Translated from The Stanford Daily article Misled and misinformed: Why Vietnamese voters make up the largest Asian demographic in favor of Trump
Hana Dao, ngày 10 tháng 11, 2020
ANDREW BRODHEAD | Stanford News Service
Trước đây, đa phần cử tri Mỹ gốc Á thường bỏ phiếu “xanh,” và nhiều người Mỹ gốc Á cũng thiên về bầu cho ông Joe Biden trong kỳ bầu cử năm nay. Ý ở đây đa phần nghĩa rằng hầu như tất cả các nhóm cư dân gốc Á trừ người gốc Việt. Một cuộc khảo sát gần đây do các tổ chức vận động - AAPI Data, APIA Vote và Asian American Advancing Justice - thực hiện hồi tháng Chín năm nay cho thấy cử tri gốc Việt có xu hướng bầu cho ông Trump hơn hẳn so với các nhóm gốc Á khác. Cử tri người Mỹ gốc Việt cũng không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ với ông Trump: Người Việt đảng Cộng Hòa đã tổ chức các buổi đại hội MAGA tại Santa Ana, California, và Houston, Texas.
Cử tri gốc Việt trước nay vẫn thiên về phe Cộng Hòa, nên cũng không ngạc nhiên khi họ trung thành với đảng và bầu cho ông Trump. Điều này cũng tương tự trong trường hợp các cử tri gốc Cuba, vốn cũng có thiên hướng bảo thủ hơn các nhóm cử tri gốc Mỹ Latinh khác - có thể do người tị nạn Cuba và Việt Nam đều phải tháo chạy khỏi chế độ cộng sản nên có chung tư tưởng chính trị. Mặc dù vậy, sự lan tràn những thông tin sai lệch trên Facebook và các mạng xã hội khác cũng góp phần đáng kể trong việc củng cố sự ngưỡng mộ dành cho ông Trump và bôi xấu hình ảnh ông Biden.
Một ví dụ điển hình là tờ The Washington Examiner, một tờ báo cực hữu mang nặng định kiến bảo thủ, xuất bản một bài viết ám chỉ rằng ông Biden từng cho rằng Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Tuy nhiên, bài viết này trích lời ông Biden không đúng ngữ cảnh. Năm 1975, ông Biden muốn phân biệt rõ giữa việc cứu giúp người tị nạn Việt Nam rời khỏi đất nước và việc hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ. Ông ủng hộ đề xuất thứ nhất nhưng phản đối đề xuất thứ hai. Ông luôn bám sát vào quan điểm cốt lõi chống chiến tranh vốn đã giúp ông thắng cử, và nhấn mạnh rằng ông muốn đưa binh sĩ Mỹ trở về quê nhà.
Luận điệu rằng ông Biden “không quan tâm đến” người Việt vì ông bỏ phiếu phản đối Dự luật Quốc hội H.R. 6755 năm 1975, hay còn gọi là Đạo luật Di cư và Hỗ trợ Người tị nạn Đông Dương, cũng góp phần hạ thấp uy tín ông Biden và đảng Dân Chủ trong mắt cử tri gốc Việt. Dự luật này được đề xuất bởi ông Peter Rodino Jr. - thuộc phe Dân Chủ thay vì Cộng hòa. Dự luật này mở cửa cho 130,000 người tị nạn từ Đông Nam Á bước chân vào Hoa Kỳ, và trích ra 455 triệu USD nhằm hỗ trợ tái định cư, một khoản tiền tương đương 2 tỷ USD ngày nay. Mặc dù đúng là ông Biden không bỏ phiếu ủng hộ, một điều quan trọng cần phải hiểu là ông cũng không hề bỏ lá phiếu nào liên quan đến dự luật này.
Năm 1975, ông Biden gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại giữa Delaware và D.C - người thân của ông qua đời hồi cuối 1972 và các con trai ông bị thương nặng. Trong khoảng thời gian này, ông Biden dành nhiều thời gian cho gia đình và bỏ lỡ nhiều lượt bỏ phiếu tại Quốc Hội. Với đầy lo toan trong gia đình, không thể nói rằng ông Biden đã phản đối dự luật này. Tuy nhiên, ông Biden lại thuộc Ủy ban Dịch vụ Quốc tế, vốn là nơi xét duyệt cho dự luật này được đưa lên Quốc Hội để bầu. Mỉa mai thay, trái ngược hoàn toàn với thái độ chào đón người tị nạn Đông Nam Á, chính quyền ông Trump lại hạ thấp bảo hộ cho người tị nạn chiến tranh gốc Việt qua việc mở rộng các đối tượng tị nạn bị trục xuất. Chính quyền này đã tiến hành trục xuất hàng ngàn người Việt tị nạn về Việt Nam - mặc dù chính họ đã phải trốn chạy khỏi quê hương 40 năm về trước.
Một khía cạnh trong chiến dịch tranh cử của ông Trump giúp ông củng cố sự hậu thuẫn của cử tri gốc Việt là luận điệu “bài Trung” thẳng thừng. Cộng đồng Việt vốn đã không ưa Trung Quốc do lịch sử đô hộ Việt Nam và sự bành trướng xâm lấn lên đất Việt. Quan hệ hai nước rất căng thẳng, như có thể thấy từ những mâu thuẫn chủ quyền biển đảo, đối kháng tàu bè trên biển và tuyên truyền bài Hoa lan tràn trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Thái độ chống Trung Quốc của ông Trump khiến người Việt cảm thấy họ được đồng cảm.
Nhiều người gốc Việt tin vào luận điệu bài Hoa này và cho rằng ông Trump sẽ chống lại chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên động thái của ông Trump lại thể hiện khác với luận điệu trên: ông từ chỗ cáo buộc Trung Quốc phá hoại nền kinh tế nước nhà đến chỗ ngon ngọt với chủ tịch Trung Quốc tại câu lạc bộ Mar-A-Lago của mình. Sự bất đồng này gây nghi ngại cho nhiều người Mỹ, nhất là khi tờ New York Times tiết lộ ông Trump đóng thuế ở Trung Quốc một khoản gần 200,000 USD, hơn nhiều lần so với con số 750 USD tiền thuế tại Mỹ theo báo cáo đưa ra. Quan hệ của Trung Quốc với ông Trump cũng rất độc đáo - tờ Forbes đưa tin 5.4 triệu USD được chuyển từ một ngân hàng nhà nước sang cho Trump Tower, nơi ông Trump vẫn còn có liên hệ khi trở thành Tổng thống thứ 45.
ĐIều này tiềm ẩn nguy cơ vi phạm Mục 9 trong Hiến pháp Hoa Kỳ rằng viên chức chính phủ không được phép “nhận quà biếu, bổng lộc, chức vụ, tước hiệu ở bất kỳ dạng nào từ bất kỳ Vua, Chúa, hoặc ngoại bang nào” mà không thông qua Quốc Hội. Cũng không có gì cho thấy toàn bộ hoặc một phần lớn lợi nhuận từ các giao thương với Trung Quốc được sung vào công quỹ quốc gia, bởi lẽ năm ngoái chỉ có khoảng 190,000 USD lợi nhuận từ hoạt động với chính phủ nước ngoài được sung vào công quỹ. Thỏa thuận giữa Trump Towers và khách hàng, Ngân hàng Công Thương Trung Hoa, cho thấy ngân hàng này vẫn để địa chỉ tại tòa nhà của ông Trump.
Các chỉ trích của ông Trump đối với Trung Quốc cũng không nhất quán. Ông được cho là đã ưng thuận với việc Trung Quốc bắt giam người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vào trại tập trung, và tuyên bố rằng quan hệ Mỹ - Trung chưa bao giờ tốt hơn, mặc dù vẫn liên tục chỉ trích Trung Quốc kể từ đợt tranh cử năm 2016. Đầu năm nay, ông Trump nhiều lần ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc kiểm soát đại dịch tại Trung Quốc.
Thêm vào đó là động thái “kháng cự” Trung Quốc của ông Trump có đôi lần phản tác dụng. Nhiều cử tri gốc Việt cho rằng ông Trump đang làm tốt do ông đã thiết lập cấm vận và thuế quan thương mại đối với hàng hóa từ Trung Quốc, và tin rằng ngài tổng thống đang tranh đấu với “kẻ bắt nạt” Trung Quốc. Hiện thực đáng buồn là rào cản thuế quan này lại gây tổn thất về kinh tế và thiệt hại cho chính người tiêu dùng Hoa Kỳ và các ngành công nghiệp hơn thay vì hỗ trợ. Sự gia tăng giá cả dồn lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp, nhất là với những đối tượng phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu và các ngành xuất khẩu, vốn đang chịu sự trả đũa từ các quốc gia khác.
Trong khi nhiều cử tri gốc Việt không ngừng lớn tiếng ca ngợi ông Trump, một sự chia tách ngày càng lớn đang xuất hiện trong các gia đình người Việt, khi thế hệ trẻ tỏ ra ủng hộ ông Biden hơn Trump. Cuộc tranh cử gay cấn năm nay làm lộ rõ khoảng cách lớn giữa các bậc cha mẹ bảo thủ và con cái có khuynh hướng thiên tả, không chỉ với người Việt mà với mọi gia đình khắp nước Mỹ. Đối với những cử tri gốc Việt trẻ tuổi như tôi, việc nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình vốn coi trọng các giá trị truyền thống và tính cách bảo thủ là một thách thức lớn, nhưng cần thiết.
Nhiều cử tri gốc Việt không thấy được bức tranh toàn cảnh để ủng hộ cho ứng viên thật sự phục vụ lợi ích cho họ cũng như quốc gia. Góc nhìn hạn hẹp đó ngày càng lộ rõ ở thế hệ người Việt cao niên, vốn vẫn phải lệ thuộc vào nguồn thông tin từ nước ngoài do rào cản ngôn ngữ. Tin tức phiến diện từ cả Việt Nam và các nguồn tin được chuyển ngữ tiếng Việt đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố sự ủng hộ của cộng đồng Việt lớn tuổi và thiên hướng bảo thủ của họ đối với ông Trump. Các trang tập hợp tin tức như Người Thông Dịch và Viet Fact Check xuất hiện như một nỗ lực của giới trẻ gốc Việt nhằm khắc phục sự thiếu hụt thông tin chính xác và phi đảng phái đối với người không thành thạo tiếng Anh.
Sự chia rẽ trong những gia đình gốc Việt sẽ tiếp vẫn tiếp tục - trừ khi ta chỉ ra được rằng hai bên đang không có cùng lối tư duy, một phần do khoảng cách về thông tin. Việc hết sức cần thiết là các trang tin tức phải đưa tin nhiều hơn bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và các ngôn ngữ khác để phục vụ khán giả. Các công ty công nghệ và mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm đánh dấu và kiểm chứng thông tin sai lệch đang lan truyền. Và đối với những cử tri trẻ tuổi, chúng ta phải nhận ra rằng nghĩa vụ công dân của chúng ta không chỉ có việc bỏ phiếu bốn năm một lần. Chúng ta cần quan tâm đến những người xung quanh và khích lệ việc nâng cao nhận thức, giúp cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.
Người dịch: Tom Nguyen
Biên tập: Tri Luong
Comments