AO: Tôi muốn nói thêm về những tổ chức như COVAX, một hiệp hội giữa Liên minh vaccine toàn cầu GAVI-GAVI Global Alliance of Vaccines, Tổ chức Y Tế Thế giới-WHO và CEPI, Liên minh Đổi mới phòng ngừa dịch-The Coalition for Epidemic Preparedness Innovation, một tổ chức được thành lập để thực sự phát triển vaccine. Chính vì khoản đầu tư đã được thực hiện cách đây vài năm mà nhiều nhóm có thể nhanh chóng bắt đầu phát triển vaccine cho Coronavirus. COVAX có phần đóng góp của chính phủ Úc, Anh, cùng với khoảng 70 chính phủ khác, sẽ cho phép mua các loại vaccine tốt nhất và có giá phải chăng, và sau đó phân bổ cho cả người giàu và người nghèo. Bởi vì như Dr. Fauci đã nói trước đó, nếu chúng ta chỉ định tiêm chủng cho các quốc gia của chúng ta, chúng ta sẽ đứng yên tại chỗ và không thể phát triển vượt lên. Vì lý do đó, chúng tôi phải đưa vaccine đó vào các nước giàu và nghèo trên toàn thế giới.



Mời các bạn đón xem Phần cuối: Những điều chưa biết về COVID-19 cần tìm hiểu


Lược dịch: Châu Trần

コメント


bottom of page