John Boudreau and Nguyen Dieu Tu Uyen, ngày 29 tháng 7, năm 2020
Translated from The Bloomberg article Pandemic Advice Ignored by Trump Helps Vietnam Fight Virus
Người lao động ở chợ Long Biên xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội, tháng Tư năm 2020. Ảnh: Linh Phạm/Getty Images
Việt Nam đã chống cự thành công đợt dịch Covid-19 đầu tiên nhờ áp dụng triệt để những chiến lược đối phó đại dịch do Mỹ cố vấn, trong khi cũng những chiến lược này lại bị chính quyền Trump bỏ qua hầu hết..
Bây giờ, quốc gia Đông Nam Á này đang áp dụng chính kế hoạch ấy để chiến đấu với những ca lây nhiễm đầu tiên sau hơn ba tháng, cố gắng giữ thành tích là một trong những quốc gia hiếm hoi chưa có ca tử vong nào cho đến tuần này. (Tính đến thời điểm dịch bài, Việt Nam đã ghi nhận 7 ca tử vong - ND)
Từ trước cả khi Việt Nam xác nhận những ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cán bộ, công chức khởi động kế hoạch được phát triển năm 2014 trong một dự án an ninh y tế toàn cầu. Dự án này được thành lập bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cùng một số tổ chức khác, và được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency for International Development/US-AID) tài trợ phần nào . Sự tuân thủ chặt chẽ kế hoạch trên đã giúp Việt Nam dập tắt các ổ dịch và chiến thắng dịch bệnh vào mùa xuân vừa qua.
Tuần vừa rồi, Việt Nam - như Nhật Bản, Hồng Kông, và Úc - đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm thứ 2 bất ngờ xuất hiện. Chính phủ Việt Nam đang nhanh chóng khoanh vùng một ổ dịch mới đã dẫn đến 36 ca nhiễm mới trong một tuần trên tổng 459 ca trên cả nước tính tới sáng thứ Năm. Các địa phương ra lệnh hàng ngàn người đã từng đến Đà Nẵng phải cách ly nghiêm ngặt, tái lập những biện pháp cách ly tại nhà, và thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
Chính phủ đang báo động rằng virus có thể lan sang các vùng khác, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Hiện hai thành phố này đã ra lệnh đóng cửa quán bar và cấm tụ tập đông người.
“CDC đã hợp tác giúp chúng tôi xây dựng một kế hoạch gồm nhiều bước để chống lại dịch bệnh,” ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Ứng phó Y tế Công cộng Khẩn cấp (Public Health Emergency Operations Center/PHEOC) trực thuộc Bộ Y tế (Ministry of Health/MoH), cho biết. “Chính phủ đang rất quan ngại về đợt dịch lần thứ 2. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vấn đề này.”
Người dân đeo khẩu trang đi bộ dọc biển Mỹ Khê, Đà Nẵng vào 28/7. Ảnh: Hoang Khanh/AFP, từ Getty Images
Chìa khóa thành công của chính phủ Việt Nam đến thời điểm này là năng lực xét nghiệm nhanh chóng, cách ly người bệnh, quyết liệt theo dấu tiếp xúc (contact tracing) và cách ly 14 ngày những người có tiếp xúc với các ca dương tính. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Matthew Moore, Giám đốc Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu (Global Health Security Program/GHSP) của CDC tại Việt Nam, người dân được cung cấp thông tin nhất quán, minh bạch cũng rất quan trọng trong quá trình chống dịch.
Cơ quan GHSP đã có mặt tại Việt Nam từ 20 năm trước và hiện tại có 58 nhân viên, bao gồm 8 người Mỹ. GHSP phối hợp cùng chính phủ trong quy trình xét nghiệm, hướng dẫn ngăn ngừa lây nhiễm bệnh dịch trong môi trường y tế và đào tạo chuyên môn dịch tễ học.
“Việt Nam đã liên tục dập tắt thành công các chuỗi lây nhiễm,” theo lời tiến sĩ Moore.
Việt Nam, một quốc gia có 96 triệu dân và GDP đầu người là $2,715 theo thống kê năm ngoái, đã thành công ngăn chặn dịch bùng phát nhờ sự tập trung cao độ trong cuộc chiến chống dịch của chính phủ, một hệ thống chính trị độc đảng, và sự đồng lòng của người dân nhờ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh trong quá khứ. Trong khi đó, nước Mỹ, nơi GDP đầu người là $65,280 vào năm 2019, vẫn đang vật lộn với đại dịch.
Thành công của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi. Trong khi đó, nước Mỹ đã ghi nhận hơn 4.4 triệu ca nhiễm và 150,000 ca tử vong, mà Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục coi nhẹ sự lây lan của virus. Thay vì nghe theo lời khuyên của chuyên gia, vào tháng 7, ông retweet một bài đăng cho rằng CDC đang lừa dối mọi người về con virus.
Việt Nam và Mỹ đã tiếp cận đại dịch truyền nhiễm này theo hai cách không thể khác nhau hơn. Sau khi Việt Nam xác nhận những ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, chính phủ đã ra chỉ thị đóng cửa trường học ngay vài tuần sau đó. Chính quyền Trump thì tiếp tục phản đối việc đóng cửa trường học, và thậm chí còn đe dọa sẽ rút tài trợ liên bang với những trường không mở cửa đón học sinh trở lại.
Cán bộ công an và người dân địa phương đứng chờ tại một trạm kiểm soát trong khu vực cách ly ở Hà Nội vào ngày 9 tháng 3. Ảnh: Linh Phạm/Getty Images
Trong khi Hà Nội nhanh chóng xét nghiệm cho bất kỳ ai nghi ngờ bị nhiễm virus, thì Mỹ liên tục đối mặt với việc thiếu bộ xét nghiệm. Chính quyền Đà Nẵng đã tạm đóng cửa 3 bệnh viện nơi người bị nhiễm đã lui tới và yêu cầu tất cả bệnh nhân, điều dưỡng, y bác sĩ và lao công—khoảng 6018 người cả thảy—phải cách ly 14 ngày, sở y tế Đà Nẵng cho biết. 3607 người khác đang được theo dõi tại nhà, các trung tâm y tế và trại cách ly tập trung.
Việt Nam có một số lợi thế lớn trong việc chống dịch mà Mỹ không có. Chính quyền Cộng sản kiểm soát xã hội bằng tập thể, và những biện pháp cứng rắn như sẵn sàng cấm cửa nền kinh tế nếu cần thiết đã gặp rất ít phản kháng từ người dân.
Người dân có thái độ hợp tác cao bất chấp việc chế độ phòng, chống dịch của Việt Nam khắt khe bậc nhất trong khu vực và hoàn toàn không khoan nhượng. Chính phủ đã cách ly người dân và cả người ngoại quốc có nguy cơ nhiễm bệnh cao, đôi khi tại các doanh trại quân đội ở xa khu dân cư.
Dù vậy, Việt Nam có lợi thế hơn Mỹ nhờ thông điệp chống dịch toàn quốc nhất quán mà chính quyền gửi đến công chúng,” theo Bác sĩ Todd Pollack, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Tổ chức Hợp tác phát triển Y tế Việt Nam của Đại học Y Dược Harvard (Harvard Medical School Partnership for Health Advancement in Vietnam/HAIVN).
Chiến dịch truyền thông của chính quyền Việt Nam bao gồm các áp phích trong khu chung cư và văn phòng làm việc, tin nhắn, ứng dụng phần mềm giúp người dân theo dõi các ca nhiễm lân cận, cập nhật thường xuyên trên trang web Bộ Y tế (Ministry of Health) và cả một bản nhạc pop khuyến khích rửa tay và giãn cách xã hội.
Ký ức từ những đại dịch trước đó cũng đã giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong dịch bệnh COVID-19 này. Dịch SARS bùng phát năm 2003 ở Việt Nam đã khiến 5 người thiệt mạng, và 52 người nữa tử vong trong những đợt dịch cúm gia cầm tái phát từ năm 2004 đến năm 2008. Hiện tại Việt Nam đang còn phải đối phó với bệnh bạch hầu đang hoành hành đã khiến 3 người tử vong, buộc chính phủ phải cách ly 700 người ở một ngôi làng trồng cà phê ở Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.
Những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của Việt Nam phải trả giá không ít: gần 31 triệu người lao động đã mất việc hoặc giảm lương giữa các đợt cấm cửa . Nền kinh tế của Việt Nam được dự kiến có thể tăng 3% đến 4%, chỉ bằng một nửa mục tiêu chính thức là 6.8%, theo một hội đồng cố vấn của chính quyền.
Gà bị tiêu hủy tại một trang trại tư nhân nơi phát hiện triệu chứng cúm gà, tại Việt Nam, tháng 1, năm 2005. Ảnh: Hồng Đình Nam/AFP qua Getty Images
Trong khi đó, chính quyền Việt Nam đang bị những công ty có trụ sở nước ngoài gây khó dễ trong nỗ lực duy trì cảnh giác cao độ cho đợt dịch thứ 2. Các công ty từ Hàn Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của Việt Nam, đang gây áp lực (cho chính quyền) để gỡ bỏ lệnh cách ly 14 ngày công nhân lao động của họ đến Việt Nam, hãng truyền thông địa phương VnExpress đưa tin.
Tuy nhiên, những động thái quyết đoán của Việt Nam có thể đã đánh bóng danh tiếng của mình với các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng (supply chain) nhằm chuyển ra khỏi Trung Quốc. Một vài công ty của Nhật, với động lực tài chính từ chính phủ Nhật, đang tìm cách di dời các hoạt động sản xuất đến Việt Nam. Hãng Đài Loan Inventec Corp., đối tác lắp ráp AirPods của Apple Inc., đang chuẩn bị thành lập một đơn vị tại Việt Nam và các nhà cung cấp khác của Apple có thể sẽ làm theo.
Và bây giờ, cuộc phản công toàn lực của chính quyền Việt Nam chống dịch bệnh đang bắt đầu trở lại.
Chính quyền Hà Nội đang xét nghiệm 21 ngàn người đã bay vào từ Đà Nẵng. Thành phố biển Hội An, một địa danh di sản văn hoá thế giới UNESCO, đã bị cấm cửa toàn bội. Trong khi đó, Bộ Y tế hôm thứ Năm đã gửi thông báo khẩn liệt kê hơn 20 điểm nóng tiềm tàng trên toàn quốc, bao gồm một siêu thị ở Đà Nẵng, một nhà hàng pizza ở Hà Nội và một trung tâm thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những ai đã đến thăm những địa điểm trên được hướng dẫn gửi đến Bộ Y tế thông tin cá nhân và những người họ đã tiếp xúc.
Với sự giúp đỡ của Xuân Quỳnh Nguyễn
Translated by Ren Dinh and Vy Nguyen
Copy edited by Khoa Le
Comments