top of page

Vấn nạn do dự tiêm vaccine ngừa COVID tại các nước đang phát triển


Các nhà khoa học lo ngại rằng những người chưa được tiêm vaccine có thể là nguồn gốc cho các loại biến chủng mới, như là Omicron.

By Smriti Mallapaty, on 22-12-2021, 12:00:00

Một liều vaccine được cấp phép tại Kathmandu, Nepal. Nguồn: Dipendra Rokka/ Ảnh của SOPA/LightRocket/Getty Do dự trong việc tiêm vaccine COVID-19 từ lâu đã được xem là một vấn đề tại các quốc gia thu nhập cao và trung bình. Nhưng tại một số nước nghèo nhất trên thế giới, những hạn chế trong việc tiếp cận với vaccines đã trở thành một trở ngại lớn hơn rất nhiều. Giờ đây các nhà nghiên cứu cho rằng, khi mà các liều vaccine đang từ từ được chuyển tới, việc chống đối tiêm vaccine đang dần trở thành một vấn đề lớn tại các quốc gia này. Các nhà khoa học lo ngại rằng những người khăng khăng không chịu tiêm vaccine trên khắp thế giới sẽ tạo ra nguy cơ lớn hơn cho sự xuất hiện của các biến chủng mới, như Omicron. Jeffrey Lazarus, một nhà nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, Tây Ban Nha, cho hay: “Khi có càng nhiều sự lây nhiễm cộng đồng, những biến chủng mới sẽ xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, chú trọng đến tình trạng do dự tiêm vaccine là rất quan trọng, việc này sẽ hạn chế sự lây lan và ngăn ngừa các ca nhập viện và tử vong". Các nhà khoa học báo cáo rằng sự do dự có thể đang góp phần làm chậm tiến độ tiêm chủng tại một số quốc gia, nơi mà phần lớn dân số vẫn chưa được tiêm. Những quốc gia này bao gồm Nam Phi - một trong những quốc gia đầu tiên mà Omicron được phát hiện - Tanzania, Công hòa Dân chủ Congo (DRC), Papua New Guinea và Nepal. Rupali Limaye, nhà khoa học hành vi tại Trường Sức khỏe Cộng đồng Bloomberg, Johns Hopkins tại Baltimore, Maryland, cho biết: “Chúng ta đang có nhiều người do dự tiêm vaccine ở bán cầu nam hơn là những gì chúng ta nghĩ". Mặc dù tại nhiều quốc gia, nguồn cung có hạn vẫn là vấn đề chính, các nhà nghiên cứu nói. Đủ số lượng liều vaccine? Salim Abdool Karim, giám đốc của Trung tâm Chương trình Nghiên cứu AIDS Nam Phi (CAPRISA) tại Durban, phát biểu: Cho tới cuối tháng 10, vấn đề mà nhiều nước châu Phi gặp phải đó là “chúng tôi không có đủ liều vaccine". "Nhưng giờ chúng ta có đủ số lượng vaccine tại hầu hết các quốc gia,” ông nói. Căn cứ theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng Dịch Châu Phi, chỉ có 64% số lượng vaccine cung cấp cho châu lục này đã được sử dụng để tiêm chủng. Ví dụ tại Nam Phi, số lượng liều vaccine đã được sử dụng để tiêm chủng mỗi tuần đã giảm xuống, ít hơn ¼ hồi lập đỉnh trong tháng 9. Đây là kể cả khi chỉ có 44% người trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine. Espoir Malembaka, nhà dịch tễ học từ Trường Sức khỏe Cộng đồng Bloomberg, Johns Hopkins, thường trú tại Bukavu (DRC), cho biết việc kêu gọi viện trợ thêm vaccine từ các nước phương tây trên truyền thông đang bế tắc. “Nhưng chúng ta không thấy mọi người vội vã đi tiêm vaccine”, trừ những khách du lịch đang chuẩn bị cho chuyến bay ra nước ngoài, Malembaka nói. Ông tin rằng vấn đề không phải là việc tiếp cận vaccine, mà là vấn đề về niềm tin với vaccine. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia có thể đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêm vaccine cho người dân vì nhiều nguyên nhân - một số cái không có liên quan đến vấn đề do dự tiêm- bao gồm hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu đầu tư, sự thật là các liều vaccine thường cận ngày hết hạn và việc vận chuyển chúng tới những vùng hẻo lánh gặp phải những khó khăn. Nhưng việc người dân do dự hoặc từ chối tiêm vaccine vẫn là một vấn đề trong bài toán. Sự do dự toàn cầu Các nghiên cứu đã cố gắng ước tính sự gia tăng của việc do dự tiêm vaccine trên thế giới. Một khảo sát(1) gồm 45,000 người tham gia từ 12 quốc gia- được thực hiện trước khi vaccine COVID-19 được ra mắt và công bố vào tháng 7 - cho thấy sự do dự thấp hơn tại 10 quốc gia thu nhập thấp và trung bình so với tại Nga và Mỹ. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng tình hình đã thay đổi trong thời kỳ đại dịch. Ví dụ tại Nepal, nghiên cứu cho thấy sự chấp nhận là cao nhất (97%), lại có tốc độ tiêm vaccine chậm, kể cả khi chỉ có 40% người trưởng thành đã tiêm một liều vaccine. Một khảo sát khác (2) với gần 27,000 người tham gia tại 32 quốc gia được thực hiện từ tháng 10 đến 12 năm 2020 cho thấy, ý định của người dân khác nhau một cách đáng kể, với mức độ do dự cao tại một số quốc gia đang phát triển. Đáng kể nhất, 43% người phản hồi từ Lebanon nói rằng họ nhất định sẽ không tiêm vaccine. Một khảo sát khác với vài ngàn người được theo dõi cho mức độ chấp nhận thấp hơn tại Papua New Guinea, với chỉ 3% người đã được tiêm vaccine. Các nhà nghiên cứu thấy rằng hơn 80% người dân không có kế hoạch đi tiêm hoặc không chắc chắn. Tương đồng và khác biệt trong chống đối vaccine Có một vài lí do khiến sự do dự xuất hiện trên toàn thế giới, nhưng vẫn có những khác biệt tại các vùng khác nhau. Mối lo ngại lớn nhất là an toàn, đặc biệt bởi vì vaccine được phát triển và vận chuyển nhanh chóng và các khuyến nghị sử dụng thường xuyên thay đổi, các nhà nghiên cứu cho biết. Niềm tin nơi chính phủ cũng là một vấn đề phải lưu tâm. Khảo sát 32 quốc gia cho thấy: nếu dân tin chính phủ đang kiểm soát tốt dịch bệnh thì tỉ lệ chấp nhận vaccine sẽ cao. Một phân tích khác (3) cho thấy khi người dân tin tưởng vào các cơ quan y khoa và khoa học thì họ có xu hướng chấp nhận vaccine nhiều hơn. Sự lan truyền thông tin sai lệch cũng khiến việc phân phối vaccine gặp khó khăn tại các quốc gia đang phát triển. “Thông tin giả tại nhiều nơi đang lan truyền nhanh hơn so với thông tin thật,” Limaye nói. Nhưng sự khác biệt tại các nơi khác nhau cũng ảnh hướng tới quan điểm của người dân. Tại phía tây DRC, hàng thế kỷ chiến tranh và khó khăn khi Ebola bùng phát đã khiến người dân mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo và về sản phẩm tới từ các nước phương Tây, Malembaka nói. Ông cũng phát hiện rằng, trong một cuộc khảo sát gần đây chưa được công bố, sự do dự tiêm vaccine COVID-19 có thể là giọt nước tràn ly, ảnh hưởng tiêu cực đến sự sẵn lòng của người dân trong việc chấp nhận các vaccine khác. Limbaye cho biết sự phân phối vaccine không đồng đều cũng góp phần vào sự do dự, bởi vì “cách chúng ta phân phối vaccine tới bán cầu nam. Nó như kiểu - đây là phần dư của bọn tôi, nó sẽ hết hạn trong một tuần.” Việc chời đợi lâu cho các liều vaccine cũng dẫn tới sự do dự. Kaushik Ramaiya, một bác sĩ-nhà nghiên cứu và giám đốc điều hành bệnh viện Shree Hindu Mandal tại Dar es Salaam, Tanzania, bố sung “Mọi người bắt đầu tự hỏi liệu họ có cần tiêm vaccine nữa không khi mà họ đã tránh được sự lây nhiễm.” Lời kêu gọi tiêm vaccine Có những cách để khắc phục sự do dự này, các nhà nghiên cứu nói. Abdool Karim tranh luận rằng Nam Phi đã đạt tới điểm mà người dân cần sự khuyến khích hay thậm chí sự cưỡng chế từ chính phủ để tiêm vaccine. Trong khảo sát mới đây chưa được công bố về người dân tại một số quốc gia, Lazarus và đồng nghiệp của anh ấy thấy rằng những biện pháp bắt buộc - như là yêu cầu tiêm vaccine khi di chuyển bằng máy bay hoặc tới một nơi nào đó - có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của người dân. Trong số những người đang chần chừ tiêm vaccine COVID-19, ⅓ trong số đó nói họ sẽ tiêm vaccine nếu họ phải làm như vậy để có thể đi ra nước ngoài. Patrick Mdletshe, người đứng đầu các chương trình cộng đồng tại CAPRISA, nói rằng chính phủ Nam Phi nên rút ra các bài học từ bệnh HIV và cam kết trực tiếp với cộng đồng để thuyết phục họ, thay vì đầu tư vào các chiến dịch truyền thông đại chúng. Cơ hội được tiêm vaccine cũng nên được kết hợp với các dịch vụ hiện nay trong chữa trị và phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm khác, như là xét nghiệm sàng lọc bệnh lao hoặc trong phân phối thuốc HIV, thứ gần gũi và quen thuộc với mọi người. “COVID-19 không nên là một vấn đề riêng lẻ,” ông nói.

Người dịch: Ha Do Thanh

Biên tập: Chau Tran

Comments


bottom of page