top of page

SARS-Cov-2 tấn công mô mỡ, kích thích phản ứng miễn dịch quá mức gây tổn hại cơ thể

Translated from The New York Times's article The Coronavirus Attacks Fat Tissue, Scientists Find


Nghiên cứu mới đây cho thấy corona virus có thể xâm nhiễm trực tiếp vào tế bào mỡ, ẩn nấp trong mô mỡ nhằm trốn tránh sự phát hiện của miễn dịch, kích thích phản ứng viêm. Kết quả này góp phần giải thích vì sao những người bị thừa cân hoặc béo phì dễ bị biến chứng nặng và tử vong do Covid.

By Roni Caryn Rabin, on 07-12-2021, 12:00:00

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng corona virus xâm nhập tế bào mỡ và tế bào miễn dịch trong mô mỡ của cơ thể, gây ra những phản ứng miễn dịch làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. (Ảnh bởi: Nanographics, via Reuters) Ngay từ thời kì đầu của đại dịch, những bệnh nhân Covid trên cơ địa thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ bị biến chứng nặng và tử vong hơn. Mặc dù những người mang bệnh nền khác như tiểu đường cũng có nguy cơ cao bị Covid biến chứng nặng, các nhà khoa học "có cảm giác" mối liên hệ giữa béo phì và Covid nặng thì có vẻ thuyết phục hơn. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra corona virus xâm nhập vào cả tế bào mỡ và một số tế bào miễn dịch trong mô mỡ, kích thích phản ứng phòng vệ của cơ thể. Tiến sĩ Philipp Scherer, UT Southwestern Medical Center in Dallas, dù không phải là người tham gia nghiên cứu cũng phải thốt lên "Ôi trời, đúng rồi, virus có thể xâm nhập tế bào mỡ trực tiếp". “Những gì đã diễn ra ở trong mô mỡ không chỉ dừng lại ở đó. Nó cũng ảnh hưởng tới những mô lân cận.” Nghiên cứu chưa được bình duyệt hoặc công bố trên tạp chí khoa học, nhưng nó đã được đăng trên mạng hồi tháng 10. Nếu những nghiên cứu được tiếp tục, nó có thể làm sáng tỏ lý do vì sao không chỉ những bệnh nhân bị thừa cân trở nên yếu ớt trước virus, mà cả một số thanh niên không nằm trong nhóm nguy cơ cao cũng diễn tiến thành bệnh nặng. Những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong đội nghiên cứu, tiến sĩ McLaughin và tiến sĩ Catherine Blish của Trường Y khoa thuộc Đại học Stanford, cho rằng những bằng chứng có thể dẫn tới một phương pháp điều trị Covid nhắm vào mô mỡ trong cơ thể. “Có thể đó chính là gót chân Achilles mà virus dùng để thoát khỏi sự tấn công của hệ miễn dịch- bằng cách núp trong những nơi như thế,” theo tiến sĩ Vishwa Deep Dixi, giáo sư về sự tương tác giữa thuốc và hệ miễn dịch tại Trường Y khoa thuộc Đại học Yale, nói. Kết quả nghiên cứu này đặc biệt hợp lý trong trường hợp nước Mỹ, một trong những nơi có tỷ lệ béo phì cao nhất thế giới. Đa số người Mỹ bị thừa cân, và 42% bị bệnh béo phì. Người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa và người Alaska bản địa có tỷ lệ mắc béo phì cao hơn người da trắng và người Mỹ gốc Á; và số liệu cũng cho thấy các sắc dân trên có tỷ lệ nguy cơ bệnh nặng do Covid cũng cao hơn (với tỷ lệ tử vong cao gấp đôi) người Mỹ da trắng. Tiến sĩ Blish nói “Chúng tôi thấy các cytokines - chất gây viêm tiết ra khi mô mỡ bị nhiễm virus cũng giống với loại cytokines trong máu của bệnh nhân Covid rất nặng.” Mô mỡ trong cơ thể từng được coi như là một dạng mô lưu trữ. Nhưng các nhà khoa học giờ đây đã biết rằng nó vẫn có hoạt động sinh học, sản sinh ra những hormones và proteins của hệ miễn dịch mà ảnh hưởng đến các tế bào khác, tăng cường trạng thái xử lí những tình trạng viêm nhẹ kể cả khi không có sự lây nhiễm nào. Viêm là phản ứng của cơ thể khi có kẻ lạ xâm nhập. Đôi khi cơ thể phản ứng quá mức cần thiết và vô tình gây tổn thương chính mình, hơn cả sự kích thích thích từ vật lạ. Càng nhiều khối mỡ, và đặc biệt là những khối mỡ bao quanh nội tạng, sự viêm nhiễm sẽ càng tệ hơn. Mô mỡ gồm các tế bào mỡ và tế bào tiền mô mỡ. Tế bào tiền mô mỡ sẽ phát triển thành tế bào mỡ và nhiều loại tế bào miễn dịch khác nhau, kể cả đại thực bào mô mỡ. Tiến sĩ McLaughlin, Tiến sĩ Blish và cộng sự nghiên cứu liệu mô mỡ lấy từ các bệnh nhân mổ cắt dạ dày để giảm béo có khả băng bị nhiễm COVID-19 hay không, và theo dõi đáp ứng của nhiều loại tế bào khác nhau. Họ tìm ra rằng các tế bào mô mỡ có khả năng bị nhiễm, nhưng không đáp ứng viêm mạnh. Tuy nhiên, các đại thực bào, dù cũng bị nhiễm, nhưng tạo ra phản ứng viêm mạnh hơn nhiều. Kỳ lạ hơn nữa, các tế bào tiền mô mỡ lại không bị nhiễm, nhưng lại đóng góp vào phản ứng viêm. (Nghiên cứu này không đánh giá mức độ phản ứng viêm gây ra bởi giữa các biến thể với nhau). Nhóm nghiên cứu cũng lấy mô mỡ từ những bệnh nhân bên Châu Âu mà đã chết vì COVID-19 và phát hiện sự có mặt của virus trong mô mỡ ở nhiều cơ quan. Theo tiến sĩ Dixit, quan niệm mô mỡ là nơi cư ngụ của những tác nhân vi sinh gây bệnh không phải là mới; chẳng hạn như HIV và cúm Influenza. SARS-CoV 2 dường như có khả năng né tránh hàng rào miễn dịch của mô mỡ, vốn không có khả năng chống chọi lại nó một cách hiệu quả. Vì thế, bệnh thường nặng ở những người béo phì. Tiến sĩ David Kass, giáo sư tim mạch học tại John Hopkins cho biết, một người có cân nặng 250 lbs (113 kgs) sẽ có một lượng mỡ “dồi dào" cho virus sinh sôi nảy nở và gây ra một phản ứng viêm đủ sức tàn phá cơ thể. “Nếu bạn béo phì ở cấp độ nặng, mỡ là một cơ quan chiếm khối lượng lớn nhất trong cơ thể." SARS-CoV 2 có thể nhiễm vào mô mỡ và trú ngụ trong đó thành “ổ virus”. Khi phản ứng viêm càng mạnh, càng nhiều cytokine được tiết ra được ví như “bão cytokine”. Tiến sĩ Blish và cộng sự suy đoán rằng tế bào mỡ bị nhiễm thậm chí có thể góp phần vào “Covid mãn tính", khi đó nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, như mệt mỏi, kéo dài qua nhiều tuần nhiều tháng sau đợt bệnh cấp tính. Dữ liệu cũng gợi ý là việc điều trị và tiêm chủng có thể phải dựa vào cân nặng và lượng mỡ của cơ thể. Theo Barry Popkin, giáo sư dinh dưỡng học tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, chuyên nghiên cứu về mối liên hệ giữa béo phì và Covid, cho biết: “Bài báo này là một lời tỉnh thức đối với các nhân viên y tế và những người làm y tế công cộng rằng, hãy để ý hơn nữa tình trạng thừa cân và béo phì trong cộng đồng, để điều chỉnh phương thức chữa trị và phòng ngừa hiện có.”


Người dịch: Ha Do Thanh & Nhan Tran

Biên tập: Chau Tran


Comments


bottom of page