top of page

Vì sao cần bồi thường cho người Da Đen

Hai trăm năm trong chế độ nô lệ. Chín mươi năm dưới luật Jim Crow.* Sáu mươi năm trong tình cảnh “tách biệt nhưng ngang bằng.” Ba mươi lăm năm dưới sự phân biệt chủng tộc trong chính sách nhà ở. Nước Mỹ sẽ không bao giờ trọn vẹn đến khi chúng ta tính đến khoản nợ phức tạp về luân lý.


Ta-Nehisi Coates, June 2014 issue


Translated from The Atlantic multi-part article The Case for Reparations.


Và nếu anh em ngươi, một người đàn ông Do Thái hay một người phụ nữ Do Thái, bị bán cho ngươi, và phải phục vụ ngươi đến sáu năm; vào năm thứ bảy ngươi sẽ phải trả lại tự do cho người ấy. Và khi ngươi để người ấy ra đi, ngươi sẽ không để người ấy ra đi với hai bàn tay trắng: ngươi sẽ tiếp tế hào phóng cho người ấy từ đàn chiên của mình, từ sàn đập lúa của mình và từ máy ép rượu của mình: ngươi sẽ cung cấp cho người ấy giống như Đức Chúa Trời ngươi đã ban phước cho ngươi. Hãy nhớ rằng chính ngươi đã từng là nô lệ ở nước Ai Cập và chính Đức Chúa Trời ngươi đã cứu chuộc ngươi. Đó là lý do hôm nay ta ban lệnh này cho ngươi.

— deuteronomy 15: 12–15


Ngoài những tội ác bao gồm vi phạm pháp luật, làm trái với quy tắc chính đáng theo lý trí, khi một người trở nên thoái hoá và tuyên bố sẽ từ bỏ đạo lý cũng như trở thành một sinh vật độc hại, người ấy sẽ gây ra thiệt hại chung cho một người hoặc người nào đó khác, ngoài ra cũng có người sẽ nhận thiệt hại từ chính sự phạm giới của họ: trong trường hợp người ấy đã từng chịu thiệt hại thì ngoài quyền trừng phạt chung người ấy với những người khác, người ấy còn có quyền tìm kiếm sự đền bù.

— john locke, “chuyên luận thứ hai”


Bằng những việc làm không công và những gánh chịu đau đớn, chúng ta đã quá nhiều lần giành quyền công dân của nước chúng ta, và bây giờ chúng ta quyết phải có nó.

— người vô danh, 1861


I. “Và đấy chỉ là một trong những mất mát của tôi"

sinh năm 1923 gần thành phố Clarkdale thuộc tiểu bang Mississippi, cái nôi của dòng nhạc blues. Clyde Ross là con thứ bảy trong một gia đình có 13 người con. Cha mẹ Ross sở hữu một trang trại rộng 40 mẫu, tràn ngập đàn gia súc như bò, lợn, và la. Mẹ của Ross thường đánh xe ngựa đi mua sắm ở Clarksdale với tất cả niềm tự hào mà người ta có thể đặt vào một chiếc xe Cadillac. Gia đình Clyde còn có một con ngựa khác với bộ lông màu đỏ mà họ dành tặng cho Clyde. Gia đình họ Ross không đòi hỏi gì nhiều, để dành cho điều mà các gia đình người Da Đen ở Miền Nam khao khát có: đó là quyền được pháp luật bảo vệ.

Hình của Clyde Ross, được chụp vào tháng 11 năm 2013 tại nhà riêng ở khu phố North Lawndale ở Chicago, nơi ông đã sống hơn 50 năm. Lần đầu tiên xin vay thế chấp nhà hợp pháp, ông bị từ chối; với người Da Đen thời đó, các khoản vay thế chấp để mua nhà là bất khả tiếp cận. (Carlos Javier Ortiz)


Vào những năm 1920, Mississippi dưới thời Jim Crow, xét trên mọi khía cạnh xã hội, là một chế độ đạo đặc . Đa số công dân ở tiểu bang này liên tục bị cướp quyền bầu cử -- một sự chiếm đoạt được thiết kế bằng mánh khóe thuế bầu cử và cơ bắp của những vụ hành hình công khai không qua xét xử. Từ năm 1882 đến 1968, Mississippi có nhiều người Da Đen bị hành hình hơn bất kỳ tiểu bang nào khác. “Mày và tao biết đâu là cách tốt nhất để ngăn cho bọn da đen đi bầu." Theodore Bilbo, một thượng nghị sĩ và thành viên tự hào của đảng KKK hô hào đồng bọn. “Ta cứ làm chuyện ấy ngay đêm trước ngày bầu cử.”


Chính quyền bang này đã kết hợp việc cướp quyền bỏ phiếu và việc cướp tài sản. Nhiều nông dân Da Đen ở Mississippi đã sống trong cảnh nợ nần, dưới sự thống trị của các chúa tể bông gòn, những kẻ vừa là chủ đất, vừa là chủ thợ, vừa là thương lái chính. Những người nông dân này phải vay mua nông cụ và nhu yếu phẩm bằng cách thế chấp trước lợi tức mùa màng, và điều khoản vay mượn do chủ thợ quyết định. Khi họ bị cho là mắc nợ - trường hợp thường xuyên xảy ra - khoản nợ của họ sẽ bị chuyển sang mùa tiếp theo. Bất cứ ai, dù là đàn ông hay đàn bà, lên tiếng phản đối thỏa ước này sẽ có nguy cơ bị đánh trọng thương hoặc bị tử hình. Nếu từ chối làm việc, họ sẽ bị bắt vì phạm luật cấm lang thang, và theo hệ thống hình sự của bang, chịu cưỡng bức lao động.

Đến tận giữa thế kỷ 20, người Da Đen vẫn kể về chuyện họ rút chạy khỏi Mississippi như tổ tiên họ từng kể về những cuộc họ tẩu thoát khỏi chủ nô. Trong cuốn sách phát hành năm 2010 với tựa đề “Hơi Ấm Của Những Mặt Trời Khác" (The Warmth of Other Suns), tác giả Isabel Wilkerson kể về Eddie Earvin, một người hái rau chân vịt, đã chạy trốn khỏi Mississippi năm 1963, sau khi bị cưỡng bức lao động dưới họng súng. “Anh không được nói về chuyện đó hay kể cho bất cứ ai,” Earvin nói. “Chỉ có cách là bỏ trốn.”

Theo AP, “Một phần đất bị cướp khỏi các gia đình Da Đen trở thành một câu lạc bộ đồng quê ở Virginia”.

Khi Clyde Ross còn là một đứa trẻ, chính quyền Mississippi cáo buộc cha anh nợ 3,000 đô-la tiền thuế. Cha của Ross không biết chữ. Ông cũng không có luật sư. Ông cũng không quen ai ở tòa án địa phương. Ông không mong đợi sự khách quan từ cảnh sát . Tuyệt nhiên, gia đình nhà Ross không có cách nào để kháng cáo và cũng không được pháp luật bảo vệ. Chính quyền tịch thu đất. Họ tịch thu cả cỗ xe ngựa. Họ lấy hết cả bò, lợn và la. Thế là, thể theo quy định tách biệt nhưng ngang bằng (separate but equal), cả nhà Ross buộc phải ở mướn trên mảnh đất vốn của chính họ.


Những sự việc như thế này không phải là hãn hữu. Năm 2001, hãng tin Associated Press đã công bố một cuộc điều tra gồm ba phần về việc cướp đoạt đất thuộc sở hữu của người Da Đen kéo dài từ thời kỳ trước Nội Chiến. Chuỗi bài ghi nhận 406 nạn nhân và 24,000 mẫu đất trị giá hàng chục triệu đô-la. Đất bị tước đoạt khỏi tay người Da Đen bằng nhiều thủ đoạn,, từ lửa đảo pháp lý cho đến khủng bố. Theo AP, “một phần đất bị cướp khỏi các gia đình Da Đen đã trở thành một câu lạc bộ đồng quê ở Virginia,”, hoặc “các mỏ dầu ở Mississippi” hay “cơ sở tập luyện bóng chày mùa xuân ở Florida.”


Clyde Ross là một đứa trẻ thông minh. Giáo viên của cậu nghĩ cậu nên học ở một trường nơi cậu được thử thách nhiều hơn. Ở Mississippi, người Da Đen nhận được rất ít hỗ trợ giáo dục. Nhưng Julius Rosenwald, một đồng sở hữu của hãng Sears, Roebuck, đã bắt đầu một nỗ lực đầy tham vọng để xây dựng trường học cho trẻ em Da Đen trên toàn miền Nam. Giáo viên của Ross tin rằng cậu nên theo học tại trường Rosenwald ở địa phương. Song, khoảng cách từ trường đến nhà quá xa, Ross không thể đi bộ đến trường và về kịp giờ làm đồng. Trong khi đó, trẻ em Da Trắng ở địa phương được đi học bằng xe buýt. Clyde Ross thì không, và do đó mất cơ hội học tập tốt hơn.


Thế rồi, khi Ross lên 10 tuổi, một nhóm đàn ông Da Trắng đã đòi lấy vật sở hữu duy nhất trong tuổi thơ của cậu: đó là con ngựa với bộ lông màu đỏ. “Mày không được giữ con ngựa này. Bọn tao muốn nó,” một trong những người đàn ông Da Trắng này nói. Họ đưa cho cha Ross 17 đô la.


“Tôi đã làm mọi thứ cho con ngựa đó,” ông Ross nói với tôi. "Tất cả. Và họ đã lấy nó đi. Để nó vào đường đua. Tôi chưa bao giờ biết chuyện gì đã xảy ra với nó sau đó, nhưng tôi biết họ đã không mang nó trở lại. Và đó chỉ là là một trong những mất mát của tôi.

Hai cậu bé nông dân ở mướn năm 1936 (Carly Mydans/Library of Congress)


Mất mát chồng chất mất mát. Là những người nông dân ở mướn (sharecropper), gia đình họ Ross bị chủ đất lấy tiền lương của họ ra để làm quỹ đen. Đáng ra, chủ đất phải chia lợi tức từ các cánh đồng bông với những người nông dân ở mướn. Nhưng các kiện bông thường biến mất trong lúc đếm, hoặc điều khoản phân chia có thể bị thay đổi bất chợt. Nếu bông được bán với giá 50 xu một pao (pound), gia đình họ Ross có thể nhận được 15 xu, hoặc chỉ năm xu. Một năm, mẹ Ross đã hứa sẽ mua cho cậu một bộ đồ 7 đô la để cậu tham gia một chương trình mùa hè tại nhà thờ. Bà đặt hàng bộ đồ qua đường bưu điện. Nhưng năm đó, gia đình họ chỉ được trả năm xu cho một pao bông. Người đưa thư đến giao bộ đồ. Gia đình Ross không có đủ tiền để trả. Họ phải gửi trả bộ đồ. Clyde Ross đã không tham dự chương trình của nhà thờ.


Chính trong những năm tháng đầu đời này, Ross bắt đầu hiểu mình là một người Mỹ -- anh không sống theo sắc lệnh công lý mù quáng, mà dưới một chế độ đã nâng tầm việc cướp bóc bằng vũ trang thành một nguyên tắc cai trị. Cậu nghĩ về việc chiến đấu. “Phải giữ im lặng,” cha cậu nói. “Nếu không thì chúng sẽ đến và giết tất cả chúng ta.”


Rồi Clyde Ross trưởng thành. Ông đã đi quân dịch. Các quan chức quân dịch đã đề xuất rằng ông có thể được miễn trừ nếu ông ở nhà và làm việc. Ông lại thích thử vận mệnh của mình trong chiến tranh. Ông đã đóng quân ở California và nhận thấy rằng ông có thể đi vào các cửa hàng mà không bị làm phiền. Ông cũng có thể đi bộ ngoài đường mà không bị quấy rối. Ông có thể đi vào một nhà hàng và được phục vụ.


Ross được đưa tới đảo Guam. Ông đã chiến đấu trong Đệ Nhị Thế Chiến để cứu vãn thế giới khỏi ách chuyên chế. Nhưng khi trở về Clarksdale, ông lại phát hiện rằng ách chuyên chế đã theo ông về nhà. Đó là năm 1947, tám năm trước khi Mississippi treo cổ Emmett Till (một cậu bé Da Đen 14 tuổi đã sau bị treo cổ sau khi bị buộc tội xúc phạm một người phụ nữ Da Trắng trong cửa hàng tạp hóa của gia đình cô) và ném xác cậu ấy xuống sông Tallahatchie. Cuộc Đại Di Cư, một cuộc di cư hàng loạt của 6 triệu người Mỹ gốc Phi kéo dài gần hết thế kỷ 20, đến lúc đó đang ở làn sóng thứ hai. Những người hành hương Da Đen không chỉ hướng về phía bắc để mưu cầu công việc tốt và trả lương cao hơn, hay tìm ánh đèn đêm mộng ảo và những cuộc phiêu lưu. Họ đang cố thoát khỏi các lãnh chúa ham lợi của miền Nam. Họ đang tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật.


Clyde Ross là một trong số đó. Ông đến Chicago vào năm 1947 và nhận làm một người ăn thử cho hãng Campbell’s Soup. Ông nhận được một mức lương ổn định. Rồi ông kết hôn và có con. Tiền lương là của riêng ông ấy. Ông không bị người của KKK tước bỏ phiếu bầu. Khi ông đi xuống phố, ông không phải tránh đường vì một người đàn ông da trắng đang đi ngang qua. Ông không cần phải cởi mũ hay nhìn đi hướng khác. Hành trình của ông từ kiếp nô lệ đến quyền công dân dường như đã gần hoàn tất. Chỉ còn thiếu một thứ duy nhất -- một ngôi nhà, đó là phù hiệu cuối cùng cần có để gia nhập vào trật tự thiêng liêng của tầng lớp trung lưu Mỹ trong những năm dưới quyền tổng thống Eisenhower.


Năm 1961, vợ chồng Ross đã mua một ngôi nhà ở North Lawndale, một cộng đồng nhộn nhịp ở hướng Tây của Chicago. North Lawndale từ lâu đã là một khu phố chủ yếu nhiều người Do Thái, nhưng một số ít người Mỹ gốc Phi trung lưu đã sống ở đó bắt đầu từ những năm ‘40. Cộng đồng đã được neo lại với nhau qua trụ sở rộng lớn của Sears và Roebuck. Học viện người Do Thái Miền Bắc Lawndale đã tích cực khuyến khích người Da Đen di chuyển vào khu vực này, tìm cách biến nó thành một “cộng đồng thí điểm cho kiểu sinh sống đa chủng tộc.” Trong cuộc chiến cho việc hội nhập sau đó sẽ xảy ra trên khắp đất nước, North Lawndale dường như đã đưa ra một mô hình đầy hứa hẹn. Nhưng ở ngoài đó trong những bãi cỏ cao, những kẻ trộm cướp, bất chính như những chính trị gia bóc lột nào của Clarksdale, đã nằm chờ.

Từ những năm 1930 đến những năm 1960, người Da Đen trên khắp đất nước phần lớn đã bị gạt khỏi thị trường thế chấp nhà ở hợp pháp.

Ba tháng sau khi Clyde Ross dọn vào nhà mới, nồi hơi của nhà đã nổ tung. Điều này thường sẽ là trách nhiệm của chủ nhà, nhưng trên thực tế, Ross không phải thực sự là chủ nhà. Các khoản tiền nhà hằng tháng của ông đã được chuyển cho người bán, không phải ngân hàng. Và Ross đã không ký một thế chấp bình thường. Ông ấy đã mua “trên hợp đồng”: một hợp đồng chèn ép đã kết hợp tất cả các trách nhiệm của chủ nhà với tất cả các nhược điểm của việc thuê nhà trong khi chẳng cung cấp lợi ích nào của hai lựa chọn này. Ross đã mua căn nhà của mình với giá $27,500. Người bán, không phải là chủ nhà trước đây mà là một người trung gian mới, đã mua nó chỉ với $12,000 sáu tháng trước khi họ bán nó cho Ross. Trong một giao dịch bán hợp đồng, người bán giữ chứng thư cho đến khi hợp đồng được thanh toán đầy đủ và, không giống như thế chấp thông thường, Ross sẽ không có được vốn chủ sở hữu trong thời gian đó. Nếu ông lỡ quên một tháng tiền nhà, ông sẽ ngay lập tức bị mất $1,000 tiền đặt cọc, hết tất cả các khoản tiền đã trả góp, và chính căn nhà đó.


Những kẻ cò mồi để bán những hợp đồng này ở North Lawndale sẽ bán nhà với giá thổi phồng và sau đó đuổi những gia đình không thể trả tiền hằng tháng ra khỏi nhà, rồi thu hồi tiền trả góp của họ làm lãi. Sau đó, họ sẽ lôi kéo một gia đình Da Đen khác vào và lặp lại quá trình đó. “Ông ta áp tải họ với số tiền trả góp họ không bao giờ trả nổi,” Một thư ký văn phòng đã nói với tờ Chicago Daily News về sếp cũ của mình, nhà đầu cơ Lou Fushanis, vào năm 1963. “Sau đó, ông ta lấy lại căn nhà. Ông đã mua đi bán lại một số căn nhà tới ba bốn lần.”


Ross đã cố gắng để nhận được một thế chấp hợp pháp ở một khu phố khác, nhưng bị một nhân viên cho vay nói rằng không có vốn để cấp. Sự thật là vốn chỉ không có sẵn cho những người như Clyde Ross. Từ những năm 1930 đến thập niên 1960, người Da Đen trên khắp đất nước phần lớn đã bị loại khỏi thị trường thế chấp nhà ở hợp pháp bằng những thủ đoạn hợp pháp và ngoài quy định của pháp luật. Những người Da Trắng ở Chicago đã sử dụng mọi biện pháp, từ các “giao ước hạn chế” cho đến đánh bom, để giữ cho khu phố của họ được tách biệt.


Những nỗ lực của họ đã được chính phủ liên bang ủng hộ. Năm 1934, Quốc Hội đã thành lập Cục Quản Lý Nhà Ở Liên Bang (FHA). FHA bán bảo hiểm thế chấp tư nhân, giúp giảm lãi suất và giảm bớt số tiền đặt cọc cần để mua một ngôi nhà. Nhưng một khoản thế chấp được bảo hiểm là nằm ngoài tầm tay của Clyde Ross. FHA đã áp dụng một hệ thống bản đồ đánh giá các khu phố dựa theo tính ổn định dựa vào cảm quan. Trên các bản đồ, các khu vực được khoanh vòng màu xanh lá được xếp hạng là khu vực “A,” là biểu thị cho khu vực có “nhu cầu,” như một người thẩm định đã miêu tả, vì không có “bất kỳ mạng kẻ ngoại quốc hay bọn Da Đen nào.” Những khu phố này được coi là triển vọng tuyệt vời cho bảo hiểm. Các khu dân cư nơi người Da Đen sinh sống được xếp hạng “D" và thường bị xem là không đủ điều kiện để nhận giúp đỡ từ FHA. Chúng được khoanh đỏ. Cả tỷ lệ người Da Đen sống ở một nơi hay tầng lớp xã hội của họ đều không quan trọng. Người Da Đen đã bị xem như một bệnh truyền nhiễm. Chủ trương Khoanh vùng đỏ đã vươn ra ngoài các khoản vay được FHA hỗ trợ và lan rộng đến toàn bộ ngành thế chấp vốn đã đầy rẫy sự phân biệt chủng tộc từ trước, loại trừ người Da Đen khỏi hầu hết các phương tiện hợp pháp để được thế chấp mua nhà.


Một Bản Đồ An Ninh Dân Cư năm 1939 từ Tập Đoàn Chủ Sở Hữu Nhà của Chicago cho thấy sự phân biệt đối xử với các khu dân cư thu nhập thấp và thuộc nhóm thiểu số. Các cư dân của các khu vực được khoanh vùng đỏ (để đại diện cho thị trường bất động sản “có nguy cơ") đã bị từ chối thế chấp bởi FHA. (Bản đồ được phát triển bởi Frankie Dintino)


“Một chính phủ cung cấp tiền thưởng cỡ vậy cho các nhà thầu và người cho vay đã có thể yêu cầu tuân thủ chính sách không phân biệt đối xử,” ông Charles Abrams, chuyên gia nghiên cứu đô thị đã giúp tạo ra Cơ Quan Nhà Ở Thành Phố New York, đã viết vào năm 1955. Thay vào đó, FHA đã thông qua một chính sách chủng tộc có vẻ như đã được sao chép từ các luật chủng tộc của Đức Quốc Xã.


Trong cuốn sách Tài Sản Da Đen/Tài Sản Da Trắng (Black Wealth/White Wealth) của tác giả Melvin L. Oliver và Thomas M. Shapiro xuất bản năm 1995 đã phác hoạ những hệ luỵ nghiêm trọng của chính sách này:

Bị loại khỏi cơ hội tích lũy tài sản vào thời điểm dễ dàng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, những người Mỹ gốc Phi với mong muốn và khả năng sở hữu nhà đã bị buộc phải co cụm trong các cộng đồng ở trung tâm thành phố, nơi các khoản đầu tư của họ đã bị ảnh hưởng bởi “những lời tiên tri tự hoàn thành” mà những người thẩm định từ FHA đưa ra: bị cắt khỏi các nguồn đầu tư mới [,] nhà cửa và cộng đồng của họ xuống cấp và mất giá trị so với những ngôi nhà và cộng đồng mà các thẩm định viên FHA đã xem là đáng giá.

Ở Chicago và trên toàn quốc, những người Da Trắng muốn đạt được giấc mơ Mỹ có thể dựa vào một hệ thống tín dụng đúng đắn được hỗ trợ bởi chính phủ. Người Da Đen đã bị dồn vào tầm ngắm của những người cho vay vô đạo đức, những người đã lợi dụng họ để kiếm tiền và tiêu khiển. “Đây cũng giống như những người thích đi bắn sư tử ở châu Phi. Nó có một sự li kì tương tự,” một luật sư về nhà ở nói với nhà sử học Beryl Satter trong cuốn sách năm 2009 của cô, Family Properties. “Sự li kì của cuộc rượt đuổi và sát hại.”


Sự sát hại này đã mang lại lợi nhuận. Vào thời điểm ông qua đời, Lou Fushanis đã sở hữu hơn 600 bất động sản với nhiều căn trong số đó nằm ở North Lawndale, và tài sản của ông ước tính trị giá 3 triệu đô la. Ông đã kiếm được nhiều tiền bằng cách lợi dụng những hy vọng mong manh của những người di cư Da Đen như Clyde Ross. Trong thời gian này, theo một ước tính, 85 phần trăm trong tất cả những người mua nhà Da Đen đã mua ở Chicago theo hợp đồng. Nếu một người có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh này ở Chicago không kiếm được 100,000 đô la một năm, thì hắn quá lười nhác,” một người bán hợp đồng nói với tờ Saturday Post vào năm 1962.


Những người bán hợp đồng đã trở nên giàu có. North Lawndale đã trở thành một khu ổ chuột.


Clyde Ross vẫn sống ở đó. Ông vẫn sở hữu nhà của mình. Ông ấy giờ 91 tuổi, và những biểu tượng của sự sống còn bao vây ông-- giải thưởng công nhận cho việc phục vụ cộng đồng, hình ảnh của các con trong mũ tốt nghiệp và áo thụng. Nhưng khi tôi hỏi ông về nhà của ông ở North Lawndale, tôi chỉ nghe kể về sự hỗn loạn.

“Chúng tôi xấu hổ. Chúng tôi đã không muốn ai biết rằng chúng tôi đã dốt như vậy,” ông Ross nói với tôi. Ông ngồi ở bàn ăn. Cặp kính dày như giọng Clarksdale chính gốc của ông. “Tôi đã thoát khỏi Mississippi, nơi của sự loạn lạc, để đến đây và gặp một hỗn độn khác. Tôi đã ngu cỡ nào? Tôi không muốn ai biết tôi đã đần như thế.”


“Khi tôi thấy mình bị cuốn vào nó, tôi tự hỏi, ‘Từ lúc nào? Tôi đã rời khỏi hỗn loạn. Tôi thoát khỏi sự vô luật pháp và vô tâm. Và sau đó tôi đã đến đây để bị lừa thê thảm.’ Tôi có thể đã muốn làm hại vài người nếu tôi đã bạo lực như một số người trong chúng tôi. Tôi nghĩ, ‘Trời, tôi đã bị cuốn vào những thứ này. Tôi thậm chí còn không thể chăm sóc con mình.’ Tôi đã không có đủ tiền để lo cho con. Ta có thể tự đánh mất mình một cách rất dễ dàng khi chiến đấu với những người Da Trắng này. Và không có luật nào bảo vệ chúng tôi.

Người Da Đen đã bị dồn vào tầm ngắm của những người cho vay vô đạo đức, những người đã lợi dụng họ để kiếm tiền và tiêu khiển.

Nhưng Clyde Ross đã đấu tranh. Năm 1968, ông đã gia nhập Liên Đoàn Những Người Mua Hợp Đồng mới thành lập, tập hợp một nhóm các chủ nhà Da Đen ở khu Tây và khu Nam Chicago. Tất cả những người này đã bị đẩy vào cùng một hệ thống bóc lột. Có Howell Collins, người đã có hợp đồng kêu gọi ông trả 25,500 đô la cho một ngôi nhà mà một nhà đầu cơ đã mua với giá 14,500 đô la. Có Ruth Wells, người đã tìm được cách để trả hết một nửa hợp đồng của mình với mong muốn được thế chấp, chỉ để bị chơi một cú không ngờ khi một hóa đơn bảo hiểm tự dưng xuất hiện-- một yêu cầu mà người bán đã thêm vào mà không báo với ông. Người bán hợp đồng đã sử dụng mọi công cụ theo ý họ để ăn cắp từ khách hàng của họ. Họ đã làm cư dân Da Trắng sợ đến nỗi đồng ý bán nhà ở giá thấp. Họ đã nói dối về các đặc tính tuân thủ quy tắc xây dựng, sau đó để người mua chịu trách nhiệm khi thanh tra thành phố đến. Họ tự giới thiệu mình là nhà môi giới bất động sản, trong khi thực tế họ chính là chủ sở hữu. Họ đã hướng dẫn khách hàng của họ tìm đến các luật sư thông đồng với sắp đặt của họ.


Liên minh Người Mua Hợp Đồng đã kháng cự. Các thành viên - những người cuối cùng có số lượng hơn 500 người - đã đi ra vùng ngoại ô sang trọng nơi các nhà đầu cơ sống và làm họ xấu hổ bằng việc gõ cửa nhà hàng xóm của họ và thông báo cho họ về chi tiết của giao dịch cho vay theo hợp đồng. Họ từ chối trả tiền trả góp, thay vào đó giữ các khoản thanh toán hàng tháng trong một tài khoản ký quỹ. Sau đó, họ đưa ra một vụ kiện chống lại những người bán hợp đồng, cáo buộc họ mua tài sản và bán lại theo cách thức như vậy “để gom góp từ các thành viên của tộc Negro các khoản lợi nhuận lớn và bất chánh.”



Để đáp lại “sự mất mát quyền lợi và đặc quyền của họ theo Tu Chánh Án Thứ Mười Ba và Thứ Mười Bốn,” liên minh này yêu cầu những “lời cầu nguyện cứu trợ” - hoàn vốn cho tất cả các khoản tiền được trả theo hợp đồng và tất cả số tiền được trả cho việc tu sửa cấu trúc nhà, với mức lãi suất 6% trừ đi “giá công bằng, không phân biệt đối xử” trong thời gian ở trong nhà. Hơn nữa, liên minh yêu cầu tòa án xét xử rằng các bị cáo đã “hành động cố ý và ác ý, và rằng ác ý đó là điểm chính yếu của hành động này.”


Ross và Liên minh Người Mua Hợp Đồng đã không còn dựa vào chính phủ chỉ vì sự bình đẳng. Họ không còn chạy trốn với hy vọng có một thỏa thuận tốt hơn ở nơi khác. Họ đã buộc tội xã hội với một tội ác chống lại cộng đồng của họ. Họ muốn tội ác được phán quyết công khai như vậy. Họ muốn những kẻ xét xử của tội ác được tuyên bố là sự xúc phạm cho xã hội. Và họ muốn bồi thường cho những tổn thương lớn do những kẻ phạm trên. Năm 1968, Clyde Ross và Liên minh Người Mua Hợp Đồng không còn đơn giản tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật. Họ đang tìm kiếm sự bồi thường.


II. “Một Sự Khác Biệt về Hình thức, Không phải Mức Độ”

Theo số liệu thống kê gần đây nhất, hầu hết mọi chỉ số kinh tế xã hội của North Lawndale hiện đang ở mức xấu của . Năm 1930, dân số ở đây là 112.000. Giờ con số đó là 36.000. Đã qua cái thời người ta nói về việc “các chủng tộc cùng chung sống”. 92 phần trăm cư dân ở đây là Da Đen. Tỷ lệ giết người là 45 trên 100.000 - gấp ba lần tỷ lệ của thành phố nói chung. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 14 trên 1.000 - nhiều hơn gấp đôi so với mức trung bình của cả nước. Bốn mươi ba phần trăm người dân ở North Lawndale sống dưới mức nghèo- gấp đôi tỷ lệ chung của Chicago. Bốn mươi lăm phần trăm tất cả các hộ gia đình đang sử dụng chương trình hỗ trợ thực phẩm - gần gấp ba lần tỷ lệ của cã thành phố. Sears, Roebuck rời khỏi khu vực này vào năm 1987, mang theo 1.800 việc làm. Chẳng có gì chưa rõ ràng về triển vọng tương lai cho trẻ em ở North Lawndale: Trung tâm Giam giữ Tạm thời Vị thành niên Cook County nằm ngay sát khu phố.


North Lawndale là một bức chân dung cực đoan về những xu hướng đe doạ người Da Đen ở Chicago. Đó là mức độ nghiêm trọng của những mối đe doạ này mà có thể nói rằng người da đen và người da trắng không sống cùng một thành phố. Thu nhập bình quân đầu người của các khu phố Da trắng Chicago gấp gần ba lần so với các khu phố Da đen. Khi nhà xã hội học Harvard Robert J. Sampson tìm hiểu tỷ lệ giam giữ ở Chicago trong cuốn sách năm 2012 của ông, Great American City, ông phát hiện ra rằng một khu phố Da đen với một trong những tỷ lệ giam giữ cao nhất (Công viên West Garfield) có tỷ lệ cao hơn 40 lần so với khu phố Da trắng có tỷ lệ cao nhất (Clearing). “Đây là một sự khác biệt đáng kinh ngạc, ngay cả đối với các so sánh ở cấp độ cộng đồng,” Sampson viết. “Một sự khác biệt về hình thức, không phải mức độ.”



Nói cách khác, khu dân cư Da Đen nghèo ở Chicago - đặc trưng bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và các hộ gia đình mà chủ hộ là cha hoặc mẹ đơn thân - không đơn giản là nghèo; họ “khác biệt về mặt sinh thái.” Đây không chỉ “đơn giản là điều tương tự như tình trạng kinh tế thấp,” Sampson viết. “Trong khuôn mẫu này Chicago không đơn độc.”


Cuộc sống của người Mỹ da đen ngày nay tốt hơn so với nửa thế kỷ trước. Sự sỉ nhục của những tấm biển “Chỉ dành cho người Da Trắng" đã biến mất. Tỷ lệ nghèo của người da đen đã giảm. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên da đen đang ở mức thấp kỷ lục - và khoảng cách giữa tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên đen và trắng đã giảm đáng kể. Nhưng sự tiến bộ như vậy nằm trên một nền tảng bấp bênh, và đâu đâu cũng thấy các vết nứt. Khoảng cách thu nhập giữa các hộ gia đình da đen và da trắng hiện xấp xỉ mức năm 1970. Patrick Sharkey, một nhà xã hội học tại Đại học New York, đã nghiên cứu những trẻ em sinh ra từ năm 1955 đến 1970 và thấy rằng 4% người da trắng và 62% người da đen trên khắp nước Mỹ đã được nuôi dưỡng trong các khu phố nghèo. Một thế hệ sau, cùng một nghiên cứu cho thấy, hầu như không có gì thay đổi. Và trong khi những người da trắng sinh ra ở những khu dân cư giàu có có xu hướng ở lại những khu dân cư giàu có, người da đen có xu hướng rớt khỏi các khu dân cư này.


Điều này không đáng ngạc nhiên. Gia đình người Da Đen, bất kể thu nhập, ít tài sản hơn so với gia đình người da trắng. Trung tâm nghiên cứu Pew ước tính rằng các hộ gia đình da trắng có giá trị gấp khoảng 20 lần so với các hộ gia đình da đen, và trong khi đó chỉ có 15% người da trắng không có tài sản bằng hoặc thiếu nợ, hơn một phần ba người da đen bị tình trạng như thế. Trong thực tế, gia đình da đen ở Mỹ đang làm việc mà không có an toàn trong thu nhập. Khi hiểm họa tài chính tấn công - tình trạng y tế khẩn cấp, ly hôn, mất việc - thì sự suy sụp xảy ra.

Và các gia đình người da đen ở tất cả các mức thu nhập không chỉ bị trói buộc vì thiếu hụt tài sản, họ cũng bị trói buộc bởi có ít lựa chọn về khu vực sinh sống. Người da đen có thu nhập trung-thượng-lưu thường không sống trong các khu dân cư thuộc tầng lớp trung-thượng-lưu. Nghiên cứu của Sharkey cho thấy các gia đình da đen kiếm được 100.000 đô la thường sống trong các khu dân cư có các gia đình da trắng kiếm được 30.000 đô la. “Những người da đen và người da trắng sống ở những khu phố khác nhau như vậy,” ông Shar Sharkey viết, “rằng không thể so sánh kết quả kinh tế giữa trẻ em da đen và da trắng.”

Một hiệp hội bất động sản quốc gia khuyên không nên bán cho “một người đàn ông da màu đang cho con cái mình học đại học.”

Điều này dẫn đến những hệ luỵ kinh khủng. Như một quy tắc, những người Da Đen nghèo không tìm cách thoát khỏi khu ổ chuột - và những người thường xuyên phải đối mặt với nỗi kinh hoàng khi nhìn con cháu của họ thất bại.


Dường như bằng chứng của cái tiến bộ chậm chạp dưới sự khắc nghiệt. Năm 2012, Viện Manhattan vui vẻ lưu ý rằng sự phân biệt đã giảm kể từ những năm 1960. Tuy nhiên, người Mỹ gốc Phi vẫn còn - đến nay - sắc tộc bị tách biệt nhất trong cả nước.


Với nạn phân biệt, thêm sự cô lập của bị thương và bị cướp, dẫn đến sự tập trung của bất lợi. Nếu ở nước Mỹ không có sự tách biệt chủng tộc, cảnh nghèo đói, và tất cả các tác động của nó, có thể tồn tại khắp nơi mà không có sự thiên lệch cụ thể nào liên quan tới màu da. Nhưng trên thực tế, cảnh nghèo có tính tập trung lại đi đôi với nồng độ sắc tố đen trong da. Điều này dẫn đến một sự nhập nhằng tệ hại.


Một luồng suy nghĩ trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi cho rằng những con số đáng buồn này một phần xuất phát từ các bệnh văn hóa có thể được thay đổi bằng nỗ lực bền bỉ của cá nhân và hành vi tốt nổi bật. (Năm 2011, Thị trưởng Philadelphia Michael Nutter, phản ứng với nạn bạo lực ở những thanh niên da đen trẻ tuổi, đổ lỗi cho gia đình: “Quá nhiều đàn ông tạo ra quá nhiều em bé mà họ không muốn chăm sóc, và rồi chúng tôi phải đối mặt với trẻ em của các người.” Nutter quay sang những đứa trẻ mặc định không có cha: “Kéo quần của bạn lên và mua một chiếc thắt lưng, bởi vì không ai muốn nhìn thấy đồ lót của bạn hoặc các kẽ trên mông của các người) Sợi chỉ cũ như chính trị đen. Nó cũng sai. Loại phân biệt chủng tộc mà người da đen liên tục phải chịu không bao giờ có thể bị đánh bại bằng cách khiến cho nạn nhân của nó trở nên đáng kính hơn. Bản chất của phân biệt chủng tộc Mỹ là thiếu tôn trọng. Và sau những con số nghiệt ngã, chúng ta thấy sự kế thừa nghiệt ngã.


Vụ kiện của Liên minh Người Mua Hợp đồng do Clyde Ross và các đồng minh của ông mang đến nhắm trực tiếp vào sự kế thừa này. Vụ kiện bắt nguồn từ lịch sử phân biệt lâu đời của Chicago, nơi đã tạo ra hai thị trường nhà ở - một bên hợp pháp và được chính phủ hậu thuẫn, bên kia là vô luật pháp với những kẻ săn mồi tuần tra. Vụ kiện kéo dài đến năm 1976, khi liên minh thua một phiên tòa trước bồi thẩm đoàn. Sự việc cho thấy việc tìm kiếm sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật rất khó khăn; việc tìm kiếm bồi thường là không thể. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về tâm trạng của bồi thẩm đoàn, người quản đốc đã loại bỏ họ bằng cách nói, khi được hỏi về bản án, rằng anh ta hy vọng nó sẽ giúp chấm dứt “vụ lộn xộn Earl Warren tạo ra với vụ kiện Brown v. Hội Đồng Giáo Dục và tất cả những điều vô nghĩa đó.”

Nếu ở nước Mỹ không có sự tách biệt chủng tộc, cảnh nghèo đói, và tất cả các tác động của nó, có thể tồn tại khắp nơi mà không có sự thiên lệch cụ thể nào liên quan tới màu da.

Tòa án tối cao dường như cũng đồng cảm. Trong hai thập niên qua, nhiều đạo luật cấp tiến được ban hành trong thập niên 1960 đã bị dẹp bỏ. Những người theo chủ nghĩa tự do giờ bị dồn vào thế phòng ngự. Năm 2008, khi Barack Obama ứng cử chức tổng thống, ông đã được hỏi liệu hai cô con gái của mình - là Malia và Sasha - có nên được hưởng lợi từ affirmative action (chính sách hỗ trợ sắc dân thiểu số) hay không. Ông đã trả lời ở thể phủ định.


Cuộc trao đổi dựa trên sự so sánh sai lầm giữa gia đình da trắng trung bình ở Mỹ và một gia đình đệ nhất xuất chúng. Trong cuộc đua vươn lên tầng trên xã hội, Barack và Michelle Obama đã chiến thắng. Nhưng họ đã chiến thắng bằng cách giỏi gấp đôi người giỏi - và bền bỉ gấp đôi. Malia và Sasha Obama hưởng những đặc quyền mà trẻ em da trắng trung bình nằm mơ cũng không thấy được. Nhưng sự so sánh đó là không đầy đủ. Sự khác biệt sẽ rõ rệt hơn nếu đem so sánh con nhà Obama với Jenna và Barbara Bush - sản phẩm của những đặc quyền được tích lũy trong không chỉ một mà nhiều thế hệ. Dù con nhà Obama đạt được điều gì, đó sẽ là bằng chứng cho sự kiên trì độc nhất của gia đình họ, chứ không phải là sự bình đẳng rộng rãi.



III. “Chúng ta thừa kế vô vàn di sản”

Năm 1783, một nữ nô lệ được trả tự do tên Belinda Royall thỉnh cầu khối Thịnh vượng chung Massachusetts trả bồi thường. Belinda được sinh ra ở nơi hiện giờ là Ghana. Bà bị bắt cóc khi còn nhỏ và bị bán làm nô lệ. Bà đã nếm trải đoạn trường của nô lệ bị bán xuyên Đại Tây Dương, trải qua Middle Passage [việc người nô lệ châu Phi bị đem đến châu Mỹ, đây là một trong ba bước trong quá trình buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương] chịu cảnh 50 năm làm nô lệ cho Isaac Royall và con trai hắn. Nhưng Royall con, một người Anh trung thành với vương quốc Anh (trong cuộc chiến tranh Cách mạng Mỹ), đã chạy sang nước khác trong cuộc chiến tranh Cách mạng. Belinda, giờ là người tự do sau nửa thế kỷ lao lực, cầu khẩn cơ quan hành pháp mới thành lập của Massachusetts:


Gương mặt của người Thỉnh nguyện này giờ đây đã hằn sâu vết thời gian, thân thể bà bị oằn cong dưới những tháng năm áp bức. Trong khi đó, theo Luật hiện hành, bà bị chối bỏ tất cả những lợi ích từ khối của cải khổng lồ đã được tạo dựng một phần nhờ sự cần cù, và củng cố hoàn toàn bởi sự phục dịch của bà.
Vì thế, tới đây quỳ dưới chân các quý ngài, với tư cách một tập thể được dựng lên nhân danh sự xoá bỏ chế độ nô dịch, để tưởng thưởng cho Đức Hạnh, và đền đáp cho sự cần cù chân chính - bà nguyện cầu được nhận một phần trợ cấp rút từ tài sản của Đại tá Royall, bởi nó sẽ giúp bà và con cái yếu ớt của bà khỏi rơi vào cảnh khốn cùng, reo rắc chút an ủi cho phần đời ngắn ngủi và xuống dốc của họ.

Belinda Royall đã được nhận một khoản trợ cấp 15 bảng và 12 si linh, trả từ bất động sản của Isaac Royall - một trong những kiến nghị đòi bồi thường thành công đầu tiên. Vào thời điểm đó, người Da Đen ở Mỹ đã phải chịu hơn 150 năm nô lệ, và lập luận rằng họ bị nợ một điều gì đó, nếu không phải là ý niệm chung của cả quốc gia, thì chí ít cũng không có gì là quá đáng.

Click the image above to view the full document.


"Chúng ta, với tư cách là một xã hội dân sự, phải đối mặt với một quá khứ nặng nề đã áp bức những người không gây hại cho chúng ta," Quaker John viết năm 1769, "và nếu các trường hợp cá nhân đã thực sự được trình bày một cách công bằng, thì có vẻ họ xứng đáng có những khoản bồi thường lớn".


Như nhà sử học Roy E. Finkenbine đã ghi lại, vào những buổi đầu của đất nước này, những vụ bồi thường cho người Da Đen đã được tích cực xem xét và thường được thực hiện. Những tín đồ phái Giáo hữu ở New York, New England, và Baltimore còn cho "đăng ký làm hội viên tùy vào sự bồi thường [của hội viên] cho nô lệ của họ". Vào năm 1782, Tín đồ phái Giáo hữu Robert Pleasants đã giải phóng 78 nô lệ của mình, cho họ 350 mẫu Anh, và sau đó xây một trường học trên đất của họ và chu cấp cho sự giáo dục của họ. Pleasants viết, "Việc làm theo công lý này cho những người châu Phi đã bị làm tổn thương, là một lễ vật đáng được hoan nghênh cho ông ấy [Chúa], người "cai quản thế giới của loài người"."

Click the image above to view the full document.


Edward Coles, người được Thomas Jefferson bảo hộ và làm chủ nô lệ thông qua thừa kế, đã đưa nhiều nô lệ của mình lên phía bắc và cấp cho họ một mảnh đất ở Illinois. John Randolph, người họ hàng của Jefferson, viết thừa kế rằng tất cả những nô lệ của ông sẽ được giải phóng khi ông chết, và rằng rất cả những người hơn 40 tuổi sẽ được cấp 10 mẫu Anh đất đai. "Tôi cho và thừa kế lại cho tất cả những nô lệ của tôi sự tự do của họ,' Randolph viết, "và tôi vô cùng hối hận rằng tôi đã từng là người chủ nô lệ."


Trong cuốn sách "Mãi mãi Tự do" của mình, Eric Foner kể lại câu chuyện một người chủ đồn điền bực bội khiển trách một người nô lệ đã được trả tự do khi người này làm việc một cách lười biếng:

Chủ đồn điền: "Đồ Da Đen lười nhác, tao bị mất cả một ngày làm việc của mày đấy"
Người đó trả lời: "Ông chủ à, tôi đã bị mất bao nhiêu ngày làm việc cho ông?"

Vào thế kỷ 20, sự đền bù được tiến hành bởi một thành phần đa dạng hơn, gồm cựu chiến binh của Hợp bang miền Nam Hoa Kỳ Walter R. Vaughan, người tin rằng sự bồi thường sẽ là một tác nhân kích thích kinh tế cho miền Nam; nhà hoạt động xã hội Callie House; và những nhà lãnh đạo Da Đen theo chủ nghĩa dân tộc như "Queen Mother" Audley Moore; và nhà hoạt động quyền công dân James Forman. Phong trào vào năm 1987 hợp thành một tổ chức tên là Liên Minh Quốc gia Người Da Đen đòi bồi thường ở Mỹ (National Coalition of Blacks for Reparations in America - N'COBRA). NAACP tán thành việc bồi thường năm 1993. Charles J. Ogletree Jr., một giáo sư ở Đại học Luật Harvard, đã theo đuổi các vụ yêu cầu bồi thường tại tòa án.


Nhưng trong khi những người ủng hộ việc bồi thường đã thay đổi theo thời gian, thì phản ứng từ đất nước này gần như không thay đổi. "Họ được dạy dỗ để lao động," tờ Chicago Tribune viết xã luận. "Họ được dạy về sự văn minh Cơ Đốc giáo, và nói tiếng Anh cao quý thay vì mấy thứ tiếng châu Phi vô nghĩa. Việc nợ nần là sòng phẳng với những người nô lệ cũ".


Không hẳn là vậy. Bị bắt làm nô lệ trong 250 năm, người Da Đen sau khi được giải phóng không được làm chủ sự tự do của mình. Họ bị khủng bố. Ở Thâm Nam Hoa Kỳ (Deep South) một chế độ nô lệ thứ hai cai trị. Ở miền Bắc, các cơ quan lập pháp, thị trưởng, các hiệp hội dân sự, ngân hàng, và người dân thông đồng với nhau đẩy người Da Đen vào các khu ổ chuột, nơi họ sống chen chúc, bị hét giá cao, và không được giáo dục đầy đủ. Các doanh nghiệp kỳ thị họ, dành cho họ những công việc tồi tệ nhất và mức lương tồi tệ nhất. Cảnh sát thì dùng bạo lực với họ trên đường phố. Và quan niệm rằng mạng sống, cơ thể, và tài sản của người Da Đen là những mục tiêu tấn công chính đáng vẫn còn ăn sâu trong xã hội. Hiện giờ chúng ta đã rút được một chân khỏi hàng thế kỷ của sự bóc lột, hứa hẹn rằng "Sẽ không bao giờ chuyện đó xảy ra nữa". Nhưng chúng ta vẫn đang bị ám. Cứ như là chúng ta dùng rất nhiều tiền trong thẻ tín dụng và cam kết rằng sẽ không bao giờ tiêu xài thêm nữa, và ngơ ngác khi thấy món nợ không hề biến mất. Những hệ quả của món nợ đó, kèm lãi mẹ đẻ lãi con , đang hiện diện quanh chúng ta.


Ngày nay, cứ đụng đến chủ đề bồi thường thì sẽ hàng tá câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ được bồi thường? Bồi thường bao nhiêu? Ai là người chi trả? Nhưng nếu tính thực tiễn, chứ không phải là công lý, của của sự bồi thường mới đúng là trở ngại thì đã có những mở đầu cho một lời giải. Trong 25 năm qua, nghị sĩ John Conyers Jr., người đại diện cho khu vực Detroit, tại mỗi phiên họp Quốc hội đều đưa một dự luật kêu gọi một nghiên cứu quốc hội về chế độ nô lệ và những hậu quả dai dẳng của nó cũng như các khuyến nghị cho "những biện pháp khắc phục phù hợp."


Một quốc gia hứng thú với tính thực tiễn của việc bồi thường sẽ có câu trả lời dễ dàng trong dự luật của Conyers, hiện có tên là HR 40, Điều luật Ủy ban nghiên cứu các đề xuất bồi thường cho người Mỹ gốc Phi. Chúng ta sẽ ủng hộ dự luật này, đưa ra câu hỏi nghiên cứu, và sau đó đánh giá các giải pháp khả thi. Nhưng chúng ta không quan tâm.


"Bởi vì chỉ có những người Da Đen có những kiến nghị như vậy," Nkechi Taifa, người phụ giúp thành lập N'COBRA, nói. "Ai mà đề cập đến việc bồi thường đều được cho là người mất trí thiên tả. Nhưng tất cả những gì chúng tôi muốn nói là về sự nghiên cứu [bồi thường]. Như John Conyers đã nói, chúng ta nghiên cứu tất cả mọi thứ. Chúng ta nghiên cứu nước, nghiên cứu không khí. Chúng ta không thể nghiên cứu vấn đề đó sao? Dự luật này đâu có cấp cho ai một xu nào."


Dự luật HR 40 đó chưa bao giờ - cho dù dưới quyền của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa - được đưa ra ở Hạ viện. Điều này gợi ý rằng những quan ngại của chúng ta bắt nguồn không phải từ tính thực tiễn của việc bồi thường mà từ một điều gì đó mang tính sống còn. Nếu chúng ta kết luận rằng những sự kiện ở North Lawndale và ở những vùng đông người Da Đen sinh sống không phải là không thể giải thích được, mà là chính xác những gì bạn mong chờ ở một cộng đồng trong hàng thế kỷ đã chịu cảnh đày đọa ở Mỹ, thì chúng ta sẽ nghĩ gì về nền dân chủ lâu đời nhất trên thế giới?


Người ta không thể né tránh câu hỏi bằng cách xua tay với quá khứ, chối bỏ những hành động của tổ tiên, cũng không thể bằng việc viện dẫn rằng cha ông của mình mới nhập cư gần đây. Người chủ nô lệ đã chết cách đây rất lâu. Người lính cuối cùng phải chịu đựng Valley Forge [trại mùa đông (1777-78) của Washington và Quân đội Giải phóng nước Mỹ] còn chết lâu hơn đó nữa. Tự hào ca ngợi người chiến sĩ đó và chối bỏ người chủ nô lệ là lòng yêu nước đơn thuần. Một quốc gia tồn tại lâu hơn những thế hệ dân cư của nó. Chúng ta không có ở đó khi mà Washington bằng sông Delaware, nhưng bức tranh vẽ lại của Emanuel Gottlieb Leutze có ý nghĩa với chúng ta. Chúng ta không có ở đó khi Woodrow Wilson đưa nước Mỹ vào Thế chiến I, nhưng chúng ta vẫn đang chi trả cho các khoản trợ cấp. Nếu trí thông minh kiệt xuất của Thomas Jefferson là quan trọng, thì cách ông nhìn nhận cơ thể của Sally Heming cũng vậy [Sally Heming là nô lệ của Thomas Jefferson, bị ông coi như tài sản và bị hãm hiếp]. Nếu việc George Washington băng sông Delaware là quan trọng, thì việc ông tàn nhẫn truy bắt Oney Judge cũng vậy (Oney Judge: nô lệ cho gia đình Washington, sau đó bà bỏ trốn).

Những gia đình Da Đen kiếm $100,000/năm thường sống ở cùng khu phố với những gia đình da trắng kiếm $30,000/năm.

Năm 1909, Tổng thống William Howard Taft nói với cả nước rằng những người miền Nam da trắng "thông minh" đã sẵn sàng xem những người Da Đen là "những thành viên hữu ích của cộng đồng". Một tuần sau đó, Joseph Gordon, một người da đen, bị hành hình ngoài Greenwood, Mississippi. Đỉnh cao của thời kỳ hành quyết đã qua đi. Nhưng những ký ức về những người bị tước đi mạng sống vẫn còn tồn tại với những hệ quả dai dẳng. Sự thực là ở Mỹ vẫn còn những niềm tin sâu sắc và quái gở rằng nếu bạn đâm người Da Đen 10 lần thì máu sẽ ngừng chảy và vết thương bắt đầu lành ngay khi kẻ thủ ác buông con dao. Chúng ta tin rằng sự thống trị của người da trắng là thực tế của một quá khứ trì trệ đã qua, một món nợ quá hạn có thể biến mất nếu chúng ta đừng tiếp tục nhìn vào nó.


Đã luôn luôn có một cách khác. "Chẳng có tiến bộ gì nếu cứ tuyên bố rằng, tổ tiên của chúng tôi đem họ tới đây, chứ không phải chúng tôi," Hiệu trưởng Yale Timothy Dwight nói năm 1810.


Chúng ta thừa kế vô vàn những di sản với tất cả những gánh nặng của chúng; và chúng ta có trách nhiệm phải trả món nợ của ông cha ta. Đặc biệt, với món nợ này, chúng ta có trách nhiệm giải phóng: và, khi mà vị Thẩm phán chính trực của Vũ trụ tính toán với những đầy tớ của mình, ông sẽ đòi đủ món nợ từ tay của chúng ta một cách không khoan nhượng. Trao trả tự do cho họ và chỉ dừng ở đó, chính là gieo cho họ một lời nguyền mãi mãi.


Translation by Tram Nguyen, Cookie Duong, Tuan Nguyen, and Nhan Nguyen


Copy edits by My Do


*Jim Crow các luật tiểu bang và địa phương giữa thế kỷ 20, nhằm mục đích ép buộc phân biệt chủng tộc.

Comments


bottom of page