top of page

Từ Juneteenth đến vụ thảm sát chủng tộc ở Tulsa: những điều không được dạy trong lớp học

Updated: Jun 24, 2020

Theo nhận định của các nhà giáo ở Mỹ, lịch sử về nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống và những đóng góp của cộng đồng người da Đen không được đề cập trong sách giáo khoa.

Daniella Silva, ngày 18 tháng 6, 2020


Những ngôi nhà bị đốt cháy trong vụ thảm sát “Black Wall Street” ở Tulsa tại bang Oklahoma vào tháng 6 năm 1921. Oklahoma Historical Society / Getty Images


Sách giáo khoa lớp bốn môn Xã Hội Học ở tiểu bang Connecticut đã xác nhận sai lệch rằng người nô lệ ngày xưa được người Da Trắng đối xử như người thân trong gia đình. Còn sách giáo khoa môn Địa Lý ở tiểu bang Texas thì gọi người người nô lệ gốc Phi là “người lao động.” Ở bang Alabama, cho đến thập niên 70, học sinh lớp 4 đã sử dụng sách giáo khoa có tên “Know Alabama” mà trong đó, cuộc sống đồn điền của người nô lệ đã được miêu tả là “một trong những cách sống hạnh phúc nhất”.

Các nhà sử học và các nhà giáo đã nêu lên rằng, dưới hệ thống giáo dục ở Mỹ, nhiều trẻ em không được dạy về các sự kiện quan trọng trong lịch sử của người Da Đen, như Cuộc thảm sát ở Tulsa hay Juneteenth (ngày 19 tháng 6), ngày đánh dấu sự chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ.

Khi đất nước đang vật lộn với những tranh luận về chủng tộc sau cái chết dưới tay cảnh sát của George Floyd, các nhà giáo đã cho rằng việc quyết định những điều sẽ và chưa được dạy trong lớp học góp phần trong việc xóa bỏ lịch sử về nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ cũng như những đóng góp của người Da Đen và các cộng đồng người da màu khác.

“Hiện tại, chương trình giảng dạy đoàn thể không đề cập đến những thực tế hiện tại của nạn phân biệt chủng tộc mang tính thể chế.” Jesse Hagopian, một giáo viên dạy môn Dân Tộc Học, phát biểu. Hagopian cũng là tác giả của cuốn sách “Teaching for Black Lives.”

“Một sự thật đáng kinh ngạc ở đây là những đóng góp của cộng đồng người Da Đen phần lớn không được nhắc đến trong chương trình học chính thức, và rất nhiều sự thật về nạn phân biệt chủng tộc mang tính thể chế vẫn bị che đậy”, ông nói.

Các nhà sử học đã cho rằng các giáo trình nên chú trọng hơn về việc dạy học sinh tìm hiểu thêm về bản sắc con người cũng như về bản thân và những người khác.

“Các giáo trình học được thiết kế nhằm tôn vinh chủ nghĩa người Da Trắng thượng đẳng,” Julian Hayter, nhà sử học và phó giáo sư tại Đại Học Richmond ở bang Virginia nói, “và rất khó để thuyết phục mọi người rằng các phiên bản lịch sử khác không những nên được truyền thụ, mà còn là thiết yếu trong việc đất nước này có thể tiến gần đến sự hoà giải và quan trọng hơn là sự thật.” LaGarrett King, phó giáo sư môn Giáo Dục Nghiên Cứu Xã Hội tại Đại Học Tiểu Bang Missouri, cho biết mục đích chính của các giáo trình lịch sử trong trường học là thuật lại những sự việc diễn ra trong quá khứ và ở nước Mỹ. Phiên bản lịch sử thông dụng hiện tại được cho là một trong những phiên bản “cấp tiến nhất của đất nước này.”

“Theo cái nhìn tổng quát thì đúng, chúng ta đã phạm sai lầm, nhưng chúng ta đã vượt qua những sai lầm đó vì chúng ta là công dân của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ,” King nói. King là giám đốc sáng lập của Trung Tâm Carter về Giáo Dục Lịch Sử Của Người Da Đen cho Trình Độ K-12 tại trường đại học này.

“Nhưng rất nhiều kiến thức lịch sử đã bị xoá đi để bảo vệ cái phiên bản lịch sử được cho là ‘cấp tiến’ đó,” ông nói.

King cho rằng để bảo vệ phiên bản lịch sử này, những trải nghiệm và sự áp bức đối với người Da Đen, người gốc Latin, người Mỹ bản địa, người Châu Á và các nhóm người thiểu số khác ở Mỹ phần lớn phải bị bỏ qua hoặc cho ra ngoài lề.

“Thế nên, đương nhiên, bạn sẽ không có cơ hội tiếp thu những kiến thức quan trọng về những gì đã xảy ra ở Tulsa. Bạn cũng sẽ không biết gì về vụ đánh bom khu dân cư người Da Đen ở thành phố Philadelphia”, ông nói.

Vào năm 1921 ở Oklahoma, người da Trắng đã đi cướp phá và huỷ hoại Quận Greenword ở Tulsa, nơi mà cộng đồng người Da Đen khá giả sống. Các nhà sử học tin rằng khoảng 300 người Da Đen đã bị giết chết trong cuộc bạo động đó.

Vào tháng 5 năm 1985, cảnh sát Philadelphia đã thả một quả bom vào khu tập thể của MOVE, một nhóm hoạt động giải phóng của người Da Đen, giết chết sáu thành viên lẫn năm đứa con của họ và phá hủy 65 ngôi nhà trong khu phố đó.

Một giai đoạn nữa trong lịch sử của người Da Đen mà thường bị bỏ qua là Mùa hè đỏ. Giai đoạn này kéo dài đến năm 1919 khi một nhóm người da Trắng lưu manh kích động một làn sóng bạo lực chống lại người da Đen ở hàng chục thành phố.

Đối với các cuộc biểu tình chống lại sự bất bình đẳng chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát sau cái chết của Floyd cũng như những người Da Đen khác dưới tay cảnh sát, King nhấn mạnh rằng những phong trào này không phải là mới.

“Cộng đồng người Da Đen đã lên tiếng trong suốt 400 năm vừa qua. Phong trào này không có gì là mới,” ông nó. “Mỗi thế hệ trải qua một thời điểm mà họ sẽ dấy lên những thông điệp như “hãy lắng nghe chúng tôi, hãy lắng nghe chúng tôi” bằng những hình thức biểu tình và phản kháng.

Một phần của vấn đề là xã hội chưa từng quan tâm đến lịch sử đó, ông nói,

“Xét trên nhiều mặt, nếu trường lớp đầu tư giáo dục mọi người về sinh mạng của người da Đen thì chúng ta sẽ không có phong trào Sinh Mạng Người Da Đen Đáng Tôn Trọng làm gì.”

Với tình hình hiện tại, sự kiện Juneteenth vào thứ 6 đã đón nhận nhiều sự chú ý khắp nơi trên nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã thông báo trong một cuộc phỏng vấn vào ngày thứ năm với Wall Street Journal rằng ông sẽ dời buổi vận động lớn cho chiến dịch tranh cử của mình vào thứ Bảy để “thể hiện sự tôn trọng” đối với hai người bạn Da Đen và người ủng hộ gốc Phi của mình.

“Tôi đã làm một điều tốt. Tôi đã làm cho sự kiện này trở nên nổi tiếng. Tôi đã làm cho Juneteenth rất nổi tiếng. Nó thật sự là một sự kiện quan trọng, một thời điểm quan trọng. Vậy mà chưa ai biết về nó,” ông nói, mặc dù chính quyền của ông trước đó đã từng đưa ra những lời tuyên bố việc đánh dấu sự kiện này.

Theo lưu ý của các nhà sử học, Juneteenth được tổ chức ăn mừng tại các cộng đồng người Da Đen trên nước Mỹ trong suốt 155 năm vừa qua.

Ngay cả sau khi quân Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ (Confederacy) đầu hàng và sau khi Juneteenth diễn ra lần đầu tiên, chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng đất trên nước Mỹ. Chế độ này chính thức bị xoá bỏ khi Quốc Hội thông qua Tu Chính Án thứ 13 (13th Amendment) và phê chuẩn vào tháng 12 năm 1865.

Hayter nói rằng lịch sử của người Da Đen và các cộng đồng người Da Màu khác đã “hoàn toàn bị che đậy và xóa đi” trong lớp học.

Ông cũng nêu lên lập luận từ một số người cho rằng việc loại bỏ những bức tượng và biểu tượng của các lãnh đạo Liên Minh miền Nam là tương tự cho việc xóa bỏ lịch sử.

“Vì vậy, khi ai nói bạn lịch sử không thể bị xóa đi, người ấy cứ như không biết mình đang nói gì,” ông nói, “Nếu bạn mở toanh một cuốn sách giáo khoa từ giữa thế kỷ 20, bạn sẽ không thấy một người thiểu số nào trong đó.”

“Những đóng góp của họ cho nền dân chủ nước Mỹ đã hoàn toàn bị bỏ qua,” ông nói.


Hayter cho biết lịch sử của người da màu ở Mỹ chỉ được xem như một câu chú thích cho một câu chuyện lớn hơn, không phải là một phần quan trọng và thiết yếu của lịch sử Mỹ nói chung.


“Chỉ cần chúng ta tiếp tục xem những điều này như một phần phụ lục cho một cái nhìn tổng thể về nước Mỹ thì chúng ta sẽ không làm tròn bổn phận của mình đối với các em học sinh, vì khi làm như vậy, chúng ta đã xếp những lịch sử người Da Màu này vào tầng lớp dưới,” ông nói.


Hagopian đã nói rằng mục đích của cuốn sách “Teaching for Black Lives” là để khám phá những giai đoạn quan trọng trong lịch sử của người Da Đen, và trang bị kiến thức cho các giáo viên trong việc giáo dục các em về những sự kiện này, trong đó có vụ Thảm Sát ở Tulsa.


Ông cũng nói rằng một giai đoạn lịch sử mà nổi tiếng vẫn vắng mặt trong các chương trình học phổ thông là Thời Kỳ Tái Thiết (Reconstruction). Đây là giai đoạn diễn ra sau khi Nội Chiến (Civil War) kết thúc, khi mà những sự bất bình đẳng của chế độ nô lệ đang được tìm lời giải.


“Thời Kỳ Tái Thiết là một trong những giai đoạn thú vị và mang tính cách mạng nhất trong lịch sử Mỹ”, ông nói.


Hagopian nói khoảng thời gian này mặc dù ngắn nhưng đáng được chú ý, vì nước Mỹ đã có những nỗ lực phá bỏ các cấu trúc phân biệt chủng tộc.


“Cộng đồng người Da Đen đã xây dựng hệ thống trường công lập trên toàn miền Nam nước Mỹ. Trong những năm 1860, đã có những trường học dành cho tất cả mọi người bất kể chủng tộc. Những trường học này đã hội nhập chủng tộc với tỷ lệ cao hơn so với nhiều trường học ngày nay. Đây là những ví dụ khó tin về sự trao quyền của người Da Đen,” Hagopian nói. Ông cũng nói thêm rằng trong thời đoạn này, số lượng người Da Đen được bầu lên làm quan chức chính phủ cao hơn so với bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cho đến gần đây.


"Đây là một thời kỳ quan trọng đáng được nghiên cứu,” Hagopain nói. “Nếu chúng ta muốn thoát khỏi tình trạng phân biệt chủng tộc nghiêm trọng như ngày hôm nay, chúng ta cần phải học về các phong trào chống phân biệt chủng tộc mang tính thể chế trong quá khứ.”


Theo Hagopian, điều quan trọng nữa khi truyền đạt kiến thức về các phong trào dân quyền cho các em học sinh là chúng ta không thể chỉ dừng lại ở vài nhân vật nổi tiếng thường được nhắc đến trong sách sử, hoặc trong Tháng Lịch Sử Của Người Da Đen (Black History Month), như Martin Luther King Jr. và Rosa Park.


“Tôi nghĩ rằng một trong những điều quan trọng nhất mà các em nên học là cách những người trẻ tuổi đã giúp định hình sâu sắc lịch sử nước Mỹ cũng như những đóng góp của họ, đặc biệt là của thanh niên Da Đen đối với nước Mỹ,” ông nói.

“Những lịch sử này thường bị xoá đi, song nếu các em biết rằng chính những người trẻ tuổi là những người lãnh đạo cho phong trào dân quyền, các em sẽ nhận ra rằng chính bản thân các em là những cá nhân đầy tiềm năng trong việc biến đổi thế giới bây giờ.”


Daniella Silva là phóng viên của NBC News chuyên viết về các vấn đề nhập cư và hoà nhập, cũng như các tin tức về Châu Mỹ Latin.

Comments


bottom of page