top of page

Số lượng cử tri Châu Á đi bỏ phiếu tăng lên có thể “nhuộm xanh” Pennsylvania

Updated: Oct 16, 2020


Một thành viên Hội đồng Thành phố Philadelphia phát biểu rằng AAPI (Asian Americans and Pacific Islanders - người Mỹ gốc Châu Á và Thái Bình Dương) là lợi thế để chiến thắng tiểu bang, nhưng các nỗ lực tiếp cận cộng đồng đã bị xáo trộn.


Celeste Katz Marston, ngày 14 tháng 10, 2020

Uỷ viên Hội đồng Thành phố Philadelphia Helen Gym biểu tình phản đối đóng cửa bệnh viện Đại học Hahnemann tại một cuộc tuần hành ở Philadelphia hôm 15 tháng Bảy. Ảnh của Bastiaan Slabbers/ Sipa USA qua AP file


Theo cách nhìn của Helen Gym, cộng đồng người Mỹ gốc Á có thể sẽ là chìa khóa cho chiến thắng ở Pennsylvania.


Vào năm 2016, “Donald Trump đã giành được [chiến thắng] bằng 44,000 phiếu bầu ở tiểu bang Pennsylvania,” theo lời của Gym, người phụ nữ gốc Á đầu tiên công tác tại Hội đồng Thành phố Philadelphia, và là thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ Joe Biden cho chức vụ Tổng thống. Cũng theo bà, hiện nay, cộng đồng người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương, hay AAPI, “chiếm đến gần nửa triệu cử tri. “AAPI chính là yếu tố quyết định đến chiến thắng ở Pennsylvania.”


Với mùa bầu cử Tổng thống đầy hỗn loạn, với việc bỏ phiếu sớm trước ngày 3 tháng Mười Một đã và đang diễn ra, các chiến dịch của cả Trump và Biden đang chuyển hướng đến Pennsylvania - và tập trung vào cộng đồng cử tri gốc Á.


Theo số liệu trung bình thăm dò mới nhất do RealClear Politics tổng hợp, Biden đang dẫn trước Trump 7 điểm ở Pennsylvania. Với nhóm của Biden, điều đó có thể là một tín hiệu đáng khích lệ, nhưng những người theo dõi đều nhận thức rõ ràng rằng chính Hillary Clinton cũng đã có lợi thế tương tự so với Trump vào năm 2016, và nó đã tiêu tan trong thời gian chạy nước rút đến Ngày bầu cử.


Theo dữ liệu tổng hợp bởi APIAVote, một nhóm phi đảng phái hoạt động ủng hộ những người gốc Á tham gia vào các hoạt động xã hội, cộng đồng người Mỹ gốc Á đã trở thành một lực lượng đáng gờm ở Pennsylvania trong hai thập kỷ qua, tăng lên khoảng 99 phần trăm kể từ năm 2000.


Tổng dân số AAPI - rải rác khắp tiểu bang, nhưng tập trung tại Philadelphia - đã tăng lên khoảng 511,000 người. Cử tri gốc Ấn và Trung chiếm đa số cộng đồng gốc Á ở Pennsylvania, theo APIAVote, theo sau đó là một lượng đáng kể cử tri gốc Việt, Hàn, và Philippines. Có khoảng 251,000 cử tri AAPI đủ điều kiện ở Pennsylvania, chiếm khoảng 4 phần trăm tổng cử tri.


Christine Chen, giám đốc điều hành của APIAVote cho biết: "Tôi nhận thấy Pennsylvania cũng tương tự như những gì chúng ta đã thấy ở Virginia và Nevada, nơi mà sau rất nhiều chu kỳ bầu cử khác nhau, có vẻ như cuối cùng các đảng chính trị và các ứng cử viên đều nhận ra rằng ồ, ngạc nhiên chưa, thực sự có một lượng đáng kể cử tri người Mỹ gốc Á ở phía sau lưng tôi.”


Chen tiếp tục: “Khi mới bắt đầu, rất ít tổ chức châu Á muốn làm công việc này hoặc thậm chí hiểu rằng họ được phép thực hiện các hoạt động đăng ký cử tri phi đảng phái, giáo dục cử tri, khuyến khích bầu cử . Thật thú vị khi vào năm 2020, chúng ta thấy rằng cộng đồng chúng ta không chỉ có nhiều tổ chức hơn mà còn tự tổ chức thành một liên minh và làm việc cùng nhau."


Điều đó bao gồm các nhóm như Chalo Vote, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của người dân Nam Á ở Pennsylvania và một bang chiến trường khác, Michigan.


Chalo Vote tập trung vào “đưa các công cụ ngôn ngữ thân thiện giúp giáo dục cử tri trực tiếp đến các cộng đồng thay vì nhắm vào từng cá nhân,” trích lời chủ tịch nhóm, Taher Hasanali, trong một cuộc trao đổi thư từ. “Về mặt văn hóa, AAPI là một nhóm hướng cộng đồng, nên trừ khi thông tin được mang đến cho họ từ cộng đồng, còn lại, chúng có thể bị xem nhẹ , và mất uy tín .”


Theo Hasanali, trong khi cộng đồng AAPI đang dần lớn mạnh đến mức đủ để thu hút sự chú ý từ các ứng viên và các chiến dịch, các khó khăn cản trở việc tham dự vào các hoạt động chính trị vẫn còn đó.


Theo Hasanali: “Cản trở lớn nhất mà chúng tôi thấy ngăn mọi người trong cộng đồng AAPI tham dự vào những chuyện này đó là bởi sự thiếu nhận thức về các mà chính trị có thể ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của chúng ta, thiếu hiểu biết với hệ thống, và thiếu tin tưởng hệ thống chính trị. Những vấn đề này song hành với nhau, tạo nên một chu kỳ tuần hoàn thiếu hụt giáo dục công dân. Cộng đồng người Mỹ gốc Á không đi bỏ phiếu vì những ứng viên và chính trị gia không tìm đến họ - và điều tương tự xảy ra ở chiều ngược lại, vì chúng ta không bỏ phiếu nên họ sẽ không tìm đến.”


Nhìn thấy những gương mặt quen thuộc - cả những người đang làm việc để có được lá phiếu và những người đang có lá phiếu trên tay - có thể thúc đẩy việc tham gia bỏ phiếu: ví dụ Thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California, ứng viên Phó Tổng thống trong cuộc chạy đua cùng với Biden, có thể giúp tăng một lượng đáng kể cử tri AAPI nhờ vào việc bà là người Mỹ gốc Ấn, nhưng Hasanali nói rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Pennsylvania cũng xôn xao về ứng viên gốc Bangladesh Nina Ahmad đang chạy đua để trở thành Tổng kiểm toán tiểu bang.


"Chính trị là đảm bảo có các nhà lãnh đạo thấu hiểu những gì mà cộng đồng của họ mong muốn; và mặc dù cử tri AAPI là khối bỏ phiếu phát triển nhanh nhất trong nước, điều đó vẫn chưa được phản ánh trong nền chính trị của chúng tôi", ông nói. "Cộng đồng này hiểu rằng nếu họ muốn trở thành một phần của bức tranh lớn, họ cần phải tập hợp lại với nhau và nắm quyền làm chủ tương lai chính trị của chính họ và tham gia tranh cử."


Trước hết, cần phải vượt qua các rào cản. "Tôi tin rằng nếu có thể phá bỏ rào cản ngôn ngữ đối với một số cư dân lớn tuổi hoặc những người nhập cư gần đây, cộng đồng người Mỹ gốc Á có thể đóng vai trò lớn hơn nhiều", trích lời Hạ nghị sĩ Patty Kim, người Mỹ gốc Á đầu tiên phục vụ tại Hạ viện Pennsylvania.


Tiếp cận với nhóm những cử tri AAPI ở Pennsylvania nơi họ sống và làm việc cùng với cách họ chọn bỏ phiếu là rất quan trọng. Cả nhóm của Biden và Trump đều đang cố gắng làm điều đó. Theo dự đoán, các nhà dự báo như FiveThirtyEight nói rằng Pennsylvania, nơi đang bị chia rẽ sâu sắc, có thể sẽ trở thành bang "mấu chốt" cho một trong hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử này.


Chiến dịch của Trump nói rằng các nỗ lực cơ động của họ đã bao gồm công việc thu hút cộng đồng Hàn Quốc, Philippine, Việt Nam, Trung Quốc, Cambodia, và Malaysia ở Pennsylvania, bao gồm các cuộc vận động đăng ký cử tri, các cuộc gặp mặt và các khóa đào tạo về Sáng kiến Lãnh đạo Chiến thắng Trump bằng 13 ngôn ngữ của cộng đồng AAPI, chẳng hạn như tiếng Việt, tiếng Hàn, Tiếng Trung, Tamil, Hindi, Gujarati và Telugu.


Trích lời thư ký báo chí quốc gia của chiến dịch, Ken Farnaso: "Những người Mỹ gốc Á, bao gồm cả tôi, đã liên tục ủng hộ các ứng cử viên cống hiến cho một nước Mỹ an toàn và mạnh mẽ, giúp chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn, con cái chúng tôi được quyền chọn trường tốt hơn và giảm thuế. Tổng thống Trump đã hoàn thành tất cả những điều trên và hơn cả thế chỉ trong ba năm nhiệm kỳ trong khi hồ sơ năm thập kỷ ảm đạm của Joe Biden đã tự tiết lộ nhiều điều về thất bại đó."


Trong khi đó, chiến dịch của Biden vừa tung ra một chiến dịch truyền thông trả tiền tập trung vào nhóm cử tri AAPI gồm quảng cáo trên TV, radio, báo in và điện tử ở các bang quan trọng. Gym, thành viên Hội đồng Thành phố Philadelphia, cho biết các cử tri khối AAPI ở Pennsylvania có động lực để ủng hộ Biden hơn Trump không chỉ vì các vấn đề thường nhật như giáo dục và kinh tế, mà còn vì cách thức phát biểu gây chia rẽ, nhắm vào yếu tố sắc tộc mà Trump đã sử dụng trong thời kỳ đại dịch coronavirus.


Theo Gym: "Ngài Tổng thống đã sử dụng sự ảnh hưởng của mình để kích động căng thẳng chủng tộc và bạo lực chống lại người da màu nói chung và người Mỹ gốc Á nói riêng qua những bình luận của ông ấy về coronavirus cũng như những nhận xét miệt thị đối với các phóng viên người Mỹ gốc Á. Sự bất cẩn và cay nghiệt thường nhật mà ông ta áp dụng tất cả những điều này đã ảnh hưởng đến cộng đồng của chúng ta, nơi mà ở nhà, mọi người đã đưa ra những nhận xét hoặc đe dọa tương tự với những người Mỹ gốc Á, cũng như cộng đồng nhập cư rộng lớn hơn, và tôi không nghĩ rằng cộng đồng AAPI không nhận thức được điều đó."


Chen, của tổ chức APIAVote, nói rằng những vấn đề đó là những vấn đề trước mắt đối với một số cử tri người Mỹ gốc Á đi cùng mối lo ngại về sự thiên vị và quấy rối trong đại dịch, bị phơi nhiễm với Covid-19, có thể khiến việc bỏ phiếu qua đường bưu điện trở nên được ưu tiên hơn bình thường.


Cuộc khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á năm 2020 cho thấy, khoảng 46% cử tri AAPI trên toàn quốc cho biết họ dự định tham gia bầu cử qua đường bưu điện, so với 27% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu trực tiếp vào Ngày bầu cử và 17% nói rằng họ sẽ tự mình đi bỏ phiếu sớm.


Nhưng việc huy động các cử tri AAPI ngày càng đa dạng - ở Pennsylvania và trên toàn quốc - có thể là một dự án phức tạp bởi nhiều lý do, từ rào cản ngôn ngữ cho đến việc nhiều năm các chiến dịch và đảng phái đã ngó lơ cộng đồng AAPI so với việc tiếp cận với cử tri người Mỹ gốc Phi và người Latin.


Ngoài ra, trong khi một số lĩnh vực của nhóm AAPI có thể nghiêng về nền tảng của các đảng nhất định, chúng có thể trở nên khó đoán hơn khi liên kết lại.


Chen nói: "Đầu năm 2020, chúng tôi vẫn thấy khoảng 31% nhóm xác định là 'độc lập' (independent) hoặc 'khác' (other)" - con số này tăng lên 41% cụ thể là ở nhóm người Mỹ gốc Hoa, chiếm tỷ lệ lớn hơn so với những người xác định thuộc Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa.”


Điều đó có nghĩa là nhiều việc phải làm hơn để giành được các phiếu bầu cộng đồng AAPI, cả trong năm 2020 và cả những kỳ bầu cử sắp tới. Chen chốt lại: “Điều này với tôi có nghĩa là các đảng phái chính trị và các ứng cử viên vẫn không nhất thiết phải thu hút được lượng cử tri này. Bởi họ sẽ không đầu tư vào mối quan hệ lâu dài."


Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Khanh Doan

Comments


bottom of page