top of page

Trong quyển hồi ký mới, Obama đối diện với “nỗi lo chủng tộc” của những người ủng hộ Trump


Cựu tổng thống Obama trước đây đã từng đề cập một cách tế nhị đến sự phẫn uất về vấn đề chủng tộc mà người tiếp ngôi ông thường bày tỏ.


Eugene Scott, ngày 16 tháng 11, 2020

Cựu tổng thống Barack Obama diễn thuyết trước cử tri một ngày trước ngày bầu cử trong tháng 11 tại Atlanta. Ảnh: Brandon Bell/Reuters)


Cựu tổng thống Obama trước đây đã từng đề cập một cách tế nhị đến sự phẫn uất về vấn đề chủng tộc mà người tiếp ngôi ông thường bày tỏ. Một ví dụ điển hình là khi ông tỏ vẻ tán thành một bài viết mà tờ Washington Post đã đăng. Tác giả của bài viết bày tỏ ý kiến này là những cựu nhân viên người da Đen trong chính quyền của ông Obama. Họ chỉ trích tổng thống Trump khi ông nói với những nhà lập pháp người Mỹ da màu thường hay phê bình ông là họ nên “quay về” chốn cũ của mình.


“Tôi luôn tự hào với những gì mà đội quản trị này đã đạt được trong chính quyền tổng thống của tôi,” đây là những lời Obama đã tweet khi chia sẻ bài viết bày tỏ ý kiến về những lời lẽ mà Trump đã dùng khi nói đến nữ đại biểu Ilhan Omar của tiểu bang Minnesota, một người Mỹ gốc Somali, cùng với các thành viên khác trong “Tiểu đội” (“the Squad”), một nhóm với bốn nữ đại biểu quốc hội da màu theo tư tưởng cấp tiến. “Nhưng không chỉ tự hào với những gì chúng tôi đã làm được, tôi tự hào với cách họ tiếp tục đấu tranh cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn.”

Obama ít khi phát biểu về việc hàng triệu người dân Mỹ ủng hộ Trump và quan niệm của ông bởi vì nỗi lo chủng tộc của riêng họ. Tuy nhiên, trong quyển hồi ký sẽ được xuất bản vào thứ ba, Obama nói rõ về cách mà quan niệm phân biệt chủng tộc của hàng triệu người Mỹ đã tạo nên một nền tảng để giúp Trump thắng cử.


Sau khi cử tri bầu cho Obama trở thành người da Đen đầu tiên lãnh đạo Hoa Kỳ, nỗi lo âu của hàng triệu người dân Mỹ về chiều hướng của đất nước đã tạo cho Trump một con đường đi đến tòa Bạch ốc khi ông cố làm dịu đi những lo âu về một nước Mỹ đang thay đổi. Có hàng ngàn người Mỹ tuy đã từng ủng hộ Obama nhưng sau này lại ủng hộ người hay phê bình ông nhất.


Trong cuốn “Vùng Đất Hứa,” Obama có viết:


Dường như sự hiện diện của tôi trong tòa Bạch ốc đã gây ra một sự hoảng loạn sâu kín, một ngộ nhận rằng sự sắp đặt vốn dĩ được cho rằng tự nhiên giờ đã bị làm rối loạn. Đây chính xác là điều mà Donald Trump đã thấu hiểu khi ông bắt đầu đưa ra những lời khẳng định bảo rằng tôi không phải được sinh ra ở Hoa Kỳ và vì vậy tôi không phải là một tổng thống chính đáng. Đối với hàng triệu người Mỹ hoảng hốt vì một người đàn ông da Đen ở tòa Bạch ốc, Trump là một dược phẩm làm xoa dịu nỗi lo chủng tộc của họ.


Một cuộc khảo sát nổi tiếng trong năm 2017 sau khi Trump đắc cử kiểm chứng cho quan điểm của Obama. Theo Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công lập (Public Religion Research Institute), gần như một nửa số cử tri giai cấp công nhân da Trắng - có thể nói là thành phần cốt lõi trong những người ủng hộ Trump - bày tỏ những lo ngại về cách mà nước Mỹ đã thay đổi khiến họ cảm thấy rằng mình là người lạ ở chính đất nước mình. Và gần như là 7 trong 10 người Mỹ chia sẻ rằng nước Mỹ đang trong nguy cơ mất đi văn hóa của nó. Trump cũng có những cách nhìn này, và ông đã đề cập đến nó trong những ngày đầu tiên khi bắt đầu chiến dịch tranh cử để thuyết phục những người ủng hộ ông rằng chính ông, và chỉ riêng ông, mới có thể đối mặt với những lo sợ này.


Những người theo tư tưởng cấp tiến, bao gồm những chính trị gia, thường hay cho rằng những người ủng hộ Trump bị thu hút bởi hình ảnh của nước Mỹ mà Trump vẽ ra là vì họ có những tư tưởng kỳ thị chủng tộc riêng của mình. Tuy nhiên, đây không phải là cách mà Obama đã thường hay nhìn nhận sự việc. Không rõ lý do vì sao. Có thể ông muốn dành giữ phân tích về người Mỹ này cho cuốn sách của ông. Hay có thể là ông hiểu rằng nếu nói ra rằng chính tư tưởng phân biệt chủng tộc đã khiến cử tri ủng hộ Trump thì sẽ đẩy xa họ ra khỏi tân tổng thống Joe Biden, người từng làm phó tổng thống cho Obama và là người đã lập ra một chiến dịch tranh cử tổng thống với một niềm tin rằng ông có thể thuyết phục một số người đã từng ủng hộ Trump để họ không bầu cho ông ấy lần này. Nhưng, trong quyển hồi ký đầu tiên của ông từ khi rời khỏi chức tổng thống, Obama nói đến sự hiện diện của tư tưởng phân biệt chủng tộc trong tư duy và có thể cả trong lòng của cử tri Mỹ một cách mà không có cựu tổng thống nào đã từng nói đến.


Điều này đáng chú ý tới vì một số lý do khác nhau - trong đó có một cách nhìn phổ biến là chủ nghĩa Trump chưa đến hồi kết chỉ vì Trump đã thất cử. Vì thế, những giá trị của cá nhân và những lo sợ mà đã khiến hàng triệu người ủng hộ tổng thống Trump có thể bị lạm dụng để giúp những ứng cử viên khác trong tương lai. Một lý do khác vì sao việc Obama nói đến sự lan khắp của nạn phân biệt chủng tộc trong cộng đồng người Mỹ đáng chú ý là bởi vì chưa từng có một vị tổng thống Mỹ nào có thể nói đến vấn đề này một cách mà chỉ có Obama có thể, bởi vì ông đã trải nghiệm được tác động của rất nhiều lý tưởng mang tính kỳ thị chủng tộc của nước Mỹ mà chưa ai khác đã trải nghiệm qua.


Đối với một số học giả, việc một người đàn ông da Đen đắc cử tổng thống đã đánh dấu cho sự khởi đầu của một nước Mỹ không còn kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên, việc Trump đắc cử đã đánh dấu cho một thực trạng hoàn toàn đối lập, và đây có thể là một thời điểm để con người bắt đầu không ngượng ngùng tôn vinh một nền chính trị dựa trên danh tính người da Trắng mà chưa từng thấy được trong tầng lớp chính phủ cao nhất vào một số thập niên trở lại đây. Khi Obama trực tiếp nêu rõ ra những vấn đề này, ông có thể khiến một số người Mỹ tự suy ngẫm và xem qua một quan điểm mà có thể họ sẽ không xem qua nếu nó đến từ bất kỳ ai khác ngoài một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất Hoa Kỳ.


Biên dịch: Khang Tôn

Biên tập: Khanh (Vy) Le

Commentaires


bottom of page