Có những chính sách có thể cải thiện được rất nhiều vấn đề.
From an Economist Contributor, ngày 9 tháng 7, 2020
Translated from The Economist: Segregation Still Blights The Lives of African-Americans
“Nếu chúng ta không mau giúp những người da màu thoát khỏi các nghèo đói, đau khổ, hắt hủi kinh niên, i thì thế giới sẽ sụp đổ,” ông Martin Luther King Jr đã nói với những công nhân đình công ngày trước khi ông bị bắn chết ở Memphis, Tennessee. Sau hai trăm năm chịu ách nô lệ và một trăm năm nô lệ khế ước, bị treo cổ, phân biệt dưới chế độ Jim Crow, người Mỹ Da Đen chỉ mới được quyền bình đẳng về pháp lý vào năm 1968. Họ đã bị cố tình loại trừ khỏi các dịch vụ như An Ninh Xã Hội, bảo lãnh mua nhà và trợ cấp đại học cho cựu chiến binh. Vì thế, các hộ gia đình người Mỹ Da Đen thu nhập chỉ ở khoảng 60% so với các hộ Da Trắng, và tài sản tiêu biểu của một gia đình Da Đen có kém một gia đình Da Trắng hơn 10%.
Đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong nửa thế kỷ vừa qua. Những chèn ép của xã hội Da Trắng từng áp đặt lên cơ hội và khát vọng của người Da Đen đã bắt đầu nới lỏng. Barack Obama đắc cử tổng thống. Tuy nhiên những định kiến hệ thống trong xã hội vẫn còn tồn tại. Một phần lớn những người dân tay không bị giết chết bởi cảnh sát Mỹ là người Da Đen. Cái chết của George Floyd dưới tay của cảnh sát Mỹ là một điển hình tàn bạo nhất của sự bất công và đàn áp này. Nó là tâm điểm của những cuộc biểu tình về các quan hệ sắc tộc chưa từng thấy từ những năm 1970.
Hệ thống tư pháp hình sự là một rủi ro cho người Da Đen. Tỷ lệ giam giữ của đàn ông và phụ nữ Da Đen đã tăng hơn ba lần từ 1960 đến 2010. Người ta dự kiến cứ trong suốt cuộc đời họ, một trong ba đàn ông người Mỹ gốc Phi Châu sinh năm 2001 sẽ vào tù, so với tỷ lệ một trong 17 người Da Trắng. Con trai của những gia đình Da Đen có thu nhập vào hàng đầu 1% của Mỹ có khả năng vào tù như những con trai của người Da Trắng với thu nhập thấp ở phần ba từ dưới lên. Rất hoan nghênh nếu những cuộc biểu tình này đạt được cải cách thực sự trong hệ thống tư pháp hình sự.
Nhưng đó không phải là những cải cách cần thiết duy nhất để khắc phục những thương tổn và thờ ơ mà tiến sĩ King đã đề cập. Người lao động Mỹ Da Đen vẫn phải chịu nhiều bất lợi về kinh tế như 50 năm trước. Cách biệt trong thu nhập gia đình vẫn giống ở năm 1968. Cách biệt về sự giàu có cũng vậy (xem biểu đồ 1). Nguyên do chính của điều này là tội phạm và hệ thống tư pháp cũng như là sự phân biệt chủng tộc, tuy có giảm đi một phần nào. Những thay đổi trong hành vi của các cá nhân và trong nền kinh tế cũng đóng góp một phần. Yếu tố quan trọng nhất là mức độ nghèo trong đa số các cộng đồng Da Đen bị tách biệt khiến những thành viên trong đó bị mất đi những cơ hội để tiến lên.
“Chúng ta đã thoát khỏi những biển hiệu “chỉ có Da Trắng” và sự phân biệt pháp lý đã không còn nữa. Nhưng tại sao chúng ta vẫn vậy ở thời điểm này? Rất nhiều thứ đã không thay đổi và có lẽ cũng sẽ không thay đổi nếu chúng ta chỉ tập trung vào sự tàn bạo của cảnh sát và việc cải tổ cảnh sát,” ông Claytern Carson, một nhà sử học tại Stanford, người đã từng biên tập thư và giấy tờ của tiến sĩ King nói. “Đúng, điều đó nên được thực hiện. Nhưng đừng mong rằng nó sẽ có ảnh hưởng gì lên vấn đề sắc tộc. Nó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi mà thôi. Bạn có thể gặp những cảnh sát lịch sự - điều đó thật tuyệt vời. Bạn có thể có những nhân viên xã hội. Nhưng trừ khi con người có khả năng thay đổi những cấu trúc cơ bản của cơ hội, những thay đổi sẽ không rõ ràng.”
32% trẻ em Mỹ gốc Phi Châu, một tỷ lệ gần gấp ba lần trẻ em Da Trắng, lớn lên trong nghèo đói, thường có với nhiều vấn đề trong xã hội. Nếu những đứa trẻ này ở trong các cộng đồng với hơn 20% dân số thuộc diện nghèo thì chuyện đó được coi là lẽ đương nhiên. Dù thuộc sắc tộc nào, những đứa trẻ này phải đối phó với những vấn đề như bỏ học sớm, có bầu trước tuổi vị thành niên, bị bỏ tù, nghèo khó lúc trưởng thành và chết sớm.
Đối với trẻ em Mỹ Da Đen và Mỹ bản xứ , nghèo đói là chuyện bình thường. Chỉ 6% trẻ em Da Trắng sinh từ 1985 đến 2000 lớn lên trong những khu phố với 20% thuộc diện nghèo. Đối với trẻ Da Đen, con số này là 66%, theo như Patrick Sharkey, nhà xã hội học tại Princeton; đây là chuyện bình thường đối với những gia đình Da Đen trung lưu. Thế hệ ngày nay vẫn ở trong vị thế tương tự. 26% trẻ Da Đen hiện đang sống trong các khu phố với hơn 30% thuộc diện nghèo. Chỉ số của trẻ Da Trắng chỉ có 4%.
Mắc kẹt
Những khu phố nghèo phải chịu những gánh nặng về môi trường và xã hội. .Khả năng của những gia đình Da Đen sống trong những căn hộ dưới tiêu chuẩn là hơn 70% so với toàn dân số, và trẻ em Da Đen có khả năng bị nhiễm chì trong máu gấp ba lần. Bệnh này làm còi cọc trí óc của các trẻ và làm chúng hung dữ khi trưởng thành. So với trẻ Da Trắng, chúng có khả năng mắc hen suyễn gần gấp rưỡi - và có khả năng tử vong gần gấp năm lần. Sự tiếp xúc nhiều hơn với những hạt bụi mịn - loại ô nhiễm gây thương tổn phổi nặng nề nhất - và sự chậm trễ trong điều trị vì thiếu bảo hiểm y tế tốt có thể lý giải cho việc tại sao Covid-19 dường như đang giết chết người Mỹ gốc Phi Châu với tốc độ gấp đôi người Mỹ Da Trắng.
Sự nghèo đói tập trung này là hậu quả của sự cưỡng chế phân biệt chủng tộc. Trong cuộc Di cư Vĩ đại vào đầu và giữa thế kỷ 20, khi hàng triệu người Mỹ gốc Phi Châu dời đến các thành phố ở miền Bắc, sự pha trộn giữa luật pháp và định kiến buộc họ phải sống trong những khu phố hầu như chỉ toàn người Da Đen. Vào năm 1970, những thành phố ở Mỹ hầu hết bị tách biệt, trong đó 93% cư dân Da Đen cần phải chuyển đi để đảm bảo cho sự hội nhập hoàn toàn. Trong cuộc điều tra dân số gần đây nhất vào năm 2010, con số này là 70%, không đáng để khích lệ (xem biểu đồ 2).
Những đạo luật phân vùng để giữ cho chi phí nhà ở cao bằng cách hạn chế nguồn cung làm cho các hộ gia đình Da Đen khó chuyển tới những khu phố tốt hơn. Với sự gia tăng về chênh lệch thu nhập, những gia đình khá giả đã làm giá nhà ở gần các trường học tốt tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo và tập trung hơn. Các chương trình cấp nhà của chính phủ không giúp được gì đáng kể. Sự kỳ thị vẫn tiếp diễn làm cho sự việc ngày càng tệ hơn. Một cuộc điều tra gần đây về việc thuê nhà ở Boston đã chỉ ra rằng khi đi thuê nhà một người Da Trắng có 80% cơ hội để xem nhà, trong khi một người Da Đen với khả năng tài chính tương tự chỉ được 48% cơ hội.
Dù không có các khu dân cư tích hợp, ít nhất việc hội nhập giáo dục vẫn khả thi - một nền tảng cho phong trào nhân quyền kể từ khi phân biệt trong trường học bị xem là trái với hiến pháp vào năm 1954. Nỗ lực giảm thiểu phân biệt trong trường học bằng cách đưa học sinh Da Đen vào các khu dân cư Da Trắng bắt đầu từ những năm 1960, và được mở rộng vào đầu những năm 1970. Tuy nhiên, đến giữa những năm 1970, những nỗ lực đó đã bị dập tắt trước phản ứng mạnh mẽ của các cha mẹ người Da Trắng. Phân biệt trong trường học đã không thay đổi kể từ những năm 1980.
Rucker Johnson, nhà kinh tế học tại đại học California, Berkeley, đã nghiên cứu về kết quả của việc trẻ Da Đen theo học tại những trường học hội nhập trong thời kỳ đỉnh cao của nỗ lực chấm dứt phân biệt trong giáo dục. Ông nhận thấy việc này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống trưởng thành của chúng. Trường hợp hội nhập tăng mức lương lên 30% và giảm khả năng bị giam giữ xuống còn 22%. Các nghiên cứu khác ước tính 68% tăng thêm trong cơ hội đi học một trường đại học hệ bốn năm. “Chẳng có gì là kỳ diệu khi ngồi kế bên những đứa trẻ Da Trắng,” trích lời Francis Pearman, giáo sư giáo dục ở Stanford. “Tuy nhiên, điều vẫn không thay đổi trong lịch sử giáo dục ở Mỹ là việc những tài nguyên luôn theo sau những trẻ em Da Trắng.”
Cách biệt thành tích liên quan đến chủng tộc về điểm thi giữa học sinh Da Đen và Da Trắng đã thu hẹp lại trong bốn thập kỷ qua, nhưng vẫn còn lại ở mức từ hai đến bốn năm học. Nghiên cứu của Pearman đã ghi nhận rằng các khu dân cư nghèo ảnh hưởng tiêu cực đến điểm số môn Toán của học sinh, kể cả khi trường học của chúng tốt. Học sinh Da Đen vào đại học ít có khả năng hoàn thành khóa học; đàn ông Da Đen ít có cơ hội tốt nghiệp nhiều hơn. Vào năm 2016, chỉ 29% người trưởng thành Da Đen trên 25 tuổi có bằng đại học hoặc cao hơn, so với 44% người Da Trắng. Trong thời điểm mà việc tấm bằng đại học sẽ cho thêm lợi tức đáng kể vào mức lương của cả đời người, sự chênh lệch này là một bất lợi kinh tế lớn.
Có những khía cạnh trong cuộc sống riêng tư của người Mỹ Da Đen làm cho những cách biệt này thêm trầm trọng . Những nhà bình luận có ý tốt thuộc cánh tả ở Mỹ khá dè dặt khi thảo luận về sự bất ổn trong gia đình và các bất lợi này của người Da Đen đã được truyền đến các thế hệ sau. Bảy trong mười trẻ em Mỹ gốc Phi Châu được sinh ra ngoài giá thú; bố mẹ chúng rất có khả năng ly dị năm năm sau khi đứa trẻ được sinh ra. Những tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các dân tộc thiểu số khác, ngay cả sau khi được ổn định về giáo dục và thu nhập.
Lan rộng
Theo như William Julius Wilson, một nhà xã hội học tại Harvard lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp và số ca sinh con ngoài giá thú trong cộng đồng da đen đều tăng sau thập niên 1960. Các cuộc tàn phá đô thị và giam giữ hàng loạt những người đàn ông da đen đã làm giảm vĩnh viễn nhóm đối tác đủ điều kiện cho nhóm phụ nữ da đen, ông lập luận. Hai nhà xã hội học Kathryn Edin, đến từ Princeton và Maria Kefalas, thuộc Đại học St Joseph, ở Philadelphia, lưu ý đến ý thức về giá trị của những người phụ nữ nghèo có vốn xã hội có được bởi việc nuôi dạy con từ sớm, cho dù người cha có hiện diện hay không.
Hành vi, chính sách, phân biệt ngày nay cùng những điều kiện bất công sơ khai bắt nguồn từ hàng thế kỷ phân biệt dây dưa với nhau bởi các nút thắt phức tạp. Một số yếu tố rối rắm - sự phân biệt chủng tộc dai dẳng, hay là gia đình tan vỡ - giúp dễ dàng phát triển những câu chuyện để đổ vấy trách nhiệm. Tuy nhiên, khi nhìn vào tổng thể, những vấn đề cần được chú ý ở đây lại khá rõ ràng: phân biệt, giáo dục và sự nghèo đói thuở thơ ấu.
Giải quyết sự phân biệt là tối quan trọng. Hầu hết các vấn đề khác liên quan - tiếp xúc với bạo lực, các dịch vụ công cộng ít ỏi, trường học tách biệt và sự lâu dài của các khuôn mẫu - đều có thể truy ngược đến đó. Điểm khởi đầu rõ ràng nhất chính là tước bỏ các quy tắc phân vùng cấm các căn hộ ở các thành phố chi phí cao. Họ đang từ chối cung cấp cơ hội cho các gia đình nghèo, đủ mọi sắc tộc, khi chính họ đang kéo chân năng suất kinh tế.
Hỗ trợ thuê nhà từ chính phủ mang lại nhiều lợi ích hơn là mọi người thường nghĩ. Hiện giờ, thực sự, nó như là xổ số vậy. Người thắng sẽ được trả gần hết tiền nhà; kẻ thua, ngang bằng nhau - thường chiếm tỷ lệ vượt trội ba đối một so với người thắng - chẳng kiếm được gì. Và hầu hết những hộ nghèo may mắn để được hỗ trợ giảm tiền nhà vẫn sống ở những vùng tập trung khó khăn; nơi có tỷ lệ nghèo khó lên đến 26.3%.
Một thử nghiệm ngẫu nhiên đầy hứa hẹn ở Seattle gần đây đã cho thấy điều này có thể thay đổi như thế nào, ít nhất là trong một số trường hợp. Chỉ cần một lượng trợ giúp khiêm tốn giúp tìm kiếm nhà cửa và thỏa thuận với chủ nhà tương lai đã tăng tỷ lệ các gia đình có chứng từ cho thuê sống ở những khu vực có cơ hội cao (những người có tiền sử di chuyển cao hơn cho trẻ em sinh ra trong nghèo khó) từ 15% đến 53%.
Rõ ràng không phải ai cũng có thể dời đi đến những nơi hứa hẹn.Tuy nhiên thí nghiệm ở Seattle cho chúng ta thấy rõ ràng khoản chi tiêu của chính phủ ngày hôm nay có thể thu được kết quả tốt hơn,do đó củng cố cho những trường hợp tương tự trong tương lai. Bãi bỏ khoản khấu trừ thuế lãi suất thế chấp, hay giảm trợ cấp cho việc mua nhà của những người giàu và có tài sản, sẽ cho phép chính phủ liên bang tăng gấp đôi quy mô của các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.
Tăng cường tích hợp các khu vực lân cận sẽ tạo ra nhiều trường học tích hợp hơn. Tuy nhiên, cho đến khi điều đó xảy ra, có nhiều giải pháp tức thời hơn cho sự chênh lệch giáo dục ngày nay. Chi tiêu cao hơn có góp phần giúp tăng hiệu suất. Một nghiên cứu có ảnh hưởng của ba nhà kinh tế Kirabo Jackson, Rucker Johnson và Claudia Persico đã phát hiện ra rằng việc thúc đẩy trường học chi tiêu cho mỗi học sinh sẽ giảm 10% trẻ em nghèo tái nghèo ở tuổi trưởng thành đến 6,8%.
Trường học trong các khu phố nghèo cần giáo viên đặc biệt tốt. Nhưng những nơi đòi hỏi tài năng nhất lại thường nhận được những người giảng viên thiếu kinh nghiệm nhất, một phần vì có rất ít sự khuyến khích về mặt tài chính cho những người giỏi nhất làm việc ở đó. Chăm sóc trong tuyển dụng cùng kết hợp các giảng viên mới với những người có kinh nghiệm sẽ giải thích lý do tại sao các trường công lập tự chủ tài chính (charter school) thường mang lại lợi nhuận giáo dục khổng lồ cho trẻ em da đen và da nâu nghèo mắc kẹt trong các mô hình trường học thành thị thất bại. Đối với tất cả những gì Liên hiệp giáo viên và nhiều người ở cánh tả không thích, các trường kể trên đã chứng minh cơ hội nên được mở rộng. Những người không nghĩ như vậy nên bị thu hồi quyền lợi.
Việc giữ học sinh ngồi trên ghế cao đẳng cũng là một minh chứng cho một món tiền nhỏ mang lại lợi ích lớn lao hơn. Ở New York, hệ thống cho phép học sinh tiếp cận đến những cố vấn, vé tàu điện ngầm và các món trợ cấp tiền mặt, dù khiêm tốn nhưng đã cho thấy tỷ lệ tốt nghiệp từ các trường cao đẳng cộng đồng tăng gấp đôi, với nhóm được hưởng lợi rõ ràng là các học sinh gốc Phi Châu và gốc Latin.
Đầu tư sớm
Chúng ta sẽ bàn đến trẻ em nghèo. Mở rộng tín dụng thuế thu nhập kiếm được (“earned-income tax credit” hay “eitc”), tăng tiền lương của người lớn có thu nhập thấp và tín dụng thuế cho trẻ em phổ thông có thể làm giảm đáng kể tình trạng nghèo đói của trẻ em - cũng như chi phí khủng khiếp của nhiều thập kỷ kể từ nay từ các khoản thu thuế thấp hơn, chi phí cao hơn cho việc tống giam, dịch vụ vô gia cư và chăm sóc sức khỏe. Theo báo cáo của Viện Hàn Lâm Quốc Gia, một chương trình kết hợp trợ cấp trẻ em hàng năm 2.700 đô la cùng mở rộng 40% eitc sẽ giảm một nửa tỷ lệ nghèo ở trẻ em, với 110 tỷ đô la một năm. Canada đã triển khai một chương trình tương tự vào năm 2016 và chỉ mất hai năm để giảm tỷ lệ trẻ em nghèo xuống một phần ba.
Một ý tưởng cấp tiến hơn đó chính là tất cả trẻ em nên có một tài khoản ủy thác do chính phủ tài trợ - “baby bonds” - với số tiền dành cho những em có hoàn cảnh khó khăn nhỉnh hơn những em còn lại. Theo tính toán của Naomi Zewde thuộc City University of New York, kế hoạch chi 50,000$ từ lúc chào đời cho đến khi những em có hoàn cảnh khó khăn đủ 18 tuổi sẽ làm giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa thế hệ trẻ da trắng và da đen từ 16:1 xuống còn 1.4:1, kể cả khi hoàn toàn trung lập sắc tộc.
Đề xuất này sẽ tiêu tốn khoảng 80 tỷ đô mỗi năm. Điều này có nghĩa là kích hoạt tín dụng thuế trẻ em, mở rộng eitc và cả chương trình trái phiếu trẻ em vẫn sẽ ít tốn kém hơn chương trình đánh thuế cổ tức và tăng vốn dài hạn ở mức thấp hơn thu nhập trị giá tới 207 tỉ mà chính phủ chuẩn bị phê chuẩn trong năm nay. Ý tưởng bồi thường cho hậu duệ của những người nô lệ - dự đoán sẽ ngốn khoảng 4 triệu đô để giải quyết êm đẹp - tất nhiên, sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều. Chúng cũng không phải là nguyên nhân rõ ràng gây ra phản ứng dữ dội, vì không giống như các khoản bồi thường - hay vì vấn đề đó, các chính sách tại các trường đại học và các nơi khác, sẽ hoàn toàn dựa trên các tiêu chí kinh tế, chứ không phải chủng tộc.
Thật không may, thực tế là lợi ích của các chương trình như vậy sẽ tích lũy không tương xứng với người Mỹ gốc Phi và có thể khiến cho việc xây dựng hỗ trợ chính trị rộng rãi trở nên khó khăn. Các mạng lưới an toàn như tiền mặt cho phúc lợi hoặc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nghèo - một phần của cải cách chăm sóc sức khỏe của ông Obama - đã không được một số người Mỹ Da Trắng ưa chuộng. Điều đó có thể làm cho nó phù hợp về mặt chính trị để tập trung vào các chương trình phổ quát. An sinh xã hội (Social Security), nơi cung cấp lương hưu, và chăm sóc sức khỏe Medicare, nơi cung cấp bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, đã trở nên gần gũi với chính trị một phần vì chúng là phổ biến. Trợ cấp thuế trẻ em và trái phiếu trẻ em có thể trở nên tương tự.
Thượng nghị sĩ Cory Booker nhớ lại: “Cha mẹ tôi thực sự phải nhờ một cặp vợ chồng da trắng giả dạng chúng tôi mới mua được nhà ở khu vực ngoại ô giàu có ở New Jersey với những trường công lập giỏi.” Cùng với việc thúc đẩy một dự luật lưỡng đảng về cải cách tư pháp hình sự, ông Booker cũng đã thúc đẩy một chương trình loại bỏ các ống nước làm bằng chì trong trường học; trái phiếu trẻ em đã trở thành con át chủ trong cuộc tranh cử của ông cho ứng cử viên Dân chủ.
“[Tiến sĩ King] đã hùng hồn phát biểu rằng trong thế giới này chúng ta không chỉ xót xa, ăn năn về lời nói và hành động của người xấu mà còn cả sự im lặng đáng sợ của người tốt,” ông Booker nói. “Vâng, tôi sợ rằng chúng ta sẽ tiếp tục phải ăn năn cả ở thế hệ này, nếu thêm nhiều người trong chúng ta, những người tốt - và đang chiếm đa số người Mỹ - tiếp tục để thêm một thế hệ phải chịu đựng những bất công dai dẳng mà chúng ta đã không sửa chữa.”
Bài viết này xuất hiện trong phần tóm tắt của ấn phẩm in dưới tiêu đề “Tách biệt.”
Translation by Duong Nguyen and Ha Vi Nguyen
Copy edits by Paul Nguyen
Comments