top of page

Phân tích: Trump và cuộc chiến bầu cử qua thư

Bắt đầu ở Mỹ từ thời Nội Chiến khi các quân nhân phải xa nhà, bầu cử qua thư đã trở nên phổ biến hơn trong các cuộc bầu cử gần đây. Bầu cử qua thư dự kiến sẽ gia tăng đáng kể vào tháng 11 sắp tới bởi người dân muốn tránh đến các điểm bỏ phiếu do lo ngại lây nhiễm coronavirus. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump, người đang cố gắng để được tái đắc cử đề xuất trì hoãn cuộc bầu cử cho đến khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt hơn; nhiều người theo Đảng Cộng hòa cũng phản đối việc trao quyền được bầu qua thư cho tất cả mọi cử tri. Việc bầu cử được thi hành theo thẩm quyền cấp tiểu bang, do đó, cuộc tranh chấp về bầu cử qua thư đang diễn ra tại thủ phủ các tiểu bang cũng như tòa án trên cả nước.


Ryan Teague Beckwith, ngày 30 tháng 6, 2020


Translated from Bloomberg article Trump’s Fight Against Voting by Mail, Explained


1. Tiểu bang nào cho phép bầu cử qua thư?


Tại những tiểu bang có chính sách mở rộng bậc nhất nước Mỹ - là California, Colorado, Hawaii, Oregon, Utah, Vermont và Washington - tất cả cử tri sẽ tự động nhận được phiếu bầu qua thư; phần lớn những tiểu bang này thậm chí còn thanh toán cả bưu phí cho hồi đáp của cử tri. Tại Missouri, Mississippi và Texas lại là một câu chuyện trái ngược hoàn toàn: Bỏ phiếu vắng mặt chỉ dành riêng cho những ai nêu ra lý do đã được chấp thuận sẵn như vắng mặt khỏi địa phương trong Ngày Bầu cử, đang thi hành trách nhiệm hội thẩm (“jury duty”), hoặc người tàn tật, cao tuổi hay đang thi hành án tù. Tại các tiểu bang khác, cử tri muốn bỏ phiếu qua thư phải yêu cầu trước một lá phiếu “vắng mặt” (“absentee”), nhưng họ không cần phải cung cấp lý do cho lá phiếu này hoặc đơn giản chỉ cần bày tỏ lo ngại về coronavirus. Vì nhiều tiểu bang còn đang dò xét lại chính sách bầu cử, các thông tin trên có thể còn nhiều thay đổi cho đến Ngày Bầu cử.


2. Còn những gì cần được giải quyết?


Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 150 vụ kiện về quy chế bầu cử qua thư được đệ trình ở ít nhất 41 tiểu bang. Chính sách và thủ tục cụ thể về bầu cử thay đổi khác nhau theo các tiểu bang. Chẳng hạn như 31 tiểu bang yêu cầu đối chiếu chữ ký trên bao thư phiếu bầu với chữ ký mẫu lưu sẵn trên hồ sơ, trong khi 6 tiểu bang khác và Đặc khu Columbia (Washington, D.C) cũng yêu cầu chữ ký nhưng lại không thực hiện khâu đối chiếu chữ ký. 3 tiểu bang yêu cầu lá phiếu phải được công chứng. Trong khi đó, Alabama yêu cầu một bản sao của thẻ cử tri cùng với chữ ký từ 2 nhân chứng hoặc từ 1 công chứng viên.


3. Cộng hoà - Dân chủ, xung đột ở đâu?


Nhìn chung, phe Cộng hòa muốn siết chặt trong khi phe Dân chủ muốn nới lỏng quy định bầu cử qua thư (theo quan niệm thông thường, số lượng cử tri càng cao càng có lợi cho phe Dân chủ vì nó tương đồng với việc càng có nhiều cử tri thuộc nhóm không phải da trắng và thu nhập thấp tham gia bầu cử). Tại Minnesota, nhiều tổ chức như NAACP (“Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu”) và League of Women of Voters (“Hội cử tri phụ nữ”) đang thách thức điều kiện bắt buộc phải có một nhân chứng hiện diện khi cử tri điền vào lá phiếu qua thư. Khiếu nại pháp lý của NAACP cho rằng yêu cầu này “là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe [của những người sống đơn thân] vì nguy cơ COVID-19.” Trong một vụ kiện khác tại Pennsylvania, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa muốn đảm bảo tất cả phiếu bầu được viết vào phải được giao trực tiếp hoặc qua thư đến thẳng các hội đồng bầu cử cấp hạt, và không cho phép thu gom các lá phiếu từ những địa điểm khác như trung tâm mua sắm, viện dưỡng lão, trường đại học và chính quyền địa phương. Họ cũng muốn loại bỏ tất cả những lá phiếu không được cho vào phong bì trống bên trong bao thư chuyển phát (để đảm bảo tính ẩn danh của cử tri), và cho phép sự hiện diện của giám sát viên tại “tất cả các địa điểm thu hồi phiếu bầu vắng mặt hoặc qua thư.”


4. Liệu tranh chấp có được giải quyết trước cuộc bầu cử tháng 11 này?


Có thể không. Nếu kết quả bầu cử quá sít sao không phân định được thắng thua, có thể mất vài ngày, nếu không là vài tuần, để kiểm xong số phiếu bầu qua thư nhằm xác định người đắc cử. Đồng thời, nhiều vấn đề đang trong quá trình tố tụng có thể tái xuất hiện trong các vụ kiện mới cùng với nhiều yêu cầu kiểm phiếu lại. Luật sư bầu cử ở cả hai phía dự kiến sẽ thách thức nhiều lá phiếu cá nhân vắng mặt nhằm loại bỏ chúng khỏi cuộc bầu cử.


5. Bầu cử qua thư liệu có bảo đảm an toàn?


Có ít bằng chứng cho cáo buộc của Trump và nhiều người về gian lận tràn lan trong bầu cử qua thư. Tại Oregon, nơi đã có hơn 100 triệu lá phiếu qua thư của cử tri từ năm 2000 cho đến nay, mới chỉ ghi nhận được khoảng hơn chục các vụ gian lận bầu cử qua thư. Các chuyên gia về bầu cử cho biết đã có sẵn nhiều cơ chế bảo vệ việc bầu cử qua thư nhằm phát hiện những lá phiếu bị trộm và việc làm giả những lá phiếu bầu, như Trump ám chỉ, là cực kỳ khó khăn. Các viên chức bầu cử phát hiện một vụ gian lận bầu cử qua thư khét tiếng nhất từ trước đến nay trong cuộc tranh cử quốc hội tại North Carolina khi họ nhận thấy một số dấu hiệu bất thường như đã nêu trên. Trump cũng đã dẫn chứng nhiều cuộc bầu cử địa phương tại Paterson, New Jersey, để nói lên sự quan ngại của ông. Tuy nhiên, quan chức địa phương khẳng định rằng các trường hợp đó rơi vào nhiều hoàn cảnh đặc biệt rất khó có thể xảy ra trên quy mô quốc gia.


6. Bầu cử qua thư có gây tổn hại cho phía Cộng Hòa?


Có ít bằng chứng ủng hộ cho luận điểm của Trump rằng bầu qua thư “không có kết quả tốt cho phía Cộng hòa.” Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy bầu cử qua thư không hề mang đến lợi thế riêng nào cho phía Dân chủ hay Cộng hòa. Phe Cộng hòa từ lâu đã tận dụng cơ chế bầu cử vắng mặt tại các tiểu bang như Florida và Arizona. Các nghiên cứu cũng đồng thời cho thấy lá phiếu qua thư của nhóm cử tri thường bầu cho Đảng Dân chủ, như nhóm cử tri trẻ, gốc Phi châu và gốc Mỹ La-Tinh, có nhiều khả năng bị từ chối hơn. Tuy nhiên năm nay tình thế có thể sẽ khác, các cuộc thăm dò cho thấy phe Cộng hòa hiện tại đã trở nên hoài nghi hơn về bầu cử qua thư và ít có xu hướng sử dụng cách thức này vào tháng 11. Đây là lần đầu tiên vấn đề này có xu hướng chia rẽ theo đảng phái.


Ryan Teague Beckwith là phóng viên Bloomberg từ 2019.


Translation by Derek Phan

Edited by Helen Nguyen

Comentários


bottom of page