Thien Do
Từ ngày các cuộc biểu tình bùng lên, vợ chồng tôi cứ phân vân khi nào nên nói chuyện với các con nhỏ về những sự kiện liên quan đến các cuộc xuống đường này, nhất là việc người đàn ông Da Đen bị viên cảnh sát Da Trắng đè đầu gối lên cổ đến chết. Đồng thời, nói cách nào để tránh không để chúng phải thấy những điều quá ghê tởm về nạn kỳ thị chủng tộc.
Tôi hiểu, ngay nỗi băn khoăn của vợ chồng tôi đã là một đặc quyền mà những gia đình người Da đen không được hưởng. Họ không có lựa chọn khi nào con mình đủ khôn lớn để giảng cho chúng biết trên đời có những người liệt chúng vào thành phần nguy hiểm, nên tránh xa, và thậm chí đáng giết chết. Xã hội sẽ định đoạt cho họ. Đó có thể là lần đầu tiên đứa bé nhận thấy ông chủ tiệm luôn canh chừng xem mẹ con nó có ăn trộm gì không. Hoặc chứng kiến bố nó bị lôi ra khỏi xe chỉ vì dám cả gan hỏi cảnh sát mình đã phạm lỗi gì. Hoặc tình cờ thấy các hình trên mạng chụp người Da Trắng diễn lại cảnh chết của George Floyd để làm trò cười.
Sự kỳ thị chủng tộc không phải là một hội chứng bẩm sinh. Nó là căn bệnh lây truyền. Trẻ em bị nhiễm định kiến từ các bậc phụ huynh vô tình hoặc cố tình truyền dạy cho chúng. Qua thời gian, định kiến này sẽ lan sâu vào tâm khảm nếu người đó chỉ chú ý đến những sự việc hợp với quan điểm của mình. Nếu đứa trẻ chỉ nghe toàn những lời lẽ miệt thị về người Da đen, trong gia đình chỉ bàn tán về những vụ cướp bóc do họ gây ra, đương nhiên nó sẽ có thành kiến xấu về người Da đen dù chưa từng tiếp xúc với họ bao giờ. Người Việt chúng ta cũng không tránh được các thành kiến thường có về mình, chẳng hạn như mọi người Việt đều thành đạt hoặc đều gian lận tiền welfare.
Sự kỳ thị chủng tộc nảy mầm khi con người không đặt mình vào hoàn cảnh người khác để tìm sự tương đồng giữa con người với nhau. Cộng đồng chúng ta phản đối lá cờ đại diện cho chế độ đã buộc ta phải rời bỏ quê hương, vận động để ngăn cấm lá cờ đó không được treo tại các nơi đông người Việt; lẽ nào chúng ta lại không cảm thông được sự phẫn nộ của cộng đồng người Da đen đối với lá cờ và những tượng đài tôn vinh một chế độ không cho họ quyền làm người? Chúng ta lên án chính phủ Việt Nam đàn áp người dân; lẽ nào chúng ta không mảy may thương cảm cho những người dân Mỹ bị giết chỉ vì màu da của họ, không lên tiếng phản đối những sự bất công về chủng tộc trên quê hương mới của ta? Chẳng lẽ chính nghĩa của ta cao cả hơn? Nỗi khổ của ta oan ức hơn? Hay vì lòng thương người của chúng ta chỉ được dành cho những người cùng màu da?
Cộng đồng người Việt đã từng là nạn nhân của sự bất công và kỳ thị tại Việt Nam lẫn trên đất Mỹ, từ người Da Đen lẫn Da Trắng. Nhưng chúng ta có vì một vài va chạm mà tạo thành định kiến về người da trắng như với người Da Đen không? Không phải là sự ngẫu nhiên mà tiếng Việt và tiếng Anh đều có nhiều từ ngữ miệt thị về người da màu nhưng hầu như không có từ nào về người da trắng.
Nỗi buồn nào đau lòng hơn? Nỗi khổ nào xót xa hơn? Phải gây dựng lại cuộc sống tại một đất nước xa lạ, hay sống ngay tại quê hương coi rẻ mạng sống của mình? Lo cho các con không được ăn học tử tế vì mình là người của chế độ cũ, hay lo cho tính mạng các con mỗi khi chúng bước ra khỏi nhà? Sống dần mòn trong trại cải tạo vì mình đứng về bên thua trận, hay sống khắc khoải trong nhà tù vì hệ thống tư pháp nhắm vào những người như mình? Đây là sự so bì không ai hơn ai. Giá trị duy nhất của nó là tạo sự cảm thông với những người trong hoàn cảnh ta từng trải qua, dù đó là các thuyền nhân từ Syria, những người xin tị nạn từ Trung Mỹ, hoặc những người Mỹ Da đen đang phấn đấu cho quyền bình đẳng.
Cộng đồng người Việt tại Hoa kỳ có được như ngày nay là nhờ sự hy sinh và lòng dũng cảm của những người đã rời bỏ quê hương để tìm một tương lai sáng sủa hơn cho gia đình họ. Nhiều người đã ẩn nhẫn làm những công việc không xứng đáng với khả năng mình để con em không phải chịu cùng số phận đó, từ bỏ ước mơ của mình để con em có thể đạt được nguyện vọng của chúng. Tuy vậy, chúng ta phải vì con em mà tiến thêm bước nữa. Bước này chỉ đòi hỏi ta một điều: Hãy từ bỏ những định kiến về chủng tộc đã có từ bấy lâu nay.
Nói cho cùng, quan niệm người Việt hơn người Da Đen ngay từ bản chất đi đôi với khái niệm thứ bậc chủng tộc, rằng mỗi nhóm có đặc điểm riêng, và dựa theo đó, được xếp hạng trên dưới các nhóm khác. Theo cách suy nghĩ này, ta phải chịu thua kém những chủng tộc có bản chất tốt hơn. Chẳng lẽ đó lại là di sản ta để lại cho con em? Rằng bất kể chúng làm gì, thành đạt đến mấy, chúng vẫn muôn đời thua kém người khác chỉ vì mang dòng máu Việt?
Thiện Đỗ là một nhà làm phim tại miền Nam California.
コメント