top of page

"Vaccine có nguồn gốc từ thai nhi": có nghĩa là gì và hướng dẫn của giáo hội ra sao?

Translated from The history of vaccines's article Human Cell Strains in Vaccine Development

By The history of vaccines, on 06-06-2021


KHÔNG một thai nhi nào bị cố tình lấy ra vì mục đích làm vaccine.

Trong trường hợp chỉ có một loại vaccine ngừa bệnh, mà được phát triển từ tế bào người, Trung tâm Đạo đức sinh học Công Giáo Quốc Gia - NCBC ghi chú rằng: Con người sẽ không vi phạm đạo đức khi dùng vaccine đó, dù nó có liên quan đến nguồn gốc thai nhi bị bỏ đi trong lịch sử. Lý do là vì nguy cơ của việc không tiêm ngừa vaccine đối với sức khỏe cộng đồng quan trọng hơn khía cạnh đạo đức về nguồn gốc của chúng. Điều này vô cùng quan trọng đối với các phụ huynh vì họ có một nghĩa vụ đạo lý là phải bảo vệ sự sống và sức khỏe con em họ và mọi người xung quanh.


Chú thích ảnh: Stanley Plotkin, người tạo ra vaccine sởi-rubella trên dòng tế bào người.


Động vật đã và đang được sử dụng để sản xuất vaccine dành cho con người kể từ khi các "trang trại" vaccine được thành lập để thu hoạch virus đậu mùa từ con bê vào cuối những năm 1800. Xuyên suốt nửa đầu thế kỷ 20, các vaccine tiếp tục được phát triển trên động vật bằng cách nuôi cấy tác nhân gây bệnh vào động vật sống hoặc tế bào động vật. Tuy nhiều loại vaccine và các chế phẩm kháng độc tố đã được phát triển thành công nhờ phương pháp này, nhưng đây không phải là cách tốt nhất. Việc duy trì nguồn động vật cho thử nghiệm thường tốn kém vì cần phải theo dõi kỹ lưỡng sức khỏe của chúng và đảm bảo nghiên cứu bền vững lâu dài. Động vật có thể nhiễm và mang nhiều virus hay vi khuẩn, từ đó làm nhiễm bẩn chế phẩm vaccine. Chẳng hạn như loại vaccine bại liệt mà được sản xuất từ giữa thế kỷ 20 và sử dụng tế bào của khỉ bị phát hiện có chứa virus khỉ SV40, còn được gọi là Simian Virus (may thay, virus này không có hại cho con người). Ngoài ra, một số tác nhân gây bệnh như virus thủy đậu không nhân bản tốt trên tế bào động vật. Ngay cả khi việc phát triển vaccine dựa vào những sản phẩm từ động vật thay vì động vật sống - ví dụ như vaccine cúm được phát triển từ trứng gà - thì khâu sản xuất vẫn có thể bị đình trệ do thiếu nguồn cung. Giả sử: nếu những con gà mái bị bệnh làm sản lượng trứng suy giảm, vaccine ngừa cúm sẽ bị thiếu hụt. (Người ta thường hiểu lầm rằng vaccine cúm có thể đươc sản xuất nhanh hơn bằng cách nuôi trên tế bào so với việc dùng trứng gà đã có phôi. Thật ra, 2 phương pháp đều tốn thời gian như nhau, nhưng phương pháp nuôi trên tế bào không có nguy cơ bị thiếu nguồn cung như trứng gà.) Vì những lý do trên, kỹ thuật nuôi cấy tế bào để sản xuất vaccine ở các dòng tế bào người là một bước tiến vượt bậc trong công nghệ phát triển vaccine.

Các loại vaccine được phát triển trên tế bào người Loại vaccine được phát triển trên tế bào người đầu tiên được cấp phép là vaccine adenovirus được dùng trong quân đội vào cuối những năm 1960. Sau đó là những loại vaccine khác tương tự, như vaccine rubella do bác sĩ Stanley Plotkin, Viện Wistar, Philadelphia, sáng chế. Vào năm 1941, bác sĩ nhãn khoa người Úc Norman Gregg là người đầu tiên phát hiện ra bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hậu quả của việc mẹ bị nhiễm sởi-rubella trong quá trình mang thai. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy hội chứng rubella bẩm sinh - CRS có thể gây điếc, bệnh tim, viêm não, chậm phát triển tâm thần vận động, viêm phổi, và những bệnh khác. Tại thời điểm đỉnh dịch rubella mà khởi nguồn từ Châu Âu lan sang Mỹ vào giữa thập niên 60, Plotkin thống kê rằng 1% số ca sanh nở tại Bệnh viện Đa khoa Philadelphia bị hội chứng rubella bẩm sinh. Một vài trường hợp, các bà mẹ bị nhiễm rubella trong quá trình mang thai đã quyết định chấm dứt thai kỳ vì nguy cơ thai bị CRS quá cao. Để phục vụ cho việc nghiên cứu thêm về rubella, thai nhi của một ca chấm dứt thai kỳ được gửi đến phòng lab nghiên cứu rubella của Plotkin. Sau khi kiểm tra thận của bào thai, Plotkin đã tìm thấy và phân lập/lấy ra được virus rubella. Cùng lúc đó, Leonard Hayflick (cũng làm việc tại Viện Wistar) đã phát triển một dòng tế bào gọi là WI-38 sau khi dùng tế bào phổi của một thai khác. Hayflick khám phá ra nhiều loại virus, gồm cả rubella, sinh trưởng tốt trong tế bào WI-38, và chứng minh rằng dòng tế bào này không bị nhiễm vi trùng và an toàn để nghiên cứu vaccine ở người.


Chú thích ảnh: Leonard Hayflick, người phát triển dòng tế bào WI-38


Plotkin nuôi cấy virus rubella mà ông phân lập được trong những tế bào WI-38 ở nhiệt độ 86°F (30°C), thấp hơn nhiệt độ cơ thể con người bình thường (đây là phương pháp làm virus yếu dần đã được áp dụng để tạo vaccine bại liệt). Sau khi số lượng virus trong tế bào gấp 25 lần so với ban đầu, nó không còn khả năng nhân đôi đủ để gây bệnh cho người, nhưng vẫn đủ kích thích hệ miễn dịch tạo phản ứng bảo vệ. Vaccine rubella được phát triển nhờ WI-38 vẫn tiếp tục được sử dụng trên toàn thế giới cho đến ngày nay và là một phần của vaccine tổng hợp MMR (sởi, quai bị, rubella). Vấn đề Đạo đức trong việc Nuôi cấy tế bào người Dù đã được dùng trong hơn 30 năm qua tại Mỹ, vaccine rubella của Plotkin lúc đầu bị Cục Quản lý Dược và Thực Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phớt lờ vì ưu ái cho loại được sản xuất bằng tế bào phôi của vịt và tế bào thận của chó. Cuối thập niên 60, người ta lo ngại vaccine sản xuất từ tế bào người có thể bị nhiễm các loại tác nhân gây bệnh khác, dù không có bằng chứng.

Khoảng 10 năm trước đó, vaccine bại liệt phát triển trên tế bào thận của khỉ bị phát hiện tạp nhiễm virus Simian. Để ngăn tình huống này, các nhà khoa học muốn sử dụng dòng tế bào người WI-38 vì: a/ chúng có thể được bảo quản đông lạnh trong nitrogen lỏng, b/ có thể rã đông, tái khôi phục chức năng, c/ có thể kiểm tra kỹ lưỡng các mầm bệnh trước khi đưa vào thử nghiệm

Từ trước đến nay, tế bào WI-38 chưa lần nào bị tạp nhiễm. Tế bào thận sơ cấp của khỉ không thể làm đông lạnh và sau đó khôi phục lại để thí nghiệm vì vi phạm qui định của FDA đối với tế bào sơ cấp, vốn là loại tế bào duy nhất được FDA cho phép tạo vaccine cho người. Sau khi thử nghiệm, vaccine của Plotkin lần đầu được Châu Âu cấp phép vào năm 1970 và được sử dụng rộng rãi với tính an toàn và hiệu quả cao. Từ dữ liệu này, cộng thêm có nhiều báo cáo về tác dụng phụ của hai loại vaccine rubella được cấp phép trước đó, Mỹ đã cấp phép cho vaccine rubella của Plotkin vào năm 1979. Vaccine của Plotkin được dùng thay thế cho thành phần vaccine rubella cũ trong loại vaccine tổng hợp MMR của Merck (sởi, quai bị, rubella). Vào năm 2005, CDC tuyên bố rubella bị “xóa sổ” tại Mỹ, dù vẫn có những ca nhiễm du nhập từ nước ngoài vào. Tổ chức Y Tế Thế Giới tuyên bố châu Mỹ không còn ca nhiễm rubella nào vào năm 2015. Các tổ chức chống phá thai đã lên tiếng về khía cạnh đạo đức đối với vaccine rubella của Plotkin (và những vaccine khác được sản xuất bằng phương pháp tương tự) trong nhiều năm nay. Vì có liên quan đến vấn đề phá thai, một số thành viên của Giáo hội Công Giáo đã đề nghị ban hành hướng dẫn chuẩn mực đạo đức đối với việc sử dụng vaccine phát triển trên dòng tế bào người, gồm vaccine rubella, thủy đậu, viêm gan A, … Quan điểm chính thức của Trung tâm Đạo đức sinh học Công Giáo Quốc Gia (NCBC) là, nếu có sự lựa chọn, mỗi cá nhân nên tiêm các vaccine không dùng tế bào người trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ có một loại vaccine ngừa bệnh, mà được phát triển từ tế bào người, NCBC ghi chú rằng: Con người sẽ không vi phạm đạo đức khi dùng vaccine đó, dù nó có liên quan đến nguồn gốc thai nhi bị bỏ đi trong lịch sử. Lý do là vì nguy cơ của việc không tiêm ngừa vaccine đối với sức khỏe cộng đồng quan trọng hơn khía cạnh đạo đức về nguồn gốc của chúng. Điều này vô cùng quan trọng đối với các phụ huynh vì họ có một nghĩa vụ đạo lý là phải bảo vệ sự sống và sức khỏe con em họ và mọi người xung quanh. NCBC cũng lưu ý rằng Giáo hội Công Giáo khuyến khích các công ty dược phẩm sáng chế ra những loại vaccine không sản xuất bằng tế bào người trong tương lai. Tuy nhiên, đối với việc liệu có tế bào thai nhi nào trong vaccine thành phẩm hay không, họ lưu ý cụ thể là những tế bào thai nhi chỉ được sử dụng trong công đoạn tạo dòng tế bào người để chuẩn bị sản xuất vaccine: a/ Các loại vaccine ngày nay được sản xuất từ các tế bào con cháu của các tế bào được lấy từ bào thai bị bỏ gần 40 năm trước. Kể từ thời điểm đó các dòng tế bào đã phát triển độc lập. Lưu ý: các tế bào con cháu này không phải là các tế bào của thai nhi nữa. Nó sẽ không thể tạo thành bất kỳ cơ quan nào của con người được nữa. b/ Chỉ từ hai thai nhi được người mẹ lựa chọn chấm dứt thai kì sớm vì có nguy cơ mang dị tật bẩm sinh cao do nhiễm virus gây bệnh sởi-rubella, các nhà khoa học đã tạo ra dòng tế bào người để phát triển vaccine. KHÔNG một thai nhi nào bị cố tình lấy ra vì mục đích làm vaccine. Những vaccine hiện tại có dùng tế bào người để phát triển Có hai dòng tế bào chính có nguồn gốc từ thai nhi được lấy năm 1960s dùng trong phát triển vaccine: WI-38 ra đời năm 1962 tại Mỹ, và MRC-5 từ tế bào phổi của thai nhi ra đời năm 1970 tại Trung tâm nghiên cứu Y khoa ở Anh. Lưu ý: phương pháp Hayflick là nền tảng cho việc thiết lập ngân hàng tế bào dòng WI-38 và MRC-5 khổng lồ, dù nó không thể tạo ra những tế bào bất tử, nhưng ngân hàng tế bào này đủ dùng để sản xuất vaccine cho nhiều thập kỉ trong tương lai. Các vaccine dưới đây dùng một trong hai dòng tế bào WI-38 hoặc MRC-5 để phát triển:

  • Viêm gan A [VAQTA/Merck, Havrix/GlaxoSmithKline, and part of Twinrix/GlaxoSmithKline]

  • Sởi Rubella [MERUVAX II/Merck, part of MMR II/Merck, and ProQuad/Merck]

  • Thuỷ đậu [Varivax/Merck, and part of ProQuad/Merck]

  • Zona/Giời leo [Zostavax/Merck]

  • Adenovirus loại 4, loại 7 [Barr Labs]

  • Dại [IMOVAX/Sanofi Pasteur]

Các nhà nghiên cứu ước tính vaccine được làm từ dòng tế bào WI-38 và thế hệ tiếp nối từ chúng đã ngăn ngừa 11 triệu ca tử vong và chặn 4.5 tỉ ca phát bệnh (hoặc chữa trị, trong trường hợp bệnh dại) ở người. Các vaccine khác dùng những dòng tế bào từ động vật gồm: vaccine viêm não Nhật Bản, tiêu chảy do rotavirus, bại liệt, và đậu mùa.



Người dịch: Nhan Tran

Biên tập: Chau Tran

Commentaires


bottom of page