top of page

Nhiều gia đình da màu gánh hệ lụy tài chính nặng nề do đại dịch

Khi mảng dịch vụ chịu thiệt hại lớn, cách biệt về chăm sóc trẻ em và khoảng cách giàu nghèo có hệ thống trong nền kinh tế thời đại dịch đang đè nặng lên nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình da màu.


Michelle Fox, ngày 22 tháng 11, năm 2020

Tony Anderson | Getty Images


Hậu quả kinh tế do đại dịch coronavirus đang đặc biệt đè nặng lên những gia đình da màu.


Đại đa số (86%) các hộ gia đình gốc Mỹ Latin có trẻ em và 66% các hộ người Da Đen có trẻ em cho biết họ gặp vấn đề tài chính nghiêm trọng trong đợt bùng phát dịch, bao gồm cạn kiệt tiền tiết kiệm, khó khăn trả nợ thẻ tín dụng và các khoản nợ khác, và chi phí chăm sóc y tế, theo dữ liệu khảo sát hồi tháng Chín thực hiện bởi NRP, Quỹ Robert Wood Johnson và Trường Y tế Công T.H. Chan tại Harvard. Trong khi đó, chỉ 51% các hộ Da Trắng có trẻ em khai báo tình trạng tương tự.


Một cuộc khảo sát khác bởi cùng các tổ chức trên cho thấy 55% các hộ người Mỹ Bản địa cũng đang lâm nguy tài chính.


Đây là lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng người da màu lâu nay đã phải đối mặt với vấn đề tài chính một cách có hệ thống, theo lời chuyên gia kế hoạch tài chính Lazetta Rainey Braxton, đồng sáng lập và đồng giám đốc điều hành người New York tại công ty tư vấn 2050 Wealth Partners.


“Chúng tôi hiểu rằng với khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách thu nhập hiện nay, mọi cú sốc đều sẽ là đòn trời giáng lên cộng đồng Da Đen, bởi lẽ điểm khởi đầu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với phần đông dân chúng,” theo lời bà Braxton, chủ tịch Liên hiệp Các Nhà tư vấn Tài chính người Mỹ gốc Phi và thành viên trong Hội đồng Tư vấn Tài chính CNBC.


Về vấn đề thất nghiệp, tỷ lệ này ở người lao động Da Đen hồi tháng Mười lên đến 10.8%. Người gốc Mỹ Latin chịu tỷ lệ thất nghiệp 8.8%, người gốc Á là 7.6% và 6% với người da trắng, theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động.


Đối với nhiều người da màu, điều này đồng nghĩa với sự đảo lộn lớn trong lối sống và quan hệ gia đình.


Nicole Bailey, 39 tuổi, đang thất nghiệp kể từ khi bỏ việc hồi tháng Ba. Vốn là trợ lý điều dưỡng tại Los Angeles, cô làm việc trong đơn vị đối phó Covid và có nguy cơ đã bị phơi nhiễm virus. Kết quả xét nghiệm của cô âm tính, nhưng cô nhận thấy mình không thể mạo hiểm sức khỏe bản thân hay của người mẹ đã 65 tuổi. Hai người sống chung với nhau và cùng mắc chứng cao huyết áp.


Mẹ cô có chút tiền để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại nhà, nhưng Bailey vẫn phải cắt giảm đáng kể chi tiêu và lo ngại về việc hết hạn trợ cấp thất nghiệp. Mười ba tuần bổ sung cho trợ cấp thất nghiệp theo Đạo luật CARES, được thêm vào sau 26 tuần như thông thường ở các tiểu bang, sẽ kết thúc vào tháng Mười Hai nếu không có động thái gì từ Quốc hội.

“Đó là một nỗi lo sợ triền miên không dứt,” cô nói.


Bailey cũng phải dùng đến tiền tiết kiệm được từ những buổi tăng ca, vốn để dành cho việc mua nhà sau này. Giờ đây đó là khoản tiết kiệm khẩn cấp. Cô cũng đã dùng tiền này để trả nợ thẻ tín dụng khi đại dịch bùng phát, nhưng các khoản nợ trên đang dần quay lại.


“Tôi cảm giác như mình đang giẫm chân tại chỗ và không tiến bộ được chút nào,” Bailey nói. “Trước thì tôi đang đi đúng hướng. Giờ đây tôi cảm giác như mắc kẹt vậy.”


Đại dịch chắc chắn sẽ xóa đi phần nào những tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực rút ngắn khoảng cách giàu nghèo theo sắc tộc, theo bà Tiffany Aliche, nhà giáo dục về tài chính và người sáng lập The Budgetnista, một phong trào tài chính tập trung vào phụ nữ.


Trước cuộc khủng hoảng, vào năm 2017, trung bình tài sản hộ gia đình người Da Đen được dự báo chạm mốc bằng không vào năm 2053, theo báo cáo từ tổ chức Prosperity Now và Viện Nghiên cứu Chính sách.


“Lo ngại của tôi là đại dịch lần này sẽ đẩy thời điểm đó lên sớm hơn, vào năm 2043,” bà Aliche nói.


“Nhiều người mất việc làm lần này là những người sẽ lâm vào khốn cùng.”


Các doanh nghiệp của người Mỹ gốc Á cũng đang chịu hệ lụy lớn từ việc cách ly diện rộng và phân biệt đối xử. Vào tháng Hai, khi lo ngại về virus tăng cao, các doanh nghiệp chứng kiến sự suy thoái nghiêm trọng. Tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Á tăng vọt hơn 450% từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 2020, theo phân tích từ McKinsey & Company dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động. Mức tăng này cao hơn hẳn so với các nhóm sắc tộc khác.


Trong lúc đó, khi nhiều gia đình da màu còn đang phải vật lộn tài chính, họ lại có thể sớm phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Đợt gia hạn trục xuất trên toàn quốc sẽ hết hạn vào cuối năm nay, trừ khi chính phủ đưa ra chính sách mới.


Với tình trạng người dân phải sống dựa vào tiền tiết kiệm và nợ thẻ tín dụng, nhiều người đang tìm đến nhóm cho vay nặng lãi, theo ông Andy Posner, nhà sáng lập và giám đốc điều hành Capital Good Fund, một Tổ chức Tài chính Phát triển Cộng đồng có trụ sở tại Rhode Island. Các tổ chức này cung cấp dịch vụ tài chính cho các cộng đồng có thu nhập thấp.


“Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều người bị giáng điểm tín dụng và thậm chí là phá sản,” ông nói.


Sherlie Martinez, một người mẹ đơn thân 31 tuổi tại Providence, Rhode Island, từng phải tìm đến các khoản vay nóng, nhưng sau này đã tự đứng vững. Hồi tháng Tám, cô nói với CNBC rằng cô có hy vọng vào đại học và sau này mở tiệm cafe của riêng mình.


May mắn là Martinez, vốn đang sống cùng em gái, cháu gái 12 tuổi, con gái 10 tuổi và cháu trai 4 tuổi, vẫn đang làm lễ tân tại một công ty luật và hiện đang học hai lớp đại học qua mạng.


Tuy nhiên, gần đây cô đã phải dùng đến quỹ khẩn cấp của mình để lo hậu sự cho cha. Cô đang dần dành dụm trở lại và cảm thấy tự tin hơn về khả năng chi trả hóa đơn. Chỉ có giấc mơ trở thành doanh nhân của cô là đang trở nên xa vời.


“Rất nhiều cơ sở đã chịu thiệt hại nặng nề vì đại dịch,” Martinez cho hay.


“Đây là giấc mơ của tôi,” cô nói “Đại dịch lần này đang đẩy giấc mơ đó ra xa khỏi tầm tay tôi.”


Việc đầu tiên là cắt giảm chi tiêu không cần thiết. Siết chặt hầu bao về mức mà bà Aliche gọi là “ngân sách mì gói,” gọi theo món mì gói Ramen rẻ tiền, nghĩa là mức ngân sách chỉ vừa đủ sống.


Sau đó, nếu có thu nhập, hãy để dành nhiều nhất có thể. Bà Aliche tin rằng chúng ta sẽ phải trường kỳ kháng chiến, theo dự báo của Cục Dự trữ Liên bang về việc giữ lãi suất ở mức bằng không đến năm 2023.


“Chúng ta sẽ phải giữ nền kinh tế ở trạng thái sống còn trong ba năm nữa,” bà nói. “Điều này nói lên tất cả.”


Nếu bạn đang ở tình thế tuyệt vọng và không thể chi trả hóa đơn, bà Aliche khuyên hãy chỉ chi tiêu cho sức khỏe và an ninh. Đây là bài học của bà từ trải nghiệm khốn khó sau khi mất việc làm. Bà chi trả mọi thứ không hạn chế và nhận thấy trong khi hóa đơn tiền điện thoại được thanh toán đủ thì tiền thuốc men lại thiếu thốn.


Ngoài ra, hãy nắm rõ tiền của mình ở đâu khi cần kíp. Cố gắng đừng phải xoay đến tài khoản lương hưu, bà Braxton khuyên.


“Nếu không có quỹ khẩn cấp thì bạn lấy đâu ra nguồn lực để chống đỡ mà ít để lại hậu quả sau này nhất?” bà nói.


Sau đó, hãy đặt mục tiêu bù đắp lại số tiền đó, ngay cả khi bạn chưa biết khi nào mới làm được. Không nên bi quan khi chưa thực hiện được ngay điều này.


“Bạn đang ở thế đấu tranh sinh tồn,” bà Braxton nói. “Hãy tốt với bản thân vì có rất nhiều thứ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.”


Đừng quên chia sẻ với gia đình và giải thích tình trạng của mình cho lũ trẻ sao cho hợp lý nhất. Chúng biết để ý đến tình trạng căng thẳng, nên cho chúng hiểu thực tế rõ ràng sẽ tốt hơn,” bà Braxton nói.


“Bạn rất dễ bị áp lực mà không chia sẻ với ai. Nhưng nó sẽ lộ ra trong chuyện tiền nong và các mối quan hệ của bạn.”


Cuối cùng là, đừng ngần ngại tìm kiếm sự trợ giúp, từ tìm việc làm đến nhờ ai đó trông trẻ giúp để đi làm.


“Chúng ta gần như phải quay trở lại thời xưa cũ và dựa vào gia đình, bè bạn và hàng xóm,” bà Aliche nói.


“Hãy dựa vào mạng lưới hỗ trợ của bạn.”


Người dịch: Tom Nguyen

Biên tập: K. Tran

Comments


bottom of page