Translated from NPR news's article Coronavirus FAQ: Help me with omicron vocab. What's immune evasion? Epistasis?
By SHEILA ELDRED, on 03-12-2021, 01:00:00
Tin tức về đại dịch COVID-19 được cập nhật nhanh đến chóng mặt khiến những người không có bằng cấp về y tế cảm thấy khó nắm bắt. Trong bài này, ba chuyên gia về COVID - Tiến sĩ Jill Weatherhead, trợ lý Giáo sư về bệnh truyền nhiễm người lớn và trẻ em ở Đại học Y khoa Baylor; Tiến sĩ Greg Poland, Giáo sư nội khoa và bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic ở Rochester, Minn.; và Tiến sĩ Matthew Binnicker, phó trưởng Khoa Xét Nghiệm Y học và Giải Phẫu Bệnh của Mayo Clinic – sẽ diễn giải một số thuật ngữ mà chúng ta thường gặp. Đột biến-Mutation: là một sự thay đổi trong mã di truyền của virus. Đột biến là một phần tự nhiên của quá trình nhân đôi của virus. Virus tạo ra nhiều bản sao của chính nó khi ở trong cơ thể con người. Đột biến xảy ra khi có sai sót trong quá trình sao chép. Đa số các đột biến không làm virus thay đổi. Nhưng trong vài trường hợp, đột biến làm thay đổi tập tính của virus (khả năng lây nhiễm, khả năng sinh sản…). Biến thể-Variant: về cơ bản, biến thể là một phiên bản của virus mà có trình tự gen khác một tí so với ban đầu vì có đột biến xảy ra. Nhiều đột biến mất đi khi virus nhân đôi và sao chép. Nhưng thỉnh thoảng, đột biến vẫn còn và được truyền xuống thế hệ sau của virus. Dần dần, virus tích lũy được một số lượng đột biến nhất định để khiến nó trở nên khác với các phiên bản khác của virus. Đây được gọi là biến thể. Biến thể đáng quan tâm-Variant of concern (VOC): Tổ chức Y Tế Thế Giới và Trung tâm Phòng Chống và Kiểm Soát Dịch Bệnh theo dõi các biến thể thường xuyên và sẽ thông báo cho công chúng biết về các loại biến thể “nguy hiểm”. Waterhead giải thích chữ “nguy hiểm” ở đây có nghĩa là chúng làm tăng khả năng lây nhiễm, làm bệnh nặng thêm, hoặc giảm độ hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng (xét nghiệm, vaccines, hay thuốc trị bệnh như kháng thể đơn dòng). Độ lây nhiễm- Transmissibility: là khả năng virus lây truyền từ người này sang người khác. Biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao hơn các biến thể trước vì đột biến ở protein gai, khiến nó gắn kết và nhiễm vào các tế bào tốt hơn. Hiện nay người ta đang lo ngại về biến thể omicron vì nó cũng có mức độ lây nhiễm cao hơn biến thể Delta, nhưng chúng ta vẫn chưa có nhiều bằng chứng để khẳng định. Trốn tránh miễn dịch- Immune evasion: Sau khi khỏi bệnh hay sau khi chích ngừa, cơ thể sản sinh ra kháng thể để phát hiện và tiêu diệt virus khi có dịp gặp lại. Thỉnh thoảng, một số đột biến của virus giúp chúng thoát khỏi sự phát hiện của kháng thể. Hiện tượng này được gọi là “trốn tránh miễn dịch”. Có một số bằng chứng sơ bộ cho thấy Omicorn trốn tránh miễn dịch tốt hơn Delta và các biến thể khác do nhiều đột biến trên protein gai. Khả năng cạnh tranh để sinh tồn (Outcompete): Trong thể thao, nếu bạn đánh bại các vận động viên khác bằng cách về đích đầu tiên hay ghi nhiều điểm hơn thì bạn đoạt huy chương vàng. Trong thế giới của virus, chiến thắng đồng nghĩa với việc có thể lây nhiễm nhiều người hơn (hoặc lây nhanh hơn) các biến thể trước. Binnicker giải thích, “Đây chỉ đơn giản là chọn lọc tự nhiên thôi. Delta đã cho chúng ta thấy nó là kẻ vô địch thiên hạ về khả năng lây nhiễm. Phải chờ thêm 2-4 tuần tới nữa để xem Omicron có "vượt mặt" Delta không." Nếu có, Omicron sẽ chắc chắn loại Delta ra khỏi cuộc chơi và trở thành biến thể chiếm ưu thế trên toàn cầu. Tương tác gen (Epistasis): Gốc từ Hy lạp “Epi-” có nghĩa “trên hết mọi thứ”. Vậy nó có liên quan gì đến virus? Trong di truyền học, thuật ngữ này dùng để mô tả cách mà các đột biến tương tác lẫn nhau. Việc đột biến thay đổi tập tính của virus như thế nào lại phụ thuộc vào hoạt động của cả nhóm các đột biến. Vì thế, các nhà khoa học không chỉ nhìn vào một đột biến duy nhất để đánh giá mà còn phải nghiên cứu tương tác của nhiều đột biến lên virus. Phản ứng trung hoà kháng thể- Virus neutralization assay (VNA): là một xét nghiệm đánh giá khả năng của kháng thể trong việc ngăn chặn quá trình lây nhiễm của virus. Xét nghiệm này được dùng để kiểm tra hệ miễn dịch của một người có khả năng phòng ngừa và tiêu diệt tác nhân gây bệnh tới đâu. Với ý nghĩa này, nó có thể dùng để đánh giá hiệu lực của vaccine trong việc phòng bệnh. Miễn dịch kép- Hybrid immunity: Các nhà khoa học cho rằng một người có “miễn dịch kép” khi đã bị nhiễm SARS-CoV2, và ít nhất 6 tháng sau, được tiêm vaccine COVID-19. Trường hợp này kích hoạt cơ thể tạo ra lượng kháng thể cao và mạnh giúp phòng chống lại các biến thể khác. Một số nhà khoa học gọi đây là “siêu miễn dịch”. Protein gai- spike protein: minh hoạ dễ hiểu nhất là từ những bức hình về SARS-CoV2 . Các protein nhô ra khỏi bề mặt virus như các gai giúp virus gắn kết và xâm nhập vào tế bào của người. Đây cũng chính là mục tiêu tìm kiếm của các kháng thể. Hệ miễn dịch phát hiện ra virus là nhờ các protein gai này. Biện pháp phòng ngừa- Preventive measures: Đây là thứ quá quen thuộc với mỗi chúng ta. Vấn đề quan trọng bây giờ là ngoài việc chích ngừa, chúng ta vẫn phải đeo khẩu trang, và giãn cách xã hội… để ngăn ngừa lây nhiễm.
Người dịch: Nhan Tran & Tran Tuan Hanh
Biên tập: Chau Tran
Comments