top of page

Nhiệm kỳ hai cho Trump và hy vọng đến từ cử tri gốc Việt

Với nhiều bất lợi trong các cuộc thăm dò ý kiến hiện tại, nhóm cử tri Hoa Kỳ gốc Việt có khả năng định đoạt nhiệm kỳ thứ hai của Trump qua kỳ bầu cử sắp đến.


Ý kiến của Baoky Vu ngày 6 tháng 8 năm 2020



Baoky Vu


(CNN) Ngày bầu cử chỉ còn chưa đến 100 ngày, và Tổng Thống Donald Trump đang gặp nhiều bất lợi trong các cuộc thăm dò ý kiến trên toàn quốc. Một lần nữa, ông lại thể hiện sự điêu luyện trong việc gieo rắc sự bất hòa và gây chia rẽ đất nước nhằm đánh lạc hướng dư luận Hoa Kỳ khỏi việc thiếu trách nhiệm trong cương vị lãnh đạo xuyên suốt quá trình diễn ra đại dịch.


Một trong những điều đánh lạc hướng khả thi đó là gì? Ông cho đóng cửa lãnh sự quán Trung Hoa ở Houston, và Trung Quốc đã trả đũa tương tự bằng cách đóng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô. Trong số các nhóm cử tri ủng hộ Trump, những cử tri công dân Mỹ gốc Việt với nhiều cá nhân mang tư tưởng bài Trung Cộng -- việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc là điều những cử tri này đang rất mong đợi.


Các công dân Hoa Kỳ gốc Việt, đặc biệt thành phần ở độ tuổi trên 50 là những cử tri trung thành của đảng Cộng Hòa qua nhiều thập niên. Trên thực tế, theo như Quỹ Giáo dục và Bảo Vệ Pháp Lý Người Mỹ gốc Á (Asian American Legal Defense and Education Fund), công dân Mỹ gốc Việt có khuynh hướng bảo thủ nhất trong cộng đồng Hoa Kỳ gốc Á. Trong khi chỉ một phần ba cộng đồng gốc Việt bầu cử cho Trump vào năm 2016, đến 54% đã bầu cử cho Thượng nghị sĩ Mitt Romney vào năm 2012 và 67% ủng hộ cho cố nghị sĩ John McCain vào năm 2008.


Sự suy giảm ủng hộ đối với đảng Cộng Hòa là hệ quả của hai yếu tố chính: thứ nhất là sự hoà nhập và phát triển giữa các sắc dân khác nhau. Thứ hai, với việc hạ màn của chiến tranh lạnh, sự quan tâm đến các đường lối đối ngoại đã dần được thay thế bằng các chính sách ưu tiên quốc nội và các vấn đề xã hội.


Nhưng đến thời điểm này, dựa vào nghiên cứu của tổ chức bầu cử người Mỹ gốc châu Á và Thái Bình Dương (American Pacific Islander American Vote (APIAVote)), cộng đồng gốc Việt độ tuổi dưới 50 ngày càng xa cách với đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, các cử tri cao tuổi vẫn trung thành ủng hộ các ứng cử viên thuộc Đảng Cộng Hòa, đặc biệt là đối với Donald Trump. Thực tế rằng, các cuộc thương chiến và gia tăng căng thẳng quân sự từ chính quyền Trump đối với Trung Quốc suốt bốn năm qua ngày càng đẩy những cử tri cao tuổi trên đến gần với Trump hơn. Nhiều cử tri xem Trung Cộng là một mối hoạ, và Trump là một nhà lãnh đạo dám đứng lên đối đầu với sự bành trướng của Bắc Kinh.


Trong khi ảnh hưởng chính trị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể không giữ một vị thế quan trọng trong tổng thể bức tranh chính trị Hoa Kỳ, chúng ta vẫn nên chú tâm đến nơi mà những cử tri này sinh sống. Dữ liệu từ tổ chức American Pacific Islander American Vote cho thấy ngoài 780,000 cử tri gốc Việt ở California -- gần 40% dân số gốc Việt ở Hoa Kỳ, còn lại khoảng 300,000 đang sinh sống tại Texas, gần 65,000 tại Georgia và gần 85,000 sống tại Florida.


Khi Texas, Georgia và Florida sẽ là các tiểu bang chiến trường trọng yếu trong kỳ bầu cử 2020, các cử tri gốc Việt sẽ là một nhân tố quan trọng quyết định số phiếu chênh lệch vào tháng 11 này. Trump sẽ đánh vào sự thù hận sâu sắc của các cử tri gốc Việt cao tuổi đối với chính phủ Trung Quốc, cùng với sự bất tin vào đảng Dân Chủ nhằm tăng tỉ lệ chiến thắng ở các tiểu bang trên.


Trước tiên chúng ta cần xác định rõ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong trang sử và ý thức hệ của nhiều các thế hệ người Việt hải ngoại. Tự bao đời trong tâm trí của những thế hệ lão làng người Việt, Trung Quốc luôn được xem như một kẻ thù truyền kiếp. Phần lớn những điển cố lịch sử người Việt luôn kể về quá trình đấu tranh bảo vệ bờ cõi của cha ông trước kẻ thù phương Bắc. Một trong những vị anh hùng lịch sử nổi tiếng mà ai cũng biết chính là Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa năm 40 như một minh chứng hùng hồn nhất cho sự bất mãn dẫn đến xung đột quân sự của hai quốc gia. Trong nửa đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng đã thành công khi quyết định đứng lên dựng cờ khởi nghĩa chống lại âm mưu đồng hóa dân Việt hiểm độc từ triều đình nhà Hán. Tuy nhiên, triều đình nhà Hán về sau điều động một lực lượng quân đội hùng hậu để đàn áp. Lực bất tòng tâm, Hai Bà Trưng dù không thể chống đỡ nổi nhưng theo truyền thuyết, hai người thà tự vẫn quyên sinh chứ không chịu nhục lao tù từ kẻ thù.


Vào thời cận đại, sự đau đớn cùng cực khi miền Nam Việt Nam bị bức tử 40 năm về trước do Cộng Sản miền Bắc thực hiện dưới sự giúp đỡ tận tình người anh cả Trung Cộng, nhiều thế hệ người Việt quốc gia tị nạn tại Hoa Kỳ vẫn mang trong tâm trí một định kiến rằng chính Quốc Hội Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ lãnh đạo đã phản bội miền Nam trong giờ phút đen tối nhất (1973-75). Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lài sự thất bại về quân sự không thể chối cãi của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam vốn là một cánh tay nối dài của Cộng Sản Bắc Việt.


Tuy nhiên, có một sự thật phũ phàng rằng thất bại quân sự trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lại tạo tiền đề cho chiến thắng chính trị có lợi cho Cộng Sản Bắc Việt về sau. Sau khi chứng kiến diễn tiến của trận Mậu Thân, phong trào phản chiến nổ ra dữ dội hơn tại Hoa Kỳ gây ra áp lực chính trị rất lớn lên chính quyền đương nhiệm của Nixon, đặc biệt là trong thời điểm tái tranh cử tổng thống 1973. Trước sức ép như vậy, Nixon đã đi đến quyết định ép miền Nam Việt Nam phải ký vào Hiệp Định Paris 1973 nhằm vẽ ra một đường rút lui trong danh dự cho sự tham chiến của quân đội Hoa Kỳ. Và có lẽ số phận của Việt Nam Cộng Hòa đã được an bài khi hai sự kiện chính trị chấn động Hoa Kỳ là vụ xung đột dầu hỏa giữa Mỹ và các quốc gia Ả Rập cùng với vụ Watergate đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp tổng thống của Nixon. Hành pháp lúc bấy giờ nằm trong sự kiểm soát của đảng Dân Chủ đã quyết định cắt giảm mọi hỗ trợ về kinh tế lẫn quân sự cho chính quyền Sài Gòn.


Vì lý do đó, quân đội Miền Nam đã không còn đủ trang thiết bị quân sự cho quốc phòng, dẫn đến sự suy sụp của cả hệ thống chính quyền Sài Gòn với dấu chấm hết là sự đầu hàng trước Bắc Việt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Với vết thương lịch sử quá tàn nhẫn như vậy, nhiều người Việt Quốc Gia tại Hoa Kỳ đã bị mua chuộc bởi sự dàn dựng khéo léo từ “màn kịch” xung đột chính trị giữa chủ nghĩa Tư Bản và Cộng Sản do Trump nắm vai trò đạo diễn.


Ở thời điểm then chốt lúc này, thế hệ trẻ của người Việt Quốc Gia vẫn nối bước cha ông tiếp tục công cuộc tranh đấu cho tự do. Điển hình là họ đã thành lập nhiều tổ chức tranh đấu mà tiêu biểu là hai tổ chức The Progressive Vietnamese American Organization (PIVOT) và tổ chức Union of North American Vietnamese Student Associations (UNAVSA). Hai tổ chức này được thành lập với mục tiêu cổ xúy cho dân quyền và khuyến khích việc tham gia chính trị trong công chúng. Họ tranh đấu chống lại những vấn đề bất cập trong cuộc sống như công lý, quyền lợi bảo hiểm sức khỏe ở mức giá phải chăng, và một xã hội tư bản giàu tình người hơn. Tuy nhiên, sự ủng hộ gần như tuyệt đối của thế hệ cha ông dành cho Trump vẫn không có chiều hướng lung lay.


Tệ hại hơn nữa là thế hệ cha ông còn không buồn nhìn nhận sự thật rằng việc chính quyền Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một nước cờ chính trị sai lầm. TPP là một sự liên minh kinh tế giữa 11 quốc gia trong vùng Châu Á Thái Bình Dương với mục tiêu tạo dựng một thế lực kinh tế đủ sức đương đầu với sức ép kinh tế-chính trị đến từ Trung Quốc vốn đang được quốc gia này dùng như một công cụ gây sức ép trên chính trường thế giới. Tiếc rằng tổng thống Trump đã ký quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định này mặc dầu mỗi quốc gia còn lại vẫn ra sức đề ra một đường hướng thương mại riêng. Thêm vào đó, tổng thống Trump còn làm suy yếu sự hợp tác an ninh giữa Hoa Kỳ và khối NATO, là tổ chức liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương với mọi thành quả đều có sự cống hiến và hy sinh không hề nhỏ từ Hoa Kỳ trong suốt 75 năm tính đến thời điểm hiện tại. Lỗ hổng từ liên minh Hoa Kỳ - NATO tạo ra bàn đạp cơ hội cho Nga và Trung Quốc bành trướng sự ảnh hưởng của mình lên thương mại và an ninh thế giới.


Tháng 11 đang cận kề, người Mỹ sẽ chứng kiến Trump dùng cách nào để có được sự tín nhiệm của cử tri người Mỹ gốc Việt cao tuổi và ngay cả những cử tri người Việt thế hệ trẻ. Tuy tôi không có máu cờ bạc nhưng tôi xin cược rằng cử tri người Việt cao niên sẽ vẫn trung thành với Trump. Đó thật sự là một điều đáng tiếc vì sau khi đặt chân lên bến bờ tự do từ thập niên 70, đến bây giờ, tư tưởng của các bậc cao niên vẫn chưa tìm được lối thoát khỏi gông cùm tù tội của lịch sử mà chính họ từng trải qua.


Translation by Tri Luong & Q.

Copyedited by Phố

Comentários


bottom of page