Translated from USA Today's article What is systemic racism? Here's what it means and how you can help dismantle it
By N'dea Yancey-Bragg, on 15-06-2020, 03:00:00
Những nhà lãnh đạo nhân quyền đang đấu tranh quyết liệt để chấm dứt sự phân biệt chủng tộc có hệ thống, một khái niệm dùng để ám chỉ các hệ thống trong xã hội nhằm tạo nên và duy trì sự phân biệt chủng tộc trong hầu hết mọi mặt của cuộc sống những người da màu.
Trong suốt mùa hè năm 2020, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình sau cái chết của George Floyd nhằm phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và phân biệt chủng tộc. Cùng lúc đó, đại dịch coronavirus, thứ đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của đại đa số các cộng đồng người Mỹ gốc Phi khắp nước Mỹ, tiếp tục lây lan nhanh chóng.
Theo chủ tịch NAACP Derrick Johnson, “Đây không chỉ xoay quanh một sự kiện. Đây là vấn đề về sự phân biệt chủng tộc có hệ thống, một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong nước Mỹ."
Đây là những gì bạn cần biết về sự phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Phân biệt chủng tộc có hệ thống là gì?
Theo Johnson, sự phân biệt chủng tộc có hệ thống là “khi những thủ tục hoặc cơ chế vận hành của các hệ thống hoặc tổ chức gây ra những thiệt thòi nhất định cho các người Mỹ gốc Phi.”
Glenn Harris, chủ tịch của Race Forward và nhà xuất bản của Colorlines, định nghĩa khái niệm này là “sự tương tác phức tạp giữa văn hóa, chính sách, và các cơ quan có ảnh hưởng đến đời sống chúng ta.”
“Phân biệt chủng tộc có hệ thống bắt nguồn từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng,” Harris nói.
Harris cho biết sự phân biệt chủng tộc có hệ thống tạo ra sự chệnh lệch lớn trong các “thước đo thành công” như mức độ giàu có, hệ thống pháp lý hình sự, số lượng người có việc làm, nơi cư trú, y tế, chính trị, vả cả giáo dục. Ông cho biết mặc dù khái niệm này bắt nguồn từ nghiên cứu của học giả kiêm nhà tiên phong công cuộc đấu tranh nhân quyền W. E. B. Du Bois, nó chính thức được gọi tên lần đầu tiên trong phong trào đấu tranh đòi quyền công dân vào những năm 1960 và được tinh chỉnh thêm vào những năm 1980.
Sự phân biệt chủng tộc có hệ thống ảnh hưởng người da màu như thế nào?
Sự phân biệt chủng tộc có hệ thống ngăn chặn hoặc gây ra những trở ngại về kinh tế cũng như sinh hoạt xã hội của người da màu. Trong khi sự phân biệt chủng tộc có hệ thống diễn ra trong nhiều khía cạnh, Harris đặc biệt nhấn mạnh sự liên kết giữa những yếu tố như việc thiếu nơi cư trú, khoảng cách giàu nghèo giữa các chủng tộc, cơ hội giáo dục và cả cách hành xử của cảnh sát.
Harris lấy ví dụ về việc thiếu nơi cư trú. Ông giải thích rằng, hiện giờ, một phần rất lớn người da màu không có nhà ở hoặc không có nơi cư trú ổn định do sự ảnh hưởng lâu dài của chính sách “Redlining.” Theo báo cáo trình lên Quốc Hội vào tháng 1 của Cơ quan Phát triển Nhà và Đô thị, người Da đen chiếm lấy gần như 50% tổng số người vô gia cư, mặc dù chỉ chiếm 13% dân số Mỹ,
Redlining là một chính sách được sử dụng bởi các ngân hàng và ngành công nghiệp bất động sản trong thế kỉ 20 để khoanh vùng những khu vực được quyền vay tiền để mua nhà. Ngược lại, những khu vực nơi người da màu sống sẽ được khoanh vùng bằng mực đỏ và được xem là các nơi rủi ro nhất để đầu tư.
“Chính sách Redlining khiến cho việc vay tiền của người Da đen và người da nâu trở nên gần như bất khả thi,” Harris cho biết. "Đây là một phương thức chủ động duy trì chia cách chủng tộc."
Harris cho biết, hành động này đã hạn chế các gia đình Da đen trong việc tích lũy và duy trì của cải giống các gia đình da trắng, dẫn đến kết quả là sự gia tăng chênh lệch về mức độ giàu nghèo theo chủng tộc và tồn tại tình trạng bất ổn về nhà ở ngày nay. Thu nhập ròng của một gia đình da trắng ($171,000) gấp gần mười lần so với gia đình người Da đen ($17,150), theo khảo sát về tài chính người tiêu dùng năm 2016 của Cục Dự trữ Liên bang.
Redlining đã bị cấm vào năm 1968, nhưng theo một nghiên cứu năm 2018 của Cộng đồng Liên minh Tái đầu tư Quốc gia, những khu vực mà Tập Đoàn Cho Vay Mua Nhà xem là “rủi ro” từ năm 1935 cho đến năm 1939 thường vẫn là những khu sinh sống của các cư dân thiểu số có thu nhập thấp.
Harris cho biết những khu vực bị khoanh đỏ cũng không có cơ sở tính thuế để hỗ trợ cho các trường công, hệ thống chăm sóc y tế hoặc các phương tiện công cộng, dẫn đến các vấn đề về an toàn công cộng và sự kiểm soát quá mức từ cảnh sát.
“Cấu trúc của hệ thống được tao ra để những khu vực này không được đầu tư và dẫn đến những kết quả không tương xứng,” Harris cho biết. “Và hậu quả kinh khủng nhất là việc kiểm soát quá mức gây nên những trường hợp thiệt mạng vô cùng đáng tiếc.”
Harris lưu ý rằng đây chỉ là một ví dụ và cách phân tích này có thể áp dụng trong quyền bầu cử, tuyển dụng, và cũng như sự cách biệt về tình trạng sức khoẻ.
Giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống như thế nào?
Cả Johnson và Harris đều cho rằng tới thời điểm này không có đủ sự tiến triển trong công cuộc xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Johnson đã đưa ra 3 bước mà ta có thể thực hiện để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống. Ta phải "thừa nhận rằng sự phân biệt chủng tộc thật sự tồn tại," tham gia cùng các tổ chức đấu tranh chống lại nạn này, và sau cùng chọn ra những nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách đáng tin cậy--những người sẽ không cổ xuý hoặc đẩy mạnh những chính sách phân biệt chủng tộc.
“Phân biệt chủng tộc không phải là một vấn đề chính trị, và ta cần dừng việc biến nó thành vấn đề đảng phái,” Johnson nói. “Đây là một câu hỏi về đạo đức.”
Harris nói rằng các cá nhân tự mình tìm hiểu về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống là “cần thiết, nhưng chưa đủ.” Ông khuyên những người này nên tham gia các phong trào biểu tình để thúc giục những thay đổi nền tảng từ các thể chế khác nhau trong cuộc sống của họ.
“Ta cần phải làm nhiều hơn là cải cách,” ông nói. “Hãy dõng dạc nói rằng hệ thống hiện tại đang không hiệu quả.”
Người dịch: Kevin Do
Biên tập: Bảo Trân & Ren Dinh
Comments