top of page

Người vô hình - Tính khách quan của báo chí đã biến thành tư kiến như thế nào?

Updated: Jul 21, 2020

Ở Mỹ, những áp lực về chính trị và thương mại đã đặt lên những nghi vấn về giá trị và ý nghĩa của nghề báo.


Ngày 16 tháng 7 năm 2020



Bạn có nghe tin tức mới về những toà soạn chưa? Khi các phóng viên đưa tin về các cuộc biểu tình rộng khắp trên đường phố Mỹ trong những tháng gần đây, nhiều người trong số họ cũng đồng thời tham gia vào những cuộc biểu tình đối đầu với chính toà soạn của bản thân. Trên các kênh Slack cá nhân (một công cụ giao tiếp được nhiều công ty sử dụng cho nhân viên), hay trên những trang Twitter công khai và cả những cột op-ed, các nhà báo đã nổi dậy. Các biên tập viên thì xin lỗi, hứa sẽ thay đổi và một số trường hợp thì bị sa thải, sự tuột dốc của họ ngay lập tức được đăng lên trên chính những tờ báo mà họ từng là nhân viên.


Nguyên nhân trực tiếp của cuộc nổi dậy này là vấn đề chủng tộc: cách vấn đề này được báo cáo so với cách vấn đề này được thực sự đại diện trong đội ngũ nhân viên. Hơn 150 nhân viên của Wall Street Journal đã ký một bức thư nói rằng họ “cảm thấy cách tờ báo viết về chủng tộc thực sự có vấn đề.” Hơn 500 nhân viên khác tại Washington Post đã ủng hộ các yêu cầu về “việc chống lại nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử” trong báo chí. Các cây bút của tờ Thời báo New York đã tweet rằng op-ed của một thượng nghị sĩ ủng hộ một chương trình của lực lượng quân sự được áp đặt để khôi phục trật tự, “đặt nhân viên da đen của @nytimes vào tình thế nguy hiểm.”


Tuy nhiên, cốt lõi của những tranh luận này lại nằm ở một sự bất đồng khác: bản chất và mục đích của báo chí. Trong một cuộc họp gần đây, một nhân viên của Bloomberg đã phát biểu rằng, phóng viên có nhiệm vụ phải khách quan, nhưng đối với nhiều người, sự khác biệt giữa đúng và sai bây giờ ngày càng rõ ràng và không thể làm ngơ. Một thế hệ nhà báo mới đang đặt ra câu hỏi: liệu trong một thế giới siêu đảng phái, kỹ thuật số, người ta thậm chí có còn cần tính khách quan hay không? Wesley Lowery, người từng giành giải Pulitzer lúc 30 tuổi hiện đang công tác tại CBS News từng tweet rằng “Một nền báo chí Mỹ với góc-nhìn-vô-tả-hữu, với sự ám thị về ‘tính khách quan’, với quan điểm hai chiều đích thực là một thử nghiệm thất bại.” Hiệu trưởng Trường Báo chí Columbia trong thông điệp gửi đến các sinh viên đã mô tả tính khách quan như một “sự kế thừa lỗi thời”. Tạp chí Báo chí Columbia đặt ra câu hỏi đáng suy ngẫm: “Điều gì sẽ đến sau khi chúng ta loại bỏ tính khách quan trong báo chí?”


Tính khách quan không phải lúc nào cũng là một lý tưởng trong nghề báo. Tom Rosenstiel thuộc Viện Báo chí Mỹ (api), cho biết: các tờ báo thời kỳ đầu của Mỹ có một chút giống như các blog ngày nay. Công báo Pennsylvania của Benjamin Franklin và Công Báo Mỹ Quốc của Alexander Hamilton không hề ngại ngần khi có xu hướng thiên đảng phái. Khi tìm kiếm và mở rộng với nhiều đối tượng hơn trong thế kỷ 19, các tờ báo trở nên quan tâm hơn với những gì họ gọi là “chủ nghĩa thực tế”. Một số những bài báo thuộc khuynh hướng này được cung cấp bởi Associated Press (AP), được thành lập vào năm 1846, với những câu chuyện mang xu thế chính trị đa dạng và chúng thường chỉ bàn về những sự kiện có thật. Khi các trang tin tức trở nên đồng đều hơn, các nhà xuất bản đã thiết lập các trang biên tập, theo đó để có thể tiếp tục ủng hộ các chính trị gia ưa thích của mình.


“Ý kiến trái chiều” và “Những sự thật có thể được thay thế”.


Chỉ đến những năm 1920, tính khách quan mới thực sự có được vị thế. “Cuộc thử nghiệm tin tức” bởi Walter Lippmann và Charles Merz đã phát hiện ra rằng những tin tức trên thời báo New York Times về cuộc Cách mạng Nga đầy rẫy những thứ mà ngày nay có thể gọi là thiên kiến vô thức. “Nói chung, tin tức về Nga là một thí dụ về việc không quan trọng chúng-ta-thấy-những-gì, mà là chúng-ta-muốn-thấy-những-gì,” họ viết.


Đồng thời, khi chủ nghĩa cộng sản phát triển, quan điểm sau đây của Joseph Pulitzer về tính trung tâm của báo chí đối với nền dân chủ được nhiều người đón nhận - “Nền Cộng hòa của chúng ta và nền báo chí sẽ cùng nhau thăng trầm.” Những mục tiêu cao cả này được chồng chéo với những mục đích thương mại. Các công ty quảng cáo muốn thông điệp của họ ít bị thiên đảng phái.


Và thế là tính khách quan trở thành kim chỉ nam mới của ngành báo. Như Lippmann đã nói, nhà báo “khi quan sát, tìm hiểu, và trình bày tin tức, họ phải rõ ràng và bản thân phải tách biệt khỏi những điều bất hợp lý, những sự thiếu hiểu biết và định kiến chưa được kiểm chứng.”


Một thế kỷ sau, có bốn xu hướng mới đang đưa những quy chuẩn này lệch quỹ đạo. (The Economist, ấn phẩm của Anh, đã thử qua hầu hết.) Một, sự trỗi dậy của Donald Trump cùng với những thách thức được đặt ra cho ngành báo truyền thống. Một số tuyên bố của Trump có thể được mô tả chính xác như dối trá, hoặc phân biệt chủng tộc. Nhưng những lời lẽ như vậy, trừ những người theo đảng phái, hiếm khi được những vị Tổng thống đương nhiệm sử dụng, các tác giả và biên tập viên đã phải nói giảm nói tránh (nguyên văn: euphemisms - uyển ngữ). Sau khi ông Trump nói với bốn nữ nghị sĩ da màu là “quay về những ổ tội phạm của họ”, Wall Street Journal đã gọi những từ ngữ đó là “mang tính phân biệt chủng tộc” (racial charged); Thời báo Times gọi đó là “thấm đẫm tư tưởng chủng tộc” (racial infused).


Thời đại Trump cũng đã bộc lộ những vấn đề với các quan niệm về sự cân bằng báo chí. Đưa ra trọng số bằng nhau cho cả hai phía của một đối số là một lối tắt dễ dàng để thể hiện tính khách quan. Tuy nhiên, “sự song phương” này đôi khi dẫn đến định hướng sai lệch. Trong phiên điều trần luận tội hồi tháng 12, “các nhà lập pháp của hai bên thậm chí không thể đồng ý về một loạt các bằng chứng trước mặt họ”, theo Thời báo tường thuật lại. Những bằng chứng nào là chính xác? Độc giả cuối cùng lại là người phải đoán.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự nghi ngờ về tính khách quan của báo chí là việc thay đổi trong cơ cấu nhân viên làm báo. Trong bối cảnh tuyển dụng đa dạng hơn, thị phần của đội ngũ biên tập viên Times Times là người da trắng đang giảm; tỷ lệ phụ nữ đang tăng lên. Không chỉ có sự nhạy cảm rõ nét đối với những cụm như “thấm đẫm tư tưởng chủng tộc” (racial infused); trên thực tế, nó còn làm cho một số người tự hỏi liệu có phải những quan điểm “khách quan” trên thực tế chỉ là tư tưởng chủ quan của những người đàn ông da trắng, những người đã tạo nên những định nghĩa và quan điểm về tính khách quan. “Góc-nhìn-vô-tả-hữu” thực chất chỉ là quan điểm của “một người đàn ông da trắng nào đó có lẽ chưa từng tồn tại”, theo như Dan Froomkin, nhà phê bình truyền thông, lập luận.


Những mối quan tâm như thế này có thể đã bị phủi bụi trên sàn trong quá khứ. Nhưng yếu tố thứ ba - sự trỗi dậy của mạng xã hội - đã mang đến cho những người bất đồng ý kiến một cái loa phóng thanh. Nó cũng nhấn mạnh sự tương phản giữa những nhà báo theo phong cách in ấn cổ điển và những cây bút thiên về việc tiếp cận cá nhân trên những nền tảng trực tuyến - thứ mà những ông chủ của những tờ báo vẫn chưa chắc chắn có nên khuyến khích hay ngăn chặn. Về phần độc giả, họ được tắm mình trong những trang web mang tính đảng phái, kích thích sự tò mò và thèm khát thêm nhiều bài báo mang tính quan điểm cá nhân hơn. Sự phân chia rõ ràng giữa bản tin và bài bình luận (tư kiến) ở báo giấy truyền thống của Mỹ đã bị xoá nhoà ở thời đại internet. Một nghiên cứu của api năm 2018 cho thấy khoảng 75% người Mỹ có thể dễ dàng nhận biết những bài tư kiến từ những nguồn báo yêu thích của họ, nhưng chỉ 43% có thể nhận biết đâu là tư kiến, đâu là bản tin từ những nguồn trên Twitter hay Facebook.


Duy Trì Vỏ Bọc Bên Ngoài

Lý do cuối cùng cho việc phản bội tính khách quan là vì thương mại. Một thế kỷ trước, sự dịch chuyển báo chí đi xa dần với tư tưởng thiên đảng phái được thúc đẩy bởi nền công nghiệp quảng cáo. Ngày nay, các tờ báo phải phụ thuộc nhiều hơn vào các độc giả trả tiền khi doanh thu quảng cáo dần chuyển qua các công cụ tìm kiếm (search engine) và mạng xã hội. Khác các nhà quảng cáo, độc giả thì lại thích tư kiến. Hơn nữa, việc xuất bản trực tuyến khiến cho các báo chí của Mỹ phải cạnh tranh trên toàn quốc, không còn chỉ trong khu vực địa phương. Ông Ezra Klein của Vox đã viết, “Mô hình làm báo địa phương thành công dựa vào việc chiếm ưu thế phổ cập thông tin từ một địa phương nhất định - vị tin tức; mô hình làm báo toàn quốc coi trọng việc đảm bảo sự trung thành của một nhóm người đọc nhất định - vị độc giả.” Người New York cấp tiến có thể chuyển sang bên báo Washington Post nếu bài của Thời báo New York làm họ khó chịu. Động lực để giữ độc giả của mình hài lòng, hay sự trừng phạt khi để mất độc giả chưa bao giờ to lớn như bây giờ.


Những áp lực này đang thay đổi cách những bài báo được chấp bút. Năm ngoái, sách hướng dẫn về báo chí của AP đã tuyên bố: “Không được sử dụng uyển ngữ (nói giảm, nói tránh) để thay thế cho những từ ngữ mang tính kì thị, trừ những trường hợp uyển ngữ thực sự nên được áp dụng dựa trên văn phong.” Một số tổ chức đã làm theo, thậm chí là những từ cấm kỵ được nhấn mạnh: năm ngoái, tờ báo Huffington Post đã viết một đầu đề “Một kẻ phát xít tại cuộc Vận động của Trump ở Greenville”. Những tờ báo khác lại chèn thêm những nhận định về giá trị cá nhân của nhân vật trong những bài viết của mình. Tháng này, một mẩu tin trên trang nhất trong Thời báo New York bắt đầu với câu:


Tổng thống Trump đã dùng sự chú ý của Lễ Độc Lập (Fourth of July) vào cuối tuần để gieo rắc sự chia rẽ trong cuộc khủng hoảng quốc gia, phủ nhận những thất bại của ông trong việc ngăn chặn đại dịch coronavirus đang ngày càng tồi tệ trong khi đưa ra những chỉ trích kịch liệt và khắc nghiệt chống lại những gì ông gọi là “Tân Chủ Nghĩa Phát Xít Cấp Tiến” (“new far-left fascism").


Không hài lòng với tính khách quan, một số nhà báo đã ngời lên một lý tưởng mới: “tinh thần sáng suốt về đạo đức” (moral clarity). Ban đầu, cụm từ này được phổ biến bên nhóm bảo thủ, nay đã được sử dụng bởi những người muốn báo chí thực hiện những lời kêu gọi rõ ràng hơn về các vấn đề như phân biệt chủng tộc. Gần đây, ông Lowery đã sử dụng cụm từ này nhiều lần trên phiên bản tư kiến của tờ Times, trong đó ông kêu gọi ngành báo chí “nên từ bỏ việc sử dụng cái khách quan bề ngoài như một chuẩn mực của nghề báo, và thay vào đó, những nhà báo nên tập trung vào việc trở nên công tâm và kể những câu chuyện thật." Biên tập viên của tờ Times, ông Dean Baquet, đã gọi bài viết của ông Lowery “tuyệt vời”, trong một cuộc phỏng vấn với kênh podcast của “Longform”. Ông nói tính khách quan đã bị chuyển thành một phim biếm họa. Tốt hơn là nên nhắm đến các giá trị như sự công bằng, độc lập và đồng cảm.


Trở lại những năm 1920, Lippmann có thể đã đồng ý với phần lớn của tưởng này. Ông không xem sự khách quan như một trạng thái (kì diệu) của tâm trí hay một quan điểm vô tả hữu, sự khách quan là một quá trình thực tế. Ông viết rằng báo chí nên nhắm đến “một phương pháp làm báo thông minh và phổ quát, một nguồn thông tin chung đã được chứng thực”. Điều này không đồng nghĩa với việc sử dụng nói giảm nói tránh (uyển ngữ) để thay thế cho những câu từ nguyên bản, hoặc lặp lại cả hai khía cạnh của một cuộc tranh luận mà không kiểm tra chúng. Thật vậy, vào những năm gần đây, thay vì duy trì tính khách quan, báo chí đã phạm những lỗi lầm dẫn đến việc “tính khách quan" bị nhận định sai. Ngày nay, khi xem những lời kêu gọi thuyết phục nhất cho xu hướng sáng suốt về đạo đức, chúng ta thấy rằng những lời kêu gọi này đi rất gần với quan niệm ban đầu của Lippmann về tính khách quan.


Xét về mặt nguy hiểm của xu hướng này, có những người ủng hộ sự sáng suốt về đạo đức lại sa ngã theo hướng chủ quan thô thiển. Tuần này, Bari Weiss, một biên tập viên của tờ Times, đã từ chức, cô chỉ trích điều cô cho là sự đồng thuận mới về tư duy của toà soạn: “Sự thật không phải là một quá trình khám phá của tập thể, sự thật là một chính thống được một số ít người được làm sáng tỏ biết đến và họ có trách nhiệm thông báo cho mọi người khác.” Trước đó, ông Rosenstiel đã cảnh báo, trong một phản hồi được nhiều người ủng hộ đối với bài viết của ông Lowery, rằng “nếu các nhà báo thay thế những hiểu biết có phần thiếu sót của mình về tính khách quan bằng cách nương nhờ vào tính chủ quan và nghĩ rằng những tư kiến của họ có giá trị liêm chính cao hơn việc thu thập chứng cứ một cách công tâm, thì nghề báo sẽ không còn nữa.”


Ông nói thêm rằng, khi các phóng viên tìm hiểu sâu về một chủ đề, sự thật thường ít khi rõ ràng. Chúng ta nên coi một người có khả năng nhìn nhận và ủng hộ rằng có những điều chưa thể chắc chắn là khiêm tốn, chứ không hề nhút nhát.


Bài viết này đã xuất hiện trong phần Sách và nghệ thuật của phiên bản in dưới tiêu đề "Người vô hình"


Translated by Duong Nguyen & Que Do

Copy edits by Gary Nguyen

Comments


bottom of page