top of page

Thất bại trong thắng lợi của Đảng Dân chủ

Translated from The Economist article A Democratic defeat in victory


Nếu đảng của ông Joe Biden không giành lấy quyền lực từ tay phe Cộng hòa ngay lúc này, khi nào họ mới làm được điều đó?


Ngày 14 tháng 11, 2020

Cùng với Tổng thống Donald Trump, tổn thất nặng nhất sau cuộc bầu cử thuộc về Đảng Dân chủ. Được dự báo sẽ nắm cả ba nhánh của chính quyền, đảng này giữ được thế đa số tại Hạ viện khi mất sáu ghế, giành được Nhà Trắng với khoảng cách sát sao và có lẽ sẽ hụt hơi tại Thượng viện. Vì vậy, ông Joe Biden sẽ gặp khó trong công việc làm luật. Việc chỉ định nhân sự cho nội các của ông có thể sẽ bị hạn chế. Chẳng hạn, nếu đề cử bà Stacey Abrams, người hùng cho chiến thắng cận kề của ông tại Georgia và là kẻ thù của cánh hữu, vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp, ông Mitch McConnell (lãnh đạo phe đa số Thượng viện) có lẽ sẽ đẩy bà vào vị thế như ông Merrick Garland từng gặp.

Không như vị tổng thống đương nhiệm, đảng của ông Biden đang dần chấp nhận thất bại. Những kẻ thất bại cay cú thuộc phái trung-tả - nhóm bao gồm gần như mọi ứng viên của đảng này tại các bang chiến trường – than phiền rằng giới hoạt động cánh tả khiến họ bị mang tiếng cực đoan và không đáng tin. Cánh tả, đặc biệt là gương mặt đại diện 31 tuổi, Dân biểu Alexandria Ocasia-Cortez, đang chống trả.

Thông tin bị rò rỉ từ cuộc họp nội bộ Đảng Dân chủ tại Hạ viện tuần trước – trước khi chiến thắng của ông Biden được tuyên bố - cho thấy nhiều lời qua tiếng lại gay gắt giữa hai phái này, và còn tiếp diễn trên mạng xã hội và tờ New York Times. Bà Abigail Spanberger, Nghị sĩ thuộc phái trung lập tại Virginia, đắc cử với kết quả sít sao, cảnh báo rằng một trong những điều đảng cần thống nhất là “không bao giờ dùng từ ‘chủ nghĩa xã hội’ hay ‘tín đồ chủ nghĩa xã hội’ thêm lần nào nữa.” Ocasia-Cortez, một người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đầy tự hào, phản bác với hàm ý rằng những kẻ thất bại phái trung-tả không biết cách tận dụng mạng xã hội (không như cô với 10 triệu người theo dõi trên Twitter). Giới trung lập tỏ ra phẫn nộ.

Điều đó cũng dễ hiểu. Những mất mát của phe Dân chủ đã xảy ra mặc cho lợi thế khổng lồ về ngân sách, và một đối thủ dường như đã buông bỏ trách nhiệm quản trị sau bốn năm qua. Đảng của ông Trump không thông qua đạo luật lớn nào ngoài việc cắt giảm thuế. Họ cũng chẳng có chính sách y tế nào. Vậy mà các ứng viên đảng Dân chủ tụt lại phía sau ông Biden gần như khắp nơi. Và có dấu hiệu – ngoài những gì mà bà Spanberger và ứng viên Dân chủ tại các bang trung lập vẫn nghe hàng ngày từ cử tri – rằng hình ảnh “cánh tả cực đoan” của đảng này là lý do quan trọng cho những thất bại. Đảng Daan chủ đánh mất phần lớn sự ủng hộ của hai nhóm cử tri vốn đặc biệt căm ghét chủ nghĩa xã hội: người Mỹ gốc Cuba và người Venezuala. Bằng việc quay sang với phe Cộng hòa, họ khiến Đảng Dân chủ và ông Biden trả giá với hai ghế Hạ viện và phiếu đại cử tri toàn bang.


Ocasio-Cortez cho rằng điều này là sai vì như vậy là không công bằng. Cô gợi nhắc rằng không ứng viên Dân chủ nào tranh cử nhân danh chủ nghĩa xã hội, “cắt ngân sách cho cảnh sát” hay những khẩu hiệu cánh tả khác. Hình tượng xấu này được thêu dệt nên bởi tuyên truyền đả kích của cánh hữu – điều mà phe Dân chủ nên có hành động để đối phó. Về chi tiết thì cô đã đúng. Nhưng với tư cách là giải pháp cho vấn đề của phe Dân chủ, dường như “AOC,” người đắc cử dễ dàng tại quận Queens với 38 điểm, không hình dung được cuộc chiến tại các bang chiến trường khốc liệt đến mức nào đối với phe Dân chủ.


Điều này thể hiện rõ sự thiếu cân bằng trong hệ thống bầu cử, khi phe Dân chủ, đảng phái được ưa chuộng nhất, phải giành được phiếu bầu từ phe còn lại trong khi đảng Cộng hòa, vốn được ủng hộ ít hơn, không cần bận tâm đến. Sự kỳ vọng quá mức của phe Dân chủ cho đợt bầu cử này đến từ ý định tận dụng làn sóng bài trừ Trump đủ lớn để đối đầu với lợi thế về đại diện tại Thượng viện và Đại Cử tri Đoàn của cử tri nông thôn và bảo thủ, nguyên nhân của sự thiếu cân bằng. Nhiều người kỳ vọng rằng việc tổng thống mất dần sự ủng hộ có thể sẽ mang lại thế đa số đủ lớn tại Thượng viện để mang lại đổi mới. Thay vào đó, lợi thế về mặt tổ chức của phe Cộng hòa dường như đang gia tăng mạnh đến mức mong đợi giành quyền thế của phe Dân chủ bị gạt phăng.

Ông Biden đang hướng tới chiến thắng với lợi thế hơn 5 triệu phiếu bầu, nhưng chỉ dẫn trước chưa đến 100,000 phiếu tại một vài tiểu bang đang ngày càng trở nên bảo thủ để nắm chắc vị trí tổng thống. Wisconsin – mảnh ghép cuối không thể thiếu góp phần vào thế đa số của ông với phiếu đại cử tri, nơi ông giành thắng lợi trong gang tấc – có nhiều hơn đến 3 phần trăm lượng đảng viên Cộng hòa so với toàn quốc. Đây là thước đo cho thành tựu của ông Biden, và dường như cũng cho thấy việc giành ghế Thượng viện về phe Dân chủ tại các tiểu bang còn bảo thủ hơn nữa là không thực tế.

Nếu tình hình hiện tại tiếp diễn tại các bang chiến trường, North Carolina và Texas, những nơi vẫn còn hy vọng, có lẽ sẽ không theo phe Dân chủ cho đến khi vùng rustbelt, vốn đang già cỗi và nhiều người da trắng, thiên hẳn về phe Cộng hòa, chiếm lấy năm ghế Thượng viện khỏi tay phe Dân chủ. Với mong đợi giành lấy đủ quyền lực để cải cách cả hệ thống, phe Dân chủ nay đang phải nhìn nhận lại sự khắc nghiệt của việc giữ thế cạnh tranh.


Lục đục ban đầu trong đảng Dân chủ chủ yếu là phản ứng khi đối mặt với viễn cảnh tăm tối đó. Ocasio-Cortez tự biến mình thành mục tiêu dễ dàng cho phe trung tả đang cay cú. Tuyên bố của cô rằng điều quan trọng phe Dân chủ cần là chiến lược tốt hơn trên Facebook cũng nông cạn hệt như cái khẩu hiệu “cắt ngân sách cho cảnh sát” điên rồ mà cô không tỏ ý bác bỏ. Cuộc bầu cử cũng cho thấy rằng ý tưởng lớn của cánh tả nhằm xoay chuyển làn sóng chính trị, bằng cách dần thay thế kiểu chính trị bản sắc cánh hữu với chính sách kinh tế dân túy, có lẽ không còn khả thi. Khi cử tri ưa thích ông Biden về mặt con người nhưng lại coi đường lối của ông là quá cực đoan, họ khó lòng mà thuận theo trường phái cực đoan thực sự của cánh tả. Vậy nhưng điều này đã không còn là lựa chọn, sau thắng lợi toàn diện của ông Biden trong đợt tranh cử nội bộ Đảng Dân chủ. Sự bi quan của giới trung lập dày dạn như bà Spanberger phản ánh sự sụp đổ của nỗ lực đầy khả quan của họ nhằm tháo gỡ thế giằng co giữa đảng phái.


Thay đổi lịch sử

Nếu cánh tả mơ mộng về việc thay đổi nước Mỹ bằng sức mạnh từ ý tưởng của họ, phái trung tả đặt hy vọng vào việc xây dựng thành tích trong quản trị. Bằng chứng về những làn sóng dân túy trước đây cho thấy không còn cách nào tốt hơn để tái thiết trường phái trung lập. Đây cũng là cách tiếp cận mạnh mẽ hơn những gì mà giới ủng hộ ông Sanders cho phép. Điểm yếu trong lịch sử của phe Dân chủ, được khai thác triệt để bởi trào lưu Tea Party, là việc bênh vực chính quyền yếu kém so với chính quyền nhỏ gọn. Tham vọng cao cả của phái trung tả là xây dựng nền tảng cho một chính quyền hiện đại và hiệu quả. Nhưng để làm được điều đó, họ cần nắm quyền lực. Và ông McConnell dường như sẽ không cho họ điều đó.


Người dịch: Tom Nguyen

Comments


bottom of page