top of page

Thất bại ở Afghanistan là đòn chí mạng vào vị thế của nước Mỹ


Và phần lớn trách nhiệm nên được quy cho Joe Biden

By The Economist, on 21-08-2021, 00:00:00

Nếu bộ phận tuyên truyền của Taliban có thể viết về sự sụp đổ của nhiệm vụ dài 20 năm do Mỹ lãnh đạo để tái thiết Afghanistan, bọn họ cũng chưa chắc nghĩ ra những hình ảnh đau lòng như thế này. Khi phiến quân tràn vào Kabul, người dân Afghan, vốn đã quá tuyệt vọng và sợ những việc mà đám cuồng tín chiến thắng có thể làm, đã cố rượt theo những chiếc máy bay chở hàng Mỹ sắp cất cánh, trèo bám vào bánh xe chỉ để rơi xuống và ra đi mãi mãi. Chính phủ thân Mỹ thậm chí đã đầu hàng trước khi đứng dậy chiến đấu – điều mà chính quyền Hoa Kỳ đảm bảo sẽ không xảy ra chỉ vài ngày trước đó. Người dân Afghan rơi vào hoàn cảnh khốn cùng tới mức dám bám vào một chiếc máy bay ở vận tốc rất cao, xem đó là lựa chọn tốt nhất cho họ. Nước Mỹ đã đốt 2 ngàn tỷ USD vào Afghanistan. Hơn 2000 sinh mạng Mỹ đã qua đời, chưa kể vô số người Afghan đã bỏ mạng. Ngay cả khi dân Afghan ngày nay có thể thịnh vượng hơn lúc nước Mỹ bắt đầu xâm lược, đất nước này đã quay lại như lúc đầu. Quân Taliban giờ đây chiếm nhiều lãnh thổ hơn xưa, chúng được trang bị đầy đủ, sử dụng vũ khí Mỹ đã từng đổ cho quân đội Afghan, và bọn chúng cuối cùng đã có thể cất tiếng quả quyết với thế giới rằng mình đã đánh bại được một siêu cường. Phiến quân đã cất lời cao thượng, nói rằng mình sẽ không trả thù những ai làm việc cho chính quyền cũ và đảm bảo sẽ tôn trọng quyền phụ nữ (xét theo tiêu chuẩn luật Hồi Giáo của họ.) Nhưng cái tiêu chuẩn đó đã ngăn trẻ em gái đi học và phụ nữ buộc phải ở nhà khi Taliban nắm quyền vào thập niên 1990. Những hình phạt khắc khe – như quất roi, ném đá hay cắt tay chân – đã một thời phổ biến. Sự tự do mà cư dân Afghan ở các vùng đô thị được hưởng thụ trong 20 năm bỗng chốc tan biến vào hư không. Đây là một kết cục kinh khủng cho 39 triệu dân Afghanistan, và cũng gây tổn thương nặng nề tới nước Mỹ. Không ngạc nhiên gì khi Mỹ đã thất bại trong việc biến Afghanistan thành một nước dân chủ. Xây dựng đất nước là điều rất khó khăn, và không phải nước nào cũng có thể vươn tới hình mẫu như Thuỵ Sĩ được. Việc Joe Biden, Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm, mong muốn kết thúc cuộc chiến không có gì là vô lý cả. Hoa Kỳ đã dành 20 năm qua ở cái nơi có vị trí chiến lược làng nhàng mà cử tri Mỹ cũng đã lâu không để tâm tới. Mục tiêu chính của việc xâm lược Afghanistan – để tiêu diệt đầu não của Al-Qaeda – đã được hoàn thành, mặc dù thành tích đó giờ đây có thể sẽ bị lật lại. Ý kiến cho rằng Mỹ đã bỏ rơi đồng minh dẫn tới chính phủ Afghan sụp đổ cũng đã bị thổi phồng lên, vì chưa tính tới các yếu tố thời gian, tầm vóc và số tiền đã tiêu tốn vào sự triển khai quân lực Mỹ. Chế độ vừa mới sụp đổ không phải là đồng minh kiểu như Đức hay Nhật Bản. Chế độ Kabul yếu hơn, tham nhũng nhiều hơn và phải phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ mới có đường sống. Nhưng tất cả những điều trên vẫn không thể bào chữa cho việc Mỹ có trách nhiệm phải rút quân một cách trật tự. Ông Biden còn không biểu lộ một chút quan tâm cho lợi ích người dân Afghan bình thường. Điều mỉa mai là Mỹ đã có kế hoạch rút quân và đã phát triển dự định đó nhiều năm qua. Dự tính là lượng lính sẽ giảm từ 100 ngàn quân vào năm 2011 xuống còn 10 ngàn vào năm 2017, và tỉ lệ này cũng sẽ áp dụng với quân đồng minh NATO. Số quân nhân này không đánh bại Taliban nhưng sẽ ngăn ngừa sự sụp đổ của quân lực Afghan, chủ yếu thông qua không lực, và sẽ buộc Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Những người biện hộ cho ông Biden nói rằng người tiền nhiệm của ông, Donald Trump, đã phá dự định này bằng cách kết thúc cuộc chiến này trước thềm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm ngoái. Đúng là cựu Tổng thống Trump đã liều lĩnh tới độ chấp nhận những điều khoản lố bịch, đồng ý sẽ rút toàn bộ lính Mỹ mà thậm chí còn không đàm phán nổi một lệnh ngừng bắn, chứ chưa nói gì về một kế hoạch rõ ràng để kết thúc cuộc nội chiến. Ông đã giảm số lính Mỹ xuống còn tầm 2 ngàn người vào thời điểm Biden nhậm chức, và còn hứa sẽ rút toàn bộ quân nhân trước ngày 1 tháng Năm. Nhưng ông Biden đâu cần làm theo kế hoạch này. Thực tế là ông có làm đúng thời gian biểu gốc đâu. Quân Taliban rõ ràng là không chịu tuân theo các điều khoản đã đề ra, tăng cường tấn công trên chiến trường thay vì đàm phán thiện chí với chính phủ Afghan. Điều này có thể lấy làm lý do để tạm dừng, thậm chí là đảo ngược chính sách rút quân đội Mỹ. Ở Mỹ không có áp lực nào buộc Tổng thống phải kết thúc cuộc chiến một cách chóng vánh cả. Tuy vậy ông Biden lại đi theo mục tiêu của mình một cách thiếu tôn trọng và còn hơi chuyên quyền nữa: buộc cuộc chiến phải kết thúc trước khi ngày kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 9/11 diễn ra. Mặc dù tốc độ sụp đổ của chính quyền Afghanistan nhanh tới mức ngạc nhiên với nhiều nhà quan sát (mà tờ báo này là một trong số đó), các quân nhân và chính khách Mỹ đều lạc quan một cách ngây thơ, cho rằng sự “sụp đổ hoàn toàn” chỉ là một viễn cảnh xa vời. Rồi khi chuyện quân đội Afghan tan rã bắt đầu rõ dần, ông Biden dứt khoát rút quân, mặc kệ các hệ quả có thể diễn ra. Kết quả là sức mạnh của Hoa Kỳ để răn đe kẻ thù và trấn an đồng minh đã phai dần đi. Tình báo thì lỏng lẻo, kế hoạch thì cứng nhắc, lãnh đạo thì thất thường và quan tâm tới đồng minh thì chỉ ở mức qua loa. Những điều này sẽ giúp phong trào Thánh chiến Hồi Giáo (Jihad) khắp mọi nơi tự tin hơn, vì chiến thắng của Taliban đối với họ có ý nghĩa là “Chúa đang phù hộ chúng ta." Những chính quyền thù địch như Nga hay Trung Quốc sẽ cân nhắc chính sách theo “chủ nghĩa phiêu lưu” (adventurism — thực hiện những hành vi quân sự táo bạo đầy rủi ro để đạt được mục đích bất chấp luật pháp quốc tế), để rồi các đồng minh của Mỹ phải lo âu. Ông Biden đã bảo vệ việc rút quân, viện lý do rằng Afghanistan là một “mối bận tâm” (distraction) trước những vấn đề cấp bách hơn, ví dụ như sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng bằng cách rút khỏi Afghanistan với sự hỗn độn như bây giờ, Biden đã làm tất cả những vấn đề khác khó giải quyết hơn. Sau sụp đổ là gì? Đợt di tản lộn xộn này chỉ làm tăng nghĩa vụ của Mỹ và đồng minh với những người dân Afghan. Những nước này nên dùng tất cả các biện pháp cuối cùng để gây sức ép buộc Taliban phải “ôn hoà” hơn, đặc biệt là trong việc đối xử với phụ nữ. Người tản cư phải được trợ cấp nhân đạo. Các nước phương Tây nên dang rộng đôi tay mà đón tiếp người tị nạn Afghan, và hỗ trợ đầy đủ cho các quốc gia lân cận Afghanistan để chăm lo cho những người còn lại trong khu vực. Việc các nhà lãnh đạo Châu Âu nhanh chóng tuyên bố rằng họ không thể nhận hết những người Afghan bị đàn áp trong lúc đám cuồng tín sắp nắm quyền cũng thảm hại chả kém gì sự ra đi hỗn tạp của Mỹ. Đã quá trễ để cứu Afghanistan, nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để giúp đỡ người dân nước này. Để xem những bài khác về nhiệm kỳ Joe Biden trên báo The Economist, hãy đọc ở đây. Bài này được xuất hiện ở mục “Leaders” trên báo in dưới tựa đề “Sự thất bại thảm hại của Biden”

Người dịch: Sam Tran

Biên tập: Khang Ton


Comments


bottom of page