Translated from NIH's article “Detoxes” and “Cleanses”: What You Need To Know
By NIH, on 31-12-2018, 19:00:00
”Thanh lọc” và “thải độc” cơ thể là gì?
Người ta thường nghĩ một số chế độ ăn uống, chế độ dinh dưỡng, và liệu trình “thanh lọc“ hay “thải độc“ giúp chúng ta đào thải độc tố ra khỏi cơ thể, giúp giảm cân, hay tăng cường sức khoẻ.
Phương pháp thanh lọc cơ thể (detoxification) bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau:
Nhịn ăn (fasting)
Chỉ sử dụng các loại nước ép hoặc các loại nước tương tự
Chỉ ăn một số loại thức ăn được cho phép
Sử dụng một số thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm thương mại khác
Dùng các loại thảo dược
Làm sạch ruột già (ruột kết) bằng các loại thuốc xổ, thuốc nhuận tràng, hoặc thuỷ liệu pháp đại tràng.
Giảm tiếp xúc với các tác nhân môi trường
Xông hơi
Các chương trình này được quảng cáo rộng rãi, được thực hiện tại các trung tâm y tế, hoặc là một phần của các chương trình trị liệu tự nhiên. Một số liệu trình “thanh lọc cơ thể” có thể không an toàn và được quảng cáo sai sự thật. Để biết thêm thông tin về tính an toàn của các chương trình này, hãy xem thêm các thông tin bên dưới đây. (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh có khuyến nghị về liệu pháp Chelation, giúp loại bỏ các chất hoá học trong cơ thể, để giúp đào thải các kim loại độc trong một số trường hợp nghiêm trọng. Bài viết này không đề cập tới những loại liệu pháp giải độc như vậy.) Vậy các nghiên cứu nói gì về các phương pháp “thanh lọc” và giải độc cơ thể? Chỉ có một số ít các nghiên cứu tìm hiểu về việc “thanh lọc cơ thể” trên con người. Tuy một số chúng cho thấy những kết quả khả quan trong việc giảm cân, giảm mỡ, kháng insullin, và huyết áp, nhưng những nghiên cứu này có chất lượng kém vì có lỗi trong thiết kế nghiên cứu, ít người tham gia, và thiếu sự kiểm duyệt từ hội đồng chuyên gia. Một bài báo tổng kết năm 2015 đã kết luận rằng không có nghiên cứu thuyết phục nào ủng hộ cho việc sử dụng chế độ ăn “detox“ để kiểm soát cân nặng hay đào thải độc tố trong cơ thể. Một bài báo tổng kết khác vào năm 2017 cho biết nước ép và chế độ ăn “detox” có thể giúp giảm cân trong giai đoạn đầu bởi vì lượng calo hấp thụ thấp. Nhưng một khi quay trở lại chế độ ăn bình thường, người đó dễ tăng cân trở lại. Không có một nghiên cứu nào tìm hiểu thêm về tác dụng lâu dài của chế độ ăn detox này. Vậy về vấn đề an toàn thì sao?
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) đã có những hành động giúp xử lý những công ty bán các sản phẩm thanh lọc/thải độc cơ thể khi chúng (1) chứa các thành phần cấm, có khả năng gây hại; (2) được tiếp thị sai rằng chúng có khả năng chữa các bệnh nghiêm trọng; hoặc (3) đối với những thiết bị y tế được sử dụng để làm sạch ruột thừa, được bày bán trên thị trường nhưng chưa qua kiểm định về chức năng của chúng.
Một số loại nước ép được dùng trong việc ”thanh lọc” hay “thải độc” cơ thể chưa được khử trùng hoặc tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại có thể khiến chúng ta bị bệnh. Những bệnh này có thể gây nguy hiểm cho trẻ em, người lớn tuổi, hoặc đối với những người có hệ miễn dịch kém.
Một số loại nước ép có nồng độ oxalate (một hợp chất tự nhiên) cao. Hai ví dụ điển hình đó là rau chân vịt (spinach) hay củ dền/củ cải đường. Uống một lượng lớn nước ép có nồng độ oxalate cao có thể tăng khả năng gây nguy hại cho thận.
Những người bị bệnh tiểu đường nên tuân theo các chế độ ăn uống được bác sĩ khuyến cáo. Nếu như bạn có bệnh tiểu đường, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ của bạn trước khi thực hiện những thay đổi lớn trong thói quen ăn uống, ví dụ như thực hiện phương pháp “thanh lọc” cơ thể hay thay đổi cách ăn uống của mình.
Những chế độ ăn uống kiểm soát lượng calories hay loại thực phẩm được tiêu thụ một cách nghiêm ngặt thường không giúp giảm cân lâu dài và không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Những biện pháp làm sạch ruột thừa có thể có những tác dụng phụ, và có khả năng gây nguy hại. Những tác dụng nghiêm trọng này thường xảy ra đối với những người có tiền sử bệnh về đường tiêu hoá, bệnh trĩ nặng, hay bệnh về thận hoặc tim.
Những biện pháp “thanh lọc cơ thể” thường sử dụng thuốc nhuận tràng, có thể gây ra tiêu chảy cấp, đủ để dẫn đến mất nước và mất cân bằng điện giải.
Uống một lượng nước hay trà thảo mộc quá lớn cùng với việc không ăn trong nhiều ngày liên tục cũng có thể dẫn tới mất cân bằng điện giải nghiêm trọng.
Chúng ta nên có trách nhiệm hơn đối với sức khoẻ của mình bằng việc nên thảo luận với các chuyên gia y tế về bất cứ cách chăm sóc sức khoẻ nào mà chúng ta đang thực hiện, bao gồm cả việc “thanh lọc” hay “thải độc” cơ thể. Như vậy, bạn và chuyên gia y tế của mình mới có thể cùng nhau đưa ra những quyết định đúng đắn. Có phải tất cả biện pháp nhịn ăn (“fasting”) đều là “thanh lọc” hay “giải độc” cơ thể không? Mặc dù một số biện pháp nhịn ăn (“fasting”) được quảng cáo là giúp ”thanh lọc cơ thể”, nhưng những biện pháp nhịn ăn như nhịn ăn gián đoạn (”intermittent fasting”) hay nhịn ăn định kì (“periodic fasting”) được nghiên cứu là giúp tăng cường sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật, cải thiện lão hoá, và giảm cân trong một số trường hợp. Tuy nhiên, không có một kết luận chắc chắn nào của biện pháp này trên sức khoẻ con người. Ngoài ra, nhịn ăn còn có thể dẫn tới đau đầu, ngất xỉu, kiệt sức, và mất nước. Bài viết này không có bản quyền và được cho phép sử dụng rộng rãi cho cộng đồng. NCCIH giúp cung cấp thông tin này cho bạn nhưng chúng sẽ không thể thay thế được ý kiến của các chuyên gia hay chuyên viên y tế. Chúng tôi khuyến khích bạn nên thảo luận kĩ càng hơn với chuyên viên y tế của mình. NCCIH không chịu trách nhiệm trong việc đề cập đến bất kì một loại sản phẩm, dịch vụ, hay liệu pháp nào cả. Người dịch:Quynh Nguyen
Biên tập: Chau Tran
Bình luận