Translated from The New Yorker article Why Trump Can't Afford to Lose
Nếu Trump thua cuộc bầu cử này, ông sẽ đối diện những khoản nợ khổng lồ, và có thể là lao tù. Dẫu điều gì xảy ra, ông cũng sẽ kháng cự.
Jane Mayer
Tâm Phong chuyển ngữ
Tổng thống bị uất muộn. Cảm thấy thời giờ đang cạn dần, ông yêu cầu các phụ tá lập nên một danh sách các phương án chính trị của ông. Ông không đặc biệt sùng đạo, nhưng, khi ánh nắng dần phai bên ngoài toà Bạch Ốc dần trống vắng, ông quỳ xuống và đọc to lời cầu nguyện, khóc nức và nện nắm tay xuống thảm. “Tôi đã làm gì?” Ông nói. “Điều gì đã xảy ra vậy?” Khi Tổng thống lưu ý thấy giới quân đội có thể làm ông dễ xử hơn bằng cách để lại khẩu súng lục ở ngăn kéo bàn làm việc, chánh văn phòng cho mời bác sĩ của Tổng thống và lệnh rằng tất cả thuốc ngủ và thuốc an thần phải được lấy đi hết, nhằm bảo đảm ông không có phương tiện nào để tự sát.
Theo như Bob Woodward và Carl Bernstein thuật lại trong “The Final Days”, sự sụp đổ của Richard Nixon vào mùa hè năm 1974 là một trong những sự kiện kịch tính nhất lịch sử Mĩ. Tháng Tám năm ấy, vụ tai tiếng Watergate đã buộc Nixon – người bị lâm vào khốn cảnh bởi những đoạn ghi âm ở toà Bạch Ốc vốn tự kết tội mình và người đối diện vụ đàn hạch (impeachment) lẫn việc bị bãi nhiệm – phải từ chức. Hai mươi chín người có mối ràng buộc thân cận với chính quyền của ông sau đó bị kết tội, và nhiều người trong số những phụ tá cấp cao của ông, bao gồm Tổng Chưởng lí John Mitchell, phải vào tù. Tuy nhiên, bản thân Nixon thoát khỏi cảnh bị truy tố vì người kế nhiệm Gerald Ford đã ban lệnh ân xá cho ông vào tháng Chín 1974.
Không tổng thống Mĩ nào từng bị kết tội hình sự. Nhưng, khi Donald Trump đấu tranh để trụ lại Bạch Ốc, ông và những người quanh mình chắc chắn biết rằng nếu ông thua – một kết quả mà không ai có thể trông mong – sự suy đoán về quyền đặc miễn (presumption of immunity) đi kèm với chức vụ Tổng thống sẽ biến mất. Xét rằng hơn một tá vụ điều tra và vụ kiện dân sự liên quan đến Trump đang được tiến hành, ông có thể nhìn thấy thế tàn cục này hiểm hoạ hơn nhiều cái thế mà Nixon đã đương đầu. Sử gia chuyên về tổng thống Michael Beschloss nói về Trump, “Nếu ông ấy thua, các vị có một tình huống không hề khác với tình huống của Nixon khi ông này từ chức. Nixon đã nói về cánh cửa lao thất đóng sập một tiếng rền vang.” Trump nổi tiếng là sống sót được qua một vụ đàn hạch, hai cuộc li dị, sáu cuộc phá sản, hai mươi sáu vụ cáo buộc quấy rối tình dục và ước đoán chừng bốn nghìn vụ kiện. Hiếm ai thoát được các hậu quả theo cách gian giảo hơn. Chuỗi vận may đó có thể kết thúc hoàn toàn, có lẽ theo cách tàn bạo, nếu ông thua trước Joe Biden. Dẫu cho Trump thắng, những mối đe doạ nghiêm trọng về pháp lí và tài chính sẽ cứ lởn vởn ở nhiệm kì thứ nhì của ông.
Hai trong số những cuộc điều tra về Trump đang có người dẫn đầu là những viên chức thực thi pháp luật đầy quyền hành ở bang và thành phố. Cyrus Vance, Jr., Biện lí Manhattan, và Letitia James, tổng chưởng lí New York, mỗi người tự mình theo đuổi những cáo buộc hình sự khả dĩ liên quan đến những hoạt động kinh doanh của Trump trước lúc ông trở thành Tổng thống. Vì những quyền tài phán của họ nằm ngoài địa hạt liên bang, bất kì sự kết tội hay kết án nào vốn là kết quả từ những việc tố tụng của họ đều sẽ vượt quá phạm vi của quyền ân xá Tổng thống. Nội những chi phí pháp lí của Trump cũng có thể dễ gây nản lòng. (Vào thời điểm Bill Clinton rời khỏi Bạch Ốc, ông thu được hơn mười triệu đô ở các án phí.) Và tài lực của Trump hiện đang chịu tình trạng căng thẳng ngày càng tăng. Trong bốn năm tiếp theo, theo báo cáo gây kinh ngạc gần đây của [New York] Times, Trump – cho dù tái đắc cử hay không – cần phải theo đúng các kì hạn mà trả hơn 300 triệu đô ở các khoản vay mà cá nhân ông đứng ra bảo chứng; phần nhiều khoản nợ này là đối với những chủ nợ ngoại quốc như Deutsche Bank. Nếu ông không thể tái cấp tài chính với những bên cho vay, ông sẽ phải chịu trách nhiệm. Tờ Financial Times trong khi đó dự toán rằng tổng cộng thì khoản nợ địa ốc của Trump trị giá khoảng 900 triệu đô sẽ đáo hạn trong vòng bốn năm tiếp theo. Đồng thời, ông bị kẹt trong một cuộc tranh cãi với Sở Thuế Vụ (IRS) về một khoản khấu trừ mà ông tuyên bố trên các tờ khai thuế thu nhập của mình; một quyết định bất lợi có thể làm ông tốn thêm trăm triệu đô. Để trả hết những khoản nợ như vậy, Tổng thống, người có giá trị tài sản ròng theo Forbes ước tính là hai tỉ rưỡi đô, có thể bán đi một số cơ ngơi địa ốc giá trị nhất của mình – hoặc, như đã từng trong quá khứ, tìm cách bịp chủ nợ. Nhưng, theo một phân tích của tờ Washington Post, địa ốc của Trump – đặc biệt khách sạn và resort – đang bị một cú giáng nặng nề vì đại dịch và vì hậu quả từ sự nghiệp chính trị gây chia rẽ của ông. “Chính chức vụ Tổng thống là cái giữ ông thoát khỏi nhà tù và nhà tế bần”, theo lời của Timothy Snyder, giáo sư lịch sử ở Yale, người chuyên nghiên cứu chủ nghĩa chuyên chế.
Bạch Ốc từ chối trả lời những câu hỏi cho bài báo này, và nếu Trump có lập kế hoạch cho cuộc sống sau thời kì làm Tổng thống thì ông cũng không chia sẻ kế hoạch đó công khai. Một người bạn kinh doanh với ông ở New York cho biết, “Anh không đề cập chuyện đó được với ông ấy đâu. Ông ấy sẽ tức tối trước cái ý cho biết ông ấy có thể thua.” Ở những lúc yên ổn hơn, Trump hân hoan trước việc làm Tổng thống. Mùa đông năm ngoái, một thư kí Nội các cho tôi biết Trump đã thú nhận rằng ông không thể hình dung việc quay về cuộc sống trước đây như một nhà phát triển địa ốc. Như vị thư kí Nội các nhớ lại, hai người lúc ấy đang đi giữa đoàn xe hộ tống, bao quanh là hàng dài người hâm mộ, thì Trump đưa nhận xét, “Vụ này không phải phi thường sao? Sau vụ này, tôi không bao giờ có thể quay về công việc đặt hàng cửa sổ nữa. Việc đó quá sức chán.”
Xuyên suốt chiến dịch 2020, con số trong trưng cầu dân ý toàn quốc của Trump rớt lại phía sau Biden, và hai nguồn tin vốn từng nói chuyện với Tổng thống hồi tháng qua đã miêu tả ông có tâm trạng cáu bẳn. Ông cứ gắt gỏng khăng khăng rằng mình đã thắng hai cuộc tranh biện tổng thống, trái ngược với đánh giá của chính gia đình ông về cuộc tranh biện đầu tiên. Và ông phát phẫn không chỉ về những cuộc trưng cầu dân ý và giới truyền thông mà còn trước những người đảm trách chiến dịch tái tranh cử của ông, chỉ trích họ phung phí tiền bạc và để cho đội ngũ của Biden có lợi thế đáng kể về tài chính. Tính khí nóng nảy của Trump hiển hiện vào ngày 20 tháng Mười, khi ông chấm dứt ngang buổi phỏng vấn “60 Minutes” với Lesley Stahl. Một nhà quan sát lâu năm, người từng trải qua chút thời gian cùng Trump, gần đây bảo tôi rằng ông chưa bao giờ thấy Trump tức giận đến thế.
Cháu gái Mary Trump của Tổng thống – nhà tâm lí học và tác giả của quyển hồi kí tiết lộ nhiều điều “Too Much and Never Enough” – bảo tôi rằng cơn cuồng nộ của ông “cho thấy sự tuyệt vọng của chú ấy”, và nói thêm, “Chú ấy biết là nếu chú ấy không xoay xở được cách tại vị thì chú ấy sẽ lâm cảnh rắc rối nghiêm trọng. Tôi tin là chú ấy sẽ bị truy tố, vì gần như đâu thể chối cãi được chuyện chú ấy có hành vi phạm tội rộng khắp và dài lâu đến dường nào. Nếu chuyện đó không xảy ra ở cấp liên bang, nó phải xảy ra ở cấp tiểu bang.” Cô miêu tả “cơn tổn thương cho tính tự luyến” (narcissistic injury) mà Trump sẽ lãnh chịu nếu ông bị cự tuyệt ở những cuộc trưng cầu dân ý. Trong nội bộ gia đình Trump, cô nói, “thua cuộc là bản án tử hình – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Cha cô, Fred Trump, Jr., anh trai của Tổng thống, “về căn bản đã bị huỷ hoại” bởi phán xét của ông nội cô rằng Fred không phải là “kẻ thắng”. (Fred chết năm 1981, vì những biến chứng từ bệnh nghiện rượu.) Khi Tổng thống suy ngẫm về thất bại chính trị khả dĩ, ông tin rằng, ông ấy là “một đứa bé con mang lòng khiếp sợ”.
Barbara Res, người có cuốn sách mới “Tower of Lies”, dựa trên 18 năm, không liên tục, làm công việc phát triển và quản lí những dự án xây dựng cho Trump, cũng nghĩ rằng Tổng thống không chỉ chạy tranh cử cho nhiệm kì thứ nhì – mà còn chạy trốn khỏi pháp luật. “Một trong những lí do ông dốc lòng điên cuồng cho chiến thắng là ở toàn bộ những dự đoán rằng những công tố viên sẽ tìm đến ông”, cô nói. “Đó hẳn là một bóng ma rất đáng sợ.” Cô tính rằng, nếu Trump thua, “chú ấy sẽ không bao giờ thừa nhận điều đó đâu – chú ấy sẽ rời nước.” Res đưa ra lưu ý rằng, ở một cuộc mít-tinh gần đây, Trump có ý nói với đám đông về chuyện tháo chạy, bột phát nói rằng, “Các bạn có thể hình dung liệu tôi sẽ thua chứ? Tôi không cảm thấy ổn lắm. Có lẽ tôi sẽ phải rời khỏi nước – tôi không biết.” Cuộc nói chuyện như thế thực tiễn cỡ nào là chuyện đáng ngờ, nhưng Res chỉ ra rằng Trump có thể đi “sống ở một trong những toà nhà của ông ở một nước khác”, nói thêm, “Ông ấy có thể làm ăn từ bất kì nơi đâu”.
Hoá ra, vào năm 2016, Trump thực tế có lập kế hoạch rời khỏi Hoa Kì ngay sau cuộc bầu cử. Anthony Scaramucci, người từng ủng hộ Trump và từng có thời gian ngắn đảm vai trò giám đốc truyền thông toà Bạch Ốc, đã từng ở cùng Trump nhiều giờ trước khi cuộc bỏ phiếu khép lại. Scaramucci cho tôi biết rằng Trump và gần như mọi người trong nhóm ông đều dự kiến Hillary Clinton sẽ thắng. Theo Scaramucci, khi ông và Trump tản bộ quanh Trump Tower, Trump hỏi ông, “Ngày mai anh sẽ làm gì?” Khi Scaramucci bảo rằng ông không có kế hoạch gì hết, Trump thú nhận là ông đã lệnh cho phi cơ riêng của mình sẵn sàng cất cánh ở Phi cảng Quốc tế John F. Kennedy, sao cho vào sáng hôm sau ông có thể bay đến Scotland, để chơi golf tại resort Turnberry của mình. Dáng điệu của Trump, theo lời Scaramucci, là nhún vai trước một thất bại được dự kiến. “Kiểu như, O.K., ông ấy làm điều này để công chúng biết đến. Và chuyện này chấm dứt. Ông ấy ổn. Thật phí thời giờ và tiền bạc, nhưng cứ đi tiếp thôi.” Scaramucci nói rằng, nếu nhìn vào năm 2016 như một chỉ dẫn, Trump hẳn sẽ xem việc mình thua trước Biden bằng thái độ thản nhiên hơn nhiều người mong chờ: “Ông ấy sẽ chịu thua dễ dàng hơn so với hầu hết mọi người nghĩ. Không gì đè bẹp được gã này.”
Mary Trump, như Res, hồ nghi rằng chú mình đang xem xét việc rời khỏi Mĩ nếu ông thua cuộc bầu cử (một kết quả mà cô xem là hoàn toàn không chắc). Nếu Biden thắng, cô nêu ý mình, thì Trump sẽ “tự miêu tả bản thân như là điều tốt đẹp nhất từng xảy đến cho đất nước này và nói, ‘Cái này không xứng đáng có tôi – tôi sẽ làm thứ gì đó thực sự quan trọng, như xây Tháp Trump ở Moscow’.”
Ý kiến cho rằng cựu Tổng thống Mĩ sẽ lưu vong – như một vị vua ô nhục hay một kẻ cai trị chuyên chế bị phế truất – gần như nghe có vẻ phi lí, cho dù ở thời điểm cao trào này, và nhiều quan sát viên thân cận của Tổng thống, bao gồm Tony Schwartz, người chấp bút cho cuốn sách bán chạy đầu tiên của Trump, “The Art of the Deal”, bãi bỏ ý tưởng này. “Tôi đoan chắc ông ấy thấy sợ”, Schwartz bảo với tôi. “Nhưng tôi không nghĩ ông ấy sẽ rời nước. Ông ấy sẽ đi đến chỗ quái quỷ nào chứ?” Tuy nhiên, Snyder, giáo sư Yale, người có chuyên môn về những chế độ phản dân chủ ở Đông Âu, tin rằng Trump có thể hoàn toàn đi đào tẩu sang một nước nào không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kì. “Nếu bạn không ngu, thì bạn đã có sẵn kế hoạch chạy trốn”, Snyder cho biết. “Mọi người bảo tôi là ông ta có một chương trình ở Fox News. Tôi nghĩ ông ta sẽ có một chương trình trên kênh RT” – một đài truyền hình quốc gia ở Nga.
Theo quan điểm của Snyder, những nước đi tuyệt vọng như thế hẳn sẽ không cần thiết nếu Trump là một kẻ chuyên quyền thục luyện hơn. Mặc dù Tổng thống gần đây có đưa ra nhiều động thái độc đoán khác nhau – vào tháng Sáu, ông doạ dàn quân đội ra chống lại người biểu tình, và vào tháng Bảy ông nói về việc trì hoãn cuộc bầu cử – nhưng Snyder dám chắc rằng cảnh khốn quẫn của Trump “ở chỗ ông ta chưa huỷ hoại đủ hệ thống của chúng ta”. Snyder giải thích, “Nhìn chung, những kẻ chuyên quyền sẽ bóp méo hệ thống càng dữ dội càng cần thiết để duy trì uy quyền. Thường thì điều này nghĩa là bẻ cong nền dân chủ trước khi họ đến được chỗ hiện giờ Trump đang đứng.” Đối với một kẻ chuyên quyền thâm căn cố đế, một cuộc bầu cử đơn thuần là một sân khấu – nhưng kết cục của cuộc đua Trump-Biden hãy còn là điều không thể tiên đoán, mặc cho nhiều nỗi lo ngại về việc trấn áp cử tri, dị nghị số phiếu bầu đếm được, và về tình trạng náo động dân sự.
Vào Ngày Bầu cử, cách biệt chiến thắng có thể là điều trọng yếu trong việc xác định tương lai của Trump. Nếu lợi thế của người thắng ở Cử tri Đoàn là điều quyết định, không bên nào sẽ có thể dễ dàng có lời dị nghị cho phần kết quả. Nhưng nhiều cộng sự cũ của Trump cho tôi biết rằng nếu có bất kì nghi hoặc nào – bất kể đáng ngờ cỡ nào – thì Tổng thống cũng sẽ khăng khăng là ông ấy đã thắng. Michael Cohen, cựu luật sư của Trump, cho tôi biết, “Ông ấy sẽ không nhượng bộ. Không, không bao giờ.” Ông nói tiếp, “Tôi tin là ông ấy sẽ thách thức tính hợp lệ của phiếu bầu ở từng bang và mọi bang mà ông ấy thua – khẳng quyết rằng có gian lận ở phiếu bầu, tìm cách gây suy yếu cho tiến trình [kiểm phiếu] và chứng minh tiến trình này sai trái.” Cohen nghĩ rằng hành động gấp gáp gần đây trong xác lập Amy Coney Barret vào Tối cao Pháp viện là điều có động cơ một phần từ hi vọng của Trump rằng đa số các Chánh án sẽ đứng về phe ông ấy trong một cuộc bầu cử có tranh chấp.
Là người từng nhận tội năm 2018 về việc nói dối trước Quốc hội và về nhiều hành vi phạm tội tài chính khác nhau, bao gồm việc đóng góp phi pháp cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của Trump, Cohen đã đối diện nhiều vấn đề ngờ vực về sự khả tín của ông. Nhưng ông xác quyết, “Tôi nghe nói rằng người của Trump đã đi nói chuyện với các luật sư trên khắp cả nước, nhiệt thành dốc sức cho chủ đề này.” Một trong những luật sư riêng của Trump, luật sư tố tụng ở Tối cao Pháp viện William Consovoy, đã khởi xướng nhiều vụ kiện pháp lí khắp cả nước chất vấn việc bầu qua thư, thay mặt cho Đảng Cộng hoà, cho chiến dịch của Trump, và cho một nhóm hắc kim (dark-money) tự gọi mình là Honest Elections Project. Và cựu viên chức Bạch Ốc của Trump, Mike Roman, người đã làm nên một sự nghiệp khuấy động nỗi sợ hãi về nạn gian lận cử tri của những người không phải da trắng, đã đảm vai trò chủ công của một hạm đội tình nguyện viên những người theo dõi số phiếu bầu, những người tự quy cho mình là Army for Trump.
Cohen cực kì chắc chắn chuyện Trump sẽ thua đến mức gần đây ông đặt cược 10.000 đô cho vụ này. “Ông ấy trách cứ mọi người ngoại trừ bản thân mình”, Cohen nói. “Ngày nào ông ấy cũng quát nạt và la lối và hét lên về chuyện họ ăn cắp mất chức Tổng thống khỏi tay ông. Ông ấy sẽ bảo ông ấy đã thắng với cách biệt hàng triệu phiếu, và họ lừa bịp với những phiếu bầu từ người chết cũng như từ những người chưa sinh ra. Ông ấy sẽ kể đủ thứ chuyện dối trá và kích hoạt lực lượng dân binh (militia). Đó sẽ là một màn diễn thảm hại. Nhưng, bằng cách sắp xếp Tối cao Pháp viện, ông ấy sẽ nghĩ mình có thể có được lệnh của toà. Trump lặp lại những lời dối của mình hết lần này đến lần nọ với niềm tin rằng ông càng nói mấy lời dối đó thì càng nhiều người sẽ tin chúng. Tất cả chúng tôi đều ước chi ông hãy ngậm miệng lại, nhưng vấn đề là ông ấy không ngậm.”
Schwartz đồng ý rằng Trump “sẽ làm bất cứ điều gì để lí sự rằng ông ấy không thua”, và lưu ý rằng một trong những thế mạnh của Trump là ông cứ từ chối việc thừa nhận thất bại, nghĩa là “khi ông ấy thắng thì ông ấy thắng, còn khi ông ấy thua thì ông ấy cũng thắng”. Nhưng nếu Trump thua cách biệt lớn, Schwartz cho biết, “ông ấy sẽ có ít lá bài để chơi hơn. Ông ấy sẽ không thể chơi lá bài cuộc-bầu-cử-này-bị-ăn-cắp – và đó là lá bài mạnh.”
Thật khó hình dung cựu Tổng thống Hoa Kì ở sau chấn song hoặc bị buộc phải thực hiện lao động công ích, như cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi từng làm, sau khi bị kết án gian lận thuế. Tuy vậy một số mối đe doạ pháp lí được nhắm tới Trump là những đe doạ nghiêm trọng. Vụ kiện mà văn phòng của Vance, ở Manhattan, đang theo đuổi có vẻ như đặc biệt gay gắt. Theo tài liệu của toà án từ vụ khởi tố Cohen, ông không hành động một mình. Vụ của Cohen tập trung vào khoản thanh toán mà ông trả để bưng bít ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels, người mà Tổng thống được cho là có mối tư thông dục tình. Chính phủ xác quyết rằng mưu tính của Cohen được trợ giúp bởi một kẻ đồng mưu chưa bị kết tội, người mà những công tố viên liên bang ở Khu Nam New York nhắc đến với tên gọi “Cá nhân 1” (Individual-1), và là người phát động “một chiến dịch tranh cử Tổng thống Hoa Kì có kết cục thành công.”
Rõ ràng lời đề cập này là về Trump. Nhưng, vì trong những thập niên gần đây Bộ Tư pháp đã quyết định rằng Tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố, văn phòng Biện lí Hoa Kì (U.S. Attorney) đã khép lại vụ kiện sau khi Cohen bị kết án. Vance có vẻ như đã theo kịp chỗ mà Biện lí Hoa Kì để lại.
Phương hướng điều tra của Vance có thể được thu nhặt từ tài liệu tuyên án của Cohen: nó tiết lộ rằng, trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, Cohen đã dựng lên một công ti vỏ bọc vốn trả khoản tiền 130.000 đô cho Daniels. Trump Organization nguỵ trang khoản tiền bưng bít này dưới dạng “chi phí pháp lí”. Nhưng chính phủ lập luận rằng số tiền này, mua sự im lặng của cô diễn viên, là một khoản đóng góp phi pháp cho chiến dịch: nó giúp cho tư cách ứng viên của Trump, bằng cách chặn lại những dữ kiện gây hại, và vượt quá mức giới hạn quyên tặng liên bang là 2.700 đô. Hơn nữa, vì khoản tiền này được miêu tả sai lạc thành khoản chi phí pháp lí, nên ông hẳn đã vi phạm luật New York vốn cấm việc nguỵ tạo hồ sơ kinh doanh. Những tội như thế thường là tội nhẹ, nhưng nếu chúng được thực hiện nhằm xúc tiến những tội khác, như gian lận thuế, thì chúng có thể trở thành trọng tội. Tài liệu ở toà nêu rằng Cohen “hành động phối hợp với và theo sự chỉ đạo của Cá nhân 1” – một lời cáo buộc mà Trump phủ nhận kịch liệt.
Chuyện trở nên rõ ràng rằng việc điều tra của Biện lí Manhattan liên quan nhiều hơn đến vụ Stormy Daniels. Bí mật vây quanh công việc sưu tra của đại bồi thẩm đoàn (grand-jury probe) của Vance, nhưng một nguồn thạo tin cho tôi hay rằng công việc đó giờ đây bao gồm việc dò xét không kiêng dè đối với sự hưởng lợi có khả năng phi pháp trong những nghiệp vụ tài chính của Trump. Trong một văn thư toà án hồi tháng Tám, văn phòng của Biện lí lập luận rằng họ cần được cho phép đưa trát đòi xem xét hồ sơ thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp của Trump, giải thích rằng giờ đây họ đang điều tra “hành vi phạm tội có khả năng mở rộng và kéo dài ở Trump Organization”. Những công tố viên không ghi rõ đại bồi thẩm đoàn điều tra những gì, nhưng họ dẫn những bản tin nêu chi tiết vụ gian lận thuế khả dĩ, gian lận bảo hiểm và “những mưu tính lừa gạt”, vốn là cách mà luật hình sự New York xử lí nạn gian lận ngân hàng. Như báo cáo gần đây trên tờ [New York] Times về hồ sơ thuế của Trump cho thấy, ông từ lâu đã năng nổ, và có thể có ý lừa đảo, trong việc dùng đến những mánh lới kế toán để mà gần như xoá đi gánh nặng thuế thu nhập của mình. Một chi tiết nhỏ nhưng thấu lộ cho thấy rằng ông đã khấu trừ 70.000 đô cho việc làm tóc, xét theo bình thường là một khoản chi phí cá nhân. Đồng thời, theo lời khai trước Quốc hội mà Cohen đưa ra năm ngoái, Trump đã cung cấp cho các công ti bảo hiểm những bản báo cáo thu nhập bị thổi phình lên, thực tế là đang giữ hai bộ sổ kế toán: một nêu những khoản lỗ, cho mục đích về thuế, cái kia khoa đại lên những khoản lời, cho mục đích kinh doanh. Các luật sư của Trump nhất mực từ chối đưa ra những bản hồ sơ thuế của ông, chống lại trát đòi ở cả pháp viện lưu động lẫn Tối cao Pháp viện. Trump đã phủ nhận bất kì hành vi phạm tội tài chính nào, và đã chỉ trích những nỗ lực hòng thẩm xét những tờ khai thuế của ông, cho đó là “một phần kéo dài của cuộc săn phù thuỷ tệ hại nhất trong lịch sử Mĩ”. Nhưng đội ngũ pháp lí của ông đã thua mọi vòng trong các toà án, và có thể đã cạn hết các luận cứ. Có thể những nhà đương cục pháp lí New York sẽ rút lui. Ngay cả một người phê phán Trump như là Scaramucci cũng tin rằng “thật quá sức căng cho hệ thống xứ này đến mức khó lòng đưa một vị Tổng thống Mĩ vào tù”. Nhưng một cựu viên chức hàng đầu ở New York đã ám chỉ với tôi rằng Vance và James sẽ không chắc từ bỏ những cuộc điều tra của họ nếu Trump thua vào ngày 3 tháng Mười Một, dẫu là chỉ để gửi đi một thông điệp không mong muốn: “Nếu bạn là Tish James hay Cy Vance và bạn bỏ vụ này vào lúc ông ấy rời nhiệm sở, bạn đang thừa nhận việc đó là vì chính trị.”
Để bị kết án, chính phủ cần phải chứng minh được vượt lên sự nghi ngờ hợp lí rằng Trump có chủ ý thực hiện hành vi gian lận. Những công tố viên mà tôi nói chuyện đã bảo rằng điều này có thể khó làm. Như Cohen đã lưu ý, Trump gần như không viết ra gì, không gửi email hay tin nhắn gì, và thường bày tỏ mong muốn của mình cho người khác biết qua những phương tiện gián tiếp. Cũng có những trở ngại tiềm tàng gây nên bởi những quy chế giới hạn. Nhưng những công tố viên rõ ràng đã có được sự hợp tác của Cohen. Vì lẽ Cohen đã bắt đầu lãnh án tù ba năm, ở cơ sở cải tạo tại Otisville, New York, nên các luật sư từ Major Economic Crimes Bureau (Cục Phạm tội Kinh tế Trọng đại) chỉ phỏng vấn được ông không hơn bốn lần. (Cohen được cho ra tù sớm vì đại dịch.)
Norman Ornstein, một nhà khoa học chính trị tại American Enterprise Institute (Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mĩ), ở Washington, D.C., và là một người phê phán thẳng thừng, cho biết, “Tỉ lệ là 99,9999% cho thấy các nhà đương cục Bang New York sẽ tóm được ông ta vì đủ loại hành vi gian lận thuế. Chúng ta biết đây không phải là những tội vốn chỉ có kết cục là chịu nộp tiền phạt.” Martin Flaherty, giám đốc thành lập Leitner Center for International Law and Justice (Trung tâm Leitner cho Luật và Tư pháp Quốc tế), tại trường Fordham University, và là chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp giai đoạn chuyển tiếp (transitional justice), đồng ý như vậy: “Tôi phải tin là Trump đã phạm đủ những tội bình thường để các vị có thể bắt được ông ấy.”
Vấn đề về điều sẽ cấu thành trách nhiệm giải trình phù hợp cho Trump – và có mục đích làm nản chí những chính khách khác không can hệ vào những chuyện vi phạm tương tự, hay tệ hơn – đã làm phát khởi cuộc tranh luận. Flaherty, chuyên gia về những nỗ lực ở những nước khác đối với những phạm tội cấp quốc gia, tin rằng ở Mĩ “hẳn sẽ có tác dụng bổ ích khi để cho một tay hủ bại cực kì bị tống vào tù.” Ông công nhận rằng Trump “có thể được ân xá”, nhưng nói rằng, “Một vấn đề lớn kể từ vụ Watergate là giới ưu tú không đối diện trách nhiệm giải trình. Nó tạo ra một thứ văn hoá miễn trừ vốn sẽ khích lệ hành vi vô sỉ của một kẻ như Trump.”
Dù vậy cũng có những nguy cơ chính trị hiển nhiên. Anne Milgram, cựu tổng chưởng lí New Jersey và cựu luật sư Bộ Tư pháp, cho hay rằng Biden, nếu ông thắng, có thể tránh xa khỏi bất cứ vụ kiện tụng nào vốn sẽ làm suy yếu đi lòng tin cậy vào tính vô tư của hệ thống tư pháp, hoặc sẽ tái khích động cơ sở của Trump. “Điều lí tưởng”, cô bảo tôi, là để cho văn phòng của Biện lí Manhattan, không phải Bộ Tư pháp, xử lí bất kì vụ kiện hình sự nào. Cô lưu ý, Vance là công tố viên địa phương được bầu một cách dân chủ trong thành phố có trụ sở của Trump Organization. Dù vậy có thể khó lòng nghĩ được đến cảnh Trump sẽ bóc lịch trên Đảo Rikers, cô nói, “còn có một cái giá cho Chính quyền mới nếu họ cứ lật sang trang mà không làm gì.” Milgram nói tiếp, “Trump sẽ tuyên bố chiến thắng, và chủ nghĩa Trump sẽ không kết thúc. Nó làm dấy lên những câu hỏi lớn. Đó là một tình huống khá là bất khả.”
Dù Trump không có quyền ân xá hay giảm trừ bản kết án của pháp viện Bang New York, nhưng ông có thể ân xá gần như bất kì ai đang đối diện những bản cáo buộc cấp liên bang – có thể cho là bao gồm cả chính ông. Khi Nixon, một luật sư, ở trong Bạch Ốc, ông kết luận rằng ông có quyền này, dù ông cảm thấy ông hẳn sẽ tự làm mình ô nhục nếu toan sử dụng quyền đó. Bộ Tư pháp của chính Nixon bất đồng ý với ông khi họ được hỏi liệu một Tổng thống thực tế có thể tự ân xá mình không. Phó Tổng Chưởng lí tạm quyền Mary C. Lawton đưa ra một bản ghi nhớ tuyên bố, trong một câu mà gần như không phân tích gì, rằng “theo quy tắc nền tảng rằng không ai có thể là thẩm phán trong chính vụ án của mình, có vẻ như câu hỏi này có thể được trả lời theo thể phủ định.” Tuy nhiên, bản ghi nhớ tiếp tục đề xuất rằng, nếu Tổng thống được tuyên cáo tạm thời không thể thực hiện bổn phận tại nhiệm sở, Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống tạm quyền, và ở chức vị đó thì ông này có thể ân xá cho Tổng thống, rồi sau đó Tổng thống có thể từ nhiệm hoặc tái đảm đương các bổn phận tại nhiệm sở.
Cho đến nay, đó là quan điểm công khai duy nhất của chính phủ về vấn đề này, theo Jack Goldsmith, người, dưới quyền George W. Bush, đã đứng đầu Văn phòng Tư vấn Pháp lí của Bộ Tư pháp và giờ đây đang giảng dạy tại trường Harvard Law School. Gần đây, Goldsmith và Bob Bauer, một cố vấn Bạch Ốc thời Barack Obama, là đồng tác giả cuốn “After Trump: Reconstructing the Presidency”, trong đó bộ đôi tác giả thuộc cả hai đảng này đề ra một kế hoạch chi tiết nhằm cứu chữa một số trong nhiều nhược điểm về cơ cấu do Trump phơi bày ra. Trong số những đề xuất của họ là một quy định nêu rõ là cấm Tổng thống không được ân xá chính mình. Họ cũng đề xuất rằng những quy chế về hối lộ nên được tu chính nhằm ngăn ngừa Tổng thống dùng quyền ân xá để hối lộ chứng nhân hay cản trở tư pháp.
Những cải cách như vậy có thể đến quá trễ để mà ngăn Trump lại, Goldsmith lưu ý: “Nếu ông ấy thua – nếu – chúng ta có thể dự kiến là ông ấy sẽ tung quyền ân xá ra tràn lan, bao gồm cho chính ông ấy.” Tổng thống đã ban hành 44 lệnh ân xá, một số cực kì gây tranh cãi: một ân xá cho đồng minh chính trị Joe Arpaio, cựu cảnh sát trưởng Arizona người từng bị kết án do tội khinh thị pháp đình dạng hình sự (criminal contempt) trong sự việc ông này liên tục vi phạm quyền của người nhập cư. Trump còn thay đổi bản án của người bạn Roger Stone, một mật vụ chính trị người bị kết án vì phạm bảy trọng tội, trong đó có việc can thiệp chứng nhân, khai man trước các điều tra viên liên bang, và ngăn trở việc thẩm vấn của Quốc hội. Những Tổng thống khác của ban những lệnh ân xá đáng ngờ. Bill Clinton từng có quyết định ân xá nhà tài phiệt Marc Rich, năm 2001, không lâu sau khi vợ cũ của Rich quyên tặng hơn một triệu đô cho thư viện Tổng thống của Clinton và cho ngân quỹ chiến dịch tranh cử của Dân chủ, vốn là vụ sực mùi hối lộ đến mức khiến người ta phải tổ chức điều tra liên bang. (Clinton được chứng minh vô tội.) Nhưng, Goldmisth cho biết, “không Tổng thống nào lạm dụng quyền ân xá theo cùng cách mà Trump đã làm”. Căn cứ vào mẫu hình này, ông nói thêm, “Tôi sẽ lấy làm sốc nếu ông ta không tự ân xá mình.” Sử gia chuyên về Tổng thống Jon Meacham cũng đồng ý. Theo lời ông nói, “Tự ân xá sẽ là hành vi tối hậu của sự thủ dâm hiến pháp đối với một Tổng thống tự luyến.”
Việc tự ân xá có trụ vững trước sự bình duyệt của toà hay không là chuyện khác. “Tính hợp lệ của việc này hoàn toàn chưa được kiểm chứng”, Goldsmith cho biết, “Không rõ là việc này có tác dụng không. Quyền ân xá là quyền rất rất rộng. Nhưng không cách chi biết được thực sự. Các học giả mỗi người một ý.”
Roberta Kaplan, luật sư tố tụng New York, đưa ra cùng viễn cảnh vốn được phác thảo trong bản ghi nhớ của Lawton: Trump “có thể rút lui và được Pence ân xá”. Kaplan đại diện cho E. Jean Carroll, người đang kiện Trump vì tội phỉ báng vì ông phủ nhận lời cáo buộc của cô rằng ông đã cưỡng hiếp cô trong phòng thay đồ tại cửa hàng Bergdorf Goodman hồi thập niên 1990. Vụ kiện này, vốn được một thẩm phán liên bang cho phép tiếp tục vào ngày 27 tháng Mười, là một trong nhiều mối đe doạ pháp lí dân sự nhắm đến Trump. Mặc dù Kaplan có thể hình dung Trump sẽ tìm cách tự ân xá mình, nhưng cô tin rằng điều đó vượt quá mọi lẽ thường. Cô nói đùa, “Nếu chuyện đó mà OK thì tôi chắc cũng có thể tự ân xá mình tại Yom Kippur.”
Các học giả ngày nay không còn đồng lòng như trước đây về tính sáng suốt trong việc ân xá Tổng thống. Lệnh ân xá của Ford cho Nixon ngày càng được nhìn bằng lòng hoài nghi. Mặc dù hành động của Ford gây phẫn nộ nơi công chúng, nhưng những con người minh trí ở Washington rốt cục cũng thuận đồng rằng ông ấy đã chứng tỏ được tài trị quốc bất vị kỉ bằng cách kết liễu cái mà ông gọi là “cơn ác mộng quốc dân miên trường của chúng ta”. Ford thua cuộc bầu cử năm 1976, một phần vì sự phản ứng kịch liệt, nhưng sau đó ông giành được Giải thưởng John F. Kennedy Profile in Courage (Hình tượng Dũng cảm John F. Kennedy) cho quyết định của mình, và ông được mọi người tán thưởng từ Bob Woodward đến Thượng nghị sĩ Ted Kennedy. Sử gia Bechloss, người từng phỏng vấn Ford về vấn đề này, cho tôi biết, “Tôi tin là ông ấy làm đúng khi ban lệnh ân xá nhưng lại sai khi không yêu cầu bản xưng tội có chữ kí ghi rằng Nixon có tội như lời cáo buộc. Kết quả là Nixon trải qua phần còn lại đời mình tranh luận rằng ông ta không làm gì tệ hơn bất kì Tổng thống nào khác.” Kí giả và sử gia Sam Tanenhaus đã viết rằng lệnh ân xá của Ford đã khiến cho Nixon cùng phe ủng hộ ông ta “gây nên những hạt giống của một vụ phản lịch sử đối với Watergate”, trong đó Nixon “không phải thủ phạm mà là nạn nhân, bị giới truyền thông tự do săn lùng.” Lối tự thuật này khiến cho vụ đàn hạch ông cùng những vụ điều tra của Quốc hội về những hành vi sai trái của ông bị khuôn định lại thành “màn hình sự hoá về chính trị” được tiến hành bất hợp pháp.
Kể từ đó, Trump và những kẻ mị dân khác đã lặp lại những lập luận của Nixon nhằm chuyển hướng những vụ điều tra về hành vi sai trái của chính họ. Meacham, người cũng từng nói chuyện với Ford về việc ân xá nọ, đã bảo rằng Ford cực kì bị ám ảnh bởi lời phê phán cho rằng ông đã trao cho Nixon tấm giấy thông hành tự do, đến mức ông bắt đầu mang theo trong ví một tấm thẻ đánh máy trích lại phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1915, trong vụ Burdick đối đầu Hoa Kì, nêu ý rằng sự chấp thuận ân xá hàm ý sự thừa nhận mình có tội. Trọng trách phân xử việc làm phi pháp của người tiền nhiệm đè nặng lên Ford, và, Meacham cho biết, “đó là điều mà Biden có thể phải đánh vật.”
Nhiều cộng sự cũ của Trump lo rằng, nếu Biden thắng, có thể xảy ra một giai đoạn náo loạn trước khi thực hiện bất kì sự chuyển giao quyền lực. Swchartz, người đã viết một cuốn sách mới về Trump, “Dealing with the Devil”, sợ rằng “giai đoạn này từ tháng Mười Một đến ngày Nhậm chức năm 2021 là giai đoạn nguy hiểm nhất.” Swchartz nói tiếp, “Nếu Biden được cử hành lễ tựu chức Tổng thống, ta sẽ biết rằng có sếp mới, có cảnh sát trưởng mới xuất hiện nơi đây. Ở nước này, Tổng thống là số 1. Nhưng, cho đến khi ấy, mối nguy hiểm lớn nhất là Trump sẽ ngầm hoặc công khai kêu gọi những người ủng hộ mình hãy bạo loạn.” (Trump đã làm thế một cách ngấm ngầm, khi nói ở buổi tranh luận đầu tiên rằng Proud Boys, một nhóm cực đoan, cần phải “đứng đó sẵn sàng”). Mary Trump tiên đoán rằng, nếu Trump thất bại, ông cùng cộng sự của mình sẽ dành 11 tuần tiếp theo “cố hết sức làm gãy đổ thật nhiều thứ trên đường đi ra – ông ấy sẽ cướp lấy càng nhiều tiền của người đóng thuế càng tốt.”
Joe Lockhart, thư kí báo chí của Bill Clinton, đưa ra ý rằng, nếu Biden thắng với cách biệt nhỏ, một giai đoạn chuyển tiếp hỗn loạn có thể mang đến cơ hội cho một vụ “dàn xếp toàn cục” trong đó Trump sẽ chịu thua cuộc bầu cử và “đi nơi khác” nhằm đổi lại lời hứa rằng ông sẽ không đối diện sự buộc tội ở bất kì đâu, bao gồm ở New York. Lockhart lập luận rằng giới đương cục pháp lí của New York không chỉ có luật sư mà còn có các chính khách, và có thể bị thuyết phục rằng một thoả thuận sẽ là cái có lợi cho công chúng. Ông chỉ ra rằng một vụ sắp đặt cho việc dàn xếp toàn cục đã được thực hiện, “ở tầm vi mô”, vào cuối thời Tổng thống Clinton, lúc mà cố vấn độc lập đằng sau vụ điều tra Monica Lewinsky đồng ý khép lại mọi sự nếu Clinton chi trả 25.000 đô tiền phạt, từ bỏ giấy phép luật của mình và thừa nhận rằng trước đó ông đã cho lời khai dối sau khi tuyên thệ. “Do đó đã có tiền lệ”, Lockhart cho biết, mặc dù ông thừa nhận một thoả thuận như thế sẽ làm nhiều người Mĩ tức giận.
Trong số họ sẽ có Bauer, cố vấn Bạch Ốc thời Obama, người giờ đây là giáo sư tại School of Law của New York University. Bauer lập luận rằng khi phạm pháp thì các Tổng thống phải chịu cùng những hậu quả như bao người khác. “Làm sao mà viên chức thi hành pháp luật cấp cao nhất ở Hoa Kì lại được quyền miễn trừ hành pháp (executive immunity)?”ông nói. “Tôi hiểu những mối lo ngại, nhưng, xét đến cảnh huống đáng thương của hệ thống tư pháp ở nước này, tôi thật không hiểu nổi.” Ian Bassin, người cũng từng làm việc trong văn phòng cố vấn Bạch Ốc thời Obama, và giờ đây đứng đầu nhóm phi lợi nhuận mang tên Protect Democracy, nói rằng động lực ở đây không hẳn là trừng phạt Trump mà là ngăn chặn những kẻ độc tài tiềm tàng trong tương lai. “Tôi nghĩ Trump là dấu chỉ báo trước tương lai”, ông bảo tôi. “Trump 2.0 là điều làm tôi kinh sợ – ai đó nói rằng, ‘Ồ, Mĩ cởi mở trước một dạng chính quyền dùng bàn tay sắt, nhưng tôi có thể làm điều đó theo cách có hiểu biết hơn.”
Việc đoán xem Trump có thể làm gì nếu ông thua (và không vào tù) đã trở thành một trò chơi giữa những cộng sự cũ của ông. Năm 2016, khi có vẻ gần như chắc chắn rằng Trump sẽ không đắc cử, các phụ tá bắt đầu sửa soạn cho cái mà họ gọi là Trump News Network – một nền tảng truyền thông mà tại đó ông có thể tiếp tục phát ra tiếng nói và đổ tiền vào. Theo một nhà hoạt động chính trị có những ràng buộc với phe bảo thủ, trong số những đảng phái liên quan trong những vụ bàn luận này có Steve Bannon – người lúc đó đang phụ trách cả chiến dịch tranh cử của Trump lẫn trang web thiên hữu Breitbart – và tập đoàn Sinclair Broadcast Group, nơi cung ứng chương trình truyền hình bảo thủ cho gần 90 thị trường. (Sinclair phủ nhận việc mình có liên quan đến những cuộc bàn luận này.) Trước khi Trump đánh bại Hillary Clinton, ông cũng được cho rằng là đã khích lệ người con rể Jared Kushner đi thăm dò các cơ hội kinh doanh ở mảng truyền thông đại chúng. Sau khi mưu toan này bị rò rỉ ra cho giới báo chí, Trump công nhận rằng ông có cái mà ông gọi là “cơ sở người hâm mộ khổng lồ”, nhưng khẳng quyết rằng, “Không, tôi chả thích thú gì Trump TV”. Tuy nhiên, như tờ Vanity Fair gần đây tường trình, Kushner, trong suốt giai đoạn trước kì bầu cử, đã đi một bước dài đến mức đưa ra lời đề nghị mua lại kênh Weather Channel như một phương tiện vốn có thể được biến đổi thành một kênh ủng hộ Trump. Nhưng, theo tờ này, lời đề nghị của Kushner – 300 triệu đô – thua xa mức đòi hỏi 450 triệu đô của một trong những chủ sở hữu của kênh này, hãng quỹ đầu tư tư nhân Blackstone. Cả Kushner lẫn Blackstone đều phủ nhận câu chuyện này, nhưng một nguồn tin từng được báo riêng cho biết những vụ thương lượng này đã cho tôi biết câu chuyện này là chính xác.
Barbara Res, cựu nhân viên Trump Organization, cùng nhiều cựu cộng sự khác của Trump tin rằng, nếu Tổng thống thất bại, ông ấy sẽ lại tìm cách phát khởi dự án truyền thông nào đó. Một mật vụ phe Dân chủ ở New York có ràng buộc với các nhóm kinh doanh phe Cộng hoà bảo tôi rằng Bernard Marcus – tỉ phú đồng sáng lập Home Depot và là người ủng hộ Trump – gần đây được đề cập như một người có thể hậu thuẫn cho một phiên bản thứ nhì của nền tảng truyền thông phục vụ cho Trump. Thông qua một phát ngôn viên, Marcus không bác bỏ ý tưởng này. Ông nói rằng, đến lúc này, ông không liên can gì, nhưng nói thêm, “Việc đó có thể cần thiết ở tương lai sau này, và đó là ý tưởng tuyệt vời”. Sự xét đoán tập trung vào việc Trump hợp lực với một trong hai cái loa hiện tồn ủng hộ Trump ở phạm vi toàn quốc: Sinclair và One America News Network, một dự án truyền hình cáp xanh xao có tiếng là hay quảng bá cho những khuôn mặt ngoài rìa xã hội như Jack Posobiec, người lan truyền thuyết âm mưu Pizzagate. Một doanh nghiệp truyền thông của Trump có thể chọc thẳng từ bên phải vào Fox News, một kênh mà Trump càng ngày càng chỉ trích vì lòng trung thành chưa đủ mức. Chẳng hạn ngày 26 tháng Tư, Trump đăng Twitter rằng, “Những người đang xem @FoxNews, một con số kỉ lục (cám ơn Tổng thống Trump), đang tức giận. Họ muốn một cái khác thay thế ngay. Tôi cũng muốn vậy!”
Một cựu cộng sự của Trump, người cũng trong giới truyền thông, đoán rằng Trump thay vào đó có thể lấp đầy khoảng trống của chương trình nói chuyện qua radio mà Rush Limbaugh để lại do bị ung thư phổi giai đoạn cuối, theo như thông báo của Limbaugh hồi giữa tháng Mười. Cả Limbaugh lẫn những nhà sản xuất của ông đều không thể liên lạc được để hỏi về bình luận của họ. Nhưng vị cựu cộng sự kia đưa ra ý rằng nếu Trump dẫn một chương trình như vậy – có lẽ từ câu lạc bộ golf của ông ở bãi biển West Palm, Florida – thì ông có thể tiếp tục tìm cách tụ hội cơ sở của mình và vẫn còn trong cuộc chơi. Vị cựu cộng sự này chỉ ra rằng Trump có thể phát sóng chương trình này sau khi dành ra buổi sáng chơi golf. Y như trên chương trình “The Apprentice” – và trong Bạch Ốc – ông có thể đọc lướt qua, hiếm khi hoặc không chuẩn bị gì. Trump có tiếng là quan tâm đến Limbaugh, từng trao ông này Huân chương Tự do Tổng thống, và đăng Twitter lên tiếng cảm thông cho sức khoẻ của Limbaugh. Limbaugh nhờ chương trình của mình mà trở nên giàu có, và ước tính có tài sản nửa tỉ đô; Trump đã công khai bình luận công việc của Limbaugh đã sinh lợi đến dường nào, lên tiếng cảm thán trong một bài nói chuyện tháng Mười Hai năm ngoái rằng Limbaugh “kiếm được, cỡ, theo như người ta nói, 50 triệu một năm, và vậy là còn ít đó – cho nên, nếu ai đó muốn trở thành một người dẫn chương trình radio theo phe bảo thủ, thì đó không phải là lối sống tồi.”
Tuy nhiên, Res không thể hình dung Trump tiếp nhận một chương trình radio đơn thuần, và bà gọi nền tảng đó “quá ư nhỏ bé”. Tony Schwartz nói về Tổng thống, “Ông ấy quá ư lười biếng để làm một chương trình ba giờ mỗi ngày như thế”. Dẫu vậy, một nền tảng như thế có thể mang đến cho Trump nhiều điều thuận lợi, bao gồm tiềm năng khiến ông trở thành một tay điều đình quyền lực (power broker) chính trị ở bang Florida then chốt. (Bannon gần đây dự báo, với lòng hoài nghi đáng kể, rằng nếu Trump thua cuộc bầu cử năm nay thì ông có thể tranh cử lại vào năm 2024.)
Năm 1997, Trump xuất bản cuốn sách thứ ba, “The Art of the Comeback”, trong đó khoe khoang tính kiên cường của mình sau cú phá sản. Nhưng, trong một cuộc đua đối đầu gần đây của những sự kiện đại hội thị dân được phát truyền hình, Biden thu hút được lượng xem cao hơn hẳn so với Trump – một dấu hiệu cho thấy trở lại với truyền hình có thể không phải là một sự thành công được bảo đảm cho Tổng thống. Cây bỉnh bút Frank Rich của tờ New York Magazine – cựu phê bình kịch nghệ và là người từng giúp sản xuất hai chương trình ăn khách cho HBO – gần đây công bố một bài tiểu luận có tiêu đề “America Is Tired of the Trump Show” (Nước Mĩ đã chán ngán sô diễn của Trump).
Những tín hiệu từ giới địa ốc New York cũng không mang đến điều gì khích lệ. Tôi gần đây có hỏi một chủ ngân hàng cao cấp ở New York, người đã quen biết Trump trong nhiều chục năm, về những gì ông nghĩ đối với những triển vọng của Trump. Ông trả lời thẳng thừng: “Ông ta đã xong xuôi trong mảng kinh doanh địa ốc. Xong rồi! Không ngân hàng nào sẽ đụng tới ông ấy.” Ông lập luận rằng ngay cả Deutsche Bank – khét tiếng là tổ chức tiếp tục cho Trump vay tiền trong hai thập niên trước khi Trump trở thành Tổng thống – có thể miễn cưỡng tiếp tục mối quan hệ. “Họ có thể mất đi mọi khách hàng Mĩ mà họ có ở khắp thế giới”, ông cho biết. “Cái tên Trump, tôi nghĩ, đã biến thành một trách nhiệm pháp lí khổng lồ”. Ông thừa nhận rằng ở một số nơi nào đó ở nước Mĩ, và một số nơi khác trên thế giới, cái tên Trump vẫn còn có thể là một sức hút. “Có lẽ ở những trạm xăng dầu ở miền Nam và Tây Nam”, ông đùa.
Nếu Trump buộc phải nhận thua cuộc bầu cử, theo dự kiến của Scaramucci thì ông sẽ “xuống Florida và lập nên một ngân quỹ thực hiện giao dịch với những tay đầu sỏ ngoại quốc – tôi nghĩ ông ấy sẽ đi đến mấy gã này và nói ,’Tôi đã giúp mấy người nhiều rồi, và do đó hãy gửi tôi năm tỉ đi’.” Vị Phó Tổng thống ô nhục của Nixon, Spiro Agnew, người bị buộc từ nhiệm năm 1973 giữa tai tiếng tham nhũng, sau đó nài nỉ Thái tử Ả-rập Saud ủng hộ tài chính – đồng thời thề tiếp tục đấu tranh chống lại giới Zion chủ nghĩa [chủ nghĩa Phục quốc Do-thái] ở Mĩ. Bắt đầu từ Gerald Ford, các cựu Tổng thống đã thu được những khoản phí nói chuyện khổng lồ, đôi khi từ những chủ nhà ngoại quốc. Sau khi Ronald Reagon rời nhiệm sở, ông được trả hai triệu đô để ghé Nhật, và một nửa khoản đó được cho là để chi trả cho một cuộc nói chuyện. Những hồi kí tại toà Bạch Ốc là một nguồn sinh lợi khác cho thu nhập của những cựu Tổng thống và cựu Đệ nhất Phu nhân. Bill và Hillary Clinton nhận tổng cộng 36,5 triệu đô tiền ứng trước cho những cuốn sách của họ, còn Barack và Michelle Obama được cho là kiếm được hơn 65 triệu đô cho phần đồng bản quyền sách trên toàn thế giới. Trump công nhận ông không phải người đọc sách, và Schwartz lưu ý rằng, trong suốt một năm rưỡi họ làm việc cùng nhau cho quyển “The Art of the Deal”, ông ấy chưa từng thấy một quyển sách nào trong văn phòng hay căn hộ của Trump. Tuy vậy Trump được ghi tên tác giả cho hơn một tá cuốn sách đến hiện nay, và xét đến việc ông là một bậc thầy tiếp thị đã được chứng thực bấy nay, thật khó lòng hình dung được việc ông ấy sẽ không tìm cách bán thêm sách của mình.
Lawrence Douglas, giáo sư luật tại Amherst College và là tác giả của cuốn sách gần đây nói về Tổng thống, “Will He Go?”, tiên đoán rằng Trump – cho dù ở trong Bạch Ốc hay ra ngoài – sẽ “tiếp tục là nguồn khởi cho sự hỗn loạn và chia cắt ở quốc gia này”. Douglas, người đồng biên tập một cuốn sách giáo khoa về tư pháp giai đoạn chuyển tiếp, bảo tôi là ông ấy thấy khó chịu trước ý nghĩ rằng một Chính quyền kế nhiệm sẽ truy tố một nguyên thủ quốc gia sắp mãn nhiệm. “Đó thực sự giống như một chế độ độc tài mọn hèn vậy”, ông nói. Ông còn cảnh báo rằng một động thái như thế có thể mang tính phiến động bởi lẽ, “đối với hàng chục triệu người Mĩ thì Trump sẽ tiếp tục là một nhân vật anh hùng”. Cho dù tương lai ra sao đi nữa, Douglas hồ nghi chuyện Trump có thể sẵn lòng tan biến đi, như nhiều Tổng thống khác từng làm: “Ông ấy khao khát làm tiêu điểm công chúng, vì nó thoả mãn tính tự luyến cũng như vì ông ấy đã rất thành công ở việc đem cái tiêu điểm đó ra bán chác.” Những theo đuổi yên bình có lẽ hiệu quả đối với George W. Bush, nhưng Douglas đoan chắc một điều về tương lai của Trump: “Gã này sẽ không làm cái việc đi vẽ đôi chân của mình trong bồn tắm đâu.”[1]
Chú thích
[1] Ý chỉ đến sự vụ George W. Bush có bức tự hoạ đôi chân mình trong bồn tắm
Comments