top of page

Sự tương đồng giữa Afghanistan và Việt Nam

Translated from The Diplomat's article Afghanistan and the Real Vietnam Analogy


Chiến tranh Việt Nam là bằng chứng cho sự thất bại nặng nề của tư tưởng đế quốc đằng sau các nỗ lực xây dựng quốc gia. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn lập lại sai lầm này ở Afghanistan.


By Andrew Gawthorpe, on 18-08-2021, 03:00:00

Chiến tranh Việt Nam là bằng chứng cho sự thất bại nặng nề của tư tưởng đế quốc đằng sau các nỗ lực xây dựng quốc gia. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn lập lại sai lầm này ở Afghanistan. [Chú thích cho hình ảnh chính]: Cảnh di tản vào phút chót của các nhân viên và thường dân tại bãi đáp trực thăng ở Đại Sứ Quán Mỹ ở Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975. Những gì diễn ra tại Kabul tuần này đã làm không ít người nhớ đến cuộc di tản vội vã trong tuyệt vọng tại Việt Nam. Sự thất thủ đúng như dự đoán của Kabul khiến nhiều người nhớ đến Việt Nam năm xưa. Những hình ảnh chạy trốn của đồng minh địa phương, cảnh hỗn loạn trên đường phố, và sự di tán vội vàng của đại sứ quán làm cho mọi người nhớ đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh tàn khốc tại Đông Nam Á. Nhưng đây là những so sánh trên bề mặt và chỉ có thể dùng để lên án trong các cuộc đàm luận chính trị. Thực chất so sánh này không đủ chiều sâu và không thể giúp chúng ta rút ra một bài học hữu ích. Không ai muốn chịu trách nhiệm cho “một Việt Nam khác”. Vậy làm cách nào để không lập lại sai lầm này?

Thật ra, có một sự tương đồng khác nữa giữa hai cuộc chiến, và đây chính là mấu chốt của vấn đề. Chỉ khi nào Washington nhìn nhận sự thất bại của chủ nghĩa đế quốc trong vai trò xây dựng đất nước tại Việt Nam và Afganistan thì Mỹ mới có thể rút ra kinh nghiệm và tránh những cuộc chiến tương tự trong tương lai. Xây dựng quốc gia không phải là điều đầu tiên mà chúng ta nghĩ đến khi nói về chiến tranh Việt Nam. Thay vào đó, ta hay liên tưởng đến các cuộc tấn công có quy mô lớn, hay các nỗ lực “bình định” của Mỹ và các lực lượng đồng minh nhằm củng cố an ninh và phát triển cho các vùng nông thôn. Tuy nhiên, theo như tôi giải thích trong cuốn sách của mình "Kiến thiết và phá hủy: trải nghiệm của Hoa Kỳ trong công cuộc xây dựng đất nước tại miền Nam Việt Nam” (tạm dịch từ “To Build as well as Destroy: The American Experience of Nation-Building in South Vietnam”), các cuộc tấn công và nỗ lực “bình định” chỉ có ý nghĩa và thiết thực trong bối cảnh Hoa Kỳ khuyến khích sự ra đời của các thể chế quản lý hiệu quả và hợp pháp ở miền Nam Việt Nam. Trong các cuộc chiến tranh như ở Việt Nam và Afghanistan, xây dựng quốc gia là một chiến thuật rút lui. Đó là lý do tại sao mà Mỹ thất bại vì Cộng sản Việt Nam và Taliban đều khôi phục lại được nhân lực của họ mặc dù phải chịu nhiều thiệt hại từ các cuộc tấn công của Mỹ. Khái niệm “bình định”, hay còn gọi là chống nổi dậy, chỉ mang tính trừu tượng và không khả thi. Khi các lực lượng ngoại bang rút đi, chính quyền bù nhìn của họ lập ra sẽ tan rã dưới sức ép của hoàn cảnh chính trị và xã hội tại nước sở tại. Không có chính phủ trung ương mạnh mẽ và hiệu quả, chính quyền địa phương biệt lập ở nông thôn hoặc thậm chí ở các tỉnh lỵ sẽ không thể chống lại các thánh phần nổi dậy có phối hợp. Một chuyên gia kiến thiết của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã so sánh sự “bình định” giống như ném một tảng đá xuống biển, vì chỉ có thấy "nước văng lên, sau đó không có gì nữa." Tại Việt Nam, Hoa Kỳ nhận ra bí quyết để tạo ra ảnh hưởng lâu dài nằm ở chính quyền trung ương tại Sài Gòn. Để đảm bảo được sự bền vững, Hoa Kỳ cần lập ra một thể chế hợp pháp và hiệu quả tại Việt Nam. Mỹ vẫn giữ mục tiêu tương tự ở Afganistan mặc dù quốc gia này có truyền thống phi trung ương mạnh. Họ đặt cược vào việc phát triển một bộ máy trung ương có khả năng khai thác tài nguyên, huy động nguồn nhân lực, và kêu gọi lòng trung thành đối vơi trung ương. Một nhà nước được xây dựng bài bản sẽ có thể hỗ trợ và củng cố các quan chức, quân đội chính quy, và dân quân ngoài chiến trường. Điều đó đồng nghĩa với việc Mỹ có thể rút quân về nước. Văn phòng Hoạt động Dân sự và Hỗ trợ Phát triển Cách mạng, thành lập bởi chính quyền Johnson vào năm 1967, đã trở thành cơ quan có nguồn lực tốt nhất của lịch sử Hoa Kỳ trong việc xây dựng quốc gia thời chiến. Họ thiết lập các cấp chính quyền miền Nam Việt Nam, từ Phủ Tổng thống ở Sài Gòn đến từng quận huyện trên cả nước. Đó là một ví dụ hiếm hoi về một thể chế mà trong đó thường dân trực tiếp chỉ huy quân đội; đây là một sự thừa nhận về vai trò của chuyên môn dân sự trong công cuộc xây dựng quốc gia. Từ năm 1967 đến năm 1973, hàng chục ngàn người Mỹ đã tham gia cố vấn kiến thiết đất nước, cũng như đưa ra các biện pháp quản trị hữu hiệu và hợp pháp cho mọi cấp chính quyền miền Nam Việt Nam. Ít nhất trên giấy tờ, hoạt động của Văn phòng Hoạt động Dân sự và Hỗ trợ Phát triển Cách mạng rất bài bản. Nỗ lực của cơ quan này được gắn kết chặt chẽ với chính quyền Việt Nam tại các cấp, và hai phía cùng hợp tác để thực hiện các dự án kiết thiết hàng năm. Mỹ hoàn toàn có quyền tiếp cận và có tiếng nói từ Sài Gòn đến các địa phương. Các nhà lãnh đạo của cơ quan - đầu tiên là Robert Komer và sau đó là Giám đốc CIA tương lai Bill Colby - luôn chú ý và theo sát cấp chỉ huy của chính quyền miền Nam Việt Nam. Nếu thật sự như trên sách vở, thì đây chính là kim chỉ nam cho các công cuộc thiết lập đất nước thời nay, và người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam hoàn toàn đi trước thời đại. Tuy nhiên, chỉ có cái vỏ bề ngoài với một cơ quan giàu nguồn lực không thể đem lại thành công khi mà cái ruột bên trong có nhiều sai sót. Gốc rễ của việc kiến thiết quốc gia là cái suy nghĩ nếu Hoa Kỳ tạo áp lực đúng chỗ thì họ có thể thay đổi hoặc chuyển hướng hoàn toàn nền chính trị của một quốc gia khác. Hơn nữa, các nỗ lực này luôn được thực hiện mặc dù Hoa Kỳ không hiểu gì về nước sở tại. Thực tế thì Mỹ không thể duy trì hàng nghìn nhân sự có tầm hiểu biết sâu rộng về chính trị, lịch sử, và văn hóa của từng quốc gia mà họ muốn gây chiến vì việc này rất là tốn kém. Tuy nhiên nếu đợi đến chiến tranh xảy ra mới đào tạo lực lượng nòng cốt này thì đã quá muôn. Nền tảng của những hành động trên là tư tưởng đế quốc. Lâp luận này giả định rằng các nước kém phát triển không có một nền chính trị và xã hội rõ ràng, và do đó Hoa Kỳ có thể thay đổi và ảnh hưởng một cách tuỳ thích. Ví dụ như các chính trị gia Hoa Kỳ cho rằng việc Nga xâm lược Californina để thành lập một chính quyền tài phiệt được ủng hộ bởi người dân California là một điều không tưởng, vì người dân California có thể chế, phong tục, và lịch sử riêng mà họ sẽ bảo vệ chống lại sự xâm lược từ thế lực ngoại bang. Tuy nhiên, các chính trị gia Hoa Kỳ lại không suy nghĩ như vậy khi họ muốn "kiến thiết đất nước" cho các quốc gia khác bởi vì trong mắt họ, các nước như Việt Nam và Afganistan là thiếu hiểu biết, kém phát triển, không có năng lực. Do đó Hoa Kỳ cho rằng họ phải ra tay cứu vãn mặc dù không hiểu gì về các những quốc gia này. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, chính quyền Mỹ nhận ra điểm yếu nêu trên, và thành lập Trung Tâm Huấn Luyện Việt Nam. Khoảng 2,000 viên chức đã được đào tạo tại đây trước khi họ được cử qua Việt Nam để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, điều này không hề tương xứng với tầm vóc trong kế hoạch kiến thiết quốc gia của Mỹ và cũng một lần nữa nhấn mạnh sự sai lầm vô ích của tư tưởng đế quốc. Trên hết, quá trình đào tạo như một quy mô công nghiệp đã tái tạo ra các khuôn mẫu và sự thiếu hiểu biết hơn là sự giác ngộ. Các học viên đọc tài liệu với các tựa đề như "Hệ Giá Trị Của Người Nông Dân Việt Nam", và nội dung thì đại khái là "người nông dân... thích phim chiến tranh, vì họ có thể xác định được với mình trong đó." Những nhân viên cố vấn cho các thống đốc tỉnh phải trả lời được 64 câu hỏi riêng biệt về đời sống tình dục, tôn giáo, mối quan hệ kinh doanh, và trình độ giáo dục của đồng nghiệp Việt Nam, dể tìm cách tác động và ảnh hưởng ông ấy một cách phù hợp. Như tôi đã viết trong cuốn sách của mình về sự lố bịch của tư tưởng đế quốc, hãy hình dung chính quyền Việt Nam thả một người đàn ông xuống California sau vài tháng đào tạo và bặp bẹ chút tiếng Anh, và bắt anh tìm hiểu những điều liên quan đến Thống Đốc Ronald Reagan. Đây chính là kế hoạch của Mỹ trong công cuộc cứu vãn Việt Nam. Thiếu hướng dẫn về ngôn ngữ cũng như không có sự đào tạo rõ ràng về ngữ âm cũng như nền tảng chính trị của từng vùng miền là các phàn nàn của các nhân viên Mỹ. Những vấn đề này khiến họ làm việc kém hiệu quả. Tuy họ có thể giao tiếp với đồng nghiệp bản xứ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, họ hoàn toàn không thể trao đổi và nói chuyện với người dân. Điều này khiến cho công cuộc kiến thiết quốc gia bị tổn hại nghiêm trọng và họ bị thao túng bởi giới chính quyền địa phương, những người luôn muốn có địa vị và thực quyền trong tay và không phải lúc nào cũng sẽ theo Mỹ. Mỹ không thể áp đặt lối suy nghĩ của mình lên tình hình chính trị địa phương ở miền Nam Việt Nam năm xưa và ở Afganistan ngày nay. Điều này dẫn tới thất bại trong công cuộc kiến thiết quốc gia và cuối cùng là bại trận tại cả hai chiến trường. Và những gì diễn ra tại Afganistan một lần nữa khẳng định điều này.

Chính quyền địa phương, vì lợi ích của riêng họ sau khi Mỹ rút quân, đã tìm cách chuyển giao quyền lực cho Taliban. Nhiều tướng lĩnh không hề quan tâm đến sự sống còn của chính phủ Afganistan do Mỹ trợ giúp mà chỉ lo bỏ túi riêng cho bản thân từ ngân quỹ của quân đội. Những nhà lãnh đạo, chẳng hạn như Tổng Thống Ashraf Ghani, dường như không có thực quyền và không thể kiểm soát được tình hình tại địa phương. Với việc Mỹ rút quân về nước, chính phủ Afganistan như rắn không đầu và phải tháo chạy ra nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ dường như không biết một chút gì về cái chính quyền mà họ giúp lập nên và bị shock vì sự sụp đổ một cách nhanh chóng của chính quyền này. Chuyện Mỹ không thể kiểm soát được tình hình của Afganistan mặc dù họ đã chi rất nhiều tiền và hàng ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng trong 20 năm qua là một bản cáo trạng. Sự thất thủ của Kabul, cũng như sự thất thủ của Sài Gòn, sẽ chắc chắn bị lên án trong nhiều thập kỷ tới. Sau Việt Nam, lực lượng chống khủng bố, các phe quân đội thích dùng vũ khí hạng nặng, và cả các chính trị gia yếu ớt đều có một phần trách nhiệm. Tuy nhiên vì không phải ai cũng biết đến những nỗ lực trong kế hoạch kiến thiết quốc gia của Mỹ nên sự thất bại của công cuộc này cũng như tư tưởng đế quốc gần như không được nhắc đến. Nếu Mỹ không muốn rơi vào các cuộc chiến vô ích hơn sau Afganistan thì đây là lúc nước Mỹ phải chấp nhận sự thất bại của chủ nghĩa này. Cho dù Hoa Kỳ có khả năng khống chế một đất nước trong một thời gian ngắn, chính trị và lịch sử địa phương luôn quan trọng hơn so với công cuộc tái thiết quốc gia. Bằng chứng tại Việt Nam và Afganistan cho thấy Mỹ luôn thất bại trong việc xây dựng đất nước và tạo ảnh hưởng lâu dài mặc dù họ có những chiến thắng quân sự ngắn hạn. Đây chính là bài học nên được rút ra từ Afganistan. Tác Giả Andrew Gawthorpe là nhà sử gia về Hoa Kỳ tại trường Đại Học Leiden, Hà Lan. Ông là tác giả của cuốn sách “Kiến thiết và phá hủy: trải nghiệm của Hoa Kỳ trong công cuộc xây dựng đất nước tại miền Nam Việt Nam” xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Đại Học Cornell năm 2018. Ông có một podcast tựa đề “America Explained” thảo luận chính trị và đối ngoại của Hoa Kỳ. Twitter của ông tên là @andygawt.

Người dịch: Quynh Anh

Biên tập: Paul Nguyen


Комментарии


bottom of page