top of page

Thế giới năm 2050 sẽ ra sao nếu chúng ta không cắt giảm một nửa khí thải gây hiệu ứng nhà kính?

Updated: Aug 11, 2021


Trước khi COVID-19 đổ bộ vào thế giới của chúng ta thì có hai vấn nạn các quốc gia cần phải xử lý : giá dầu giảmkhủng hoảng khí hậu. Cả ba vấn nạn trên đều ập đến cùng lúc, vậy thì cũng có cách để giải quyết cả ba một lượt. Từ số tiền chính phủ cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ đô, chúng ta có thể gầy đựng lại một xã hội thân thiện với môi trường hơn. Chúng ta có thể chuyển sang các mô hình công nghiệp với cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng “sạch” thay vì nhiên liệu hóa thạch, cũng như có khả năng tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Từ đó chúng ta có thể khắc phục sự chênh lệch giàu nghèo dai dẳng và kiến tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng.

By Christiana Figueres, Tom Rivett-Carnac, on 22-04-2020, 06:00:00

Trước khi COVID-19 đổ bộ vào thế giới của chúng ta thì có hai vấn nạn các quốc gia cần phải xử lý : giá dầu giảmkhủng hoảng khí hậu. Cả ba vấn nạn trên đều ập đến cùng lúc, vậy thì cũng có cách để giải quyết cả ba một lượt. Từ số tiền chính phủ cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ đô, chúng ta có thể gầy đựng lại một xã hội thân thiện với môi trường hơn. Chúng ta có thể chuyển sang các mô hình công nghiệp với cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng “sạch” thay vì nhiên liệu hóa thạch, cũng như có khả năng tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Từ đó chúng ta có thể khắc phục sự chênh lệch giàu nghèo dai dẳng và kiến tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng.

Trong cuốn Tương Lai Ta Chọn, chúng tôi đã phác họa nên hai bức tranh tương lai; một là nếu chúng ta hành động ngăn chặn lượng khí thải trong thập kỷ này, và hai là viễn cảnh tưởng tượng bên dưới, nếu chúng ta buông xuôi. Đây là năm 2050. Chẳng có nỗ lực kiểm soát khí thải nào được thực thi sau những mục tiêu loại bỏ khí thải của năm 2015. Chúng ta đang tiến vào một thế giới mà ở đó, chỉ tới năm 2100, khí hậu toàn cầu sẽ ấm lên hơn 3 độ C. Sự khác biệt đầu tiên bạn cảm nhận được là ở không khí. Tại nhiều nơi trên thế giới, bầu không khí vô cùng nóng nực, ngột ngạt, có hôm lại còn mang theo một màn ô nhiễm dạng hạt dày đặc. Đôi mắt cay xè của ban chảy nước không ngớt. Những đợt ho khản tiếng không có dấu hiệu dừng lại. Đã qua rồi cái quãng thời gian mà bạn chỉ việc bước ra trước cửa là hít được không khí trong lành. Thay vào đó, giờ đây, trước khi mở cửa ra vào hay cửa sổ vào mỗi sáng, bạn phải kiểm tra chất lượng không khí của ngày hôm đó trên điện thoại. Trời quang mây tạnh, mọi thứ trông có vẻ ổn đấy, nhưng bạn thừa biết. Một khi giông gió và sóng nhiệt cuộn lại với nhau, không khí ô nhiễm cũng như sự gia tăng khí ozone tầng đối lưu có thể khiến cho việc ra ngoài trở nên vô cùng nguy hiểm, nhất là khi không có mặt nạ chuyên dụng (mà chỉ một số người đủ khả năng mua). Thế giới của ta đang nóng lên, một thực tế không thể đảo ngược và giờ đã hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta đã vượt quá nhiều điểm tới hạn trong hệ thống khí hậu, ví dụ như khi hiện tượng tan băng qui mô lớn tại Bắc Băng Dương. Những khối băng này vốn có tác dụng phản xạ sức nóng của mặt trời. Đại dương, rừng rậm, thực vật, cây cối, và đất đai đã nhiều năm hấp thụ bớt đi một nửa lượng CO2 mà chúng ta thải ra. Giờ đây rừng rậm không còn nhiều, hầu hết đều đã bị chặt phá hoặc bị lửa thiêu rụi, và tầng băng vĩnh cửu thì cứ phun thải khí nhà kính ra bầu khí quyển vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng. Trong 5 đến 10 năm, nhiều vùng trên trái đất sẽ ngày càng trở nên không thích hợp với cuộc sống loài người. Chúng ta không biết được liệu rằng vào năm 2100, các vùng đất thuộc Úc, Bắc Phi, và miền tây Hoa Kỳ có còn là nơi con người có thể trú ngụ được không nữa. Không ai biết con cháu mình sẽ phải đối mặt với điều gì trong tương lai. Độ ẩm không khí ngày một gia tăng cộng với nhiệt độ mặt biển dâng cao là nguyên nhân dẫn tới sự thành hình của những cơn bão tàn khốc. Các thành phố ven biển của Bangladesh, Mexico, Hoa Kỳ, và nhiều nước khác phải gánh lấy những thiệt hại cơ sở hạ tầng và lũ lụt nghiêm trọng. Hàng ngàn người sẽ chết, hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thực tế này giờ đây diễn ra với cường độ ngày một gia tăng. Vì nhiều thiên tai đồng loạt xảy ra, người ta có thể phải mất nhiều tuần hay thậm chí là nhiều tháng để vận chuyển lương thực và nước uống đến cứu trợ những khu vực thường xuyên bị lũ lụt. Bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch tả, bệnh hô hấp, và suy dinh dưỡng sẽ lan tràn khắp nơi. Băng vĩnh cửu tan đi, giải phóng đủ loại vi khuẩn cổ đại mà con người ngày nay chưa bao giờ phải tiếp xúc, tức là không có miễn dịch. Các bệnh lây truyền qua muỗi và bọ chét, những loài ưa kiểu khí hậu này, lên ngôi, lan đến những vùng lúc trước còn an toàn của địa cầu, khiến chúng ta trở tay không kịp. Tệ hơn thế nữa, khủng hoảng y tế công cộng kháng kháng sinh lên đến đỉnh điểm vì dân số tập trung đông đúc hơn tại những vùng đất còn có thể cư ngụ được và nhiệt độ thì tiếp tục tăng cao. Ngày qua ngày, vì mực nước dâng lên, người dân tại một số khu vực trên thế giới buộc phải sơ tán đến vùng đất cao hơn. Ngày qua ngày bạn chứng kiến cảnh tượng người mẹ địu con nhỏ, vất vả lội ngược dòng nước lũ. Tin tức phóng sự toàn là về chuyện người ta phải sống trong những căn nhà nước ngập đến mắt cá chân vì đã không còn nơi nào để đi, con cái họ ho hen khò khè vì nấm mốc mọc đầy trên giường chúng, các công ty bảo hiểm thay phiên nhau tuyên bố phá sản bỏ mặc những người còn sống sót tự xoay sở với hai bàn tay trắng. Những ai còn trụ ở vùng duyên hải bây giờ phải chứng kiến cái chết của ngành đánh bắt thủy hải sản. Vì các đại dương đã hấp thụ quá nhiều khí carbon dioxide (CO2), nước biển có tính acid mạnh hơn và trở nên vô cùng khắc nghiệt với các sinh vật hải dương đến mức hầu hết các quốc gia đều ra lên cấm đánh bắt, ngay cả trên hải phận quốc tế. Nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới cho rằng nên thưởng thức những con cá ít ỏi cuối cùng để khỏi phí trước khi chúng hoàn toàn biến mất. Khó mà trách họ được.

Khốn đốn vì nước biển dâng cao là vậy, hạn hán và sóng nhiệt còn tạo nên một địa ngục trần gian trong đất liền. Đất đai tại nhiều vùng rộng lớn sẽ dần trở nên khô hạn, và đôi khi còn dẫn tới tình trạng sa mạc hoá. Động vật hoang dã nơi đây giờ chỉ còn là dĩ vãng xa xăm. Những thành phố như Marrakech và Volgograd đang trên đà chuyển hóa thành sa mạc. Hồng Kông, Barcelona, Abu Dhabi, cũng như các nơi khác trong nhiều năm qua đã không ngừng khử muối nước biển, cố gắng trong tuyệt vọng để cung cấp cho làn sóng dân nhập cư từ các vùng hạn hán tới tấp tràn về.

Những đợt nắng nóng cực đoan xuất hiện ngày một nhiều. Nếu bạn sống ở Paris, bạn sống với nhiệt độ mùa hè thường trực tại mức 111°F (43.8°C). Đây không còn là một sự kiện chấn động trên bản tin như 30 năm về trước nữa. Người người cố thủ trong nhà, uống nước, và mơ mộng về máy điều hòa. Bạn nằm bẹp trên ghế sofa với một chiếc khăn ướp lạnh phủ lên mặt, cố gắng nghỉ ngơi mà không phải nghĩ đến những người nông dân nghèo khổ vùng ngoại ô đang bất chấp hạn hán và cháy rừng để trồng nho, ô liu, hay đậu nành—thứ thực phẩm xa xỉ dành cho bọn lắm tiền, không phải cho bạn. Bạn cố không nghĩ đến 2 tỉ người đang sinh sống tại các khu vực nóng bậc nhất của thế giới, nơi mà mỗi năm có hơn 45 ngày nhiệt độ tăng vọt lên mức 140°F (60°C)—mức mà cơ thể con người nếu ở bên ngoài sẽ không thể chịu đựng quá sáu tiếng vì cơ thể đã mất khả năng tự làm mát. Những nơi như trung Ấn càng lúc càng trở nên quá khắc nghiệt để tồn tại. Người ta đã có lúc gắng gượng, nhưng một khi không thể làm việc ngoài trời, một khi chỉ có thể thiếp đi vài tiếng lúc 4 giờ sáng vì đó là thời gian mát nhất của ngày, bỏ đi biệt xứ gần như là sự lựa chọn duy nhất. Bủa vây các cuộc di cư tập thể đến vùng nông thôn ít nóng hơn là một loạt vấn đề tị nạn, bất ổn dân sự, và máu chảy đầu rơi từ việc tranh giành nguồn nước đang dần cạn kiệt. Thậm chí ở nhiều nơi trên nước Mỹ chứng kiến những mâu thuẫn gay gắt xung quanh vấn đề nước sinh hoạt. Cuộc chiến nổ ra giữa giới giàu có sẵn sàng chi tiền để được xài nước thoả thích và số còn lại kêu gọi quyền được sử dụng thứ nguồn sống này một cách bình đẳng. Các vòi nước uống ở hầu hết các cơ sở công cộng đều bị khoá, và để sử dụng các vòi ở các nhà vệ sinh thì bạn phải trả tiền. Ở cấp độ liên bang, Quốc hội đang tranh cãi kịch liệt xung quanh vấn đề tái phân phối nguồn nước: các bang với nguồn nước hạn chế yêu cầu các bang có nguồn nước dồi dào phải chia sẻ công bằng với họ. Giới lãnh đạo đã trì hoãn yêu sách này trong nhiều năm, và cứ mỗi tháng trôi qua hai con sông Colorado và Rio Grande lại dần cạn kiệt. Sản lượng lương thực thì thay đổi thất thường mỗi tháng mỗi khác, mỗi mùa mỗi khác và tuỳ thuộc vào nơi bạn sống thế nên số lượng người chết đói nhiều hơn bao giờ hết. Các đới khí hậu thay đổi, mở ra nhiều vùng đất mới dành cho việc canh tác nông nghiệp (Alaska, Bắc cực), trong khi đó có nhiều vùng đất trở nên khô cằn, ví dụ như Mexico và California. Tình trạng nắng nóng cực đoạn khiến nhiều khu vực khác trở nên bất ổn, đó là chưa kể đến nạn lũ lụt, cháy rừng và lốc xoáy. Duy chỉ một điều vẫn không thay đổi, đó là nếu bạn có tiền, bạn sẽ có quyền. Hoạt động giao lưu thương mại toàn cầu giảm đáng kể do các quốc gia như Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên còn lại của mình. Thiên tai và chiến tranh hoành hành khiến các đầu mối giao thương ngưng trệ. Tính chất khắc nghiệt của qui luật cung cầu giờ đây trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Thực phẩm trở nên đắt đỏ vì sự khan hiếm ngày một tăng cao cộng với sự bất bình đẳng trong thu nhập ngày càng trở nên nghiêm trọng và nguy cấp. Trong bối cảnh các quốc gia tìm mọi cách để giữ tài nguyên và của cải không bị thất thoát ra bên ngoài, biên giới được xiết chặt. Phần lớn quân đội của các nước giờ tập trung quân sự hoá lực lượng biên phòng. Mục tiêu là bế quan toả cảng, nhưng không mấy thành công. Khi tuyệt vọng, người ta vẫn sẽ luôn tìm được đường vượt biên. Dòng người di cư từ khu vực Trung Mỹ lũ lượt bắc tiến đến Mexico và Hoa Kỳ bởi khu vực vòng đai xích đạo ngày một trở nên khó sống. Số khác thì lại nam tiến đến các mũi cực ở Chile và Argentina. Những cảnh tương tự diễn ra ở khắp các vùng châu Âu và châu Á. Có một số quốc gia tỏ ra nhân đạo hơn phần còn lại, nhưng ở tình cảnh hiện tại, họ buộc phải đóng cửa biên giới, thắt chặt hầu bao và nhắm mắt làm ngơ. Ngay cả khi bạn sống ở những vùng có khí hậu ôn hoà như Canada hay vùng Scandinavia, bạn vẫn có khả năng ở trong vòng nguy hiểm. Nỗi lo về nạn lốc xoáy, lũ quét, cháy rừng, lỡ đất và bão tuyết khắc nghiệt ngày đêm vẫn trực chờ trong tâm trí bạn. Tuỳ vào nơi cư ngụ mà bạn sẽ phải trang bị đầy đủ nào là một hầm chống bão, hay một túi đồ đựng vật dụng khẩn cấp trong xe, hoặc đó có thể là một hệ thống hào ngăn lửa rộng 6 foot bao quanh nhà bạn. Mọi người cần phải liên tục dán mắt vào đài dự báo thời tiết và chỉ có những kẻ ngốc mới tắt điện thoại vào ban đêm. Nếu một tình huống khẩn cấp xảy ra, nhiều khi bạn chỉ có vài phút để ứng phó. Đối phó với thời tiết là chuyện bất đắc dĩ, nhưng gần đây với việc báo đài đưa tin về những gì đang diễn ra ở gần các đường biên giới đã vượt khỏi giới hạn chịu đựng cho phần lớn người dân. Dưới áp lực ngày càng tăng cao từ các quan chức y tế cộng đồng, các cơ quan báo chí đã giảm tải lượng tin tức đề cập đến nạn diệt chủng, buôn bán nô lệ và các ổ dịch bùng phát ở các trại tị nạn. Bạn sẽ không còn muốn đặt niềm tin vào báo chí nữa. Các phương tiện truyền thông mạng xã hội, vốn từ lâu đã trở thành nguồn cập nhật thông tin về thiên tai, thảm hoạ một cách bất đắc dĩ, thì tràn ngập thuyết âm mưu và những đoạn video bị chỉnh sửa. Sự diệt vong của loài người được nhắc đến ngày càng nhiều hơn. Đối với nhiều cá nhân, chuyện chúng ta sống được đến bao lâu, có được bao nhiêu thế hệ tiếp nối tồn tại vẫn là một dấu chấm hỏi lớn. Những vụ tự sát là minh chứng rõ ràng nhất của nỗi tuyệt vọng đang ngày một tăng cao, kèm theo đó là nỗi đau mất mát vô tận, phải gồng gánh cảm giác tội lỗi xen lẫn oán trách các thế hệ trước vì đã không làm những việc cần thiết để ngăn chặn tấn thảm kịch này. Phỏng theo TƯƠNG LAI TA CHỌN: Tồn tại trong cuộc khủng hoảng khí hậu, viết bởi Christiana Figueres và Tom Rivett-Carnac, được xuất bản bởi Alfred A. Knopf, ấn hiệu của The Knopf Doubleday Publishing Group, một ban thuộc công ty bản quyền Penguin Random House.


Người dịch: Quyen Tran & Phuong Anh

Biên tập: Đông Phong


Comments


bottom of page