Translated from AP, Politico, The Washington Post: Harris, in Vietnam, gets a dose of China’s challenge to the U.S. Harris calls on Vietnam to join in opposing China ‘bullying.’ Harris urges Vietnam to join US in opposing China ‘bullying’
Bà Kamala Harris trong chuyến thăm quốc tế thứ hai với cương vị Phó Tổng thống đã cảm nhận được sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên chuyến bay tới Việt Nam - một cựu thù của Mỹ đang e ngại về sự bành trướng của Bắc Kinh và hiện đang được Washington mời gọi.
Ảnh: Phó Tổng thống Kamala Harris đi cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 25 tháng 8. Nguồn: Manan Vatsyayana/Pool Photo từ AP.
Bà Kamala Harris trong chuyến thăm quốc tế thứ hai với cương vị Phó Tổng thống đã cảm nhận được sự căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên chuyến bay tới Việt Nam - một cựu thù của Mỹ đang e ngại về sự bành trướng của Bắc Kinh và hiện đang được Washington mời gọi. Bắc Kinh nhanh chóng cử phái đoàn tại Hà Nội để gặp Thủ tướng Việt Nam và hứa sẽ viện trợ thêm hai triệu liều vaccine, nhiều hơn số liều Hoa Kỳ đã hứa trước đó. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn phái đoàn, trình bày rằng Việt Nam “không liên minh liên kết với nước này để chống lại nước khác.”, truyền thông nhà nước cho hay. Khoản đóng góp vaccine của Trung Quốc sẽ dành cho quân đội Việt Nam, trong khi phần của Mỹ - nâng tổng số vaccine đã được góp lên con số sáu triệu liều - sẽ được dành cho người dân.
Sự việc này đã nhấn mạnh thêm những thách thức mà chính quyền Biden đang đối mặt khi bà Harris viếng thăm Đông Nam Á tuần này, cộng với sự nhạy cảm từ phía Trung Quốc về chuyến thăm của bà. Đường lối của Washington không hoàn toàn nhất quán với góc nhìn của các nước trong khu vực, vốn bị kẹt giữa việc phải cân bằng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc (vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.)
Trong hai ngày liên tục, bà Harris cáo buộc Trung Quốc đã “hung hăng” ở Biển Đông. Trong cuộc họp ở Hà Nội với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, bà Harris nói rằng cần phải “tăng áp lực” lên những hành động của Bắc Kinh và “cần thách thức lại sự bắt nạt và các yêu sách hàng hải quá mức.”
Bà tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ gửi thêm một triệu liều vaccine Pfizer tới Việt Nam, nâng tổng số vaccine Mỹ đã viện trợ lên tới sáu triệu liều. Hoa Kỳ sẽ cung cấp 23 triệu USD để giúp Việt Nam tăng cường việc phân phối và tiếp cận vaccine, đẩy lùi đại dịch và chuẩn bị cho các mối nguy dịch tễ trong tương lai. Bộ Quốc Phòng cũng sẽ giao 77 tủ đông để bảo quản vaccine trong phạm vi cả nước.
Lần viện trợ này của Mỹ cho Việt Nam bao gồm cả việc giúp đất nước này chuyển tiếp qua năng lượng sạch và mở rộng việc sử dụng xe điện, cộng thêm hàng triệu USD được dùng vào việc phá bom mìn chưa nổ từ thời chiến tranh.
Cuộc Chiến tranh Việt Nam một lần nữa lại được nhắc tới nhiều trong tuần qua khi Mỹ phải đối diện với một kết thúc lộn xộn cho cuộc chiến tại Afghanistan. Hình ảnh của đợt không vận Kabul giữa lúc quân Taliban chiếm được quyền kiểm soát Afghanistan gợi cho người ta nhớ tới cảnh trực thăng Mỹ bay từ nóc Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn nhiều thập kỷ trước, làm dậy lên nhiều so sánh về hai cuộc chiến thất bại.
Tuy vậy vào thứ Tư, bà Harris nói về các tiến triển mà hai cựu thù đã đạt được, nói với Chủ tịch nước rằng “mối quan hệ giữa chúng ta đã đi được quãng đường rất xa trong một phần tư thế kỷ.” Bà cũng ủng hộ việc nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ từ hợp tác toàn diện lên hợp tác chiến lược, một nước đi ngoại giao khi quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc.
Vào buổi chiều, bà Harris khởi động việc xây dựng một chi nhánh Đông Nam Á của cơ quan Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). Văn phòng này sẽ là một trong bốn cơ quan cấp vùng toàn cầu của CDC, tập trung vào việc phối hợp với các chính quyền khu vực trong việc nghiên cứu và huấn luyện ngăn ngừa các khủng hoảng y tế thế giới. Bà nói rằng dù việc chống lại đại dịch bây giờ vẫn là ưu tiên hàng đầu, “nhưng thành thật mà nói rằng chúng ta phải chuẩn bị đợt dịch sau kỹ lưỡng hơn.”
Trong các cuộc đối thoại ở Singapore và Việt Nam tuần này, bà Harris bảo đảm về trách nhiệm của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà bà gọi là “trọng tâm” của chính quyền Biden. Các nhà phân tích quan sát chuyến công du của bà, đặc biệt là trong bối cảnh hỗn loạn của Afghanistan đang diễn ra, là cách chính quyền khẳng định sự tập trung vào khu vực và mở rộng chiến lược chống lại Trung Quốc.
“Hầu hết các đối tác trong khu vực đều hài lòng với việc Mỹ kết thúc những cuộc chiến liên miên ở Trung Đông và cuối cùng cũng quan tâm tới châu Á như nó mong muốn trong hơn một thập kỷ vừa qua.” Greg Poling, một chuyên gia cấp cao chuyên về Đông Nam Á của Center for Strategic and International Studies (tạm dịch Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu Quốc tế), nói. “Tổng quan mà nói, đợt công du này sẽ tạo thiện cảm cho chính quyền hiện tại, vốn là điều nó đang rất cần bây giờ.”
Tổng hợp và lược dịch: Sam Tran
Comments