top of page

Nhóm cực hữu đứng sau hầu hết những vụ tấn công khủng bố tại Mỹ


Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế: “nhóm da trắng thượng đẳng thực hiện phần lớn các ‘âm mưu và vụ tấn công khủng bố’ năm nay.”


Jenny Gross, ngày 24 tháng 10, 2020

Một người biểu tình có vũ trang tại cuộc vận động của một nhóm cực hữu ở thành phố Portland, bang Oregon vào tháng Chín. Một tổ chức nghiên cứu cho biết bạo lực bởi các nhóm cực tả và cực hữu góp phần vào tình trạng bất ổn của năm nay. Nguồn: Maranie R. Staab/Agency France-Presse — Getty Images


Một bản báo cáo từ tổ chức nghiên cứu an ninh đồng ý với những cảnh báo của Bộ Nội an rằng những người da trắng thượng đẳng và các nhóm cùng tư tưởng là kẻ đứng sau những vụ tấn công khủng bố trong nước Mỹ năm nay.


Bản báo cáo được công bố vào thứ Năm tuần trước bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies/CSIS) kết luận rằng những nhóm da trắng thượng đẳng đã đứng sau 41 trong số 61 “âm mưu và vụ tấn công khủng bố”, tức 67%, trong tám tháng đầu của năm nay.


Kết luận này được đưa ra khoảng hai tuần sau cuộc thẩm định thường niên của Bộ Nội an cảnh báo rằng bạo lực từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là “mối đe dọa dai dẳng và chết người nhất trong nước Mỹ” và những tay da trắng thượng đẳng gây tử vong nhiều nhất trong số các vụ khủng bố nội địa trong những năm gần đây.


Các nhà nghiên cứu từ tổ chức nghiên cứu khám phá ra rằng các mối đe dọa bạo lực một phần nào đó liên quan đến các cuộc biểu tình lớn và các cuộc đối đầu với những người biểu tình từ nhiều phe phái khác nhau trong năm nay. Báo cáo cho rằng “bạo lực giữa cánh tả và cánh hữu có liên quan chặt chẽ” và những nhóm cực tả, bao gồm những người theo chủ nghĩa vô trị (anarchists) và những tổ chức chống phát-xít, đã gây ra 12 vụ tấn công và âm mưu từ đầu năm cho đến nay, tức 20% tổng số các vụ tấn công, tăng lên từ 8% trong năm 2019.

Theo báo cáo từ CSIS, một tổ chức phi chính trị, cho thấy những phần tử cực đoan từ cánh tả thường hay nhắm vào cơ quan hành pháp, quân đội, cơ sở chính quyền và nhân viên.


Bản báo cáo nêu rõ một số trường hợp, bao gồm các vụ xả súng gây chết người liên quan đến các cuộc biểu tình và việc Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ 13 người bị cáo buộc âm mưu bắt cóc thống đốc của bang Michigan, một đảng viên Dân chủ. Những trường hợp đó, cùng với việc Tổng thống Trump tố cáo các nhà hoạt động cánh tả và việc ông từ chối lên án một nhóm cực hữu cực đoan tại một cuộc tranh luận tổng thống, đã nhiều lần dấy lên lo ngại về bạo lực có động cơ chính trị trong năm nay.


“Một phần của vấn đề mà chúng ta đang thấy là ở việc mọi người tụ tập, cho dù là để biểu tình hay những vấn đề khác, ở các thành phố, về cơ bản nó đã tập hợp các cá nhân cực đoan từ mọi phía lại với nhau. Chúng tôi đã thấy nhiều người từ mọi phe với vũ trang, và điều đó nêu lên những lo ngại về việc bạo lực gia tăng ở các thành phố trên nước Mỹ,” ông Seth Jones, giám đốc của Dự án Những mối Đe dọa Xuyên Quốc gia tại trung tâm chia sẻ.


Bản báo cáo cũng liên kết mối đe dọa bạo lực với tình trạng căng thẳng chính trị, đại dịch coronavirus và kinh tế bất ổn. Bản báo cáo cảnh báo rằng bạo lực có thể gia tăng sau cuộc bầu cử tổng thống vì sự phân cực ngày càng trầm trọng, thách thức kinh tế, lo ngại về bất công chủng tộc và nguy hiểm sức khỏe dai dẳng của coronavirus ngày càng gia tăng.


Bản báo cáo cho biết rằng nếu ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joseph R. Biden Jr. đắc cử kỳ này, những người theo chủ nghĩa thượng đẳng da trắng có thể sẽ bắt đầu huy động lực lượng nhắm vào đa số là người Da Đen, người gốc Latin, người Do Thái, và người Hồi Giáo. Và ngược lại, báo cáo nói rằng chiến thắng của tổng thống Đảng Cộng Hòa sẽ có thể đem theo bạo lực xuất phát từ các cuộc biểu tình trong phạm vi lớn.


Đã có một số dấu hiệu khích lệ về vấn đề này. Số người chết vì khủng bố trong nước cho đến nay tương đối thấp so với một số thời kỳ trước của lịch sử Hoa Kỳ.


Trong 8 tháng đầu năm nay, đã có chỉ năm trường hợp tử vong do khủng bố từ trong nước gây ra, so với 5 năm trước thì tổng số người chết là từ 22 đến 66 người mỗi năm.


Nghiên cứu cho rằng số tử vong thấp hơn là nhờ sự can thiệp hiệu quả của F.B.I. và các cơ quan hành pháp khác.


Báo cáo tìm thấy số người chết tương đối thấp từ nhiều vụ khủng bố cho thấy trong năm nay, các nhóm cực đoan muốn gửi thông điệp bằng cách hăm dọa và gây sợ hãi. Báo cáo chỉ ra nhiều sự cố đã có dính dáng xe cộ hoặc vũ khí, vì vậy mặc dù có khả năng tử vong cao, nhưng “rõ ràng là thiếu ý chí hành động."


Trong số năm vụ tấn công chết người trong năm nay, báo cáo cho rằng một vụ ở thành phố Portland, Oregon, là do một nhà hoạt động có liên hệ với phong trào cực tả không tổ chức được gọi là "antifa"; một vụ khác ở thành phố Austin, Texas, với một người đàn ông được mô tả là " cực hữu có tính chất cực đoan"; một ở tiểu bang New Jersey do một "tay chống nữ quyền"; và hai vụ ở tiểu bang California do một người đàn ông có liên hệ với phong trào Boogaloo, một nhóm chống chính phủ có các thành viên tìm cách lợi dụng tình trạng bất ổn của công chúng để kích động một cuộc chiến tranh chủng tộc.


Trong phần phụ lục, các nhà nghiên cứu cho biết họ không phân loại vụ xả súng ở thành phố Kenosha, Wisconsin, khiến hai người biểu tình thiệt mạng vào tháng 8, là một vụ tấn công khủng bố. Họ nói rằng người bị buộc tội trong vụ xả súng, một thiếu niên có tài khoản truyền thông xã hội thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cảnh sát, "thiếu động cơ chính trị rõ ràng cho vụ tàn sát."


Ông Jones cho biết số lượng các nhóm nhỏ, có cấu trúc đã tăng lên trong vài năm qua trong phần gia tăng bạo lực có tổ chức gần đây, so với thập niên 60 và 70 khi các cuộc tấn công thường được những kẻ cực đoan phi tập trung thực hiện bởi.


Ông Jones nói, sự gia tăng bạo lực do các nhóm có tổ chức ở Hoa Kỳ, với cấu trúc để đào tạo và gây quỹ công phu, sẽ là "một sự thay đổi rất đáng lo ngại."


Báo cáo cho thấy, người biểu tình đã bị nhắm vào với một tỷ lệ lớn của các cuộc tấn công từ cả hai nhóm cực hữu và cực tả.


Ông Bruce Hoffman, giáo sư tại Đại học Georgetown chuyên về khủng bố và tình trạng nổi loạn, cho biết số lượng tấn công nhắm vào người biểu tình là đáng lo ngại.


Ông Hoffman, người không tham gia vào báo cáo của trung tâm, cho biết: “Thật đáng lo ngại khi về cơ bản việc người Mỹ thực hiện quyền tự do hội họp và ngôn luận tại các cuộc biểu tình ngày càng bị nhắm tới. Tôi nghĩ rằng tất cả dân Mỹ phải thấy điều đó rất đáng sợ. Đó không phải là đất nước của chúng ta."


Người dịch: Vy Nguyen và Que Do

Biên tập: Tên L. Tạ

Comentarios


bottom of page