... trong cuộc chạy đua giành chiếc ghế quốc hội đang được theo dõi sát sao.
Translated from LAIST article In Orange County's Little Saigon, Vietnamese American Voters Are Courted In Closely-Watched Congressional Race
Cả ứng viên Dân chủ Harley Rouda và ứng viên Cộng hòa Michelle Steel đều nhận thấy rằng lá phiếu của người Mỹ gốc Việt đang thay đổi và có thể xoay chuyển kết quả bầu cử.
JOSIE HUANG, ngày 23 tháng 10, 2020
Catt Phan ở Fountain Valley là một trong những thanh niên cấp tiến đang làm thay đổi diện mạo của cử tri người Mỹ gốc Việt
Anh Tam Nguyen không cách nào thoát khỏi làn sóng quảng cáo chính trị tràn ngập quận bầu cử Quốc hội của anh ấy ở Quận Cam. Những quảng cáo này, đa phần bằng tiếng Việt, cũng xuất hiện trên dòng thời gian trên mạng xã hội của anh ấy.
"Tôi chưa bao giờ thấy hai ứng cử viên không phải là người Việt đổ nhiều công sức, nhiều bưu phẩm, và nhiều quảng cáo vào cộng đồng người Việt như thế này" Anh Tam Nguyen nói.
Gia đình anh Tam Nguyen điều hành Trường Thẩm Mỹ Cao Cấp (Advance Beauty College). Anh cho rằng thời khắc của cộng đồng người Việt đã đến. Phiếu bầu của người Mỹ gốc Việt hiện có ý nghĩa quan trọng quyết định giữa Nghị sĩ Dân chủ đương nhiệm Harley Rouda và Đảng viên Cộng hòa Michelle Steel (một Giám sát viên Quận Cam), ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chạy đua sát nút giành chiếc ghế quốc hội của Quận thứ 48.
Cả hai ứng cử viên đều đang ra sức lôi cuốn sự chú ý của Sài Gòn Nhỏ, một cộng đồng trải rộng qua nhiều thành phố trong quận và là nơi tập trung người Việt hải ngoại đông nhất, với ước tính lên đến 200,000 người.
Cuộc đua giành chiếc ghế quốc hội ở quận thứ 48 hiện rất tốn kém và được theo dõi sát sao. Rouda đã từng nổi tiếng vì đánh bại Hạ nghị sĩ 30 năm Dana Rohrabacher năm 2018, như một phần của làn sóng “xanh” (Dân chủ) quét qua các quận có truyền thống “đỏ” (ủng hộ Cộng Hòa) ở Quận Cam trong cuộc bầu cử giữa kỳ.
Nhưng hai năm sau, Rouda đang phải đối mặt với một thách thức mạnh mẽ hơn Rohrabacher nhiều. Quan điểm thân thiện với Nga của Rohrabacher đã khiến ông phải trả giá đắt khi có sự náo động về sự can thiệp của Điện Kremlin vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Hiện tại vẫn có nhiều cử tri trong quận đăng ký ủng hộ đảng Cộng hòa hơn là đảng Dân chủ.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Harley Rouda đang đối mặt với thách thức giành chiếc ghế Quốc hội Quận 48 từ ứng viên Cộng hòa Michelle Steel. (Ảnh do các ứng viên cung cấp)
Các nhà phân tích cho rằng Rouda có lợi thế, nhưng ngay cả chiến dịch vận động tranh cử của ông ấy cũng thừa nhận rằng khả năng chiến thắng của ông hơi thấp. Điều đó đã khiến họ chuyển trọng tâm qua cử tri người Mỹ gốc Việt nhiều hơn, với việc Ủy ban Vận động Quốc hội của đảng Dân chủ tung ra quảng cáo tấn công bà Steel bằng tiếng Việt đầu tiên trên một kênh truyền hình cáp quốc gia của người Việt. Bà Steel cũng phát quảng cáo của mình với hình ảnh các chính trị gia nổi tiếng từ Sài Gòn Nhỏ lên tiếng ủng hộ bà bằng tiếng Việt.
Cả hai ứng cử viên cũng nhấn mạnh các vấn đề quan trọng ở Sài Gòn Nhỏ như hỗ trợ các nhà kinh doanh nhỏ và mở lại các tiệm nail trong thời đại dịch, vốn là ngành người Mỹ gốc Việt chiếm đa số. Tam Nguyen cho biết anh đánh giá cao sự hỗ trợ của họ, đặc biệt là sau khi Thống đốc Gavin Newsom đưa ra tuyên bố không có cơ sở rằng trường hợp đầu tiên lây lan trong cộng đồng ở California bắt nguồn từ một tiệm nail.
Thậm chí những vụ bê bối nổi lên trong cuộc chạy đua cũng chạm đến các điểm nhạy cảm của cộng đồng người Việt hải ngoại - từ việc Rouda tham dự các bữa tiệc theo chủ đề Chiến tranh Việt Nam tại hội huynh đệ ở trường đại học của ông vào những năm 1980 cho đến việc các đảng viên Dân chủ buộc tội chồng bà Steel đã giúp một số công dân Trung Quốc có liên hệ với chế độ Cộng sản thiết lập quan hệ với các nhà lãnh đạo Mỹ.
Tam Nguyen, người mà gia đình sở hữu các trường Advance Beauty College, nói rằng cả hai ứng cử viên cho quận thứ 48 đều ủng hộ ngành làm nail, vốn do người Mỹ gốc Việt làm chủ. (Josie Huang / LAist)
NHỮNG CỬ TRI ĐỔI CHIỀU QUAN TRỌNG
Ban đầu, điều làm cho làn sóng người Việt nhập cư đầu tiên ủng hộ Đảng Cộng hòa là sự phản đối chủ nghĩa Cộng sản và sự thù địch của họ đối với Trung Quốc. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Quận Cam, nơi có nhiều người tị nạn là cựu quan chức quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Irvine, Linda Trinh Vo, cho biết.
"Khuynh hướng chính trị của họ là kiên quyết chống Cộng sản", giáo sư Võ nói. "Những điều đó đã tạo nên hình thái chính trị của Sài Gòn Nhỏ ở Quận Cam."
Các chính trị gia người Mỹ gốc Việt có tham vọng đã được Đảng Cộng Hòa cố vấn và dẫn dắt vào các vị trí của cơ quan Lập pháp tiểu bang và các cơ quan chính quyền thành phố. Ngày nay, những đầu tư sớm đó được thể hiện rõ ràng qua những cái tên Việt gắn trên các bảng hiệu vận động tranh cử khổng lồ từ hội đồng cấp tiểu bang đến khu nước máy địa phương .
Những tấm biển lớn dành cho các ứng cử viên người Mỹ gốc Việt giăng trên đại lộ Bolsa ở Westminster. (Josie Huang / LAist)
Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ gốc Việt luôn dành lá phiếu bầu của họ cho Đảng Cộng hòa. Nhưng gần đây điều này trở nên khó lường hơn khi các cử tri thế hệ giữa và thế hệ thứ hai thiên về cựu tổng thống Obama và Đảng Dân chủ, xem các vấn đề như cải cách nhập cư, công bằng chủng tộc và chăm sóc sức khỏe là quan trọng hơn các vấn đề địa chính trị ở châu Á.
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều hy vọng tìm ra những cử tri người Mỹ gốc Việt không trung thành với bất kỳ đảng phái nào, kể cả những người nhập cư gần nhất.
"Những người này thật ra dễ bị chinh phục," giáo sư Võ nói. "Họ có thể là những cử tri dễ thay đổi quan trọng trong các cuộc bầu cử."
Peter Nguyễn, 29 tuổi, ở Costa Mesa, đang dành nhiều giờ để thuyết phục nhóm cử tri này ủng hộ cho Đảng Dân chủ.
Peter Nguyễn đã tạm ngưng công việc là một nhà vật lý trị liệu để cống hiến công sức nhằm giúp cho ứng viên đảng viên Dân chủ trúng cử. (Ảnh: do Peter Nguyễn cung cấp)
Peter Nguyễn, vì cuộc bầu cử năm nay, đã tạm ngừng công việc vật lý trị liệu đang có nhiều hứa hẹn của mình để trở thành nhà tổ chức địa phương cho Ủy ban Vận động Quốc hội của Đảng Dân chủ.
Anh sinh ra trong một trại tị nạn ở Indonesia và cùng mẹ di cư sang Mỹ khi mới bốn tuổi, và trong phần lớn cuộc đời của mình anh hầu như không dính líu đến chính trị. Khi tổng thống Trump nhậm chức và khởi động các nỗ lực nhằm hủy bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe với Giá cả phải chăng, anh bắt đầu lo lắng cho mẹ của anh, một trợ tá y tế.
"Làm sao mẹ tôi có thể trả nổi một khoản phí bảo hiểm cao ngất ngưởng như vậy khi mẹ không có dư đồng nào dành dụm cho nghỉ hưu bởi vì thu nhập của bà quá thấp?" anh cho biết. "Chúng ta không cần phải giàu mới được chăm sóc sức khỏe tốt."
Mẹ anh rất hoang mang tại sao anh lại đảm nhận nhiều công việc chính trị mệt mỏi như vậy, rồi một ngày nọ, họ đã có một tranh cãi lớn về việc đó. Anh cố gắng giải thích với mẹ tại sao điều đó lại quan trọng với anh đến thế. Ba tiếng đồng hồ sau, bà xin lỗi anh.
Kể từ đó, bà đã gọi 400 cuộc điện thoại kêu gọi ủng hộ cho Rouda và bỏ lá phiếu đầu tiên mà bà có thể nhớ được trong nhiều năm qua, anh Peter Nguyễn nói.
NƯỚC MỸ TRÊN HẾT
Peter Nguyễn và mẹ của anh là một trong số những người Mỹ gốc Á đã và đang nghiêng dần về phía cánh tả. Nhưng tốc độ thay đổi quan điểm chính trị của cộng đồng người Việt lại chậm hơn so với những người Mỹ gốc Á khác.
Trong cộng đồng người gốc Á, người Việt chiếm số lượng cử tri Đảng Cộng hòa lớn nhất, 38%, theo số liệu của AAPI Data, và là cộng đồng duy nhất có lượng cử tri ủng hộ Tổng Thống Trump vượt khá xa so với số lượng người ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ, Joe Biden - 48% so với 36%.
Ông Boi Lê, một thợ may ở Westminster, được cha mình bảo lãnh di dân sang Hoa Kỳ ba thập niên trước, khi còn trong độ tuổi 20. Bây giờ ông đã 59 tuổi và đã liên tục bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà kể từ lúc ấy. Ông tỏ ra hài lòng với những gì mà các ứng viên Đảng Cộng hòa nói trên đài tiếng Việt.
Ông Boi Le, một chủ tiệm may ở Westminster, đã liên tục bỏ phiếu cho Đảng Cộng hoà kể từ khi nhập cư hơn 30 năm trước
Ông Boi cười rất tươi khi nói chuyện về Tổng Thống Trump và dành lời khen cho vị Tổng Thống đương nhiệm về việc ông đã thúc đẩy xây tường biên giới Hoa Kỳ - Mexico và việc ông áp thuế lên hàng Trung Quốc.
“Ông ấy là một doanh nhân và ông ấy biết cách đem tiền về cho nước Mỹ. Và điều quan trọng nhất mà ông ấy nói là ‘Nước Mỹ trên hết,’” ông chia sẻ trước của tiệm của mình.
Ông Boi không hề khó chịu khi Tổng thống Trump liên tục sử dụng các cụm từ như “Chinese Virus” (virus Trung Quốc) hay “Kung flu” (cúm từ đám học kung fu), mặc dù các nhóm hoạt động nhân quyền đã cho thấy rằng những so sánh này đã làm cho những ác cảm với người gốc Á trở nên nghiêm trọng hơn trong vài tháng vừa qua.
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Steel nhận thấy rằng các sự kiện liên quan tới việc bài người gốc Á khá là đáng lo ngại nhưng bà lại bênh vực cho Trump khi ông nói về virus.
“Bạn có thấy rõ ràng rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc, và chúng ta đã từng sử dụng cụm từ ‘Spanish flu’ (cúm Tây Ban Nha) đấy thôi,” dẫn lời Steel, một thành viên của Ủy Ban Cố Vấn Tổng Thống về người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương.
Tuy vậy, Steel vẫn nhấn mạnh rằng bà không hề ủng hộ Trump mù quáng. Ví dụ là việc bà phản đối việc trục xuất người Việt có tiền án vì bà tin rằng họ sẽ bị ngược đãi ở Việt Nam.
Bà nói rằng bà đã nhận thấy điều ấy dựa trên trải nghiệm thực tế của một người nhập cư.
“Ba mẹ tôi đã chạy trốn khỏi Bắc Hàn, vậy nên chúng ta - tôi và cộng đồng người Việt - có nhiều điểm tương đồng.”
Anh Jeremy Trần đồng ý với điều đó. Anh nói rằng anh đã ngưỡng mộ Steel từ ngày bà còn ở Hội đồng Quân bình Sinh hoạt tiểu bang California. Bà đã trở thành người Mỹ gốc Hàn có vị trí cao nhất trong chính phủ khi bà được bầu với năm 2006 - sau đó, bà đã làm việc hai năm tại Ban kiểm soát.
“Bà ấy là một người nhập cư gốc Á, và chúng tôi đều trân trọng những giá trị như tự do ngôn luận và tự do tôn giáo,” trích lời anh Jeremy, hiện tại đang làm việc cho hạt trong lĩnh vực hỗ trợ nhà ở và cũng là phát thanh viên cho một đài tiếng Việt trên YouTube.
Tuy nhiên có những điểm tương đồng là chưa đủ đối với Catt Phan, một thanh niên 24 tuổi sống ở Fountain Valley. Catt Phan được nuôi dạy bởi một người mẹ dân nhập cư sống nhờ vào Tem phiếu Thực phẩm, hỗ trợ nhà ở và dịch vụ chăm sóc y tế từ Chính phủ.
“Không nên chỉ quan tâm tới những người nhập cư thành công. Chúng ta cũng phải để ý tới những người đang vật lộn với cuộc sống, những người nhập cư cần sự giúp đỡ, những người đã và đang đứng ngoài lề xã hội.”
Rouda có xuất thân từ một nền văn hoá khác với cô Phan, nhưng Catt cho rằng cương lĩnh chính trị của ông và Đảng Dân chủ sẽ phục vụ người da màu và phụ nữ nhập cư tốt hơn.
“Ông ấy không những là một đồng minh, mà còn là người lên tiếng ủng hộ và giang rộng vòng tay.”
Những người trẻ gốc Việt như Catt giúp Rouda tự tin rằng ông có thể giữ ghế cho Đảng Dân chủ.
Cùng lúc đó, Rouda - một cựu đảng viên Đảng Cộng hòa và là điều phối viên tại một công ty môi giới - tiếp tục quảng bá câu chuyện mình có kinh nghiệm ở cả hai đảng và ông cũng cảm thấy khó chịu với những cáo buộc của Steel rằng ông ngày càng trở nên quá “phóng khoáng” ở Quốc hội. Ông nói rằng ông thấy tự hào về những điều luật mình đã thông qua cùng với những người ủng hộ ở Đảng Cộng hòa, bao gồm lệnh cấm sử dụng quỹ liên bang để mua toa tàu từ các nhà sản xuất có liên hệ với chính quyền Trung quốc.
“Tôi đã thành công thông qua ba dự luật ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Bạn sẽ không thể làm được điều đó nếu bạn không sẵn sàng hợp tác với bên còn lại, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị này.”
QUÁ ỒN ÀO
Khi Ngày Bầu cử càng tới gần, chiến dịch tranh cử đã dần hạn chế việc chỉ nói về chính sách. Những người ủng hộ Steel quay sang tấn công Rouda, một người con của Ohio, vì tham dự những bữa tiệc “Đồng bằng sông Mekong” được tổ chức bởi hội nam sinh của ông khi học ở Đại học Kentucky. Rouda thừa nhận rằng ông đã “thiếu tinh tế” và cho rằng đó là do tuổi trẻ nông nổi.
Trong khi đó, đảng viên Đảng Dân chủ tố cáo chồng của bà Steel là Shawn Steel - Cựu chủ tịch Đảng Cộng hòa bang California - đã giới thiệu những nhà tài trợ (cho Trump) có liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc cho những lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Họ nói rằng Michelle Steel đã đồng lõa khi làm việc ở hãng luật của chồng với vai trò Giám đốc tài chính. Steel nói rằng “chẳng có gì xảy ra ở đó cả.”
Con gái của Linda Nguyễn, Lena, 12 tuổi, đang nỗ lực thuyết phục mẹ mình - một cố vấn kinh doanh - bầu cho Đảng Dân chủ, trong khi bố của cô lại muốn cô bầu cho Đảng Cộng hoà (Ảnh bởi Josie Huang/LAist)
Không thứ gì có ích giúp Linda Nguyễn quyết định, cô là một cố vấn kinh doanh 40 tuổi đến từ Garden Grove và cũng là một cử tri còn đang do dự.
“Đang có quá nhiều thứ xảy ra lúc này. Nó giống như một cuộc thi kéo co. Bạn đang đứng giữa và giằng qua kéo lại,” Linda Nguyễn nói.
Phiếu bầu của cô vẫn còn đang ở trên bàn ăn trong nhà. Linda nói rằng gia đình của cô không hề giúp ích được gì. Bố của cô, nay đã hơn 80 tuổi, muốn cô bầu cho Đảng Cộng hòa. Còn con gái cô ấy thì lại muốn cô ngả về phe Dân chủ.
Người dịch: Le Tran và Huy Nguyen
Biên tập: K. Tran
Comentários