top of page

Vì sao Obama lo sợ cho nền dân chủ của chúng ta (Phần I)

Updated: Nov 26, 2020

Translated excerpts from The Atlantic article Why Obama Fears for Our Democracy.


Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, vị cựu tổng thống chỉ ra những mối đe dọa lớn nhất với cuộc thử nghiệm mang tên Hoa Kỳ, lý giải vì sao ông vẫn giữ hy vọng cho nó, và thổ lộ về quyển sách mới của mình.


Jeffrey Goldberg, ngày 16 tháng 11, 2020

THE ATLANTIC


Chúng tôi trò chuyện trực tiếp về nhiều chủ đề vào Thứ Tư và tiếp sau đó vào một cuộc điện thoại hôm Thứ Sáu. Chủ đề rộng nhất trong cuộc đàm thoại này là vòng cung đạo đức trên cuộc đời này: liệu vòng cung này có còn uốn theo công lý? Liệu chính nó có tồn tại? Khi Obama đắc cử 12 năm trước, vòng cung này dường như hiện rõ hơn, ít ra là đối với một phần của đất nước quan tâm đến việc một người không phải là đàn ông da trắng trở thành tổng thống. Tuy vậy, Obama giờ nhận ra sự thay đổi mà ông đại diện đã dẫn đến phản ứng gần như tức thời, từ thuyết âm mưu “birther” về nơi ông sinh ra được khởi nguồn và tuyên truyền bởi Donald Trump, cho đến tận Nhà Trắng.

“Tôi nghĩ điều không thể chối cãi được là việc tôi tượng trưng cho sự chuyển đổi quyền lực. Chỉ sự hiện diện của tôi đã làm nhiều người lo sợ, đôi khi rất rõ ràng, nhưng đôi khi chỉ lặng trong tiềm thức,” Obama chia sẻ. “Và rồi có nhiều người đã lợi dụng và khai thác điều này. Khi một phát thanh viên của Fox News hỏi, lúc Michelle và tôi cụng tay nhau, ‘Đó có phải là cái cụng tay khủng bố?,’ đây rõ ràng không phải là một hàm ý tinh tế nữa. Khi có một bảng hiệu thể hiện sự đối lập với ACA qua cách phác họa tôi như một thầy phù thủy Châu Phi với xương xuyên mũi, đó không phải là một điều khó để ta diễn giải.”


Tuy vậy, đối với Obama, câu chuyện bao quát của Hoa Kỳ, và cả nhân loại, là câu chuyện về sự tiến bộ dù có gián đoạn. Dường như không có gì trong bốn năm qua đã làm ông thay đổi quan điểm của mình. Joe Biden đắc cử là minh chứng cho việc Hoa Kỳ tiến về phía trước; trong khi sự thù địch chủng tộc dai dẳng cùng chủ nghĩa dân túy được dẫn dắt bởi thù hận đại diện cho chướng ngại trong việc duy trì đà tiến lên đó.

Điều này đưa Obama đến ý chính của ông: “Hoa Kỳ là một cuộc thử nghiệm thực sự quan trọng đối với thế giới không phải vì những sự kiện vô tình trong lịch sử đã giúp chúng ta trở thành đất nước vĩ đại nhất trái đất, nhưng vì Hoa Kỳ là cuộc thử nghiệm thực tế đầu tiên trong việc xây dựng một nền dân chủ lớn, đa sắc tộc, đa văn hóa. Và ta chưa biết liệu điều đó sẽ được giữ vững. Không có đủ những nền dân chủ như vậy đang tồn tại và tồn tại đủ lâu để khẳng định con đường này sẽ thành công,” ông cho biết.


Ông chia sẻ rằng có vô vàn mối đe dọa đến nền dân chủ Hoa Kỳ - và đối với chính nghĩa tự do nói chung. Ông đang đề cập đến chủ đề Donald Trump, nhưng cũng nhìn nhận rằng chính Trump không phải là gốc rễ của vấn đề. “Tôi không ngạc nhiên khi một người như Trump có thể gây thu hút trong nền chính trị của chúng ta,” ông nói. “Ông ấy vừa là triệu chứng vừa là chất xúc tác. Nhưng nếu chúng ta có một lãnh đạo dân túy cánh hữu trên đất nước này, tôi đã nghĩ người đó phải có gì đó lôi cuốn hơn thế.”


Đối với Obama, hai vấn đề sâu xa hơn khiếm khuyết cá nhân của Trump là sự thay đổi ông thấy ở Đảng Cộng hòa cùng phong trào bảo thủ nói chung. Ông nói, “Tôi đã không tin được là nó dễ dàng thế nào để thành phần nồng cốt của Đảng Cộng hòa, những người đã có thâm niên tại Washington và tin vào những giá trị cùng thông lệ thể chế nhất định, lại khuất phục” trước chủ nghĩa dân túy nhuốm màu Trump.

Ông truy vết của sự dịch chuyển theo hướng dân túy bên trong Đảng Cộng hòa về lại cuộc bầu cử đã đưa mình trở thành tổng thống. Ông nhận định, Sarah Palin, người đồng hành tranh cử với John McCain năm 2008, là người đã giúp cởi trói cho làn sóng dân túy ấy: “Sức mạnh của những cuộc tập hợp của Palin so với của McCain - chỉ cần so sánh sự phấn khích ta có thể thấy trong những người theo Đảng Cộng hòa. Tôi nghĩ điều này ám thị sức lôi cuốn lúc đó đang dâng cao xung quanh chính trị bản sắc (identity politics), chủ nghĩa bản địa bài ngoại, thuyết âm mưu.”


Ông nói, Fox News và những kênh truyền thông cánh hữu khác đã tiếp tay cho làn sóng dân túy; sự phớt lờ của những công ty truyền thông xã hội đối với ảnh hưởng của họ lên nền dân chủ cũng góp phần thúc đẩy làn sóng dân túy này. “Tôi không hoàn toàn gán trách nhiệm cho những công ty công nghệ này,” ông nói, “vì vấn đề này có trước mạng xã hội. Nó đã ở đó sẵn. Nhưng những công ty công nghệ đã ‘tăng áp’ cho làn sóng đó. Tôi biết phần lớn những người này. Tôi cũng đã nói với họ về việc này. Mức độ mà những công ty này khăng khăng cho mình chỉ là những doanh nghiệp tương tự một công ty điện thoại hơn là như tờ báo The Atlantic, tôi không nghĩ họ có thể biện hộ việc này theo cách đó. Họ đang đưa ra những lựa chọn có tính biên tập, dù họ có chôn giấu những lựa chọn này trong các thuật toán hay không. Tu chính án Thứ nhất không buộc doanh nghiệp tư nhân phải cung cấp một nền tảng cho bất kỳ quan điểm nhất định nào.”


Ông nói tiếp, “Nếu chúng ta không có khả năng để phân biệt những gì là thật với những gì là giả, thì theo định nghĩa, một diễn đàn trao đổi ý tưởng không thể thành công. Chúng ta đang đi vào một cuộc khủng hoảng nhận thức.”


Cuộc đàm thoại của chúng tôi đã được biên tập lại để súc tích và rõ ràng hơn.


1. Cái giá cho sự bồng bột của Trump

Jeffrey Goldberg: Có bao nhiêu cái chết và sự hủy diệt ta đã và đang thấy - nhất là trong khoảng thời gian năm đến sáu tháng gần đây sau khi đại dịch bắt đầu - mà ông cho là do lỗi của Trump?


Barack Obama: Đây có thể là một việc khó đương đầu đối với bất kỳ tổng thống nào, và tôi đã chứng kiến nhiều nước, dù họ có hành động trách nhiệm và đi đúng hướng, nhưng hiện tại vẫn bị gia tăng ca nhiễm, điều này là vì chúng ta chưa từng đối phó với một dịch bệnh như vậy. Đây là một virus được thiết kế nhằm tối ưu hóa tổn thất mà nó gây ra. Nó không chết người như Ebola, nó không lây nhiễm nhanh bằng, nhưng nó đủ chết người để gây thiệt hại nặng nề.


Tôi nghĩ sẽ công bằng nếu chúng ta nhìn vào những gì đã và đang diễn ra tại Canada, nơi họ vẫn còn nhiều vấn đề lớn nhưng tỷ lệ tử vong bình quân dân số lại đến khoảng 61% thấp hơn của chúng ta. Có rất nhiều giải thích xung quanh việc này - như hệ thống chăm sóc y tế toàn dân tại Canada, và mật độ dân số tại một số nơi có thể khác của chúng ta. Nhưng nhìn chung họ là một quốc gia có thể so sánh được và nằm chung lục địa với chúng ta.


Giá như Nhà Trắng từ đầu đã nói, “Hãy làm theo khoa học, hãy xem trọng việc này.” Giá như họ đã củng cố thông điệp từ những người như [Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm Quốc gia] Bác sĩ Fauci, và không chính trị hóa những biện pháp phòng ngừa căn bản như đeo khẩu trang. Giá như họ không có ý định vội vàng mở cửa lại và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch trên khắp các kênh truyền thông chính mà phần lớn đất nước ta tiếp nhận tin tức. Thì có có lẽ chúng ta đã cứu được nhiều mạng sống và kiểm soát được tình hình tốt hơn.


Cũng công bằng để nói giá như chúng ta đã có những bước đi tốt hơn trong việc theo dõi tiếp xúc, và thiết lập lộ trình xét nghiệm sớm hơn, thì khả năng cao là chúng đã không phải chứng kiến dịch bùng phát nặng nề khắp nơi, và có lẽ chúng ta đã giảm nhẹ được mức độ nghiêm trọng của đại dịch lên một số vùng.

Goldberg: Hãy nói về những vấn đề trong việc chuyển giao [quyền lực].


Obama: Mặc cho những sự khác biệt giữa tôi và George W. Bush, ông ấy và chính quyền của ông đã không thể tử tế và hữu ý hơn nữa trong việc bảo đảm một cuộc chuyển giao suôn sẻ. Một trong những thứ rất đau xót về tình hình hiện tại là lượng thời gian đang bị lãng phí vì sự bồng bột của Donald Trump và sự miễn cưỡng của những đảng viên Cộng hòa trong việc lên tiếng với ông ấy.


2. Sarah Palin mang chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa âm mưu vào chính trị đại chúng


Goldberg: Trong cuốn sách, như ông đã đề cập, thì Sarah Palin là người đầu tiên của tứ kị sĩ khải huyền, và Rick Santelli, phóng viên của CNBC, người đã góp phần bắt đầu Phong Trào Tiệc Trà (Tea Party) là người kị sĩ thứ hai. Và rồi lực lượng này bắt đầu mở rộng.


Obama: Tại thời điểm mà phong trào này bắt đầu, ta có thể cảm nhận được đây là một điều đã âm ỉ từ rất lâu từ trong nội bộ đảng Cộng hòa và phong trào bảo thủ nói chung. Nó bắt đầu xuất hiện từ thời Birchers và chiến dịch tranh cử của Goldwater, nhưng rõ ràng ta luôn có thể cảm giác điều này vẫn luôn rình rập sau lưng.


Goldberg: Nhiệm kỳ của ông đáng lẽ phải là minh chứng cho việc nước Mỹ đang ngày càng tiến tới tương lai.


Obama: Đúng vậy. Nhưng những phong trào kể trên đã giải phóng một loại năng lượng tiêu cực nào đó. Những người tham dự các buổi mít tinh của Sarah Palin và những người tham dự các buổi mít tinh của McCain là hai nguồn năng lượng trái ngược trong nội bộ của Đảng Cộng hòa. Theo tôi, điều này gợi ý rõ ràng rằng, ở một mức độ nào đó, sự bài ngoại và các thuyết âm mưu đang ngày càng được chú ý, ngày càng thu hút nhiều người hơn. Trong khoảng thời gian tôi viết sách, sự hiện hữu của những tư tưởng này càng rõ rệt hơn.


Một trong những mối lo đáng chú ý tôi nhận ra được trong thời gian viết cuốn sách này chính là cơ chế cản trở của Thượng viện Hoa Kỳ, cụ thể là sự ngăn trở đối với các thay đổi to lớn có thể sẽ xảy ra và việc cho phép nỗi hoài nghi ngày càng lan rộng. Sự nhận thức này sẽ là trở ngại to lớn đối với việc cải cách lập pháp, cho dù đối với chiến thắng thắng áp đảo vào năm 2008 hay ở tâm điểm của một cơn khủng hoảng. Điều này chính là điều chúng ta đã nhận thấy được từ thái độ của Chủ tịch khối Đa Số tại Thượng viện Mitch McConnell vào năm 2011. Rất khó để có thể dự đoán được McConnell và các thành viên của Đảng Cộng hòa sẽ bác bỏ mọi thứ nhanh đến mức nào, tới mức độ mà việc bác bỏ và cản trở chỉ vì mục đích ngăn cản đã trở thành thông lệ.


Goldberg: Trong tờ The Atlantic, Anne Applebaum và những người khác đã đề cập đến nỗi nhức nhối về sự đồng lõa [của phe Cộng hòa]. Theo ông, ông nghĩ như thế nào về những con người thông minh hơn Donald Trump – ví dụ như Lindsay Graham, Marco Rubio, những chính trị gia khác và vai trò của họ trong việc này.


Obama: Đây cũng là điều đã làm tôi ngạc nhiên trong khoảng thời gian bốn năm qua. Hành vi và tính cách của Donald Trump không hề làm tôi kinh ngạc, bởi vì đây là những điều quá rõ kể cả trước kỳ bầu cử 2016. Tôi không có nhiều hi vọng vào việc ông ấy sẽ có bất kỳ thay đổi đáng kể nào.


Thế nhưng, tôi đã không tin được là nó dễ dàng thế nào để thành phần nòng cốt của Đảng Cộng hòa, những người đã có thâm niên tại Washington và tin vào những giá trị cùng thông lệ thể chế nhất định, lại khuất phục. Những con người ấy làm tôi nhớ đến John McCain. Cho dù giữa tôi và ông ấy có bao nhiêu khác biệt, chúng ta sẽ không bao giờ thấy một John McCain bao biện cho một vị tổng thống cố tình làm thân với Vladimir Putin, hay tin tưởng lời giải thích của Nga về các sự kiện hơn là cơ quan tình báo của chính đất nước mình. Đáng báo động là việc ta chứng kiến những nhân vật trong đảng Cộng hòa hành xử trái ngược một cách chóng mặt đối với những gì họ từng nhận là mình tin vào.


Tôi đã từng nói điều này một lần: vấn đề của Đảng Cộng hòa, phong trào bảo thủ hay bất kể cái tên gì của nó mà chúng ta đang phải đối mặt, cốt lõi nằm ở thái độ của những người theo Cộng hòa – thái độ được nhào nặn bởi truyền thông cánh hữu. Vì thế, những chính trị gia đã được bầu của Đảng Cộng hòa, để có thể tồn tại được, họ chấp nhận thỏa hiệp với thuyết âm mưu, cáo buộc ngụy tạo, và những câu chuyện huyễn hoặc mà Donald Trump và Rush Limbaugh và những người trong cái vòng tròn đó đã thêu dệt.


3. Trump là cậu bé Richie Rich, chứ không phải tượng đài John Wayne


Goldberg: Ông đã bao giờ tự giải thích cho chính mình về hiện tượng Trump theo cách mà không phải bỏ mặc những người dân Mỹ đã bầu cho ông ấy?


Obama: Tôi không ngạc nhiên khi một người như Trump có thể gây thu hút trong nền chính trị của chúng ta. Ông ấy vừa là triệu chứng, vừa là chất xúc tác. Nhưng nếu chúng ta có một lãnh đạo dân túy cánh hữu trên đất nước này, tôi đã nghĩ người đó phải có gì đó lôi cuốn hơn thế.


Goldberg: Chắc không phải là một người đàn ông trẻ con?


Obama: Đúng vậy. Nếu anh nghĩ về chủ nghĩa dân túy trong quá khứ, một người như Huey Long - ông ấy không phải là người xuất thân cánh hữu; ông ấy là một người theo chủ nghĩa dân túy cổ điển, có gốc rễ từ đời thường; ông biết cuộc sống của những người ông tập hợp; ông thật sự hiểu họ. Có lẽ tôi đã không cho rằng một người luôn khinh miệt người dân bình thường lại có thể thu hút được sự chú ý cũng như sự ủng hộ từ chính những người dân này.

Có lẽ tôi cũng bất ngờ, và đây không phải là suy nghĩ lúc đầu của mình - nhưng tôi nghĩ về hình tượng anh hùng nam giới cổ điển trong văn hóa Mỹ khi tôi và anh còn đang lớn: những John Wayne, những Gary Cooper, những Jimmy Stewart, những Clint Eastwood.

Có một quy tắc. Đây là cái mà tôi luôn nhấn mạnh. Tôi là người Mỹ gốc Phi nhưng tôi cũng là người Phi và người Mỹ. Đây là một phần của tôi. Cái quy tắc về sự nam tính mà tôi lớn lên cùng bắt nguồn từ thời 30, 40 và trước đó. Có một khái niệm là người đàn ông phải giữ chữ tín cho lời nói của mình, biết chịu trách nhiệm, và không kêu ca, không bắt nạt người yếu thế; nói cho đúng ra thì người đàn ông này phải bảo vệ người yếu thế chống lại những kẻ bắt nạt. Vì vậy, thậm chí nếu anh là một người khó chịu với việc “thức tỉnh” (wokeness) và “đúng đắn chính trị” (political correctness), và muốn đàn ông phải ra đàn ông trở lại, hay mệt mỏi với việc mọi người than phiền về chế độ gia trưởng - Tôi đã nghĩ hình tượng của anh không thể nào là Richie Rich - một mẫu hình cho sự than phiền, dối trá, vô trách nhiệm với mọi thứ.

Tôi nghĩ điều đó cho ta thấy sức mạnh của truyền hình lên văn hóa mà đôi khi tôi bỏ lỡ vì mình không xem truyền hình nhiều. Chắc chắn là tôi không xem các show truyền hình thực tế. Và đôi khi tôi bỏ lỡ những thứ thật sự là hiện tượng. Nhưng tôi nghĩ có một sự chuyển dịch trong đó. Tôi có viết về việc này ở một mức độ. Tôi thật sự ngưỡng mộ một số giá trị truyền thống đó, những điều từng được quy cho là đặc đính của riêng đàn ông. Khi tôi nghĩ về Thế hệ vĩ đại nhất [thế hệ người Mỹ lớn lên trong Đại khủng hoảng và Thế chiến thứ II], tôi nghĩ về sự hy sinh.


Goldberg: Một đồng nghiệp của tôi cho rằng, theo một cách nào đó, ông là một người bảo thủ thuộc dạng “không bao giờ Trump.”


Obama: Tôi hiểu cách nhìn đó. Tôi ngưỡng mộ ý thức về sự liêm khiết, tính chân thật, tinh thần trách nhiệm, và của những giá trị chất phác. Đó là phần Kansas trong tôi. Bà tôi là người đại diện cho phần đó.


Goldberg: Ông chỉ ngạc nhiên bởi cách mà chủ nghĩa dân túy đã ập đến.

Obama: Vâng. Chính dấu hiệu đó là những cái về văn hóa đại chúng mà tôi đã bỏ sót. Điều này khá thú vị - nhiều người đang viết về thực tế là Trump đã tăng được sự ủng hộ từ nam giới gốc Phi [trong cuộc bầu cử năm 2020], cùng với một vài rappers ủng hộ ông. Tôi phải nhắc mình rằng, nếu anh nghe nhạc rap, mọi thứ của nó đều về sự hào nhoáng, về phụ nữ, và về tiền. Rất nhiều rap video đang sử dụng chung những thước đo về ý nghĩa của thành công giống với những gì Trump có. Tất cả đều được mạ vàng. Điều đó luồn lách và thấm vào văn hóa.


Michelle và tôi đang nói đến thực tế là tuy chúng tôi đã lớn lên tại những nơi rất khác nhau, chúng tôi đều xuất thân từ giới lao động, tầng lớp hạ trung lưu khi tính theo thu nhập, và chúng tôi đã không bị ảnh hưởng hằng ngày bởi quan niệm rằng nếu mình không có thứ này thì bằng một cách nào đó bản thân mình không có giá trị. Nước Mỹ vẫn luôn có sự phân chia giai cấp - giàu và nghèo, không chỉ theo chủng tộc mà còn theo kinh tế - nhưng sự phân chia này không thường đập vào mắt ta khi tôi còn đang lớn. Và rồi ta bắt đầu thấy show “Cuộc sống của Những Người Giàu và Nổi Tiếng” (Lifestyles of the Rich and Famous), cùng với nó là cảm giác hoặc là anh thành công hoặc anh chỉ là một kẻ thất bại. Và Donald Trump là điển hình của phong trào đó, cái mà giờ đã ăn sâu vào văn hóa Mỹ.


Lúc nãy anh có nhắc đến quan điểm nhận định tôi là người bảo thủ thuộc dạng “không bao giờ Trump,” theo một cách nào đó. Tôi nghĩ điều đó không đúng lắm, nhưng đúng là tôi thỉnh thoảng cũng thông cảm với một số khuynh hướng bảo thủ, nhất là ở khía cạnh tôi không theo chủ nghĩa duy vật. Tôi không phải là một người theo tư tưởng rằng kinh tế quyết định tất cả. Tôi nghĩ nó quan trọng, nhưng tôi nghĩ còn có những thứ khác ngoài vật chất, tiền bạc, và thu nhập - đó cũng chính là sự phê bình của tôn giáo hiện nay về xã hội hiện đại, đó là việc chúng ta đánh mất ý thức cộng đồng.


Để tôi nói về cái nhìn lạc quan của mình. Điều tôi vừa nêu trên cho tôi hy vọng ta có thể tìm được tiếng nói chung với một bộ phận Tin Lành hoặc bảo thủ - những người căn bản muốn khôi phục lại nhận thức về ý nghĩa, mục đích, và tâm linh trong cuộc sống… họ tin vào những khái niệm về vai trò dẫn đầu và quan tâm cho “những người rất hèn mọn.” Họ có chung quan điểm với những người cánh tả về việc không chỉ dựa vào vật chất. Chỉ có cái khác biệt là những người cánh tả bày tỏ quan điểm này không thông qua lăng kính tôn giáo.

Khi anh nhìn vào thế hệ trẻ hơn, thế hệ của Malia and Sasha, anh sẽ thấy nó rõ ràng hơn. Việc này thường được bày tỏ qua những gì mà chúng muốn từ cuộc đời. Chúng ít có xu hướng chạy theo việc mình cần phải làm ở Wall Street tại một thời điểm nhất định. Dường như đó không phải là cách mà chúng định nghĩa bản thân mình cho lắm. Điều này làm tôi lạc quan hơn.

4. Cách quyền lực vận hành


Goldberg: Với tính chất khó khăn của công việc này, làm thế nào để các vị tổng thống giữ lại được chân tâm của mình.


Obama: Bằng cách làm một người bố, người bạn, và một người chồng. “Cuộc cá cược” là tiêu đề của phần đầu tiên trong cuốn sách mới nhất của tôi. Trước hết, tôi đánh cược vào bản chất của đất nước này và đánh cược vào sức mạnh của nền dân chủ, với niềm tin rằng đất nước vĩ đại, đa dạng nhưng cũng gây tranh cãi, đa chủng tộc và đa văn hóa này sẽ trở thành một khối thống nhất hoàn hảo hơn và trở thành một hình mẫu của thế giới. Cuộc cá cược lớn thứ hai đó chính là tôi có thể tham gia vào quá trình này mà không bị tha hóa một cách vô vọng. Các bạn có thể thấy trong cuốn sách một hình ảnh đó chính là tôi, giữa những lựa chọn không thể tránh khỏi cùng những sự thỏa hiệp kèm theo.


Obama: Một cách cá nhân, tôi muốn mọi người có thể nhớ rằng Lyndon Johnson có thể làm nên chuyện vì ông ấy có đủ phiếu bầu. Đơn giản vậy thôi. FDR cũng thực hiện được những gì cần làm khi ông ấy có đủ số phiếu. Sự thật chính là trong hầu hết trường hợp và thời gian, tất cả đều quay trở về vấn đề cốt lõi là: Bạn có đủ số phiếu cần thiết? Khi nhìn lại chặng đường để Affordable Care Act được thông qua, không phải chỉ dừng lại ở giai đoạn nó được thông qua ở Thượng viện mà cả ở giai đoạn sau, khi tôi tiếp tục làm việc với Nancy Pelosi và Hạ viện dân chủ để họ thông qua các đạo luật mà họ nghĩ là không đủ cấp tiến. Tôi đã làm việc với đảng của mình hiệu quả và mà chưa một lần tôi phải túm lấy vạt áo của ai đó hay phải sử dụng hàng loại thủ đoạn để mọi người làm theo ý mình.


Hóa ra là những gì tôi không đạt được theo mục tiêu của mình đều thật chất do những yếu tố tôi vừa trình bày - đó là cơ chế cản trở ở Thượng viện, cơ chế phải có đủ 60 phiếu để thông qua một thứ gì đó, điều mà chúng ta đã đề cập trên. Và điều này hoàn toàn là sự thật ở tháng đầu tiên của tôi tại Nhà Trắng. Lúc đó chúng ta đang nó một cuộc khủng hoảng kinh tế rất rõ ràng, và đúng là chúng ta đã thành công lôi kéo được một vài thượng nghị sĩ để thông qua [Đạo luật Phục Hồi và Tái đầu tư Mỹ.] Một trong những thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Arlen Specter, sau đó đã bị tẩy chay khỏi đảng của mình vì thông qua một đạo luật mà rõ ràng không hẳn là đi ngược lại với lý tưởng của họ, ta biết điều này vì họ vừa mới thông qua gói cứu trợ 2,000 tỷ USD với một vị tổng thống Cộng hòa cầm quyền.


Obama: Không có một giây phút nào khi tôi viết cuốn sách này mà không suy tư đến việc có phải chăng tôi đã đôi lúc quá nhân nhượng.


Goldberg: Ông có nghĩ rằng mình đáng ra có thể cố gắng hơn nữa không?


Obama: Điều đó có nghĩa là gì?


Goldberg: Có nghĩa là có thêm nhiều buổi uống rượu với Mitch McConnell hoặc làm việc với các bên đối lập nhiều hơn…


Obama: Điều này tôi sẽ đề cập cụ thể hơn về chuyện này khi quyển thứ hai của loạt sách này ra mắt. Nhưng bây giờ tôi lấy ví dụ về cựu chủ tịch Hạ viện John Boehner. Tôi và ông ấy có một mối quan hệ rất tốt đẹp, nhưng ông ấy bắt buộc phải tỏ thái độ của mình theo một cách khác khi đối diện với đảng Cộng hòa của mình. Những lúc riêng tư ông ấy sẽ nói xấu [những thành viên của đảng Cộng hòa] với tôi, cũng nhiều như John McCain đã từng. Hơn nữa, chuyện McConnell không phải là bạn của bất kỳ ai chưa bao giờ là chuyện cá nhân cả.


Tôi khá lấy làm mừng khi đọc được về chuyện Joe Biden và Mitch McConnell đã là bạn trong khoảng thời gian dài. Họ đã biết nhau từ rất lâu. Tôi cũng có nghe Joe Biden kể về những lần ông ấy tiếp xúc và tương tác với Mitch McConnell. Mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa tôi và các thành viên đảng Cộng hòa chưa bao giờ là vì tôi không cố gắng liên hệ đủ với họ. Chúng tôi mời họ tới tất cả mọi thứ, từ những đêm chiếu phim tới những bữa tiệc tối hay kể cả Trại David, tất cả mọi thứ. Đây không phải là một mối quan hệ thiếu sự bôi trơn. Vấn đề ở đây chỉ là họ thấy rằng họ sẽ đạt được nhiều lợi ích chính trị hơn khi biến tôi và đảng Dân chủ thành những con ác quỷ. Và điều này được phóng đại lên bởi những phương tiện truyền thông như Fox News. Và các cử tri của họ tin vào điều này, qua thời gian các thành viên của Đảng Cộng hòa khi đã quá thành công bởi phương pháp này thì việc thỏa hiệp hay thậm chí là cư xử thân thiện cũng trở nên quá khó khăn với họ.


5. Chuyện gì đã xảy ra với Iowa?


Goldberg: Ông đã bày tỏ một sự nhiệt tình rất rõ ràng đối với Iowa. Đây là bang đã từng ủng hộ ông rất trung thành nhưng nó còn hơn cả như vậy. Đó là một thời điểm mà mọi thứ dường như đang bước vào một giai đoạn khác của lịch sử. Và theo như tôi đã đọc thì đó là khoảng thời gian rất vui vẻ của ông khi chạy đua vào Nhà Trắng và kể cả trong nhiệm kỳ tổng thống.


Goldberg: Và rồi sau đó Iowa cũng hai lần ủng hộ cho Trump.


Obama: Tôi không muốn trở nên bi quan một cách nhanh chóng như vậy. Tôi đã thắng Iowa hai lần kể cả khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức 8.5% vào năm 2012. Và nhân khẩu Iowa vẫn không hề thay đổi. Tôi vẫn thắng Iowa với cách biệt khá thoải mái. Vậy nên với quan điểm cho rằng đất nước này giờ đây đã thay đổi – theo tôi, câu chuyện không chỉ đơn giản như thế.


Lần trước, ở Iowa, tôi có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các cử tri chắc chắn sẽ không dành phiếu bầu cho tôi ở vị trí đậu tiên. Lần đầu tiên tôi làm điều này là khi tôi tranh cử cho chức vị Thượng nghị sĩ. Ngoại ô Illinois cũng khá tương tự với Kentucky, phía nam Ohio, Indiana và cũng như phần lớn Iowa. Và tôi phát hiện ra điều này – trong cuộc tranh cử cho chức vị Thượng nghị sĩ – và cũng như hai cuộc tranh cử tổng thống, tôi sẽ đi tới từng vùng một, những nơi có truyền thống bảo thủ, ở ngoại ô và những thành phố nhỏ, nơi tầng lớp lao động da trắng phân bố và tạo dựng các mối quan hệ với họ. Từ đó dẫn đến việc tôi có thể thắng được phiếu bầu của họ. Và lí do mà tôi có thể thắng được những phiếu bầu đó, chính là bởi vì lúc ấy, giữa tôi và họ, nhất là đối với tôi, hình ảnh của tôi không hề được sàng lọc lại qua thứ gì.


Lúc đó, họ nhìn thấy được tôi là một con người tử tế và lịch sự, đang cố gắng kể câu chuyện của tôi và đồng thời lắng nghe câu chuyện của họ - cho tới bây giờ những điều này vẫn có thể sẽ xảy ra ở Iowa vì suy cho cùng đây chính là chính trị bán lẻ. Đối với tôi, chuyện này cũng khá là mỉa mai, những ý kiến cho rằng tôi chưa đủ ân cần khi ở Washington. Trong một mặt nào đó thì chuyện này cũng không sai, có những điều ở Washington mà tôi không thể có được liên kết và tình cảm như những gì mà tôi đã cảm nhận được từ người dân ở Iowa. Những con người đó làm tôi nhớ đến ông bà mình và bố mẹ của Michelle, đó chính là điều cho chúng tôi sự đồng cảm.


Những điều mà tôi học được sau khi tranh cử ở Iowa chính là giờ đây tôi đang tranh cử toàn quốc. Điều đó có nghĩa là tôi phải lấp đầy được những khán phòng 20,000 – 50,000 người.


Goldberg: Bắt đầu từ lúc ấy ông trở thành một biểu tượng.


Obama: “Biểu tượng Obama” đây sẽ là điều mà David Axelrod sẽ nói, bằng một thái độ không mấy vui vẻ, vì ông ta biết điều đó rất nguy hiểm. Thực tế là mọi người sẽ nhìn nhận chúng ta qua những bộ lọc và nguồn tin tức có sức chi phối lớn, nhưng giờ đây những nguồn tin tức này đã thay đổi.


Vào năm 2008, khi tôi tới một vùng quê nào đó, ở đây sẽ có tờ báo địa phương với một vị tổng biên tập cùng mái đầu đinh và có khi một chiếc nơ đeo trên cổ. Ông này đã là người theo đảng Cộng hòa lâu năm. Ông ấy có thể sẽ không có quá nhiều sự kiên nhẫn cho các chính sách thuế và chi tiêu trung lập nhưng ông ấy sẽ dành thời gian cho một cuộc gặp với tôi, và sau đó sẽ viết một bài báo với nội dung đại loại như: “Cậu trai này là một chàng luật sư Dân chủ đến từ Chicago, nhưng có vẻ cũng là một người tử tế và có vài ý tưởng hay.” Lúc đó đài truyền hình địa phương sẽ đưa tin về tôi đúng như vậy. Nhưng bây giờ điều này đã không còn nữa. Giờ đây, khi chúng ta đến những cộng đồng này, nếu không phải là Fox News đang thống trị các kênh truyền hình trong các tiệm cắt tóc và các nhà của hội cựu chiến binh thì cũng là các đài truyền hình thuộc sở hữu của Sinclair. Những định kiến của các đài truyền hình đó đối với tôi, về việc tôi là ai và những điều tôi tin tưởng đã thay đổi quá nhiều, và điều đó rất khó để phá vỡ.


Chúng ta không có một Walter Cronkite người đưa tin về nỗi đau đớn của vụ ám sát Kennedy, nhưng cùng lúc cũng đưa tin cho cả người ủng hộ và phỉ bám Chiến tranh Việt nam rằng cuộc chiến này đang không đi theo hướng mà Nhà Trắng và các vị tướng nói với chúng ta. Không có một cách tường thuật sự việc chung như vậy thì sẽ rất khó khăn cho nền dân chủ.


Đọc phần II tại đây.


Người dịch: Derek P., Khanh Doan

Comments


bottom of page