top of page

Liên hợp quốc công bố đánh giá nguy cấp về tình trạng biến đổi khí hậu

By Denise Chow, Helena Skinner, on 09-08-2021


Báo cáo chính thức cho thấy “rõ ràng con người là tác nhân làm cho bầu khí quyển, đại dương và đất liền nóng lên.”



Mảng băng tan-Bernhard Staehli

Theo một báo cáo nguy cấp do Liên hợp quốc công bố hôm thứ Hai, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi Trái đất ở mức chưa từng thấy trong hàng nghìn năm nay - và trong một số trường hợp là trong hàng trăm nghìn năm. Đánh giá này cũng cho rằng một số thay đổi đã diễn ra, chẳng hạn như đại dương ấm lên và mực nước biển dâng cao, là một điều "không thể đảo ngược lại trong nhiều thế kỷ đến thiên niên kỷ." Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi những phát hiện này là một cảnh báo "mã đỏ cho nhân loại", cũng nói thêm rằng đây là "hồi chuông báo động chói tai và bằng chứng đưa là không thể chối cãi được." Báo cáo này là đánh giá toàn diện nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2013 và cung cấp bằng chứng mạnh mẽ nhất về sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, cho rằng “rõ ràng con người là tác nhân làm cho bầu khí quyển, đại dương và đất liền nóng lên.”

Báo cáo cũng cho thấy rằng biến đổi khí hậu đang tăng cường, diễn ra với tốc độ nhanh và đang tác động đến tất cả mọi khu vực trên trái đất. Valérie Masson-Delmotte, đồng chủ tịch Nhóm công tác I của IPCC, trong một tuyên bố cho biết: “Trong nhiều thập kỷ qua, việc khí hậu Trái đất đang thay đổi và vai trò ảnh hưởng của con người đối với hệ thống khí hậu là một điều rõ ràng không thể chối cãi được." Ko Barrett, phó chủ tịch IPCC và là cố vấn khí hậu cấp cao tại Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, nói với NBC News rằng báo cáo cho thấy rằng từ giờ trở đi, cho dù con người làm gì đi chăng nữa, tương lai sẽ nóng hơn hiện tại. Barrett nói: "Khi suy nghĩ rằng có quá nhiều thứ không thể thay đổi được trong một thời gian dài có thể khiến bạn mất tinh thần hoặc chán nản. Nhưng vẫn còn tin tốt là chúng ta vẫn còn có thể làm chậm lại những thay đổi không thể đảo ngược này bằng cách cắt giảm sự phát thải khí nhà kính một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững." Tổ chức IPCC được thành lập vào cuối những năm 1980, bao gồm hàng nghìn nhà khoa học từ 195 chính phủ thành viên, những người đã suy ngẫm về các nghiên cứu được xuất bản và bình duyệt gần đây nhất về sự nóng lên toàn cầu và biên soạn các phát hiện thành một báo cáo về hiện trạng khí hậu. Đánh giá này bao gồm việc xem xét các rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai, thường đại diện cho sự đồng thuận ý kiến trong cộng đồng khoa học. Hơn 230 tác giả đã đóng góp cho báo cáo mới nhất này. Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ biến đổi khí hậu trong khi thời tiết khắc nghiệt tấn công Hoa Kỳ Bản đánh giá này được công bố chưa đầy ba tháng trước khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị tham gia Hội nghị Biến đổi khí hậu năm 2021 của Liên Hợp Quốc từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 12 tháng 11 tại Glasgow, Scotland. Các quốc gia dự kiến sẽ đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để giảm lượng khí thải cho đến năm 2030 và những kết luận của IPCC có thể sẽ được nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận. John Kerry, cựu ngoại trưởng và đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu, trong một tuyên bố cho biết rằng báo cáo này sẽ buộc các nhà lãnh đạo phải có hành động mạnh mẽ để đưa trái đất hướng đến mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Ông nói “Cái mà thế giới cần lúc này là hành động thực sự. Tất cả các nền kinh tế lớn cần cam kết hành động mạnh mẽ về khí hậu trong thập kỷ vô cùng quan trọng này.” “Chúng ta có thể đạt được một nền kinh tế ít khí thải mà chúng ta đang cần phải có một cách khẩn cấp, nhưng thời gian đang không đứng về phía chúng ta.” Báo cáo nói rằng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người đã gây ra hiện tượng toàn cầu ấm lên với tốc độ chưa từng thấy trong ít nhất 2.000 năm qua. Các tác giả đã viết rằng từ 1850 đến 1900, giai đoạn sớm nhất khi mà chúng ta có những số đo nhiệt độ bề mặt toàn cầu đáng tin cậy, biến đổi về khí hậu do con người đã gây ra ước tính là khoảng 1.1 độ C. Hơn nữa, báo cáo cho thấy nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ ấm lên hơn 2 độ C trong thế kỷ này "trừ khi trong những thập kỷ tới chúng ta cắt giảm một cách đáng kể việc phát thải thán khí (carbon dioxide) và các khí nhà kính khác ." Corinne Le Quéré, giáo sư khoa học về biến đổi khí hậu tại trường Đại học East Anglia ở Vương quốc Anh, người không tham gia đánh giá IPCC, cho biết: “Báo cáo cho thấy rất rõ ràng rằng: Nếu chúng ta muốn hạn chế sự nóng lên ở mức có thể sống được, chúng ta phải cắt giảm lượng khí thải đáng kể và ngay lập tức”.


Dịch và biên tập: Le Tran

Comments


bottom of page