top of page

Nỗi lòng người Mỹ gốc Á khi thấy gia đình mình ở nước ngoài sống "bình thường" trong dịch COVID

By Victoria Namkung, on 31-01-2021, 07:00:00

Một người phụ nữ có gia đình ở Hàn Quốc cho biết cô cảm thấy “ghen tị vì gia đình cô được sống ở nơi mà người dân quan tâm đến cộng đồng của họ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống Covid-19.”

Khi đầu bếp Eric Sze thức dậy ở Thành phố New York, anh thường xem các video clip của bạn mình ở Đài Loan hát karaoke trên Instagram. “Nó luôn là điều đầu tiên tôi thấy vào buổi sáng," anh Sze – người đồng sáng lập nhà hàng Đài Loan tên 886, chia sẻ với NBC Asian America. “Không có gì giống như bắt đầu một ngày mới với một liều FOMO” – hay hiểu nôm na là nỗi sợ bỏ lỡ những điều đang xảy ra.

Anh Sze nói rằng anh cảm thấy ghen tị khi thấy ba mẹ, ông bà và bạn bẻ của anh ở Đài Loan – nơi mà có tổng cộng ít hơn 1,000 ca COVID-19 mặt dù Đài Loan có dân số hơn 23 triệu người – sống một cuộc sống bình thường trong khi Hoa Kỳ đang vật lộn với việc đóng cửa, các biến thể mới của virus, việc triển khai vaccine chậm hơn dự kiến và với 400,000 người mất mạng vì Covid-19. Đó là một cảm giác chung mà nhiều người dân Mỹ gốc Á chia sẻ khi theo dõi các thành viên gia đình và bạn bè của họ tại các nước châu Á, chẳng hạn như Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, nơi mà khẩu trang được sử dụng rộng rãi, có kinh nghiệm với các đại dịch đã từng xảy ra trong quá khứ và sự lãnh đạo của chính phủ - bao gồm bắt buộc cách li cũng như tiền mặt chi cho trường hợp khẩn cấp - đã dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cực thấp. “Tôi nghĩ rằng sự bất mãn lớn nhất mà tôi thấy là sự thiếu hỗ trợ mang tính cộng đồng trên cả nước” anh Sze nói về Hoa Kỳ. “Tôi hiểu rằng chính trị của hai đảng có xu hướng chia rẽ đất nước, nhưng một phần trong tôi đã từng nghĩ rằng mạng sống của người dân sẽ luôn đi trước chính trị - có vẻ thực tế lại không nhự vậy.” Nhà hàng của anh Sze đã gây quỹ được gần $150,000 để cung cấp 15,000 bữa ăn cho các bệnh viện và chỗ ở trong những ngày xấu nhất của đại dịch ở New York. Anh cho biết gia đình mình ở Đài Loan cảm thấy “lo lắng, nhưng không ngạc nhiên” bởi phản ứng của chính phủ Mỹ đối với Covid-19: “Cái giá của sự tự do dường như cấp số nhân theo đại dịch.”

Cô Carla Doan – một cư dân của Las Vegas – thấy hình của gia đình cô ở Việt Nam vô tư và giao tiếp xã hội, cô nói rằng điều này làm cô muốn được sống một cuộc sống bình thường không cần khẩu trang ở Hoa Kỳ. Tại Việt Nam – nơi mà chính phủ là Đảng Cộng sản – công chúng nhận thức được trách nhiệm chung trong việc phòng chống Covid-19, các chuyên gia y tế công cộng cho biết. Và người dân sẵn sàng ủng hộ những biện pháp nhanh chóng của chính phủ. Mặc dù Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc và có dân số là 96 triệu người, Việt Nam đã có ít hơn 2,000 ca nhiễm và chỉ 35 ca tử vong trong đại dịch. Tháng Một năm ngoái, phó thủ tướng đã ra lệnh cho các bộ của Việt Nam thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virus, ví dụ như đóng cửa và sơ tán các thành phố, hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới với Trung Quốc và bắt đầu việc truy vết tiếp xúc. Du khách và những người đã tiếp xúc với virus được đưa đến các trung tâm cách li miễn phí và sẽ ở đó hai tuần. Chính phủ liên lạc thường xuyên với công chúng và gửi tin nhắn đến điện thoại cho mọi người để biết cách tự bảo vệ mình tốt nhất. “Tôi nghĩ rằng sự khác biệt [giữa Việt Nam và Hoa Kỳ] là khi chính phủ của họ nói làm gì đó, mọi người đều tuân theo các hướng dẫn,” cô Doan nói. "Tôi chỉ ước các nhà lãnh đạo của chúng ta ở đây sẽ làm những gì [Việt Nam] đã làm." Đoan nói rằng cô ấy đã thất vọng vì một nửa số người Mỹ dường như tuân theo các quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, nhưng “vì nửa kia không sẵn sàng làm việc này,” nó khiến cô ấy cảm thấy những nỗ lực của mình là vô ích. Con trai 16 tháng tuổi của cô đã không có được bữa tiệc sinh nhật đầu tiên vì đại dịch và cô Doan không chắc chắn liệu bé có thể có một bữa tiệc sinh nhật lần thứ hai hay không. Những người Mỹ gốc Á biết các nước châu Á theo chủ nghĩa tập thể sẽ thành công trong việc kiểm soát virus và mở cửa lại sớm hơn Hoa Kỳ vì họ coi trọng nhu cầu của cộng đồng. Cô Diana Choi – người đã từng sống ở Hàn Quốc khi cô là thiếu niên và cô hiện đang cư trú tại Dallas, cho biết Hàn Quốc đã thành công trong việc kiểm soát Covid-19 vì người dân của họ “coi trọng cộng đồng” và không theo chủ nghĩa cá nhân.

51 triệu người dân của quốc gia siêu kết nối với này được hưởng lợi từ việc xét nghiệm nhanh chóng và miễn phí cũng như công nghệ truy tìm mở rộng. Hàn Quốc cũng rút ra bài học từ những sai lầm mắc phải với MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) vào năm 2015. “Tôi biết họ sẽ đề phòng, luôn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vì họ rất sợ mọi người sẽ nghĩ gì về họ nếu họ không làm vậy,” Choi nói. “Ở Mỹ, việc đeo khẩu trang bị chính trị hóa một cách không cần thiết.” Khi thấy gia đình và bạn bè ở Hàn Quốc đi dạo hoặc đi ăn, Choi - người bị bệnh tim khiến cô có nguy cơ bị biến chứng cao nếu nhiễm Covid - cho biết cô “ghen tị vì họ đang ở một nơi mà mọi người quan tâm đến nhau và đề phòng lây bệnh.” Cha mẹ của Choi sống ở Gwanju, Hàn Quốc thường hỏi con gái họ về hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ. Choi nói: “Họ nói nước Mỹ giống như là một trò cười. "Mỹ được cho là quốc gia mạnh nhất, nhưng họ thấy chúng ta trở nên quá chia rẽ và hỗn loạn vì đại dịch." Cô cho biết hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân của Hàn Quốc cũng tạo ra sự khác biệt. “Nó [chăm sóc sức khỏe] không phải là một đặc ân, đó cũng là một yếu tố góp phần giúp họ nhanh chóng xét nghiệm mọi người và kiểm soát mọi thứ,” Choi giải thích. “Tôi nói chuyện với mẹ tôi hàng ngày và họ nhận được thông tin cập nhật nếu có bệnh nhân Covid gần đó. Ở đây, chúng ta không biết ai bị nhiễm bệnh và rất nhiều người không nghĩ rằng đó là một vấn đề rất lớn .” Tất nhiên không phải tất cả người Mỹ gốc Á đều ghen tị với những gì đang xảy ra ở các nước châu Á. Trong khi Hàn Quốc, một nước cộng hòa dân chủ, luôn cải tiến và minh bạch với công dân của họ, thì các quốc gia theo chế độ độc tài như Campuchia bị các chuyên gia nhân quyền cáo buộc làm sai lệch số ca nhiễm và sử dụng đại dịch để phá hoại nhà nước pháp quyền. Ở Campuchia, quốc gia với khoảng 16 triệu dân, báo cáo có ít hơn 500 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong nào.

Một số người nghĩ rằng tỷ lệ nhiễm Covid-19 của Campuchia thấp là do 3/4 dân số của nước này sống ở vùng nông thôn do đó ở ngoài trời nhiều. Những người khác nói rằng tỷ lệ xét nghiệm thấp, và Đảng Nhân dân Campuchia do Thủ tướng Hun Sen lãnh đạo không muốn cho thấy toàn bộ thực tế. Sindy Barretto, người sống ở Pepperell, Massachusetts và có thân nhân ở Siem Reap và Battambang, Campuchia, cho biết: “Chính phủ không đưa ra con số thực tế. Thủ tướng chuẩn bị tái tranh cử nên ông ấy cố gắng khắc họa hình ảnh an toàn này và muốn cho thấy mọi thứ đang nằm trong tầm kiểm soát của mình.” Barretto vẫn giữ liên lạc với người thân của cô ở nước ngoài qua Facebook và cho biết khi cô nhìn thấy hình họ tụ tập đông người, cô “cảm thấy tiếc cho họ” vì họ đang không giữ an toàn. Từ các cuộc trò chuyện của Barretto với các thành viên trong gia đình, cô tin rằng Campuchia đang mất nhiều mạng sống vì Covid-19, nhưng những cái chết này được xếp vào đột quỵ do nhiệt hoặc đau tim. Mặc dù tỷ lệ của Campuchia có thể cao hơn so với báo cáo, nhưng các bệnh viện của họ không bị quá tải như ở Mỹ hoặc châu Âu. Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch, Campuchia đã tạm thời đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài, đặc biệt là từ phương Tây, đồng thời đóng cửa các trường học và địa điểm vui chơi giải trí. Nước này cũng đã cách ly gần 30,000 công nhân may mặc. Trong khi chính quyền Trump bị các quan chức y tế công cộng trong và ngoài nước chỉ trích kịch liệt vì cách xử lý Covid-19, Tổng thống Joe Biden gần đây đã đưa ra gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ USD với mục tiêu tiêm chủng cho 150 triệu người và mở lại trường học trong 100 ngày làm việc đầu tiên của ông. Ông cũng đang ra quy định đeo khẩu trang trong tất cả các tòa nhà của liên bang kéo dài 100 ngày và triển khai FEMA (Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang) và Vệ binh Quốc gia để xây dựng các phòng tiêm vắc xin trên toàn quốc. “Mọi người ở châu Á chắc chắn đang cười nhạo nước Mỹ vì họ nói rằng chúng ta được cho là một quốc gia thế giới thứ nhất mà bây giờ lại đang chết với tốc độ nhanh hơn họ,” Barretto nói. “Tôi vẫn nghĩ rằng chúng ta [ở nước Mỹ] đã làm tốt bởi vì chúng ta đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nếu chúng ta không giãn cách xã hội hoặc đeo khẩn trang gì cả, tôi nghĩ tình trạng của chúng ta sẽ còn tệ hơn nữa. Đó là thực tế hiện tại. ”


Người dịch: Le Tran & Uyen Duong

Biên tập: Derek Phan

Comments


bottom of page