top of page

Kabul thất thủ và cơn đau đầu của Biden

Trước chiến dịch tiếm quyền chớp nhoáng của chế độ cũ Taliban, những người dân Mỹ gốc Afghanistan, các cựu tướng lĩnh và nhiều chính khách hàng đổ lỗi cho Biden vì cuộc rút lui trong vội vã. Nhưng ông dường như nhận được sự ủng hộ từ công chúng - ít nhất là bây giờ.

By Boer Deng, Sam Farzaneh, Tara McKelvey, on 15-08-2021, 16:00:00

Rời bỏ Afghanistan để đến Hoa Kỳ, Hadia Essazada bị ám ảnh bởi quá khứ đau thương và lo sợ về tương lai.

Trước chiến dịch tiếm quyền chớp nhoáng của chế độ cũ Taliban, những người dân Mỹ gốc Afghanistan, các cựu tướng lĩnh và nhiều chính khách hàng đổ lỗi cho Biden vì cuộc rút lui trong vội vã. Nhưng ông dường như nhận được sự ủng hộ từ công chúng - ít nhất là bây giờ. Hadia Essazada nghẹn ngào nhớ lại nỗi kinh hoàng khi lính Taliban ghé thăm nhà cô. Chúng đánh đập cha cô trước, rồi sau đó giết chết em trai cô. Lần thứ nhất “bọn chúng dùng thanh sắt đánh cha tôi vì chúng đang truy lùng anh trai tôi”, người đã chiến đấu chống lại chính quyền vào những năm 1990, cô nói với BBC Ba Tư (BBC Persian). Gia đình cô bỏ trốn khỏi thành phố miền bắc Mazar-I-Sharif, “nhưng sáu tháng sau khi chúng tôi trở về nhà, bọn Taliban lại tìm tới chúng tôi. Và chúng mang em trai tôi đi.” “Trải qua bao nhiêu ngày sau đó, tôi không rõ, một chủ tiệm trong xóm đến tìm cha tôi để thông báo rằng con trai ông đã bị sát hại,” cô nói. Cậu bị lính Taliban hành hình, xác cậu bị kéo lê khắp các nẻo đường. Trong suốt nhiều tuần, người thân không được phép nhặt xác cậu về an táng, rồi sau đó lũ chó được thả ra để xử lý hết những gì còn sót lại. Cô Essazada, năm nay ngoài 20 và đang định cư tại Mỹ, chia sẻ rằng khi phe Taliban nắm quyền trở lại, cô cảm thấy lo sợ cho sự an nguy của cả Afghanistan lẫn quê hương thứ hai Hoa Kỳ của mình. “Bọn Taliban không hề thay đổi dù chỉ một chút,” cô nói, đồng thời dự đoán các phần tử cực đoan sẽ nhận được sự che chở từ Taliban và tấn công các nước phương Tây. “Có ai thực sự muốn quay lại Afghanistan lần nữa không?” Lời hẹn rút quân của Biden Theo các luồng ý kiến chỉ trích, quyết định rút lui khỏi cuộc xung đột dai dẳng nhất mà nước Mỹ từng tham gia của tổng thống đã làm phí hoài 20 năm công sức hy sinh, đồng thời mở đường cho một thảm kịch về vấn đề nhân đạo cũng như khơi lên nỗi hoài nghi về uy tín của Hoa Kỳ. Không ít những cá nhân có liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột này, ví dụ dụ như người dân Afghan, binh lính và chính khách từ lâu đã hoài nghi quan điểm của tổng thống rằng chính quyền Kabul có thể tự mình đảm bả bảo an ninh cho đất nước. Với việc Kabul thất thủ, một số người bắt đầu tự hỏi liệu sẽ chẳng mấy chốc cử tri Mỹ sẽ bắt đầu cảm thấy hối hận vì TT Biden thực hiện lời hứa từ lâu rằng Hoa Kỳ sẽ rút binh lính về nước?


REUTERS - Việc rút quân vội vã ra khỏi Kabul đã làm dấy lên so sánh với sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975 (ảnh dưới)

REUTERS Việc quyết định rút quân của Biden không có gì đáng ngạc nhiên. Kể từ thời làm phó tổng thống cho Barack Obama, ông đã luôn nhấn mạnh rằng mục đích của cuộc chiến này nên được thu hẹp và gói gọn trong phạm vi nhất định. Với tư cách là một thượng nghị sĩ ở Delaware, ông cùng đa số những người khác đã biểu quyết nhất trí cho phép việc triển khai quân Mỹ trên đất Afghanistan vào năm 2001. Nhưng ông lại phản đối quyết định tăng cường quân số trên thực địa trong một động thái của Obama vào năm 2009. "Biden vô cùng rõ ràng về vấn đề Afghanistan,” Brett Bruen, một cựu ngoại giao từng tham gia các cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia thời chính quyền Obama, nói với BBC. “Ông ấy bảo chúng ta nhất định phải rút.” Ông Biden kiên quyết bảo vệ quan điểm và thỉnh thoảng còn nhắc tới chuyện cá nhân, Ông Bruen nhớ lại. “Đó là một nỗ lực nhằm thuyết phục mọi người,” ông chia sẻ. Khi còn là một ứng cử viên tổng thống vào năm 2019, ông Biden nói với các cử tri rằng sau Dwight Eisenhower thời những năm 50, ông sẽ là vị tổng thống đầu tiên có con cái tham gia vào một cuộc chiến đang tiếp diễn. Trong hồi ký của Richard Holbrooke, đặc phái viên Afghanistan trong những năm đầu của Obama, Holbrooke nhớ có lần ông Biden tức tối bảo ông rằng ông ấy sẽ “không đem con trai mình quay lại để hi sinh cho quyền của phụ nữ Afghanistan… Đó không phải là lý do binh sĩ ở lại.” Tuy nhiên, có lẽ chính bề dày kinh nghiệm công tác ngoại giao mới là thứ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến quan điểm của tổng thống, ông Bruen nói. "Ông ấy đã sống qua rất nhiều cuộc chiến tranh kiểu này, không chỉ là Chiến tranh Việt Nam hay Iraq mà còn là Kosovo [và] Grenada. Tôi nghĩ trong cái cách ông ấy nhìn nhận những tranh chấp thế này ít nhiều có một phần tỉnh táo, và cả sự mệt mỏi. Lúc tranh cử 2020, Ông Biden nói với CBS rằng quân đội Hoa Kỳ chỉ nên hiện diện ở Afghanistan “để đảm bảo rằng phe Taliban và phe Isis hay al-Qaeda không có cơ hội thiết lập lại vị thế". Mục tiêu đó đã không được thực hiện. Hôm 15 tháng 8, lính Taliban tràn vào thủ đô Afghanistan mà gần như không gặp sự kháng cự nào. Tiếp theo đó là Hoa Kỳ cùng đồng minh cuống cuồng không vận nhân sự ra khỏi đất nước.


Sân bay Kabul chật ních người cố chạy trốn khỏi chính quyền Taliban Chỉ trong vài giờ, Sân bay quốc tế Karzai hoãn tất cả các chuyến bay thương mai, và lực lượng chính phủ tại nhà tù trung ương của Afghanistan gần Căn cứ không quân Bagram đã đầu hàng trước phiến quân. Hôm thứ 7, ông Biden miễn cưỡng chấp thuận phái thêm vài ngàn binh lính Hoa Kỳ nữa “nhằm đảm bảo cho nhân sự Hoa Kỳ và đồng minh được quay về một cách có trật tự và an toàn” cũng như “thuận lợi sơ tán” những người dân Afghanistan, những người đang đối mặt với “những nguy cơ đặc biệt” tới từ Taliban. Những cảnh báo sớm Theo một báo cáo tình báo Hoa Kỳ bị rò rỉ mới đây, chính quyền được phương Tây hỗ trợ của Afghanistan có nguy cơ sụp đổ chỉ trong 90 ngày sau khi quân đội Hoa Kỳ rời đi. Người tiền nhiệm Donald Trump của ông Biden đổ lỗi cho sự “yếu mềm, kém cỏi, và sơ sài trong chiến lược” của Biden, nhưng một số người chỉ ra rằng thoả thuận rút lui mà đội ngũ của Trump đàm phán với Taliban năm ngoái cũng phải chịu trách nhiệm một phần. Một vài trong số những ý kiến phản đối chiến dịch rút quân của Biden có nội dung không khác gì những lời cảnh báo được đưa ra nhiều năm trước đây. Năm 2009, khi được hỏi liệu đề xuất giảm bớt quân số của mình có khả thi hay không, Stanley McChrystal, Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ lúc đó tại Kabul, đáp lại: “Câu trả lời ngắn gọn là không.”

Bước tiến như vũ bão của Taliban trong mấy tuần qua đã chứng minh cho lời tiên đoán [của McChrystal].

Đại tướng David Petraeus, người thay ông McChrystal đảm nhiệm chức vụ chỉ huy, nói với BBC: “Tình huống này rõ ràng là một thảm họa.” Ông nói: “Ngược lại, chúng ta nên bãi bỏ quyết định này, tôi lo sợ rằng chúng ta rồi sẽ phải hối hận với quyết định này và có lẽ chúng ta đã bắt đầu hối hận.” Trừ khi nước Mỹ và các đồng minh nhận ra rằng chúng ta đã mắc một sai lầm nghiêm trọng, e rằng một kết cục đẹp sẽ khó có thể diễn ra. Ông Husan Haqqani, đại sứ Pakistan tại Mỹ năm 2009 nói với BBC rằng: “Ông ấy [Ông Biden] luôn nói ‘cuộc chiến của chúng ta nhắm vào al-Qaeda, không phải Taliban’. Tôi luôn nghĩ rằng phát biểu này khá ngờ nghệch.” Sher Hossain Jaghori là một người Mỹ gốc Afghanistan, người đã mất một cánh tay khi làm công việc phiên dịch cho quân đội Mỹ vào năm 2003. Giờ đây khi đã là một công dân Mỹ, ông bày tỏ thái độ bức xúc của mình đối với quyết định rút quân này. Ông chia sẻ với BBC Persian: "Ông Biden đã ‘trao số phận của những người dân Afghanistan vào bàn tay của bọn Taliban’” “Tôi không còn tin vào chính phủ Mỹ được nữa,” ông nói. “Vợ và con trai của tôi đã bầu cho Biden. Tôi khuyên họ đừng làm như vậy. Bây giờ cả hai người đến và nói rằng họ tin là tôi đã đúng, rằng họ sẽ không bao giờ đi bầu nữa.” Các cuộc khảo sát đã liên tục cho thấy phương án rút quân rất được lòng dân vì người Mỹ đã quá mệt mỏi với 20 năm tiền của và xương máu, và sau những lời hứa suông về việc rút quân. Khi nhậm chức, ông Obama cam kết sẽ rút quân về nước. Donald Trump cũng kiên quyết chống lại việc duy trì “cuộc chiến bất tận” này - ông đã ấn định ngày 1 tháng 5 năm nay sẽ là ngày rút lui của quân đội Mỹ. Gần nhất vào tháng trước, các cuộc khảo sát thăm dò ý kiến từ Harris và hội đồng Chicago cho thấy hơn 70% người Mỹ ủng hộ quyết định rút quân của ông Biden. Nhưng đó là trước thời điểm cuộc hành quân thần tốc của Taliban diễn ra. Nhưng khi tình hình thực địa có biến động, khi mà những người cựu chiến binh bàng hoàng đọc những dòng tin về việc những đồng minh Afghanistan, những người từng kề vai sát cánh với mình bị hành quyết, về những đồn bốt từng thuộc về quân chính phủ, giờ tràn ngập những tay súng Taliban, về những lời cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang thành hình - thì người ta bắt đầu so sánh những gì đang diễn ra với cuộc tháo chạy nhục nhã khỏi Vietnam năm 1975. Ông Breun cho hay: “Về mặt lý thuyết, người dân Mỹ muốn rút quân, nhưng thực tế khi họ chứng kiến cảnh phiến quân Taliban diễu hành trên những con phố và hình ảnh quân Mỹ rút chạy mang dấp dáng của cuộc tháo lui khỏi Sài Gòn năm xưa, đó quả là một điều khó có thể chấp nhận được.”

Người dịch: Phuong Anh & Quyen Tran

Biên tập: Đông Phong


コメント


bottom of page