Đức tin có tác động rất lớn lên sự nghiệp chính trị lâu dài của Biden, vị Phó Tổng thống Công giáo đầu tiên của Hoa Kỳ và có khả năng trở thành Tổng thống Công giáo đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ
Julie Zauzmer và Sarah Pulliam Bailey, ngày 7 tháng 8, 2020
Translated from The Washington Post article Trump said Biden ‘hurt God.’ Biden has spent his life drawing from his Catholic faith
Joe Biden bắt tay với Đức Giáo hoàng Francis tại Vatican vào tháng 4/2016, khi ông đến thăm với tư cách là diễn giả chính tại một hội nghị y tế. (Ảnh: Andrew Medichini/AP)
Khi Đức Giáo hoàng Francis thăm Hoa Kỳ vào năm 2015, người đứng đầu phái đoàn tiếp đón ngài lúc đó là Phó Tổng thống Joe Biden. Biden tháp tùng Francis tới hầu hết các nơi ngài thăm viếng, từ Washington tới Philadelphia. Phó Tổng Thống Biden đã ca ngợi Francis là “nhân vật được yêu thích nhất trên toàn thế giới” khi chủ trì buổi lễ tiễn biệt Đức Giáo hoàng.
Thế mà tuần này, Trump vẽ lên một bức tranh rất khác về Biden, chế nhạo đối thủ đảng Dân chủ là một kẻ căm thù tôn giáo. “Tước đi súng ống, tước đi cả Tu chính án thứ Hai. Không còn tôn giáo, chẳng còn gì nữa,” Trump bình luận về Biden vào Thứ Năm 6/8. “Làm tổn thương Kinh thánh. Tổn thương Chúa. Chống lại Chúa. Chống lại súng ống. Ông ta chống đối sức sống của chúng ta.”
Đức tin có tác động rất lớn lên sự nghiệp chính trị lâu dài của Biden, vị Phó Tổng thống Công giáo đầu tiên của Hoa Kỳ và có khả năng trở thành Tổng thống Công giáo đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ.
Dù có bất đồng với mục tiêu chính trị của một số nhóm tôn giáo, bao gồm cả Giáo hội Công giáo, Biden vẫn thể hiện sự hiểu biết của mình về những nhóm người này.
Biden hầu như luôn mang theo chuỗi Mân côi trong túi và thường cầm trên tay, cả khi ông theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt Osama Bin Laden năm 2011. Những bài viết và diễn thuyết của ông nói về đức tin đã giúp ông vượt qua nỗi đau mất người vợ đầu tiên và con gái nhiều năm trước và gần đây là con trai Beau.
Tuy từ chối lời mời phỏng vấn, Biden đã lên tiếng chỉ trích lời tấn công của Trump là “đáng hổ thẹn”, và rằng đức tin của ông là “nền móng của cuộc đời tôi.”
Như John F. Kennedy, vị Tổng thống Công giáo duy nhất tới nay, Biden đã bị cả phe cánh tả lẫn cánh hữu công kích vì những quan điểm chính trị liên quan đến tôn giáo của ông, đặc biệt là về vấn đề phá thai.
Một số giám mục Hoa Kỳ, trong đó có cả vị giám mục ở nơi Biden sinh ra, đã tỏ ý không chấp nhận cho Biden rước lễ ở các nhà thờ Công giáo vì ông ủng hộ hợp pháp hóa phá thai. Các trường học Công giáo cũng cấm ông tới phát biểu.
Mặt khác, một số đảng viên Đảng Dân chủ lại phản ánh rằng ông chưa kêu gọi hợp pháp hóa phá thai đủ quyết liệt, nhất là khi ông đã từng ủng hộ Tu chính án Hyde ngăn liên bang tài trợ cho hoạt động phá thai hàng năm trời.
Khi Biden chung sức giúp Đạo luật Bảo hiểm Y tế Toàn dân được thông qua, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã chỉ trích điều luật yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bảo hiểm tránh thai cho người lao động, bởi nó đi ngược lại với tư tưởng của Giáo hội Công giáo.
Sơ Carol Keehan, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Công giáo vào lúc đó, nói rằng Biden đã trao đổi với một số giám mục và cố làm cầu nối giữa các nhà lãnh đạo Công giáo và Tòa Bạch Ốc để đạo luật được thông qua.
Sơ Simon Campbell, một nữ tu sĩ hoạt động xã hội, nhận xét rằng hơn bất kỳ ai trong Tòa Bạch Ốc, Biden thực sự hiểu rõ và bỏ nhiều công sức giải quyết những lo ngại của các giám mục về đạo luật. Theo Campbell, thái độ của Biden “không tới mức ‘đồng cảm’” với góc nhìn của các giám mục, mà “thực tế thì đúng hơn”. Dù vậy, sự thấu hiểu về quan niệm Công giáo của vị Phó Tổng thống cũng rất có ích.
Biden gần đây cho biết nếu đắc cử, ông sẽ khôi phục chính sách đã tồn tại trước khi phán quyết về Hobby Lobby được đưa ra: miễn trừ nhiệm vụ cung cấp thuốc tránh thai với các nhà thờ và hỗ trợ một phần cho các tổ chức phi lợi nhuận của tôn giáo.
Michael Wear, từng đại diện cho Obama tiếp cận các nhóm tôn giáo, cho biết nếu Biden trở thành tổng thống, "sẽ có những khác biệt thực sự về quan điểm" giữa những chính sách nền móng của ông và của Giáo hội Công giáo. Nhưng những khác biệt đó, ông nói, "không phải vì đối kháng, cũng không phải vì thiếu thấu hiểu."
Người Công giáo, chiếm gần 1/4 số cử tri, trong lịch sử đã có nhiều chia rẽ về mặt chính trị, trong đó người Công giáo gốc Latin ủng hộ Đảng Dân chủ và người Công giáo Da trắng nghiêng về Đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 7 cho thấy Biden đang dẫn trước Trump trong số phiếu của các cử tri Công giáo, 52% so với 47%.
Người Công giáo Da Trắng không ủng hộ Trump bằng những người Da Trắng theo đạo Tin lành, nhóm này cũng chống phá thai.
Linh mục Frank Pavone, một người ủng hộ Trump và lãnh đạo nhóm bảo thủ Priests for Life (Linh mục vì Sự sống), nói rằng nhiều người Mỹ theo Công giáo có thể đồng ý với Trump rằng Biden "chống Chúa".
“Ông ta tự xưng mình là một người Công giáo sùng đạo nhưng vẫn chấp nhận các chính sách trái với đức tin Công giáo,” Pavone, người đã viết một bức thư cho Biden nói rằng ông không thể theo Công giáo trong khi bảo vệ quyền phá thai. "Mặc dù Biden không nói, ‘Hãy bãi bỏ đức tin’, nhưng những gì Trump đang nói cũng không phải cường điệu.", trích lời Pavone.
Ngược lại, Rocco Palmo, biên tập viên của Whispers in Loggia, một trang web tin tức về Công giáo, đã đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa việc ủng hộ quyền sở hữu súng của Trump và niềm tin tôn giáo, trong khi các giám mục Công giáo đã lên tiếng nhiều lần về sự cần thiết của việc hạn chế súng ống.
"Một số người Công giáo sẽ nói, ‘các người không có quyền bảo ai theo đạo ai không’" Palmo phát biểu. “Và từ lúc nào chính phủ có vai trò đó? Các giám mục mới là những người có thẩm quyền giảng dạy đức tin chứ không phải tổng thống Hoa Kỳ. ”
Quan điểm đưa đức tin vào hoạch định chính sách của Biden không giới hạn trong vấn đề phá thai. Campbell đã ngạc nhiên rằng khi Obama giao cho Biden nhiệm vụ phụ trách một chuyên ban kiểm soát súng vào năm 2013, Biden đã triệu tập một cuộc họp với các nhà lãnh đạo tín ngưỡng - vốn không phải nhóm cử tri tiêu biểu - để giúp ông lên ý tưởng. Ông cũng làm phó chủ tịch trong nhóm giáo sĩ Vòng tròn Bảo vệ (Circle of Protection) để phản đối việc cắt giảm ngân sách do Chủ tịch Hạ viện lúc bấy giờ là Paul D. Ryan (R-Wis.) thúc đẩy.
Joshua DuBois, người lãnh đạo Văn phòng Hợp tác giữa Chính phủ và Các Tổ chức Cộng đồng của chính quyền Obama, nói rằng trong hoàn cảnh thích hợp, Biden - người được dưỡng dục và giáo dục hoàn toàn trong môi trường Công giáo - dễ dàng mở lòng về đức tin của mình. Trong lúc chuẩn bị một chuỗi buổi phỏng vấn trên radio cho Biden vào Ngày của Cha, DuBois không thể "bước vào cửa mà không nghe ông ca ngợi tình yêu Chúa ban tặng như người cha thiên thượng của mình,” Dubois nói. “Ông ta cảm thấy yếu tố quan trọng nhất trong đức tin của ông có là trao lại tình yêu đó cho những đứa con mình.”
Mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và Tòa thánh Vatican đã không mấy suôn sẻ kể từ khi Trump đắc cử vào năm 2016. Đức Giáo hoàng Francis đã nhiều lần chỉ trích Trump, bao gồm cả việc gọi ông là “không phải con chiên”. Trump phản pháo, gọi những lời của Giáo hoàng là “đáng hổ thẹn”.
Ban vận động tranh cử của Biden và các thành viên Đảng Dân chủ theo Công giáo từng làm việc với ông nói rằng Biden sẽ hàn gắn lại mối quan hệ này. Trong một cuộc điện đàm vào đầu năm nay với các nhà lãnh đạo Công giáo, Trump tự gọi mình là “[tổng thống] tốt nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo,” theo tin từ tờ báo Công giáo trực tuyến Crux.
Campbell, nữ tu đã vận động cho Obamacare, nhớ lại niềm vui của gia đình cô khi Kennedy thắng cử vào năm 1960, mặc dù một số quan điểm chính sách của ông có xung đột với nhà thờ.
Nếu Biden trở thành người Công giáo thứ hai trong Tòa Bạch Ốc, Campbell nói, "Chuyện đó đáng tự hào."
Người dịch: Ren Đinh & L. Tạ
Người biên tập: K. Tran
Comments