top of page

Tại Facebook, bạo lực ngày 6 tháng 1 châm nguồn giận dữ và tiếc nuối đã bỏ qua dấu hiệu cảnh báo

Translated from The Washington Post's article Inside Facebook, Jan. 6 violence fueled anger, regret over missed warning signs By Craig Timberg, Elizabeth Dwoskin, Reed Albergotti, on 22-10-2021, 19:00:00 - Image URL

Một tập các tài liệu thông tin nội bộ được nộp cho Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đem lại nhiều thông tin mới về vai trò của mạng xã hội này trong việc khích động bạo loạn ở điện Capitol.

Cảm giác nhẹ nhõm lan khắp Facebook những ngày sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Công ty đã xoá bỏ các thông tin sai lệch, sự can thiệp của thế lực ngoài nước và các phát ngôn thù hận. Các nhân viên công ty cho rằng họ đã phần nào thành công trong việc hạn chế các vấn đề mà bốn năm trước được coi là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử đầy bê bối của Facebook. Một cựu nhân viên (một trong số nhiều người đồng ý phát biểu với điều kiện được giấu tên khi bàn về các vấn đề nhạy cảm) cho biết: “Cảm giác này cứ như chúng tôi đang chạy vòng đua chiến thắng của mình, cả văn phòng cứ như đang đập tay ăn mừng.” Nhiều người đã xin nghỉ phép hoặc chuyển việc sau cuộc bầu cử do bị kiệt sức khi phải làm việc xuyên suốt không ngừng nghỉ trong nhiều tháng. Facebook đã dừng nhiều biện pháp mà công ty từng sử dụng trong mùa bầu cử để ngăn chặn các thông tin sai lệch và mang tính thù hận. Một lệnh cấm mà công ty ban đầu áp dụng đối với nhóm Stop the Steal (Ngăn chặn Trộm phiếu) lại không áp dụng với hàng tá các nhóm tương tự. Theo BuzzFeed News, các nhóm này được nhận diện trong bản báo cáo chỉ điểm nội bộ của Facebook và được mô tả là có sự tăng trưởng “phối hợp” và “nhanh chóng.” Trong khi đó, theo lời các cựu nhân viên, bộ phận quản lý của công ty đã giải tán nhóm Civic Integrity (tạm dịch: Liêm chính Dân sự) vì họ đã quá mệt mỏi với những lời chỉ trích đến từ nhóm này đối với công ty. Và thế chẳng lâu sau, những lần đập tay đó rõ ràng là quá sớm. Vào ngày 6 tháng 1, các nhân viên Facebook đã bày tỏ nỗi kinh hoàng của họ trong loạt các tin nhắn nội bộ khi chứng kiến những cá nhân ủng hộ Trump hò hét “ngăn chặn trộm phiếu” và giơ các ký hiệu QAnon, một tư tưởng bạo lực được lan truyền rộng rãi trên Facebook trước khi đám đông tụ tập ở Điện Capitol. Rất nhiều người đã tràn vào điện và vật lộn để ngăn chặn chứng nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống Biden được uỷ quyền theo Hiến pháp. Các biện pháp đối phó với tình trạng hỗn loạn trên mạng tăng cao đáng báo động trên Facebook. Một báo cáo nội bộ cho thấy có ngày người dùng Facebook đã khai báo “tin tức sai lệch” gần 40,000 lần mỗi giờ. Trên nền tảng Instagram do Facebook sở hữu, báo cáo cho thấy tài khoản bị khai báo thường xuyên nhất do kích động bạo lực là @realdonaldtrump (tài khoản chính thức của tổng thống). Facebook chưa bao giờ công khai tiết lộ những thông tin họ có được về việc các mạng xã hội của mình (bao gồm Instagram và WhatsApp) đã giúp kích động tình trạng hỗn loạn trong ngày bạo loạn đó như thế nào. Công ty đã không chấp thuận kiến nghị từ chính Ban giám sát của mình nhằm khảo sát về các chính sách đã góp phần gây nên tình trạng bạo lực cũng như chưa tuân thủ đúng yêu cầu cung cấp dữ liệu từ uỷ ban quốc hội để điều tra loạt sự kiện này. Thế nhưng hàng nghìn trang trong tài liệu nội bộ của công ty được tiết lộ cho Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán bởi Frances Haugen cung cấp chứng cứ mới về vai trò của Facebook trong sự kiện này. Bài viết này dựa trên những tài liệu nội bộ đó cũng như các tài liệu được The Washington Post thu thập riêng, kèm theo các cuộc phỏng vấn với các nhân viên cũ và hiện tại của Facebook. Các tài liệu bao gồm các bài đăng phẫn nộ trên Workplace, một hệ thống nhắn tin nội bộ. Một nhân viên giấu tên đã đăng trên Workplace vào ngày 6 tháng 1 với nội dung: “Đây không phải là một vấn đề mới đâu. Chúng ta đã để mắt tới các hành vi tương tự từ các chính trị gia như Trump và cách hoạt động tưởng là tốt của ban lãnh đạo công ty trong nhiều năm nay. Chúng ta đã đọc các bài đăng [chia tay] của các đồng nghiệp kỳ cựu, đáng tin cậy và đáng mến. Họ đã bày tỏ cảm giác cắn rứt lương tâm khi phải chịu đựng làm việc cho một công ty mà chỉ hoạt động ở mức tối thiểu trong việc giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực gây ra trên mạng xã hội của chính nó.” Cố vấn pháp lý của Haugen đã cung cấp cho Quốc hội tập tài liệu từ Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán được The Post cùng các hãng thông tấn khác xem xét. Các tài liệu cho rằng sau cuộc bầu cử, Facebook đã quá nóng vội khi gỡ bỏ các biện pháp đã giúp loại trừ các thông tin sai lệch liên quan đến mùa bầu cử. Các tài liệu cũng chỉ ra rằng các nỗ lực hấp tấp nhằm khôi phục các biện pháp trên sau sự kiện ngày 6 tháng 1 không đủ để ngăn chặn sự tăng mạnh các bài đăng mang tính thù ghét, bạo lực. Một bản báo cáo chỉ điểm của công ty đã kết luận rằng trong những tuần sau cuộc bầu cử, Facebook đã không cứng rắn ngăn chặn phong trào Stop the Steal ngay cả khi nó được truyền bá phổ biến khắp trang mạng xã hội và đã nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh của Trump. Các tài liệu cũng đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy công ty đã xác định được cách để giảm thiểu sự chia rẽ chính trị, các thuyết âm mưu kích động bạo lực qua các nghiên cứu nội bộ trong nhiều năm. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành trong nhiều trường hợp đã từ chối cho phép tiến hành những phương pháp đó. Các viên chức của Facebook đã phản bác rằng họ đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho mùa bầu cử và các kết quả kéo theo, thậm chí đã lường trước tình trạng bạo lực có thể xảy ra sau bầu cử và luôn giả định rằng tình trạng này sẽ kéo dài qua Ngày Nhậm Chức. Họ nhận thức hành động dỡ bỏ một số biện pháp ngăn chặn vào tháng 12 nhưng cho biết họ chỉ làm vậy khi các nội dung có vấn đề đã giảm một cách đáng kể, và hằng số các các biện pháp hiệu quả khác vẫn được duy trì xuyên suốt sự kiện ngày 6 tháng 1. Họ đổ lỗi cho các lực lượng chính trị khác và nội dung được đăng tải tự do trên các trang mạng trực tuyến khác là nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn ở Điện Capitol. “Các cá nhân phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bạo lực xảy ra vào ngày 6 tháng 1 nằm ở những thành phần tham gia tấn công điện Capitol và những người ủng hộ hành động đó,” phát ngôn viên Dani Lever cho biết trong một bài phát biểu. “Chúng tôi đã tiến hành các bước nhằm hạn chế nội dung mang hàm ý chế giễu tính hợp pháp hoá của cuộc bầu cử lần này, bao gồm đính kèm theo số phiếu kiểm gần nhất trên bài đăng của các ứng cử viên sau vụ việc ông Trump tuyên bố chiến thắng quá sớm, tạm dừng các đoạn tuyên truyền chính trị mới và gỡ bỏ nhóm #StopTheSteal vào tháng 11.” Cô cũng cho biết thêm: “Sau tình trạng bạo loạn ở Điện Capitol xảy ra và khi chúng tôi chứng kiến các nỗ lực liên tục tổ chức các sự kiện với mục đích kháng cự kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, chúng tôi đã xoá các nội dung với cụm từ ‘stop the steal’ theo chính sách Gây Hại Có Tổ Chức và đã cấm tài khoản hoạt động của Trump khỏi mạng xã hội của chúng tôi." Nhưng nhiều nhân viên của công ty đã tức giận lên tiếng và đòi hỏi câu trả lời khi họ có một cái nhìn cận cảnh hơn về động thái hoạt động của công ty trước thềm và trong ngày 6 tháng 1. Cả hai dòng cảm xúc được thể hiện rõ ràng trong các bài đăng trên Workplace cũng như trong các cuộc phỏng vấn với The Post. Một bài viết với giọng điệu chua chát rằng: “Đừng bao giờ quên cách Trump bước xuống thang cuốn vào năm 2015 kêu gọi một lệnh cấm đối với người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, và chúng ta đã xác định hành động đó vi phạm chính sách nhưng lại gạt đi và không gỡ bỏ đoạn video. Có sự liên kết mật thiết giữa ngày hôm đó và ngày hôm nay, một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử của nền dân chủ và chế độ tự trị. Rốt cuộc nó có tạo được sự khác biệt nào không? Chúng ta không tài nào biết được, nhưng lịch sử sẽ chẳng phán xét chúng ta tử tế đâu.” Các tài liệu và cuộc phỏng vấn với cựu nhân viên đã cho thấy rõ ràng rằng Facebook nhận biết sâu và chính xác về cách người dùng bị tác động ra sao bởi những thông tin xuất hiện trên các trang mạng của mình. Facebook không ngừng đo lường hàng loạt các điểm dữ liệu vô cùng đa dạng, gồm tần suất, phạm vi tiếp cận và nguồn gốc các thông tin sai lệch hoặc thù hận. Họ cũng thường xuyên triển khai các biện pháp để ngăn chặn hai nội dung trên. Công ty cũng thực hiện nghiên cứu mọi khía cạnh tiềm năng để thay đổi các chính sách về tầm ảnh hưởng của mình đối với tỷ lệ tăng trưởng người dùng và các yếu tố quan trọng khác góp phần vào lợi nhuận của công ty, như mức độ tương tác, khả năng chia sẻ hoặc phản hồi. Các mối quan hệ công chúng và ảnh hưởng chính trị cũng được cân nhắc kỹ càng đến mức các tiêu đề báo chí mang tính tâng bốc hoặc ngược lại đối với công ty đều được lọc ra để phê duyệt. Tài liệu cho thấy Facebook đã từ chối triển khai một số chiến thuật giảm thiểu. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã phản đối dựa trên cơ sở rằng các chiến thuật này sẽ tạo nên một loạt các "khẳng định sai" hoặc có thể khiến mọi người dừng tương tác với trang mạng của mình. Tài liệu cũng đưa ra rằng nghiên cứu của Facebook cho thấy thông tin sai lệch được chia sẻ bởi các chính trị gia có tác hại trầm trọng hơn so với khi được chia sẻ bởi người dùng thông thường dựa trên số liệu thống kê năm 2019. Thế nhưng vào năm đó công ty vẫn duy trì chính sách rõ ràng cho phép các chính trị gia nói dối mà không phải đối mặt với khả năng bị xác minh chứng thực. Cũng vào năm đó, một bản báo cáo với tựa đề “Hành trình của Carol đến QAnon” đã kiểm tra cách các thuật toán đề xuất của Facebook tác động đến trang cá nhân của một tài khoản dưới danh nghĩa một người mẹ bảo thủ ở North Carolina được tạo ra để thử nghiệm. Bản báo cáo cho thấy cách chia rẽ nhanh chóng là một đặc điểm đã ăn sâu vào cách hoạt động của trang mạng này. Trang QAnon đầu tiên tìm đến trang chủ riêng của những người dùng bảo thủ chỉ trong năm ngày. Theo kết luận nghiên cứu từ số các tài liệu mà Haugen đã chia sẻ với Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán và cũng được Vice News đưa tin trước đó: “Nội dung trong tài khoản này [chủ yếu được theo dõi thông qua các hệ thống khuyến nghị khác nhau!] chuyển sang trạng thái phân cực trong một khoảng thời gian cực kỳ ngắn." Tuy nhiên, Facebook vẫn cho phép QAnon hoạt động trên trang web của mình mà ít bị kiểm soát trong 13 tháng sau đó, trước khi cố gắng áp chế tố chức này lần đầu tiên nhưng không hiệu quả đến mức công ty đã phải áp đặt các lệnh trừng phạt mới hai tháng sau đó. Các nghiên cứu của công ty cũng tiết lộ trong một tài liệu mới được cập nhật rằng XCheck, một hệ thống kiểm tra chéo được tạo ra để ngăn chặn “sự cố truyền thông” bằng cách cài đặt thêm một lớp giám sát khi tài khoản của các chính trị gia và các tài khoản với lượng người theo dõi cao khi đối mặt với sự kiểm soát, đã trở thành “danh sách trắng” bị các thành phần quyền lực lạm dụng phổ biến để giờ đây nằm ngoài tầm với các chính sách kiểm duyệt của công ty. Một phân tích nội bộ gọi hệ thống này là “sự phản bội lòng tin,” cũng nói thẳng rằng công ty đã “không thực hiện những gì công ty đã nói công khai.” Nhưng chính bảo báo cáo vẫn được giấu kín cho đến khi Wall Street tiết lộ vào tháng 10. Vào thứ Năm, Ban Giám sát của Facebook chỉ trích công ty vì đã không công khai đủ thông tin để họ tiến hành đánh giá XCheck. Trong một bản tuyên bố, ban điều hành cho biết: “Facebook thừa nhận việc cho rằng hệ thống kiểm tra chéo chỉ áp dụng cho một ‘lượng nhỏ các quyết định’ là hoàn toàn sai lầm.” Ngay cả khi Facebook triển khai các công cụ để ngăn chặn tác hại, các nghiên cứu của chính họ cho thấy những công cụ đó đôi khi không hoạt động như đã hứa. Sau khi công ty quyết định hoàn toàn ngừng đề xuất các nhóm chính trị trong năm nay, theo các tài liệu, một phần ba các nhóm dân sự và chính trị được liệt kê tiếp tục được người dùng nhìn thấy trong một khoảng thời gian từ ngay trước cuộc bầu cử đến giữa tháng Giêng. Các tài liệu tiết lộ rằng nhóm Ngăn chặn Trộm phiếu đã trở thành một lời kêu gọi tập hợp cho những người đã tấn công Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1. Sau khi xác định rằng nhóm này đang tràn ngập những bình luận căm thù, quyền lực của người da trắng và kích động bạo lực, Facebook đã nhanh chóng ra lệnh cấm nhóm Ngăn chặn Trộm phiếu và công bố công khai động thái này như một trong những “biện pháp đặc biệt” của họ đối với “giai đoạn căng thẳng gia tăng này.” Theo một tài liệu nội bộ, các nhóm khác tung hô khẩu hiệu “ngăn chặn trộm phiếu” bắt đầu chứng kiến “sự tăng trưởng vượt bậc.” Cấp bậc của một nhóm như vậy được củng cố một cách giả tạo bởi 137 “siêu người mời,” mỗi người đã mời hơn 500 người. Báo cáo gọi phản hồi của công ty là “chắp vá” khi các quan chức Facebook chật vật để xác định xem liệu các nhóm mới này có phải là “nỗ lực phối hợp để làm giảm tính hợp pháp của cuộc bầu cử” hay là “được bảo vệ tự do ngôn luận khỏi những người dùng bối rối, sợ hãi hay đáng được chúng ta thấu cảm.” Câu trả lời đã trở nên rõ ràng trong nhận thức muộn màng, thúc đẩy một nỗ lực nội bộ khẩn cấp "để tìm hiểu tất cả về sự phát triển của các phong trào phản đối cuộc bầu cử đã phát triển, lan truyền âm mưu và giúp kích động cuộc nổi dậy ở Điện Capitol." Những năm nỗ lực Các nhân viên hiện tại và cũ cho biết nỗ lực ngổn ngang của Facebook để bảo vệ cuộc bầu cử năm 2020 đã được chuẩn bị trong nhiều năm, với nhiều biện pháp được đưa ra thử nghiệm trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018 của Hoa Kỳ và cả trong các cuộc bỏ phiếu ở các quốc gia khác. Các phương thức của Facebook rất phong phú, bao gồm chạy các biểu ngữ và nhãn với thông tin có thẩm quyền và các biện pháp như giảm mức độ lan truyền của nội dung có vấn đề thông qua các chỉnh sửa đối với các thuật toán xác định những gì người dùng nhìn thấy. Ví dụ: những người truyền bá thường xuyên nội dung sai sự thật hoặc gây thù hận có thể nhận thấy bài đăng của họ tiếp cận với lượng khán giả nhỏ hơn một cách bí ẩn. Các tài liệu của công ty cho thấy những người đang tìm cách ngăn chặn tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể bị cấm. Facebook cũng thành lập một trung tâm chỉ huy - ban đầu được gọi là “phòng chiến tranh” khi ý tưởng này ra mắt vào năm 2018 - có nhân viên hoạt động 24/24 để theo dõi và kiểm tra các vụ lạm dụng trước khi chúng có thể lan truyền rộng rãi. Cách tiếp cận này được hình thành bởi phản ứng chính trị dữ dội mà Facebook đã trải qua sau khi phát hiện ra rằng các đặc vụ Nga đã phát tán thông tin sai lệch được thiết kế để phân cực dân chúng Mỹ và giúp bầu Trump vào năm 2016. Các học giả vẫn tranh luận về mức độ hiệu quả của sự can thiệp của Nga vào Facebook, nhưng vụ bê bối sau đó đã nhấn chìm công ty, dẫn đến sự giám sát gắt gao của Quốc hội và sự phẫn nộ của công chúng. Cuộc tranh cãi kéo dài trong nhiều tháng, khiến Zuckerberg và các quan chức cấp cao của Facebook phải xin lỗi công khai, và các cựu nhân viên nói rằng nó đã củng cố vị thế của những người cải cách trong công ty. Họ thúc đẩy nghiên cứu để phát triển các nhóm và công cụ giúp Facebook kiểm soát tốt hơn những nỗ lực ác ý, gây hiểu lầm cho người ngoài. Nỗ lực đã được đền đáp vào Ngày bầu cử vào tháng 11. Mặc dù một số vấn đề vẫn còn tồn tại - một báo cáo nội bộ được The Post thu thập riêng cho biết gần một phần tư người dùng Facebook báo cáo họ đã nhìn thấy ngôn từ kích động thù ghét trước cuộc bầu cử và hơn một nửa cho biết đã nhìn thấy nội dung khiến họ cảnh giác khi thảo luận về các vấn đề chính trị ở nơi công cộng - những cuộc đua sát sao ở một số tiểu bang và những câu hỏi về kết quả quốc gia đã khiến những vấn đề ở Facebook thành chuyện nhỏ. Một cựu quan chức giấu tên cho biết mục tiêu chung của chiến lược bầu cử của Facebook “là đảm bảo Facebook không phải là tâm điểm của các phương tiện truyền thông.” Nhiều người ở công ty cảm thấy rằng về mặt đó, họ đã thành công. Nhưng các vấn đề bắt đầu nảy sinh ngay sau cuộc bầu cử, khi Trump và các đồng minh của ông bắt đầu đưa ra những tuyên bố sai sự thật về kết quả thất cử của ông. Trong một bài đăng ngày 5 tháng 11 trên Workplace, một nhân viên lưu ý rằng bình luận hàng đầu xuất hiện bên dưới một câu chuyện tin tức về các cuộc kiểm phiếu sắp tới bao gồm một liên kết đến một bài báo sai lệch. “Chúng tôi không chỉ không làm gì đối với các thông tin sai lệch về bầu cử dễ gây kích động trong các bình luận, chúng tôi còn khuếch đại chúng và phân phối chúng rộng rãi hơn,” nhân viên này viết. Vài tuần sau, công ty bắt đầu trở lại như cũ - như vẫn theo kế hoạch -thông thường một số biện pháp tích cực bất ngờ đã giúp kiểm soát bài nói độc hại và thông tin sai lệch trên các nền tảng của mình, mặc dù một số biện pháp khác vẫn được giữ nguyên, các quan chức cho biết. Ngoài các lệnh cấm và xóa hoàn toàn, các biện pháp trong mùa bầu cử này còn bao gồm cái mà Facebook gọi là "hành động mềm" đã lặng lẽ giảm độ lan truyền nội dung có vấn đề nhưng lại không thi hành được các lệnh cấm hoặc xóa hoàn toàn. Các biện pháp đó được nêu chi tiết trong tài liệu của công ty, bao gồm việc yêu cầu quản trị viên của các nhóm có nhiều cuộc nồi loạn chống lại họ vì nội dung bạo lực hoặc thù địch cần được xem xét trước khi họ đăng và ngăn các nhận xét trong các nhóm đó, giảm số lượng lời mời mà quản trị viên trong nhóm có thể gửi từ 100 xuống 30 và việc kích hoạt một bộ thuật toán đặc biệt sẽ tự động giảm sự lan truyền của nội dung mà phần mềm hiểu là ngôn từ có tiềm năng kích động thù ghét. Theo một tài liệu chi tiết của công ty, một số biện pháp cũng nhằm vào các nhóm và trang tương tự như những trang quảng cáo Stop the Steal đang tìm cách “làm giảm tính hợp pháp” của cuộc bầu cử năm 2020. Một người đã cấm họ khỏi “động cơ đề xuất” của Facebook. Một nhóm khác đã ngăn các nhóm hiện có thay đổi tên của họ thành các cụm từ làm suy yếu tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Họ đã chặn khả năng đề xuất video trực tiếp của thuật toán về các chủ đề chính trị. Khi Facebook gỡ bỏ các kiểm soát này sau cuộc bầu cử, các quan chức công ty đã làm một điều mà chỉ một số ít người trong cuộc biết sắp xảy ra: họ giải tán nhóm Liêm chính Dân sự bao gồm Haugen và những người đã dành nhiều năm để chống lại nội dung nguy hiểm trên Facebook. Các quan chức cho biết mục tiêu của họ là phân bổ lại khoảng 200 nhân viên này trong toàn công ty. Nhưng khi Haugen và những người khác nghe tin đó, họ đã rất kinh hoàng. Đây là một công ty - và họ rõ hơn ai hết - nổi tiếng là đã tạo điều kiện bóp méo cuộc bầu cử, kích động bạo lực chính trị và đẩy cử tri khắp nơi vào bong bóng đảng phái tự cường. Phó chủ tịch về tính chính trực của Facebook, Guy Rosen, đã viết trong một lưu ý ngày 2 tháng 12 cho nhóm của mình: “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc trong việc kiểm soát các vấn đề và nhiều người trong chúng tôi coi cuộc bầu cử năm 2020 ở Hoa Kỳ như một cột mốc quan trọng trên con đường này . Tôi rất tự hào về đội này và tất cả những gì chúng tôi đã đạt được. ” Sau đó, ông phác thảo một cơ cấu tổ chức mới, trong đó các trách nhiệm trước đây được giao cho nhóm Liêm chính Dân sự được phân bổ lại cho một số đội khác. Rosen đã miêu tả nó trong ghi chú của mình như một dấu hiệu cho thấy sự thành công và trưởng thành của nhóm Liêm chính Dân sự. Những người trong nhóm và những người khác quen thuộc với các cuộc thảo luận nội bộ tại công ty không nhìn nhận như vậy. Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận nội bộ tại Facebook cho biết, vấn đề là các thành viên trong nhóm Liêm chính Dân sự đã trở nên quá nhiều lời khi liên tiếp công khai mối quan tâm của họ trong các bài đăng trên Workplace, trong nhiều trường hợp, hơn 60,000 nhân viên trên toàn thế giới có thể nhìn thấy. Nhiều bài đăng đã trở thành tâm điểm cho những tin tức không mấy hay ho. Một cựu quan chức công ty giấu tên nói: “Ban lãnh đạo không hài lòng về mức độ ồn ào của nhóm Liêm chính Dân sự. Họ muốn phân quyền nhóm và giảm thiểu quyền lực mà họ có. Cách họ tiếp cận vấn đề không đem lại cảm giác rằng họ đang nói, ‘Các bạn đã làm rất tốt; cảm ơn vì sự phục vụ của bạn,’ mà nó giống như là, ‘chúng ta sẽ chia rẽ gia đình này.’" Nhưng bất kỳ vấn đề quan hệ công chúng nào mà nhóm Liêm chính Dân sự đang tạo ra khi còn là đơn vị nguyên vẹn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi công ty chuyển sang giải thể đơn vị. Haugen và những người khác bắt đầu cân nhắc xem có nên nói ra những điều họ đã rút ra được về sếp của mình hay không. Sự nổi lên của nội dung gây hại Theo tài liệu từ các cựu nhân viên, vào gần ngày 6 tháng 1, Facebook bắt đầu theo dõi nội dung gây hại trên hệ thống và cũng nêu ra các biện pháp “khẩn cấp” tiềm năng đã được áp dụng trong cuộc bầu cử nhưng “đã bị gỡ xuống trước đó." Các quan chức Facebook cho biết các biện pháp này đã được dỡ bỏ dần dần vào tháng 12, mặc dù một số biện pháp vẫn tiếp tục cho đến tháng 2. Chỉ vài tuần sau, nhiều nhân viên của Facebook đã hoảng hốt khi Trump có bài phát biểu gây kích động trước những người ủng hộ đang tập trung tại bãi cỏ Ellipse ở Nhà Trắng. Các cựu nhân viên cho biết, ngay sau đó họ tràn ngập nỗi sợ hãi khi những kẻ bạo loạn tràn xuống Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, và rõ ràng rằng Stop the Steal không chỉ là một nhóm Facebook có dấu hiệu đáng lo ngại về chủ nghĩa cực đoan chính trị. Khi bạo lực bao trùm Điện Capitol, nhóm chính sách có trụ sở tại Washington cũng như các nhà khoa học dữ liệu trong bộ phận liêm chính của công ty bắt đầu chuẩn bị cho các biện pháp chưa từng có chống lại Trump, bao gồm cả những gì sẽ trở thành lệnh cấm tổng thống trong 24 giờ. Văn phòng chính sách của Washington, nơi có hàng ngũ lãnh đạo do đảng Cộng hòa chiếm ưu thế kể từ khi Trump tuyên bố ra tranh cử vào năm 2015, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quy tắc của công ty cho thời đại Trump - ví dụ như tạo ra các ngoại lệ cho phép phát ngôn thù địch từ một nhà lãnh đạo chính trị miễn là nó được coi là "nổi bật." Các cựu nhân viên cho biết ta không thể bỏ qua vai trò trung tâm của ông trong việc kích động bạo lực tại Điện Capitol. Zuckerberg đã công bố lệnh cấm tạm thời đối với Trump vào cuối ngày hôm đó. Các nhà lập pháp tại văn phòng Washington cũng lo lắng rằng một số bạn bè của họ có thể bị mắc kẹt bên trong Điện Capitol, gặp nguy hiểm trong khi họ chỉ làm công việc đơn giản mang tính chính trị cao. Khi Zuckerberg gửi một thông báo trên toàn công ty bày tỏ sự nhẹ nhõm rằng không có nhân viên nào gặp rủi ro, một số người trong văn phòng Washington đã nổi giận. Làm sao anh ta biết được? Họ sớm kết luận rằng anh ta đã không biết, và không thể biết, chưa thể biết, theo lời một số người quen thuộc với vụ việc cho biết. Một giám đốc điều hành hàng đầu khác đã trở thành mục tiêu bất mãn của nhân viên ngày hôm đó là Giám đốc Công nghệ Mike Schroepfer, một giám đốc điều hành được yêu thích và được coi là thân cận với Zuckerberg. “Tôi rất buồn [bởi] cuộc tấn công đã đánh vào phần cơ bản nhất của nước Mỹ: sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình,” Schroepfer viết trên Workplace, rõ ràng là để đáp lại một bài đăng của Zuckerberg gọi ngày 6 tháng 1 là “một thời điểm đen tối trong lịch sử quốc gia của chúng ta." Schroepfer nói thêm, "Hãy cố gắng cùng mọi người khi chúng tôi tìm ra những cách tốt nhất để hỗ trợ các nhóm của mình và quản lý diễn ngôn trên nền tảng của chúng tôi để cho phép tổ chức và thảo luận hòa bình nhưng không kêu gọi bạo lực." Bải phát ngôn đó đã vấp phải nhiều sự phẫn nộ. “Tôi đang đấu tranh để giá trị cá nhân phù hợp với công việc của tôi ở đây,” một nhân viên trên Workplace viết tên người có tên trong bản sao được chia sẻ với The Post. “Tôi đến đây với hy vọng sẽ đem lại ảnh hưởng và cải thiện xã hội, nhưng tất cả những gì tôi thấy là sự suy yếu và thoái thác trách nhiệm. Tôi mệt mỏi với những cơ cực; tôi muốn hành động. Chúng tôi không phải là một tổ chức trung lập. ” Một nhân viên khác, tên cũng được loại khỏi các tài liệu, nhớ lại cơn tức giận vào tháng 6 năm 2020, sau khi những người biểu tình Black Lives Matter bị cưỡng chế ép ra khỏi một công viên bên cạnh Nhà Trắng trước khi Trump đi qua để có cảnh chụp ảnh khi ông lên án các cuộc biểu tình. “Các nhân viên đã kêu gào trong nhiều tháng từ lúc đầu rằng hãy đối xử với các nhân vật chính trị cấp cao giống như cách chúng ta đối xử với nhau trên nền tảng Facebook. Chúng tôi chỉ yêu cầu có thế,”nhân viên này viết. “Lần cuối chúng ta trò chuyện, những người biểu tình vô tội đã bị ném bom khói theo lệnh của một nhân vật chính trị có thông điệp được khuếch đại. Hôm nay, một cuộc đảo chính chống lại Hoa Kỳ đã xảy ra. Tôi hy vọng hoàn cảnh sẽ không tồi tệ hơn vào lần tới khi chúng ta trò chuyện."

Facebook cuối cùng đã thực hiện hành động mạnh mẽ nhất của họ một ngày sau cuộc tấn công ở Điện Capitol, cấm Trump "vô thời hạn" khỏi nền tảng vì kích động bạo lực. Facebook đã đạt giới hạn ngoại lệ cho phép hành vi bẻ cong quy tắc của tổng thống. Nhưng trong những ngày sau cuộc nổi dậy, Facebook đã cố gắng hạ thấp vai trò của công ty trong những gì đã xảy ra vào ngày 6 tháng 1. Đồng Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg, xuất hiện tại một sự kiện trực tiếp, đã nói rằng các sự kiện ngày hôm đó phần lớn được tổ chức trên các nền tảng khác mà "chúng tôi không có khả năng ngăn chặn sự thù ghét." Một số người trong Facebook coi bình luận của Sandberg khá khiếm nhã, cảm tưởng như các nhà lãnh đạo công ty đang cố gắng giành chiến thắng sau thảm kịch lịch sử.

Một cựu giám đốc điều hành, người đã nghỉ việc ngay sau tuyên bố của Sandberg cho biết: “Đó là giọt nước tràn ly với tôi. Chúng tôi không biết toàn bộ nội dung, nhưng chúng tôi biết lời này là không trung thực."


Người dịch: Phuong Anh & Trang Ly

Biên tập: Ren Dinh & Bảo Trân

Comments


bottom of page