top of page

Theo chuyên gia, đòn thương mại cuối cùng từ Trump có thể là áp thuế với hàng hóa Việt Nam


WASHINGTON/HANOI (Reuters) - Các chuyên gia tiền tệ và thương mại cho biết, kể từ sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ xếp Việt Nam, đối tác thương mại đang phát triển của Mỹ, vào nhóm “thao túng tiền tệ” cuối tuần trước, Tổng thống Trump có thể sẽ công bố một số đề xuất thuế áp lên hàng hóa Việt Nam trước khi ông rời văn phòng vào tháng Giêng.


David Lawder, Andrea Shalal, James Pearson, ngày 21 tháng 12, 2020

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trên đường đến West Point, New York từ Bãi Cỏ Phía Nam Nhà Trắng ở Washington, Mỹ hôm 12 tháng 12 năm 2010. REUTERS/Cheriss May


Theo các chuyên gia, các công ty Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam nên chuẩn bị cho một đợt áp thuế đáng kể từ cuộc điều tra “Điều khoản 301” về các hoạt động định giá tiền tệ của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR).


Kết quả của cuộc thăm dò được tiến hành song song với thông báo của Bộ Tài chính có thể sẽ được công bố sớm nhất vào ngày 7 tháng 1.


“Khôn ngoan thì nên lên kế hoạch kể từ bây giờ cho phán quyết của tiến trình Điều khoản 301 bởi, đặc biệt với phê chuẩn của Bộ Tài chính, khả năng lớn là Hoa Kỳ sẽ áp đặt một vài hình thức trả đũa với Việt Nam,” trích lời Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore.


Các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa với giá trị khoảng 65 tỷ USD từ Việt Nam chỉ trong mười tháng đầu của 2020, so với 66.6 tỷ cả năm 2019. Thuế quan có thể có thể đánh vào doanh thu hơn 400 tỷ USD trong lĩnh vực may mặc và giày dép, cùng với đồ nội thất, điện tử và gia dụng.


Trong một sự kiện trên mạng hôm thứ Sáu do Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức tại Việt Nam, Elms nói: "Sẽ có những hậu quả kinh tế.”


Từng là những kẻ tử thù những năm 1960 và đầu 1970, Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong thời kỳ hâm nóng lại mối bang giao trong những năm gần đây. Washington coi Hà Nội là một đối tác an ninh chiến lược và đối tác kinh tế vùng Đông Nam Á này giúp kiềm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, kể cả dưới thời ông Trump, nhưng có vẻ như thuế quan sẽ khiến cho mối quan hệ này chững lại.


Bộ Công Thương Việt Nam phát biểu hôm thứ Hai rằng thuế quan có thể khiến cho các doanh nghiệp của nước này “mất tự tin khi làm ăn với các đối tác Mỹ” và làm suy giảm số hàng nhập từ Hoa Kỳ. Có vẻ như quan chức hai bên sẽ có một cuộc nói chuyện “vô cùng quan trọng” vào cuối tháng Mười Hai.


Đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể mang thêm rắc rối thương mại mới cho Tổng thống tân cử Joe Biden khi ông nhậm chức, và cũng có thể khơi mào cho trả đũa hàng hóa xuất khẩu từ Hoa Kỳ đến Việt Nam bằng cách tương tự.


Trump đã đưa ra một số hạn chế kinh tế mới cho Trung Quốc trong một số tuần gần đây, bao gồm liệt nhà sản xuất chip lớn hàng đầu của Trung Quốc là SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái SZ DJI Technology vào “sổ đen” công nghệ hôm thứ Sáu.

Người phát ngôn đội chuyển giao của ông Biden không trả lời câu hỏi về cuộc điều tra Việt Nam hay kết quả của Bộ Tài chính. USTR cũng không đưa ra bình luận.


CAN THIỆP, THẶNG DƯ


Bản báo cáo tiền tệ bị trì hoãn bấy lâu của Bộ Tài chính, được công bố hôm 16 tháng 12, kết luận rằng Việt Nam, cùng với Thụy Sĩ, đã vượt quá ba lần giới hạn thao túng tiền tệ trong một năm kết thúc vào 30 tháng 6.


Cả hai quốc gia đều có các động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối và thặng dư cán cân vãng lai toàn cầu vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng với thặng dư thương mại chênh lệch 20 tỷ USD với Hoa Kỳ.


Quyết định này đã thúc đẩy cuộc điều tra Điều khoản 301 của USTR về "các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam có thể góp phần vào việc định giá thấp đồng tiền của mình", gây tổn hại cho thương mại của Hoa Kỳ. USTR sẽ mở các phiên điều trần công khai từ ngày 28 đến 29 tháng 12 tới đây về cuộc điều tra và phiên điều trần thứ hai về việc liệu các nhà sản xuất Việt Nam có sử dụng gỗ bị khai thác bất hợp pháp hay không.

Theo ba nguồn tin thân cận, USTR sẽ không rút ngắn phần điều trần kết thúc ngày 7 tháng 1, cho Trump khoảng hai tuần để cân nhắc bất kỳ khuyến nghị thuế quan nào từ phía Việt Nam trước khi ông rời văn phòng vào ngày 20 tháng 1. Việc thu thuế có thể sẽ bắt đầu vào những tuần đầu tiên ở Nhà Trắng của Biden.


CÚ GIÁNG CHO VIỆT NAM


Matthew Goodman, cựu quan chức Bộ Tài chính và là chuyên gia kinh tế châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phát biểu: “Rõ ràng chính quyền này đang có mâu thuẫn và muốn đánh tiếng với Việt Nam rằng họ cần phải xem xét lại chính sách tiền tệ của mình.”


Thông điệp ở đây muốn nhắn nhủ rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận Việt Nam phá giá đồng tiền để thúc đẩy phát triển như cách mà Trung Quốc đã định giá thấp đồng tiền của họ trong nhiều thập kỷ, Goodman nói, nhưng cũng thêm rằng ông xem hiện tượng thặng dư tài khoản vãng lai cao của Việt Nam chỉ là tạm thời.


USTR đã tiến hành một cuộc điều tra Điều khoản 301 tương tự để biện minh cho mức thuế lên tới 25% áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá lên đến 370 tỷ USD trong cuộc chiến thương mại kéo dài 2.5 năm giữa Trump với Bắc Kinh.


Hiện vẫn chưa rõ liệu việc áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam có đạt đến mức đó (25% với Trung Quốc) hay gần với mức thuế 6,2 - 10% mà Bộ Thương mại đã áp dụng cho lốp xe Việt Nam vào tháng Mười Một theo quy tắc tiền tệ mới không.


Các nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam vi phạm ngưỡng thặng dư tài khoản vãng lai của Bộ Tài chính một phần là kết quả của cuộc chiến thương mại giữa chính quyền Trump với Trung Quốc, khiến các công ty đổ xô đầu tư nước ngoài tìm cách tránh thuế của Trung Quốc cũng như gia tăng xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ.


Những nhà điều hành doanh nghiệp có liên quan phía Hoa Kỳ đã liên hệ với Quốc hội. Một nhân viên Quốc hội nói với Reuters: “Chỉ một tin đồn về đợt đánh thuế lớn khác lên các công ty Mỹ đã gây nên làn sóng hoảng loạn đến mức các văn phòng Quốc hội liên tục nhận được các cuộc gọi hốt hoảng từ các doanh nghiệp địa phương.”


Trong các ý kiến được trình lên cho cuộc điều tra tiền tệ từ USTR, Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ còn cho biết Việt Nam “thậm chí đã trở nên quan trọng hơn khi các công ty Hoa Kỳ thực hiện các chiến lược đa dạng hóa tách Trung Quốc. Việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng.”


Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: K.Tran



Comentarios


bottom of page