top of page

Về chuyện các quốc gia dân chủ chiếm hữu vaccine cho riêng mình

Translated from The Atlantic's article Democracies Keep Vaccines for Themselves


Cam đoan của Tổng thống Biden với Mexico là một trường hợp ngoại lệ.

By Thomas J. Bollyky, on 27-03-2021, 01:00:00

Cam đoan của Tổng thống Biden với Mexico là một trường hợp ngoại lệ. Đầu tháng này, Hoa Kỳ hứa sẽ tặng Canada và Mexico tổng cộng 4 triệu liều vaccine AstraZeneca, loại thuốc ngừa COVID-19 vẫn chưa được người Mỹ sử dụng. Cho tới hiện nay, 2.5 triệu liều trong một đợt tài trợ (Mỹ tặng Mexico) là con số lớn nhất mà một quốc gia tặng cho một quốc gia khác trong thời kỳ bệnh dịch. Số vaccine trên sẽ có ích cho một nước láng giềng đang cần giúp đỡ. Mexico đã ghi nhận 200,000 ca tử vong vì COVID-19, chỉ thua Brazil và Hoa Kỳ - những quốc gia có dân số đông hơn hẳn. Tổng số ca nhiễm ghi nhận lại (của Mexico) đã tăng gấp đôi từ ngày 1 tháng 12. Tuy nhiên, cam kết tặng vaccine của Mỹ lại là một trường hợp cá biệt: trong cuộc chiến chống lại một căn bệnh toàn cầu mà đã giết chết hàng triệu người không màng đến biên giới lãnh thổ, các cường quốc có điều kiện tiếp cận vaccine sớm nhất có xu hướng độc chiếm một lượng vaccine vượt mức cần thiết. Các nền dân chủ giàu mạnh hào phóng mở hầu bao tài trợ cho chương trình COVID-19 Vaccine Global Access (tạm dịch: Chương trình tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu), hoặc COVAX, nhưng lại “thờ ơ” sẻ chia các liều thuốc ngừa cho người dân nước khác. Các nguyên thủ quốc gia ưu tiên việc tiêm chủng cho dân mình là chuyện dễ hiểu. Nhưng sự bất bình đẳng cực độ trong khả năng tiếp cận vaccine đã và đang liên lụy tới nỗ lực ngăn chặn đại dịch toàn cầu. Đồng thời, nước đi này hết sức thiển cận dưới góc độ ngoại giao. Liều thuốc tương lai từ COVAX và các nhà hảo tâm phương Tây không là gì ngoài lời an ủi lấy lệ đối với những đất nước đang cần kíp tiêm phòng đến tuyệt vọng. Những nước nọ sẽ nhớ kỹ lúc hoạn nạn, ai đã ra tay tương trợ, và ra tay lúc nào. Việc chần chừ thay vì lập tức giúp đỡ, ngay khi các thế lực chính trị khác đang cật lực quảng bá những đóng góp của họ, sẽ thúc đẩy nhận thức toàn cầu trong việc xử lý khủng hoảng coronavirus rằng: đa số các nền dân chủ thì “yếu trị quốc, kém bình thiên hạ”. Khi mà Trung Quốc và Nga - các chế độ độc tài điển hình mà ở đó lãnh đạo còn chả buồn thanh minh với cử tri tại sao nước ta lại đi hứa hẹn biếu không vaccine cho nước người - theo lẽ hôm nay tốn chút vaccine, ngày mai nâng tầm ảnh hưởng dài lâu. Lĩnh vực ngoại giao vaccine có lịch sử lâu đời ngang ngửa tuổi thọ vaccine. Chưa tới một thập kỷ kể từ khi Edward Jenner điều chế ra vaccine đầu tiên cho bệnh đậu mùa, vào cuối những năm 1790, Anh Quốc và Tây Ban Nha phát động các chiến dịch vận chuyển vaccine quốc tế tới những thuộc địa cùng điểm giao thương vùng Caribe, Nam Mỹ, và cả chốn xa vời như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Nhờ đó mà gần nửa triệu người được tiêm chủng trong quãng thời gian 10 năm. Chiến dịch vaccine thời Chiến Tranh Lạnh đã loại trừ bệnh đậu mùa; miễn dịch hàng triệu trẻ em khỏi bệnh sởi, quai bị, và nhiều bệnh nhi khoa truyền nhiễm khác; đồng thời khuyến khích cộng tác khoa học giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Trong hơn ba tháng vaccine được phát hành toàn cầu, chỉ có 10 quốc gia, tổng cộng chưa tới nửa dân số thế giới, đã đăng ký quản lý hết ba phần tư số vaccine. Tới bây giờ, Hoa Kỳ và những quốc gia dân chủ giàu có khác vẫn thường ưa chuộng tặng tiền thay vì tặng vaccine cho nước khác. Ngoại trừ Saudi Arabia, hết thảy số nhà tài trợ chính của COVAX đều là quốc gia dân chủ. Trong tháng 2, các nước G7 hứa hẹn tăng cường tổng viện trợ lên đến 7.5 tỉ đô, riêng nước Mỹ đã là 4 tỉ. Cho đến 25 tháng 3, COVAX đã phân phối 32 triệu mũi cho 60 quốc gia - 6% của tổng số vaccine COVID-19 đã xuất xưởng khắp thế giới. Ngược lại, nhiều trong số các quốc gia chọn cách rộng rãi tặng vaccine lại thuộc thể chế chuyên quyền hoặc đang trên đà phản dân chủ. Trung Quốc đã đóng góp vaccine cho 49 quốc gia, và bộ ngoại giao nước họ còn thông báo ý định mở rộng tài trợ cho gần 3 tá nước khác nữa. Nga đang tặng 13 quốc gia vaccine. Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất cung cấp chúng cho 5 quốc gia. Ấn Độ, đất nước mà theo nhận định của một số tổ chức như Freedom House hay V-Dem Institute của Thụy Điển là đang nhịp nhàng hành quân đến chủ nghĩa chuyên chế độc đoán, cũng đang phát vaccine miễn phí cho hơn 43 quốc gia. COVAX dự tính là sẽ vận chuyển vaccine đến nhiều quốc gia hơn khả năng đóng góp của Trung Quốc hay Nga, nhận định này của các chính khách phương Tây là hoàn toàn hợp lý. Nhưng COVAX ngoài tiền bạc ra thì cũng cần vaccine dự trữ. Khi phải đối mặt với vấn đề ngưng trệ sản xuất và thiếu hụt nguyên liệu thô, Hoa Kỳ cùng các quốc gia Âu châu đặt nhu cầu nội địa lên hàng đầu, đồng nghĩa với việc kìm hãm nguồn hàng xuất khẩu mà COVAX cần để tạo ra thành tựu. Tuy Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu đã hứa tài trợ số vaccine thặng dư một khi cung cầu trong nước đã thỏa mãn, nhưng ít ai chịu nói rõ thời gian đóng góp hay nó sẽ được cấp phát ra sao. Bình quân Trung Quốc và Ấn Độ cam kết chưa tới 300,000 mũi cho mỗi quốc gia thụ hưởng. Hầu hết các món quà của Nga cũng khiêm tốn tương tự, nhiều nhất cũng chỉ dưới 20,000 mũi. Thậm chí có vài phần quyên góp chỉ vỏn vẹn 20 mũi, về cơ bản là hàng mẫu dùng thử cho những nước đang có ý mua vaccine mà bản thân nhiều người Nga cũng quan ngại không muốn dùng. Mặc dù những đóng góp này đủ để khởi động tuyên truyền vaccine ở một số nước - cũng như tạo tiếng thơm cho quốc gia mạnh thường quân - số lượng quà tặng chả thấm tháp vào đâu để giải quyết nhu cầu địa phương lẫn quốc tế. Sự phân phối vaccine COVID-19 vốn dĩ không đồng đều nhưng cũng cần nên tránh bất công, miễn là những mũi tiêm ít ỏi đầu tiên đến tận tay các nước chịu ảnh hưởng đại dịch nghiêm trọng nhất và ở đó số vaccine nọ có thể đem lại thành quả cao nhất. Nhưng gần như không có bằng chứng nào cho thấy các nhà tài trợ sản xuất vaccine - dù là dân chủ hay chuyên quyền - liệu có tuân theo tiêu chí này hay không. Quả thật, đa số dẫn chứng ngầm chỉ ra rằng, các quốc gia đưa ra quyết định trên tinh thần địa chính trị hơn là dịch tễ học. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, cũng như các thế lực địa phương nhỏ hơn đều lăm le tiếm quyền ảnh hưởng, chỉ ghi nhận 8% toàn bộ số ca COVID-19 thế giới từ tháng 11, nhưng đã nhận được hơn nửa tổng số quà vaccine. Cùng nhau, Trung Quốc và Ấn Độ - mỗi bên đều đang tìm cách “trên cơ” đối phương trong chuyện tranh chấp lãnh thổ - dự định sẽ cung cấp 2 triệu mũi cho Myanmar, 1.8 triệu cho Nepal, 1.1 triệu cho Campuchia, và 900,000 cho Afghanistan, mặc cho việc các nước này ghi nhận khá ít ca nhiễm COVID-19 trong bốn tháng vừa qua. Trung Quốc và Nga tổng cộng đã gửi tặng Lào hơn 300,000 liều, tức mỗi ca nhiễm ghi nhận gần đây của Lào sẽ nhận được hơn 12,000 liều. Mới tháng này thôi, nhóm “Bộ Tứ” - Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc - còn cam đoan sẽ cung ứng thêm nhiều liều vaccine hơn nữa cũng cho khu vực này, hứa hẹn từ giờ đến cuối năm 2022 sẽ sản xuất và phân phát 1 tỉ mũi cho các nước châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực ngoại giao vaccine này cho thấy việc tặng quà quyên góp mang động cơ củng cố phạm vi ảnh hưởng chinh trị hơn là nâng cao bình đẳng chủng ngừa và đánh nhanh dẹp gọn đại dịch này. Tất cả trừ một nước mà Trung Quốc đã cam kết tặng vaccine đều là thành viên của Sáng kiến Một vành đai & Một con đường. Trung Quốc cũng đã nghiễm nhiên nắm lấy vị thế mạnh thường quân hoàn cảnh, chuyên cung cấp vaccine COVID-19 cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng như bất kỳ vận động viên nào cần được tiêm phòng trước khi tham gia Thế Vận Hội hè này ở Tokyo và Thế Vận Hội mùa Đông năm sau ở Bắc Kinh. Ngược lại, các nước ở châu Mỹ Latin, nhiều khu vực châu Phi, cũng khi vùng Trung và Đông Âu, tuy cũng thiếu thốn vaccine nhưng lại nhận ít hơn nhu cầu để giúp họ nghênh chiến với làn sóng các ca nhiễm mới gần đây. Cho tới ngày 25 tháng 3, không một liều vaccine nào được quyên góp cho Panama, Peru, Nam Phi, hay Ukraina - các nước thu nhập thấp đến trung bình mà tổng cộng đã ghi nhận được hơn 3 triệu ca nhiễm kể từ tháng 11. Sự tiếp ứng vaccine có điều khoản của chính quyền Biden cho Mexico là một bước đi thận trọng cho bình đẳng chung toàn cầu. Đáng nói ở chỗ, đây là một khoản vay mà Mexico sẽ hoàn trả bằng các mũi AstraZeneca trong tương lai nếu Hoa Kỳ có cần. Đây là một nước cờ chính trị khả dĩ nhằm tạo điều kiện cho một nền dân chủ được dịp cưu mang láng giềng của mình ở thời điểm mà người dân cầm chắc là sẽ chẳng hài lòng với chuyện cho không biếu không xứ người trong khi xứ mình cũng đang quá cần. Đề nghị cho vay đến vào lúc chính quyền Biden đang tìm cách cải thiện hợp tác giải quyết khủng hoảng di dân tại biên giới - và nó bao gồm một loại thuốc vaccine mà vẫn chưa được Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thông qua và suy cho cùng nước Mỹ chưa chắc đã cần. Có điều, những sự việc trên cũng không tài nào phủ định được tầm quan trọng của nước đi này cho sự phát triển rực rỡ của một nền ngoại giao vaccine dựa trên nhu cầu hữu hình. Giờ đây Hoa Kỳ cùng các đồng minh phải tiến xa hơn nữa. COVAX cần được hỗ trợ. Để có thể nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất vaccine trong một đại dịch thì cần lắm sự hậu thuẫn tài chính cũng như chủ trương từ chính phủ, theo kinh nghiệm của bản thân nước Mỹ trong quá trình điều chế chủng ngừa. Một công trình tương tự mang quy mô quốc tế - một phiên bản toàn cầu hóa của Operation Warp Speed (tạm dịch: Chiến dịch Nhanh hơn Ánh sáng) - là cần thiết để tăng sản lượng vaccine vì nếu chỉ có tiền thôi thì chưa đủ để làm việc hiệu quả. Chỉ khi đó nước Mỹ và đồng minh mới đưa ra được một lời phản biện đầy sức lôi cuốn thuyết phục so với những bữa ăn từ thiện tinh thần mà chẳng có đóng góp thiết thực gì cho công cuộc kiểm soát đại dịch ngoài việc xúc tiến lợi ích Nga, Trung .

Người dịch: Quyen Tran

Biên tập: Chau Tran


Comments


bottom of page