top of page

Những lỗ hổng trong nền dân chủ bị phơi bày qua Trump

Translated from Christian Science Monitor article In his wake, Trump leaves vulnerabilities of democracy exposed.


Quá trình chuyển giao vị trí tổng thống chính thức được tiến hành, nhưng những nỗ lực nhằm làm mất uy tín cuộc bầu cử từ phía Tổng thống Trump đã chỉ ra những rạn nứt trong hệ thống cần được củng cố.


Peter Grier, Sarah Matusek, ngày 25 tháng 11, 2020

Những người ủng hộ Tổng thống Trump tụ tập trước khách sạn Wyndham nơi tổ chức cuộc họp của Ủy ban Thượng viện Pennsylvania, ngày 25 tháng 11, 2020, tại Gettysburg, Pennsylvania.


Những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử mà ông hay tuyên bố sai là mình đã thắng dường như đã thất bại. Hoa Kỳ có thể đã tránh được cuộc nội chiến giành quyền lực sau bầu cử, vốn là đặc trưng của các nước có nền dân chủ còn non trẻ.

Nhưng những hành động bất thường trong ba tuần qua có thể để lại dấu ấn lâu dài cho nền chính trị của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đã chỉ ra được nhiều vết nứt và lỗ hổng trong hệ thống bầu cử cồng kềnh, phức tạp, thiếu tập trung của Mỹ - đồng thời ông cũng đưa ra những thách thức cho hệ thống để xem kết quả sẽ như thế nào nếu có.

Kết quả tìm được là một lối đi để trong tương lai mọi người có thể cải thiện hơn. Cách nước Mỹ chọn ra người lãnh đạo phụ thuộc vào nhiều chuẩn mực và giá trị truyền thống, cũng như thiện chí của những người làm công tác bầu cử và các quan chức ở địa phương và bang. Những tuần gần đây đã làm chúng ta thấy rõ cách ứng cử viên có thể thao túng hoặc gây ảnh hưởng đáng sợ đến độ không tưởng đến các sự kiện và những người chủ chốt - đặc biệt là khi ứng cử viên gieo rắc nghi ngờ trước cuộc bầu cử, như ông Trump đã làm bằng cách tấn công việc bỏ phiếu qua thư.

“Bầu cử là cách chúng ta giải quyết những khác biệt chính trị một cách hòa bình và ông Trump đã ngoan cố đưa ra một lựa chọn sai lầm: một là ông ấy phải thắng, còn không thì hệ thống bầu cử không minh bạch” Myrna Pérez, giám đốc Trung tâm Brennan về Quyền bầu cử của Công lý và Chương trình bầu cử, nói thêm,"Điều này thực sự đang phá hoại hệ thống của Mỹ… trong đó người dân bầu chọn nhà lãnh đạo - chứ không phải theo hướng ngược lại."

Cách tiếp cận bốn phía của Trump

Ông Trump đã từ chối nhận thua đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden và tiếp tục khẳng định rằng mình sẽ có con đường tái đắc cử. Vào thứ Tư, ông đã tweet, "Năm 2020 còn lâu mới kết thúc!"

Nhiều đảng viên Cộng hòa ủng hộ cuộc chiến này của tổng thống Trump. Một cuộc thăm dò gần đây của tờ Economist / YouGov cho thấy 84% thành viên tự nhận của GOP tin rằng ông Biden đã không thắng cử một cách hợp pháp.

Nhưng số liệu tuần này đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình chuyển giao quyền lực chính thức, khi Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp thông báo hôm thứ Hai rằng họ sẽ bắt đầu phối hợp với đội ngũ quản lý của Biden. Bản tóm tắt phân loại về thông tin tình báo quan trọng mà Tổng thống nhận được mỗi ngày cũng đang được gửi đến cho ông Biden.

Các tiểu bang với tổng số 270 phiếu bầu Cử tri đoàn - mức chênh lệch cần thiết để đắc cử - hiện đã xác nhận chiến thắng của Biden.

Chiến lược sau cuộc bầu cử của ông Trump để lật đổ việc này bao gồm bốn điều:


  • Trực tiếp loan tin đến cả nước rằng ông mới là người chiến thắng năm 2020, bắt đầu bằng việc xuất hiện tại Nhà Trắng trong vài giờ sau khi các phòng phiếu đóng cửa và tiếp tục khẳng định chiến thắng của mình trên Twitter.

  • Những phiên tòa được khởi kiện là để dừng việc kiểm phiếu hoặc bỏ đi những phiếu bầu hợp lệ.

  • Vận động các quan chức tiểu bang và quận trì hoãn việc xác nhận tổng số phiếu bầu.

  • Vận động các nhà lập pháp tiểu bang bỏ qua tổng số phiếu bầu và giành ghế cho các đại cử tri ủng hộ Trump.

Đến thời điểm này thì những phiên tòa là liên kết yếu nhất trong những việc kể trên. Trong khi các luật sư, người đại diện của Trump và các phương tiện truyền thông thiên hữu đã công khai những gì họ cho là bằng chứng về hành vi gian lận cử tri, thì những trường hợp đó phần lớn đã bị bác bỏ khi phân tích cụ thể hoặc khi có quá ít phiếu bầu để tạo ra bất kỳ sự thay đổi nào. Các thẩm phán hầu như đã lật tẩy tất cả những trường hợp do nhóm pháp lý của Trump đâm đơn kiện.

“Các thẩm phán do Đảng Cộng hòa bổ nhiệm, các thẩm phán do Đảng Dân chủ bổ nhiệm, các thẩm phán liên bang và tiểu bang - tất cả đều đã hoàn thành công việc của mình và họ đóng vai trò như những người bảo vệ”, Jessica Levinson, giáo sư Trường Luật Loyola và là người dẫn của kênh podcast “Passing Judgment” cho biết.

Tuy nhiên, các vụ kiện lên tòa vẫn có hiệu ứng đáng kể. Chúng đã kết hợp với chiến lược truyền thông của tổng thống để miêu tả cuộc bầu cử năm 2020 là “bị đánh cắp”.

“Bản thân các vụ kiện không gây trở ngại pháp lý. Điều nguy hiểm là có thể có ít nhất 40 đến 50 triệu người Mỹ đang đi theo những điều dối trá, những thuyết âm mưu”, Giáo sư Levinson nói.

Tổng thống cũng đã phá vỡ các quy tắc bằng việc cố gắng can thiệp vào quá trình bầu cử ở một số bang quan trọng. Ông đưa các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa ở bang Michigan đến Nhà Trắng trong khi một số người đại diện của ông trên truyền hình đang gợi ý rằng những người Cộng hòa đó sẽ ngồi ghế đại cử tri ủng hộ Trump ở bang này, đánh bại Michigan của ông Biden. Ông Trump và các đồng minh của ông cũng đã tấn công Đổng lý văn phòng Georgia Brad Raffensperger trước khi tiểu bang xác nhận số phiếu bầu chính thức- mặc dù thực tế là ông Raffensperger đã bỏ phiếu cho ông Trump.

Những tiền lệ này có thể khuyến khích những người thua cuộc trong tương lai, đặc biệt là khi kết quả hòa hai bên. Họ có thể từ chối nhượng bộ, nộp nhiều vụ kiện, thúc đẩy lật ngược kết quả của bang và từ chối ủy quyền cho đối thủ của họ. Tất cả đều nhằm nỗ lực tranh giành quyền lực.

Bà Pérez xác định: “Mục đích không chỉ nhắm đến kết quả bầu cử, mà còn làm tan rã hệ thống dân chủ của chúng ta.”

Thúc đẩy niềm tin trong các cuộc bầu cử

Một cách để chống lại điều này có thể là toàn quốc hóa những tiêu chuẩn và thủ tục bỏ phiếu. Điều đó có thể trấn an các cử tri rằng hệ thống bầu cử luôn tuân theo một hệ thống thông lệ tốt nhất.

Zeynep Tufekci, một nhà khoa học xã hội của Đại học Bắc Carolina, đã viết trên tờ The New York Times, rằng việc đăng ký dễ dàng và cơ sở dữ liệu được chuẩn hóa hơn sẽ giúp cử tri không bị loại khỏi danh sách, đồng thời giảm bớt lo lắng về gian lận.

Việc chia sẻ thông tin cử tri giữa các bang được chuẩn hóa và phổ biến hơn có thể có tác dụng tương tự. Những cuộc kiểm tra bắt buộc có sau bầu cử - chẳng hạn như Georgia, hiện đã có thể kiểm tra những điểm bất thường mà không cần phải có khiếu nại hoặc kiện tụng trong bang.

Bà Pérez thuộc Trung tâm Brennan cho biết thêm rằng các nhân viên phòng phiếu - những người hùng thầm lặng của chu kỳ bầu cử này - cần nhiều nguồn lực hơn để thực hiện công việc của họ. Nền giáo dục công dân được cải thiện để có thể lấp đầy lỗ hổng kiến ​​thức của cử tri, từ đó họ sẽ có chính kiến hơn khi có những tuyên bố gian lận hoang đường xảy ra.

Cuối cùng, bản thân mỗi công dân cần đấu tranh cho dân chủ.

Bà Pérez nói: “Cử tri cần phải nói với các chính trị gia rõ ràng rằng chúng ta muốn có cuộc bầu cử tự do, công bằng và dễ tiếp cận. Đồng thời chúng ta muốn những người có chính kiến khác cũng có một cuộc bỏ phiếu tương tự như vậy.”


Người dịch: May H.

Biên tập: Châu Trần

Comments


bottom of page