Cách người Mỹ bỏ phiếu đã thay đổi. Translated from The Atlantic article The ‘Blue Shift’ Will Decide the Election
David A. Graham, ngày 10 tháng 8, 2020
GETTY / THE ATLANTIC
Khi phòng phiếu đóng vào ngày 6 tháng Mười Một năm 2018, “làn sóng xanh” mà mọi người mong đợi chỉ là những gợn nước lăn tăn. Không những một vài ứng viên cao cấp bị thất cử, đảng Dân chủ cũng không giành được nhiều ghế ở lưỡng viện như dự đoán.
Hóa ra, làn sóng này vẫn còn nhấp nhô chưa đến đỉnh. Các tuần kế tiếp, khi số phiếu được kiểm tăng lên, Đảng Dân chủ chiếm gần 41 ghế Hạ Viện. Trong cuộc tranh ghế Thượng viện tại Arizona, đại diện Cộng hòa Martha McSally thua đại diện Dân chủ Kyrsten Sinema, người nhận hơn 70,000 phiếu sau bầu cử. Đảng Dân chủ cũng thu hẹp đáng kể khoảng cách trong các cuộc tranh cử ở Florida và Georgia. Đảng Cộng hòa sửng sốt với những chuyện này.
“California đối với tôi không hợp lý gì cả. Đêm bầu cử, chúng tôi mất 26 ghế. 3 tuần sau đó, chúng tôi gần như thua tất cả trên chiến trường California,” trích lời nguyên Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan vào hồi cuối tháng Mười Một.
Sự đột phá muộn của lá phiếu Dân chủ là một bình thường mới, tuy nhiên vẫn bị đánh giá thấp trong cuộc bầu cử toàn quốc. Người Mỹ đã trở nên quen thuộc với việc biết ai thắng ngay đêm bầu cử, nhưng còn rất nhiều lá phiếu hợp pháp chưa được kiểm ngay mỗi kỳ. Những quan sát viên bầu cử vẫn không hiểu tại sao những lá phiếu muộn này sau khi được kiểm, lại mang đến những kết quả tốt cho phe Dân chủ. Sự kiện này được gọi là “làn sóng xanh". Trong hầu hết các cuộc bầu cử, làn sóng này không quan trọng mấy khi nó chỉ thay đổi số lượng phiếu bầu chứ không phải kết quả. Tuy nhiên, nó cũng có thể thay đổi kết quả của nhiều cuộc bầu cử như năm 2018 kể trên.
Mặc dầu báo chí và cử tri đoàn bắt đầu nhận thấy rằng Ngày Bầu cử sẽ kéo dài thành Tuần Bầu cử, thậm chí là Tháng Bầu cử do tình hình phức tạp của coronavirus mang lại, làn sóng xanh xảy đến thế nào vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, tác động của nó trong năm 2020 có thể nghiêm trọng hơn, nhất là khi phe Dân chủ đang cổ vũ nhiệt tình bỏ phiếu qua bưu điện hơn so với phía Cộng hòa. Nếu như công chúng không kiên nhẫn chờ đợi kết quả cuối cùng, và các chính trị gia sử dụng tiểu xảo để khai thác và thổi bùng nghi ngờ về tính trung thực của kết quả bỏ phiếu chung cuộc, nước Mỹ sẽ gặp những hậu quả khôn lường.
Hãy thử hình dung vào ngày 3 tháng Mười Một năm 2020, như thường lệ, tổng thống Donald Trump đang dẫn trước ở một số bang quan trọng như Pennsylvania với khoảng 10,000 hoặc 20,000 phiếu - và có vẻ đã có đủ số phiếu để thắng đa số cử tri đoàn. Trump tuyên bố đắc cử, chế nhạo đối thủ Biden, và chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ hai của mình. Nhưng kết quả của Đêm Bầu cử đã bỏ sót hàng nghìn phiếu bầu, bao gồm cả phiếu tạm thời/phiếu hờ và phiếu bầu qua bưu điện chưa được kiểm. Vào những ngày tiếp theo, khi mà lượng phiếu bầu này được tính, số phiếu dẫn đầu của Trump dần sụt giảm và có nguy cơ biến mất. Đến cuối tuần đó hoặc sang tuần, Biden được chứng nhận là người thắng Pennsylvania - và giành được chiếc ghế trong tòa Bạch ốc.
Trong kịch bản đó, Trump sẽ không vui lòng chấp nhận được sự thất bại đó. Ông ta đã giành hàng tháng trời để làm bất hợp pháp hệ thống bầu cử. Vậy nên, hãy tưởng tượng, ông ta sẽ kêu ca mình là nạn nhân của một cuộc gian lận có tính toán, một cuộc đảo chính cầm đầu bởi phe Dân chủ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông ta cổ vũ người ủng hộ mình đổ xuống đường, châm ngòi cho cuộc đụng độ đảng phái đầy bạo lực? Ông ta cũng có thể sẽ hối thúc Quốc hội Pennsylvania dẫn đầu bởi đảng Cộng Hòa đệ trình danh sách đại cử tri đoàn ủng hộ Trump, đề xuất tái bầu cử, mặc dù danh sách cho thấy rõ ràng Biden mới là người được chọn.
Giả thuyết làn sóng xanh đảo ngược kết quả dự đoán người thắng cử theo chuyên gia luật bầu cử Rich Hasen, là “một viễn cảnh ác mộng.” Một là Trump hay Biden thắng với một tỷ lệ đủ để cho Đêm Bầu cử có kết quả rõ ràng; hai là nhiều tiểu bang có thể bị tác động bởi làn sóng xanh sau ngày mùng 3 tháng Mười Một, gây ra hỗn loạn.
“Chẳng cần quan tâm đến Nga, mà nên lo lắng về làn sóng xanh cùng những kiện tụng đấu tranh đến cùng cũng đủ để gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa về kết quả bầu cử tổng thống,” trích lời Edward Foley, giáo sư luật tại bang Ohio nói với tôi.
Làn sóng xanh là kết quả của hai bước thay đổi lớn trong bầu cử ở Mỹ 70 năm qua. Thứ nhất, người Mỹ hy vọng họ sẽ biết kết quả ngay vào Đêm Bầu cử. Quay lại những cuộc bầu cử đầu tiên, thực sự là bất khả thi để thu thập số liệu từ nhiều khu vực pháp lý khác nhau, cũng như công bố kết quả đến công chúng ngay lập tức. Truyền thông kỹ thuật đã thay đổi cục diện. Abraham Lincoln hay tin mình thắng cuộc năm 1860 bằng cách đứng chờ ở văn phòng điện báo đến tận sáng. Nhưng khi cuộc đua sát sao, hay là khi phiếu bầu kiểm chậm, ngay cả những phương tiện liên lạc tức thời cũng phải chịu thua khi không thể đưa ra kết quả chưa ngã ngũ. Gần một thế kỷ sau thời Lincoln, vào năm 1948, Edward Murrow của đài truyền hình CBS News phải kết thúc buổi phát hình mà không có kết quả của cuộc bầu cử sát nút giữa Harry Truman và Thomas Dewey. (Trong khi đó tờ báo The Chicago Tribune thì không được kiên nhẫn cho lắm.)
Thay đổi thứ hai là sự ra đời của công nghệ giúp cho truyền hình dự đoán ai là người thắng cử, đôi khi trước cả khi phòng phiếu cuối cùng đóng cửa. Năm 1952, lần đầu tiên CBS và NBC đưa vào thử nghiệm việc sử dụng máy tính để phân tích kết quả sơ bộ, và đến năm 1960, chúng là một phần quan trọng trong trực tiếp truyền hình bầu cử. Truyền hình trở thành một tập tục quan trọng trong Đêm Bầu cử của người Mỹ và các kết quả dự đoán của các chương trình truyền hình cũng được coi như là kết quả cuối cùng. Thật ra, không có kết quả bầu cử nào là đúng ngoài kết quả chứng nhận bởi hội đồng bầu cử. Nhưng thực tế, người Mỹ thường cho rằng bất cứ điều gì TV nói đều là sự thật.
Foley nói với tôi: “Từ khía cạnh pháp lý, không có và chưa bao giờ có kết quả cuối cùng trong Đêm Bầu cử. Những kết quả trong Đêm Bầu cử chỉ là dự đoán mà các phương tiện truyền thông đã cung cấp cho khán giả của mình.”
Lược bỏ sự khác biệt này đã tạo ra một thảm họa vào năm 2000. Vào Đêm Bầu cử, truyền hình dự đoán ứng viên đảng Dân chủ Al Gore sẽ thắng cử, sau đó họ rút lại. Kế đến họ lại dự đoán ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush sẽ thắng cử, và sau đó cũng rút lại, vì kết quả ở Florida quá sát sao để có thể phân định. Phải đến ngày 12 tháng 12, khi Tối cao Pháp viện ra quyết định không kiếm phiếu nữa, đảm bảo chiến thắng của ông Bush ở Florida và ghế tổng thống.
Chính vì sự hỗn loạn của cuộc bầu cử năm 2000 ở Florida - với những lá phiếu có tên ứng cử viên ở hai bên (butterfly ballots), hướng dẫn nhập nhằng không rõ ràng, những lá phiếu “đục lỗ lấp lửng" (hanging and pregnant chads) - Đạo Luật Giúp Người Mỹ Bỏ Phiếu 2002 (HAVA) đã được thông qua. Một trong những quy định của luật này cho phép những cử tri hội đủ điều kiện bỏ phiếu nhưng không có tên trong danh sách cử tri được phép bỏ phiếu tạm thời để được cân nhắc và xem xét sau. Ngày càng nhiều tiểu bang cũng thông qua các cuộc bỏ phiếu vắng mặt không lý do, với mục đích giúp mọi người bỏ phiếu dễ dàng hơn mà không phải xếp hàng chờ đợi trong Ngày Bầu cử.
Vào năm 2012, khi theo dõi kết quả bầu cử của tiểu bang Ohio, Giáo sư Foley thắc mắc về tác động của phiếu bầu được đếm sau Ngày Bầu cử. Điều ông ta tìm thấy rất đáng ngạc nhiên. Khi tham khảo số liệu từ năm bang chiến trường, Foley tìm thấy rằng từ năm 1960 đến năm 2000, sự khác biệt về số phiếu thống kê của Đêm Bầu cử và kết quả cuối cùng thường là hàng trăm đến hàng nghìn phiếu, nhiều lúc có lợi cho cả hai bên. Từ năm 2004, số phiếu này càng ngày càng tăng cho đảng Dân chủ - gần 80.000 phiếu ở Virginia năm 2008. Ông Foley đặt tên cho hiệu ứng này là “làn sóng xanh.”
Người ta vẫn chưa nghiên cứu và hiểu biết nhiều về làn sóng xanh này. Trong một nghiên cứu năm 2015, giáo sư Foley và Nhà Chính trị học tại Đại học MIT Charles Stewart III đã tìm thấy bằng chứng làn sóng xanh có tương quan với số phiếu bầu tạm thời đã được bỏ. Một nghiên cứu của Đại học Caltech (California Institute of Technology) tìm hiểu về làn sóng xanh tại Quận Cam, California, cho thấy nhiều cử tri với điều kiện tạm thời thường là những người trẻ, phần nhiều người da màu, không có gia cư cố định, và tất cả đều có xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Giáo sư Foley và Stewart cũng không tìm thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa lá phiếu bầu qua bưu điện hoặc phiếu bầu vắng mặt và làn sóng xanh. Từ trước đến nay, những lá phiếu này không có lợi cho phe nào cả.
Giáo sư Foley nói: “Thực sự mà nói, chúng tôi vẫn còn phải nghiên cứu thêm. Mặc dù có nhiều tiến bộ, tôi vẫn chưa chắc chắn là mình đã tìm được mối quan hệ nhân quả."
Trong lúc đó, các chính trị gia và công chúng dường như không biết về hiện tượng này. Đây là một lý do khiến Paul Ryan đã mất cảnh giác trước kết quả của 2018.
Theo lời Giáo sư Foley, “Tôi hiểu tại sao các chính trị gia lo lắng vì họ có thể dẫn trước trong Đêm Bầu cử nhưng vẫn thua sau khi kết quả được chứng nhận." Ông Ryan đã nhanh chóng tuyên bố rằng ông không thắc mắc về kết quả cuối cùng của California. Tuy vậy, không phải tất cả những đảng viên Cộng hòa lại thẳng thắn như vậy. (Các đảng viên Dân chủ cũng đã lên tiếng tố cáo các cuộc bầu cử gian lận, đặc biệt là cuộc bầu cử thống đốc Georgia.) Mặc dù không có dấu hiệu gian lận ở Quận Cam, Trump đã ví việc kiểm phiếu chậm như một gian lận phiếu bầu ở North Carolina, dẫn đến tái bầu cử. Và khi các ứng cử viên Đảng Dân chủ cho chức Thống đốc và Thượng viện Hoa Kỳ ở Florida giành được gần 20.000 phiếu bầu sau ngày Bầu Cử, Tổng thống Trump trở nên khó chịu : “ Florida phải tuyên bố Rick Scott và Ron DeSantis thắng cử vì có một số lượng lớn phiếu mới không biết từ đâu đến và có nhiều phiếu bị thất thoát hoặc giả mạo. Chúng ta không có thể có được một cuộc kiểm phiếu trung thực vì các lá phiếu bất hợp pháp. Phải dựa theo kết quả của Đêm Bầu cử!”. Thượng nghị sĩ đương nhiệm của bang, Marco Rubio và Thống đốc Rick Scott cuối cùng cũng được tuyên bố đắc cử vào Thượng viện. Cả hai đều đồng tình với quan điểm của ông Trump.
Đây là một điều vô lý: các phiếu kiểm sau này đều hợp pháp. Nếu chúng ta không đếm những phiếu này - mà chỉ dùng “kết quả của Đêm Bầu cử”, theo cách nói của ông Trump- quyền cử tri của nhiều người sẽ bị tước bỏ. Cuối cùng, số phiếu nói trên cũng được đếm. Đảng Cộng hòa vẫn chiến thắng và những lộn xộn được lắng xuống. Tuy vậy, sự giận dữ của Trump cho thấy chút ít những gì có thể xảy ra trong một tình huống tương tự với tên của ông Trump trên lá phiếu bầu cử Tổng thống.
Làn sóng xanh chắc chắn sẽ nổi lên vào tháng 11, chỉ không biết nó sẽ cao cỡ nào. Trong bài nghiên cứu năm 2019, điều tra về khả năng tranh chấp kết quả cuộc bầu cử 2020, Giáo sư Foley viết:
“ Rất có thể đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay sẽ được thêm 20.000 phiếu tại Pennsylvania trong khoảng thời gian từ Đêm Bầu cử đến ngày tổng số phiếu được chứng nhận. Câu hỏi then chốt là liệu những phiếu bầu này có giúp ứng cử viên Dân chủ đang dẫn đầu hay không, giống như những gì xảy ra trong 2 cuộc bầu cử tại bang này năm 2018. Hoặc nó có làm giảm sự khác biệt trong số phiếu của ông Trump dẫn trước trong đêm Bầu cử hay không. Và nếu vậy, liệu đối thủ của ông Trump sẽ có đủ phiếu để thắng hay không."
Tất cả những giả thiết này đã được đưa ra trước đại dịch Covid-19. Bầu cử trong thời kỳ đại dịch đến nay phát hiện nhiều vấn đề: không đủ nhân viên điều hành phòng phiếu, không đủ địa điểm bỏ phiếu, người dân phải xếp hàng dài để bầu. Đấy là những bất cập tại các cuộc bầu cử sơ bộ. Với cuộc bầu cử toàn quốc và số lượng cử tri dự đoán cao vào tháng 11 này, các bất cập này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Phần lớn số người đi bầu tháng 11 này sẽ không đến phòng phiếu. Bầu cử qua bưu điện đã được khởi động ồ ạt . Hiện tại, nhiều tiểu bang đang nỗ lực giúp cử tri bỏ phiếu an toàn. Mặc dù một số tiểu bang đã cho bỏ phiếu qua bưu điện, từ trước đến nay, chưa có một cuộc bầu cử nào lại phụ thuộc vào bỏ phiếu qua bưu điện như kỳ này. Nhiều bang chưa từng thấy bỏ phiếu qua bưu điện nhiều như vậy.
Sự bùng nổ của việc bầu cử qua bưu điện có thể gia tăng ảnh hưởng của làn sóng xanh. Trong quá khứ, mối quan hệ giữa bỏ phiếu qua bưu điện và chiến thắng của Đảng Dân chủ sau Ngày Bầu cử rất là nhỏ. Tuy nhiên, càng ngày chúng ta càng có nhiều bằng chứng cùng với mối lo ngại của các chiến lược gia đảng Cộng hòa về chiến dịch của Tổng thống Trump bài trừ bỏ phiếu qua bưu điện sẽ ngăn cản những đảng viên Đảng Cộng hòa muốn bầu cách này. Nếu phần lớn các lá phiếu bỏ qua bưu điện là từ cử tri đảng Dân chủ và các cử tri Đảng Cộng hòa sẽ đi bầu ít hơn vào Ngày Bầu cử, làn sóng xanh sẽ mãnh liệt- nhất là ở các tiểu bang chỉ được bắt đầu đếm phiếu bỏ qua bưu điện vào ngày bầu cử, như Pennsylvania, Wisconsin và Florida.
Nhiều tiểu bang khác sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến cuộc tranh cử Tổng thống, nhưng vẫn là then chốt trong nhiều cuộc đua tại Hạ viện và Thượng viện. (Kết quả của hai cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ ở New York mới được tuyên bố tuần trước, một tháng sau ngày bầu cử.) Tòa án và chính phủ tiểu bang có thể thay đổi các điều luật liên quan đến bầu cử - ví dụ như thay đổi lịch bầu cử, hay các lá phiếu có dấu bưu điện nhưng chưa nhận được trước Ngày Bầu cử vẫn hợp pháp.
Ông Hasen, chuyên gia luật bầu cử, nói với tôi: “Chúng ta đã chứng kiến sự trì trệ trong cuộc bầu cử sơ bộ. Số lượng phiếu sẽ nhiều hơn [trong cuộc tổng tuyển cử]. Chúng ta có thể làm nhiều điều để đối phó với vấn đề này. Câu hỏi chính sẽ là liệu hệ thống bầu cử của chúng ta sẽ có đủ nguồn lực hay không.”
Một hệ thống bầu cử dù có chuẩn bị đầy đủ cũng sẽ bị tác động bởi làn sóng xanh và dễ bị Trump tấn công như hồi năm 2018.
Theo lời viết của Giáo sư Foley và Stewart: “Công chúng có một quan niệm rằng các lá phiếu đếm sau Ngày Bầu cử dễ bị các đảng phái sửa đổi hơn là những phiếu đếm trong Ngày Bầu cử. Quan niệm này, đúng hay sai, sẽ phổ biến hơn nếu kết quả cuối cùng chênh lệch quá nhiều về một phe và đi lệch với kết quả của Ngày Bầu cử.”
Neal Kelly, đăng ký viên của cử tri Quận Cam, đã kể cho tôi những khó khăn trong việc đăng ký cử tri sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Ông nói: “Công việc này bị nhiều áp lực từ luật sư, ứng cử viên, giới truyền thông. Nó cũng giống như chỉ huy một con tàu trong chiến trận.” Kelley nói ông không lo lắng về vấn đề gian lận. Đối với ông, hầu hết các tiểu bang bỏ phiếu qua bưu điện sẽ được kiểm tra kỹ hơn là bầu trực tiếp. Ông cũng đã nói rằng cung cấp thông tin minh bạch cũng sẽ giúp người ta tin tưởng vào kết quả kiểm phiếu. Các đài truyền hình cũng quay phim nhóm đếm phiếu của ông làm việc và các đảng phái chính trị cũng có cho người giám sát. Ông nói: “ Tôi biết không ai i tin tưởng chúng tôi một cách mù quáng như vậy”.
Việc trao đổi tài liệu và tin tức giữa các quan chức bầu cử sẽ rất cần thiết để duy trì tính hợp pháp và minh bạch của làn sóng xanh nếu nó diễn ra theo dự đoán tháng 11 tới đây. Công chúng phải hiểu nhiều sự kiện có thể xảy ra : thời gian kiểm phiếu sẽ kéo dài, kết quả cuối cùng cũng sẽ khác biệt với kết quả ban đầu. Phần lớn gánh nặng bảo vệ sự minh bạch của cuộc bầu cử này sẽ thuộc vào các quan chức. Đáng buồn thay, Tổng thống Trump sẽ tuyên bố bầu cử có gian lận dù thắng hay bại, - giống như ông đã làm năm 2016, khẳng định rằng “hàng triệu người” đã bỏ phiếu bất hợp pháp.
Ông Hasen nói: “Các thành viên của Đảng Cộng hòa cần phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Nếu Trump thua xa và không có cách nào để thắng, tôi hy vọng đảng Cộng hòa sẽ bác bỏ Trump khi ông ấy quả quyết có gian lận bầu cử. Nếu kết quả có tỷ lệ sát nút, họ sẽ ủng hộ Trump.”
Người dịch: Duong Nguyen & Linh Hoang
Biên tập: Paul Nguyen
Comments