top of page

Màu nâu và màu đen

Updated: Jul 14, 2020

Sư cô Chân Bội Nghiêm từ Làng Mai, ngày 14 tháng 7, 2020


Có những vật dụng dùng để trang trí với mục đích làm cho ngôi nhà hay văn phòng nhìn đẹp, sang trọng và quý phái nhờ vào màu sắc của chúng. Đi chợ Walmart, Ashley Furniture, Pier 1 Import hay những tiệm bán đồ nội thất, chúng ta thường thấy màu nâu và màu đen. Bước vào những căn nhà trang trí nội thất bởi hai màu này, chúng ta cảm nhận được sự ấm áp, mạnh mẽ và dễ chịu. Đó là đức tính đẹp của màu nâu và màu đen mà chắc chắn chúng ta ai cũng muốn có.

Trong một buổi chuẩn bị bài pháp thoại cho khoá tu Tiếp Hiện “Theo gót chân Thầy”, tôi đã nghĩ đến màu nâu. Là màu của đất, màu nâu tượng trưng cho sự chấp nhận, bao dung, khiêm cung, tình thương và không kỳ thị. Nội thất cho các công trình hay có màu nâu, vậy màu này có thể dùng để trang trí nội thất cho tâm như thế nào? Mình thường quét bụi để bàn và tủ trong nhà được sạch. Thế thì mình có thường xuyên “quét bụi” để cho tâm mỗi ngày mỗi sạch không? Tôi ngồi chuẩn bị bài mà thấy sao thú vị quá! Bao nhiêu ý tưởng lạ lùng đi lên. Hạnh phúc thay khi trên người luôn được mang một chiếc áo màu nâu. Nhờ đi tu nên trang phục chỉ có màu này mà không sợ ai chê cười hay phán xét.


Còn màu đen thì sao? Hãy nhìn trên bàn bạn đang ngồi, mở tủ quần áo ra, nhìn vào phòng khách hay nhà vệ sinh, bạn thấy màu đen không? Đi đâu cũng thấy và có những vật dụng chỉ có màu đen mới đẹp, mới đáng giá đồng tiền để mua mang về. Từ các buổi tiệc hay hội nghị, đám cưới đến đám tang, trang phục người nam mặc thường là bộ vest đen. Màu đen và người nam thường đi đôi với nhau vì cả hai đều tượng trưng cho sức mạnh, uy lực, sang trọng và quý phái. Chắc người nam nào cũng vui khi nhắc đến điều này chứ không mấy ai thấy ngạc nhiên. Thế thì tại sao nhiều người không nhìn người nam Da Đen hay người Da Đen với cái nhìn như vậy? Có khó hiểu quá không? Mình thích trang trí trong nhà bằng những vật dụng màu đen nhưng lại không muốn chào đón người Da Đen đến nhà. Thế hệ cháu tôi khó hiểu quan niệm này. Có thể thế hệ trước đã bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục, bởi những tổn thương trong quá khứ, bởi truyền thông tập trung vào những hành vi xấu người Da Đen đã làm lòng mình trở nên chật hẹp, thiếu hiểu biết và thương yêu. 


Bụi bám vào bề mặt màu đen rất dễ thấy nên là một người yêu đời, muốn làm đẹp cuộc sống, muốn nhà gọn gàng sạch sẽ, mình sẽ dành thời gian để quét những bụi bặm trên bàn tủ thường xuyên, dù đi làm về có mệt. Người Việt mình đẹp như vậy đấy. Và bạn có biết khổ đau của người Da Đen cũng dễ thấy như bụi bám trên bàn không? Chạy bộ trong xóm, đi chợ, ngồi ngắm hoàng hôn hay vào những nơi dành cho người giàu, họ biết họ có thể hoặc đang được theo dõi. Đã có vô số người Mẹ Da Đen nhắc con trai của mình khi đi ra đường hãy cẩn thận, nhất là với cảnh sát. Cảnh sát có thể dừng xe con lại tuy con không phạm lỗi gì khi lái. Họ có thể bắt con và hại con, thậm chí bắn con nếu muốn, chứ không phải cần. Đó là khổ đau của người Da Đen và người cảnh sát. Mình hãy góp sức lau đi những bụi bặm đang ở trong tâm để không đóng góp thêm khổ đau cho người Da Đen. Người Da Đen có đẹp cũng nhờ vào mình nhiều lắm, khi mình đẹp thì họ mới đẹp. 

Sau một năm qua Mỹ, vì nơi chung cư đang ở không an toàn, Ba Mẹ tôi đã quyết định mua một căn nhà bình dị nằm trong lòng thành phố Memphis, TN. Hàng xóm xung quanh có cả Mỹ Trắng và Mỹ Đen. Trường tôi là trường có nhiều chủng tộc nhất tại Tennessee thời đó. Bạn của tôi đến từ Iraq, Trung Quốc, Hmong, Cambodia, Lào, Mễ Tây Cơ, Sudan, Mỹ trắng và Mỹ đen. Ba Mẹ tôi chưa một lần nói rằng, “Con không được chơi với người Da Đen.” Ngồi đây viết những dòng này lòng tôi tràn đầy sự biết ơn và cảm động vô cùng. Thầy giáo và cô giáo tôi cũng có người Da Đen và tôi đã rất ấn tượng với Mr. Barnes, giáo viên dạy vẽ của tôi tại trường Kingsbury High School. Mr. Barnes rất thanh lịch, dễ chịu, có niềm tin vào học sinh và luôn luôn khuyến khích học sinh vươn lên. Thầy luôn điềm tĩnh khi trong lớp có sự xáo trộn, không lớn tiếng hay để cái giận xuất hiện. Cách đây ba năm anh tôi cho hay Mr. Barnes ở cùng xóm với nhà anh và tôi quá hạnh phúc khi nghe tin này. Tôi đã gặp thầy ngoài đường khi thầy đang đợi cháu tan trường. Thầy vẫn như xưa, thân thiện, hiền từ và lúc nào cũng cười. Thầy mời tôi ngày hôm sau ghé nhà thầy chơi. Tôi ngồi chơi với thầy và vợ suốt hai tiếng. Tôi hỏi về nơi hai vị đã sinh ra và việc thầy cô quen nhau như thế nào. Cả hai vị đều lớn lên ở một nông trại tại một thành phố ngoại ô, quen nhau lúc học đại học và thời đó người Da Đen đi học đại học là chuyện rất hiếm có và rất vất vả vì thường xuyên đối diện với sự kỳ thị. Ít ai tin rằng hai vị sẽ thành công trong việc học vấn và là người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học. Tuy gặp nhiều khó khăn và chướng ngại, hai vị vẫn tiếp tục học vì muốn có công ăn việc làm ổn định và muốn hiến tặng cho xã hội những gì đẹp nhất. Suốt hơn ba mươi năm hai vị giáo viên đến trường để tạo cảm hứng cho không biết bao nhiêu bạn trẻ. Không chỉ dạy cho các em vẽ hay làm toán mà thầy cô đồng thời dạy các em cách đi qua những khó khăn và không để một ai làm cho giá trị của mình đi xuống. Và bây giờ hai vị đã lớn tuổi, chỉ ở nhà làm vườn chứ không còn gặp học sinh nữa. “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.” Hai vị đã để lại trong lòng tôi và nhiều bạn trẻ khác những bài học khó quên. 

Tu viện Mộc Lan nằm ở thành phố Batesville, Mississippi, một trong những tiểu bang có nhiều người Mỹ Đen nhất trên nước Mỹ. Tháng 04 năm 2010, quý Sư cô có mặt tại tu viện trước quý Thầy nên sự an toàn cho quý Sư cô là điều quan trọng nhất. Trong một buổi chia sẻ, có một Sư cô nói, “Khi đi ra đường hãy cẩn thận khi gặp người Da Đen.” Tôi không vui và thấy không ổn khi nghe lời nhắc nhở đó. Tôi nhớ khi đi học, cô giáo có dạy, “Không nên kỳ thị ai vì màu da của họ.” Tôi đã có những người bạn Da Đen giúp tôi làm bài khi tôi bị bế tắc. Nhiều bạn đứng bên cạnh bán thức ăn sau giờ tan trường để quyên góp tiền làm từ thiện. Các bạn không dụ tôi hút xách hay uống rượu, tôn trọng thân thể và tâm hồn của tôi. Vì vậy tôi không muốn gieo vào tâm thức quý Sư cô mới từ Việt Nam hay Thái Lan qua khái niệm “cẩn thận khi thấy người da đen.” Tôi đã mời quý Sư cô xem phim “Hidden Figures” (Bộ Ba Siêu Việt), “Selma”, “Loving”. Tôi cũng in ra bài diễn văn “I Have a Dream” của Ngài Mục sư Dr. Martin Luther King, bài diễn văn đắc cử của tổng thống Barack Obama, và bài phỏng vấn của cô Oprah Winfrey với Sư Ông Làng Mai nữa. Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt đi qua nước Nhật hay bất kỳ nước nào trên thế giới và mình là đối tượng để họ “cẩn thận” thì mình buồn tủi, đau xót và tự ái cho dân tộc biết bao.


Tôi muốn tìm hiểu thêm ý nghĩa của màu đen nên đã lên internet tìm bài để đọc và mới hay rằng,

“Theo quan niệm phổ biến thì màu đen chính là biểu tượng của cái ác, của những thế lực xấu xa và đen tối. Nếu như màu trắng là đại diện cho sự trong sáng thuần khiết thì màu đen lại ở thế đối lập hoàn toàn. Nó u tối và độc ác, thâm hiểm mà đa đoan. Đứng trước màu đen, những người yếu ớt trở nên sợ hãi và yếu đuối. Còn những mạnh mẽ hơn 1 chút thì màu đen lại khiến họ vô cùng tò mò, kích thích.”

Bài viết tiếp tục cho biết,

“Thực tế thì trong cuộc sống ngày nay rất nhiều người thích sử dụng màu đen. Bởi trong quan niệm hiện đại, màu đen là biểu tượng của giàu sang, quyền lực không hề lỗi thời mà lại vô cùng sang trọng.”

Điều này cũng nói lên hai quan điểm khác nhau trong một gia đình khi nhắc đến người Da Đen. Thế hệ thứ ba được sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhìn vào người Da Đen không xem họ là u tối hay độc ác, nên các cháu rất dễ làm bạn tại trường hoặc chỗ làm. Nhưng trong lòng các cháu lại có cảm giác sợ nếu Ba Mẹ biết mình có bạn người Da Đen thì Ba Mẹ sẽ cấm đoán và cho rằng họ là mối đe doạ, hãy cẩn thận. Vậy là tuy các bạn đối xử với mình rất tốt và giúp mình khi cần nhưng mình đành phải giấu bạn đi.

Người Da Đen đến Mỹ đã 400 năm nhưng họ vẫn tiếp tục đối diện với sự kỳ thị, thiệt thòi. Lịch sử đã cho ta thấy nhiều nhà văn, nhạc sĩ, nhà toán học đã giúp làm nước Mỹ giàu có và phong phú hơn, nhưng vì màu da của những vị khả kính này nên ít ai biết và nhắc đến, như nhà toán học Katherine Johnson giúp nhà phi hành gia John Glenn lên cung trăng vào thập niên 60. Cô Shirley Siegal, người Mỹ Đen, đứng hạng 04 trong khoá học Luật tại đại học Yale năm 1941, nhưng 40 công ty luật (law firms) điều hành bởi người nam đã không nhận cô. Sau này cô trở thành một luật sư dân quyền (civil rights) uy tín và lỗi lạc. Mới đây tôi mới biết nhờ những người Mỹ đen nên nước Mỹ cho phép thuyền nhân Việt Nam được bảo lãnh vào nước Mỹ. Những người sống đàng hoàng, ý tứ, đối xử với người khác từ tốn, khiêm cung và lễ phép thì đáng để học hỏi, không phân biệt màu da. Thế nhưng vì sao chúng ta thường niềm nở và tự hào khi giới thiệu với bà con và bạn bè mình, “Con tôi đã cưới người Mỹ trắng.” Hay “Con tôi đi học trường chỉ có Mỹ trắng.” Còn nếu con mình đang yêu hay cưới người Mỹ đen thì mình lại muốn giấu không cho bà con và bạn bè biết. Thậm chí mình tự trách mình đã thất bại trong việc dạy con. Trong cuốn sách “Chất Michelle”, cô Michelle Obama kể rằng người ở chung phòng nội trú với cô khi dọn vào nội trú tại trường đại học Princeton là một người da trắng. Khi biết tin người share phòng cùng với con mình là người da đen, mẹ của bạn đó đã tìm mọi cách liên lạc đến trường để xin cho con mình được chuyển phòng gấp. Điều này đã làm cho cô Michelle Obama tổn thương vô cùng. Biết bao nhiêu người khác cũng đang đi qua những gì cô Michelle Obama đã từng đi qua.


Chị tôi làm nail như bao nhiêu người Việt khác trên nước Mỹ. Mỗi khi đi làm về chị thường kể những chuyện đã xảy ra ở tiệm. Lúc đó tôi còn nhỏ, chưa đi tu nên cũng không quan tâm nhiều và không thấy tầm quan trọng của những câu chuyện đó. Tuy nhiên tôi vẫn nhớ một câu chuyện chị kể, rằng có những thợ rất niềm nở, tận tình và cười tươi khi có khách Mỹ trắng vào, còn mỗi lần thấy khách Mỹ đen vào thì vị ấy sẽ tìm cách này cách kia để không làm vì cho rằng những người khách Mỹ đen có chân tay lớn nên làm lâu hơn, lại khó chịu chứ không ý tứ, và không cho tiền tip như người Mỹ trắng. Nếu có làm thì làm ẩu hơn khi làm cho người Mỹ trắng, trong khi giá tiền trả bằng nhau. Tôi nghe mà thấy buồn trong lòng. Mình thường phán xét người Da Đen thô lỗ, làm biếng hay ít học. Đâu phải người Da Đen nào cũng vậy. Người thì luôn luôn có người tốt người xấu, dù đó là người Việt, Mỹ trắng, Mỹ đen, v.v… Nếu người da trắng thấy mình hành xử như vậy với người Da Đen thì họ sẽ nghĩ gì về người Việt? Mình có muốn người khác cho rằng người Việt kỳ thị, thô lỗ, thiếu ý tứ không? Nếu không thì chính tự thân mình cần đóng góp để người khác không đánh giá xấu về người Việt. Mỗi khi tiếp xúc với các bạn từ quốc gia khác hay đi những nước khác để chia sẻ về chánh niệm, tôi thường nhắc nhở mình hãy để ý đến cách đi, đứng và lời nói vì mình đang đại diện cho Ba Mẹ, Thầy Tổ, một tôn giáo, một đất nước và một nền giáo dục. Khi ý thức đó đã được thắp lên thì mình không xem thường bất kỳ một ai. 


Trước đây tôi hạnh phúc và tự hào khi kể rằng gia đình tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng, không một thành viên nào biết nói tiếng Anh, lương ban đầu của Ba Mẹ chỉ $4.00 hoặc $5.00 một giờ. Lương cao nhất của Mẹ tôi là $12.00 và Ba tôi là $15.00. Tôi muốn mọi người thấy rằng gia đình tôi đã đi qua những khó khăn vất vả và hôm nay anh chị có việc làm ổn định và nhà to cửa lớn. Tôi tự đặt câu hỏi, “Tại sao một số người Da Đen đã ở trên đất Mỹ 400 năm lại không được như gia đình tôi? Vô vàn điều kiện và cơ hội có đó, tại sao không chịu nắm lấy? Tại sao cứ ngồi đó và lấy cớ người khác kỳ thị mình?” Tại sao, tại sao và tại sao. Với những gì đang xảy ra tại nước Mỹ những tháng vừa qua, tôi đã có cho mình câu trả lời sau khi trở thành người dân Mỹ 18 năm và tự hào để nói tôi lớn lên ở Mỹ 25 năm. Người khác nhìn vào người da vàng với ánh mắt và tư tưởng khác so với người da đen. Trong lịch sử đã cho ta thấy người da vàng chưa từng bị bán làm nô lệ, bị đối xử như động vật. Hay khi anh tôi đi vào tiệm hoặc đi bộ trên đường thì người khác không cho rằng anh tôi là người ăn trộm, là một đối tượng xấu, là người mà mình cần phải “cẩn thận." Tôi cũng đã từng nhìn người da đen với ánh mắt kỳ thị như bao nhiêu người khác. Ngày tôi đi cùng Mẹ đến gặp bác sĩ ung thư để biết thêm thông tin về chemotherapy, lòng tôi không được vui mấy khi gặp bác sĩ Da Đen và niềm tin trong lòng không có mấy. Trong tôi mong ước có được bác sĩ da trắng vì nghĩ rằng bác sĩ da trắng thông minh và trình độ học thức cao hơn. Sau đó tôi đã xin chuyển bác sĩ và ước mơ của tôi được đáp ứng. Thế nhưng bệnh tình của Mẹ càng ngày càng nặng và bác sĩ đành phải nói, “I'm sorry. There's not much I can do.” Tôi lại chấp nhận câu nói đó dễ dàng từ người bác sĩ da trắng. Nếu từ bác sĩ da đen chắc tôi sẽ cho bác sĩ thiếu học, v.v… Nếu một người da trắng có lầm lỗi, làm những hành vi hại đến người khác, chúng ta thường không “quơ đũa cả nắm" như đối với người da đen. Thay vì nói “Người da đen ẩu hoặc lường biếng…” chúng ta có thể nói, “Một số người da đen ẩu hoặc lười biếng…” Nếu một người Việt hại hoặc lừa gạt con em mình, chúng ta có kết luận tất cả người Việt như thế không? Thế thì điều gì đã khiến chúng ta kết tội cho những người Da Đen tiêu cực và xấu như thế? Tôi thấy mình cần ngồi để lắng nghe người Da Đen chia sẻ những gì họ phải đối diện mỗi ngày để hiểu hơn, mà không nên ngồi đó với những câu hỏi “Tại sao?” 


Tôi không bác bỏ việc người Việt chúng ta bị kỳ thị. Có chứ. Các bạn ở trường đã từng cười mỉa mai và nói những câu không hay khi nghe tôi nói tiếng Anh. Có thể lương bổng Ba Mẹ tôi có ít hơn người da trắng tuy vào làm cùng một lúc và làm cùng công việc. Nhưng mức độ kỳ thị mình đi qua nhẹ hơn người Da Đen nhiều. Chúng ta chỉ đối diện với sự kỳ thị 50 năm, còn Người Da Đen đã đối diện hơn 400 năm.  

Có hai thứ rất nguy hiểm khi trở thành màu đen: tâm và máu. Những gì mình xây dựng để hạnh phúc có mặt và cho con cháu một tương lai tươi sáng sẽ bị mất khi tâm trở nên đen tối. Máu mà đã đen rồi thì làm gì còn được thở, còn được sống, còn thấy người thương, còn làm những việc mình yêu thích. Khi nhìn người Da Đen, mình đừng nghĩ người này thiếu thông minh, làm biếng, tướng cướp hay người nghiện ngập. Lần cuối cùng mình nhìn người Da Đen đi ngoài đường, tại chợ, nhà hàng hay khách sạn, mình có tự nói thầm rằng, “Vị này có Phật tính. Vị này có thể trở thành một bác sĩ giỏi, thầy/cô giáo ân cần với học sinh, người thợ hồ trách nhiệm, vị luật sự trung thực, người cha/mẹ thương yêu con mình và người muốn sống bình yên và có hạnh phúc.” Mình hãy cho phép tự thân nghĩ khác đi với mục đích giúp cho tâm mình đẹp hơn và cho con em mình được vẻ vang. 


Chúng ta đang sống trong năm 2020, con số tượng trưng cho những người có mắt sáng tuyệt hảo (perfect eye vision). Khi mắt sáng thì tất cả những gì mình nhìn thấy đều hiển hiện sự mầu nhiệm, trong đó có màu đen và người Da Đen. Nếu dành chút thời gian để nghĩ lại trong cuộc đời mình đã giúp đỡ một người Da Đen nào chưa, đã có người Mỹ đen nào giúp mình chưa? Chắc chắn câu trả lời cho cả hai câu hỏi đều là, “yes.” Có thể mình giúp họ vì trách nhiệm hay công việc và họ giúp mình cũng vậy. Cũng đúng là không có người này thì có người khác nhưng ít nhất ngay lúc đó mình đã có mặt và họ đã có mặt để giúp nhau. Tôi không bao giờ quên hình ảnh một chú nhân viên Da Đen hiền từ giúp tôi khiêng những bao xi măng, những miếng gỗ lớn mỗi khi đi chợ Lowes. Chỉ cần hai từ “Cảm ơn” và nụ cười là đủ để sự kính trọng có mặt. Những cô y tá và bác sĩ Da Đen đã giúp Mẹ tôi có những ngày bình an khi vào chemo hay những ngày nằm tại bệnh viện.


Không có ngày nào đi qua mà người Da Đen không giúp mình trực tiếp hay gián tiếp. Thức ăn trong tủ lạnh, áo quần trong tủ, chiếc xe đang chạy, iPhone đang sử dụng, nước mình đang uống, rác được đem đi đổ, máu huyết được lưu thông, các con đến trường học, đường đi an toàn để mình lái xe đều có bàn tay của người Da Đen. Chúng ta hãy góp tay trong việc cho con và các cháu thấy tình thương của mình bao la và không kỳ thị. Đó là tài sản quý nhất mình để lại cho con em, chứ không chỉ số tiền trong nhà bank. Sẽ có ngày chúng ta ra đường và có người Da Đen giúp mình khi mình đang không có ai bên cạnh để giúp. Đừng đợi đến ngày ấy mới bắt đầu nhìn người Da Đen với ánh mắt từ bi. Chúng ta có thể bắt đầu bây giờ. Chỉ có hiện tại mình lau đi những vết bụi trong tâm để sửa chữa quá khứ và làm đẹp tương lai.  Màu đen tượng trưng cho sự sang trọng, quý phái và dũng cảm và người Da Đen cũng vậy. Tôi xin mời các bạn hãy dùng tâm màu nâu khi nhìn những gì liên quan đến màu đen, trong đó có người Da Đen.

Comments


bottom of page