top of page

“Ngày Độc Lập là gì với người Mỹ gốc Phi Châu?”

Updated: Sep 22, 2020

Độc giả phản ánh về chủng tộc và phân biệt chủng tộc ở Mỹ trước kỳ nghỉ lễ.

Translated from Washington Post article ‘What to the African American is the Fourth of July?’

(Jamiel Law for The Washington Post)

Anthony D. Owens, 54 tuổi, Bắc Marlboro, Maryland: Khi mọi người trong nước bắt đầu đốt lò nướng và ngồi quanh băng ghế công viên để kỷ niệm lễ Độc Lập hàng năm, tôi nhớ lại bài phát biểu của Frederick Doulass ngày 5 tháng 7 năm 1852, với tựa đề, “Ngày Độc Lập là gì với một người nô lệ?”

Hôm nay, 168 năm sau, tôi hỏi câu tương tự: “Ngày Độc Lập là gì với người Mỹ gốc Phi?”

Trong gia đình tôi, bất kỳ lễ kỷ niệm Quốc Khánh nào cũng có một vết nhơ bởi câu chuyện đau đớn và bi thảm truyền lại đến thế hệ tôi.

Vào ngày Quốc Khánh năm 1930, ông nội tôi, John A. Robinson, 17 tuổi, cùng với anh trai Phil, đã phải chạy trốn khỏi nhà vì một tranh chấp liên quan đến chiếc xe hơi với chủ một cửa hàng người da trắng. Cuộc tranh chấp đó dẫn đến Cuộc bạo loạn năm 1930 ở Emelle, Ala. Trong cuộc bạo lực xảy ra sau đó, cha của John A. Robinson, John Newton Robinson, là một nhà thuyết giáo, chủ đất và doanh nhân, đã bị bắn chết trước hiên nhà, và ngôi nhà ấy bị thiêu rụi thành tro. Anh em họ của John A. Robinson, Esau Robinson, bị trói vào một cái cây và bị treo cổ.

Một đám đông đàn ông da trắng thuộc địa phương - do viên cảnh sát trưởng dẫn đầu - tìm cách xua đuổi từng người Da Đen có tên họ là Robinson ra khỏi thị trấn. Cuộc bạo loạn và vụ treo cổ ông Robinson được tường thuật trên toàn quốc. Ngay cả tạp chí Time, trong ấn bản ngày 14 tháng 7 năm 1930, đã viết về vụ giết người với tiêu đề “Lần Treo Cổ Thứ 9.”

Hàng năm vào “ngày Quốc Khánh", ông nội vợ (grandfather-in-law) của tôi luôn được nhắc kể về sự kết thúc đột ngột và bi thảm của cha và anh em ông. Khi những người khác ngắm pháo hoa, ông lại thấy lửa đạn và cảnh thiêu cháy ngôi nhà gia đình của mình.

Vậy thì Quốc Khánh có ý nghĩa gì đối với người Mỹ gốc Phi? Ngày này nhắc chúng ta nhiều hơn mọi ngày khác trong năm về những bất công vẫn còn tồn tại ở Mỹ. Bạn ăn mừng những di tích được xây dựng cách miễn cưỡng bởi bàn tay người Da Màu. Đối với tôi, đó là một lời nhắc nhở hàng năm rằng trong khi chúng ta đã vươn đến nhiều thành tựu kể từ khi đặt chân đến Jamestown, Va., vào năm 1619, chúng ta vẫn còn nhiều việc trong tương lai trước khi Ngày Độc Lập có thể được tất cả mọi người đón nhận chứ không chỉ với vài người có đặc quyền.

Sharon Brooks, 54 tuổi, Tallahassee, Florida: Người da đen đã chiến đấu và hy sinh trong mọi cuộc chiến kể từ cuộc Cách mạng Mỹ (American Revolution) mà một số nô lệ thậm chí được hứa rằng họ được trả tự do nếu chiến đấu thay cho chủ nhân mình. Những người lính Da Đen đã đối mặt nạn phân biệt và kỳ thị ngay trong thời gian tại ngũ. Tôi hy vọng toàn thể quân đội Mỹ sẽ có cái nhìn sâu xa và kỹ càng về lịch sử của họ và chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc có hệ thống vẫn còn gây ảnh hưởng đến tận ngày nay. Chẳng hạn, có sự khác biệt hoàn toàn trong cách các cựu chiến binh Da Đen và Da Trắng được thụ hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe và thậm chí trong cách xếp hạng mức độ khuyết tật. Sự chênh lệch thậm chí lớn hơn đối với các cựu chiến binh Da Đen. Là cựu chiến binh Không Quân, bản thân tôi từng gánh chịu nạn phân biệt chủng tộc trong quân đội. Nhưng, như rất nhiều người lính Da Đen trước mình, tôi đã khoác quân phục và cảm thấy tự hào phục vụ một đất nước mà tôi vẫn tiếp tục tranh đấu để được quyền bình đẳng.

Danielle Romero, 34 tuổi, ở Columbia, Tennessee.: Ông cố đời thứ năm của tôi, Nöel, đã được mua với giá 1,700 đôla. Năm 1822, ông làm đơn kiện nhằm giành lại tự do cho mình, và đã thắng. Nöel là một nô lệ ở Louisiana và chủ nhân của ông, Antoine Coindet, vừa qua đời trước đó. Những điều khoản trong hợp đồng buôn bán ông Nöel năm 1817 nói rằng khi chủ của ông qua đời, ông sẽ được giải phóng.

Ba tháng sau cái chết Coindet, ông vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nô lệ. Nöel đưa người thi hành chúc ngôn ra tòa và cuối cùng giành được tự do của mình (hồ sơ vụ án “Nöel Coindet v. Benjamin Metoyer”). Và ông không dừng lại đó. Ông đã giải phóng được cô con gái 6 tuổi của mình, Marie. Cô ấy có giá 350 đô la. Ông trả hết số tiền này sau hai đợt.

Tôi đã đánh dấu “Da Trắng” trên tất cả mẫu đơn trong suốt cuộc đời mình. Có thể không phải ai cũng thấy tôi như vậy, nhưng bạn là những gì mà người khác mặc định cho bạn. Gần đây tôi nhận ra rằng tôi và toàn bộ phả hệ của tôi đã trở thành người “Da Trắng”, khi bà cố tôi, Lola, có thể được coi là một người thuộc nhóm thiểu số Creole Da Màu (ở Louisiana), kết hôn với một người New York gốc Ireland.

Sau khi câu chuyện của bà được đưa ra từ bóng tối quá khứ, tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm ráo riết để tìm hiểu gốc gác danh tính mình. Ai có thể cho tôi biết tôi thật sự là ai? Tôi đã dành hàng giờ đồng hồ xem các tài liệu và hồ sơ điều tra dân số. Trong khoảng thời gian đó, tôi có đứa con đầu lòng. Tôi bị ám ảnh việc tìm hiểu rõ ràng danh tính vì bây giờ danh tính của chính con gái tôi cũng đang là một câu hỏi chưa được giải đáp. Yếu tố rủi ro như đặt cược là rất cao đối với tôi.

Chủng tộc là vấn đề quyết định tất cả mọi việc ở Mỹ. Chỗ đứng của tôi sẽ được đặt vào đâu? Tôi thấy rằng, tôi - như đất nước của mình - có một mối quan hệ một cách lệ thuộc với chính bản sắc chủng tộc. Tôi, và tất cả chúng ta, cần thoát khỏi nó.

Mira Ruth Rubens, 61 tuổi, Brooklyn, New York: Tôi là một giáo viên tiểu học công lập 61 tuổi. Tôi đã đi học trường công lập, lên đại học rồi lấy bằng thạc sĩ ở thành phố New York. Tôi đọc sách báo, và tôi chưa từng biết Juneteenth (ngày Độc Lập cho người Da Đen, ngày 19 tháng 6, viết tắt là Juneteenth) là gì, hoặc về Cuộc thảm sát chủng tộc Tulsa, hay Cuộc thảm sát Wilmington, cho đến cách đây vài tuần. Gần đây tôi được nghe rằng lịch sử Da Đen là lịch sử Hoa Kỳ và giờ tôi hiểu rằng họ nói đúng. Từ đáy lòng, tôi nhận ra sự cấp bách trong việc giáo dục bản thân chúng ta về tình trạng phân biệt chủng tộc. Tôi muốn chương trình giảng dạy xã hội ở cấp tiểu học, trung học cơ sở và cấp ba được đại tu để tập trung vào trực nghiệm người Da Đen ở Hoa Kỳ.

Chúng ta chỉ có thể quên đi hệ thống phân biệt chủng tộc bằng cách tìm hiểu về nó.

David L. Allen, 47 tuổi, Alexandria, Virginia: Tôi đã xăm hàng chữ “I can't breathe” (“Tôi không thở được") trên ngực vào năm 2015, khoảng một năm sau khi câu này thốt ra từ cái cổ bị bóp nghẹt của ông Eric Garner. Ba đứa con trai hai sắc tộc của tôi đã nhìn thấy hình xăm nhiều lần, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói về ý nghĩa của nó hoặc tại sao tôi có nó.

Gần đây chúng tôi nói về George Floyd khi đứa con 10 tuổi hỏi tôi về hình xăm. “Đó là những lời cuối cùng của George Floyd,” thằng bé nói. “Nhưng ba đã có hình xăm đó vài năm rồi. Làm sao bố biết ông ấy sẽ nói vậy?”

Tôi có thể thấy tâm trí của thằng bé lởn vởn suy nghĩ trong lúc tôi tìm cách đưa ra câu trả lời phù hợp với lứa tuổi nó. Và trước khi tôi có thể trả lời, cháu đã nói, “À, con biết. Điều này đã xảy ra trước đây.”

Tôi muốn bày tỏ phấn khích trước các cuộc biểu tình ôn hòa và những yêu cầu bất bạo động đòi hỏi cải cách. Tôi hy vọng thay đổi đang hình thành. Thực sự tôi muốn vậy. Nhưng tôi mệt. Tôi chán ngán việc tiếp tục nghe những ý kiến đại loại “Nó là di sản chứ không phải từ lòng hận thù” (câu phổ biến với những người vẫn ủng hộ Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ, các tiểu bang đã ly khai khỏi hợp chủng quốc để tiếp tục sở hữu nô lệ). Tôi mệt mỏi khi vẫn tiếp tục đọc “Ồ, có bao nhiêu trong số họ (người Da Đen) đã bắn nhau ở Chicago cuối tuần trước?” (ám chỉ rằng người Da Đen vẫn bắn giết lẫn nhau, nhiều lúc để tránh bàn luận về sự tàn bạo của cảnh sát với người Da Đen). Và tôi mệt mỏi khi phải nghĩ đến chuyện tôi sẽ “xuống lỗ" một thời gian dài trước khi những đứa con tôi, con bọn họ hoặc bất cứ ai sinh ra sau đó, cuối cùng, mới được xem là ngang hàng với một số bạn bè của con tôi.

Translation by Cookie Duong

Copy edits by Manh Kim

Комментарии


bottom of page