Người Mỹ từ lâu đã làm việc ở nước ngoài để thúc đẩy việc thực thi và các thể chế dân chủ. Lúc này, hơn bao giờ hết, những bài học đó cần được áp dụng tại quê nhà.
Jeffrey Smith, Nic Cheeseman, ngày 14 tháng 6, 2020
Translated from Foreign Policy article To save its democracy, the US needs a dose of its own medicine.
Người dân xếp hàng chờ đợi để bỏ phiếu vào ngày 9 tháng 6 năm 2020 tại Atlanta, Georgia. ELIJAH NOUVELAGE/GETTY IMAGES
Hãy tưởng tượng cảnh sau: Một quốc gia đang bạo loạn. Các cộng đồng thiểu số và đồng minh của họ tràn ra khắp các thành phố lớn để phản đối sự vi phạm nhân quyền và bất bình đẳng. Tổng thống quốc gia đó là một kẻ mị dân gây chia rẽ, công khai ủng hộ dùng bạo lực chống lại những người chỉ trích trong một nỗ lực ích kỷ nhằm gia cố sự ủng hộ đang yếu dần đi. Truyền thông, vốn là một định chế được kính trọng, bị cuốn vào làn đạn ngoài đời thực, dễ bị bắt giữ và bị tấn công. Và cảnh sát thì không còn được tôn trọng như những người bảo vệ nền pháp quyền, mà thay vào đó bị xem là mối đe dọa đối với an ninh cộng đồng.
Có khói bốc lên cao từ thành phố thủ đô; những hình graffiti phản đối nhóm cầm quyền bị vẽ đầy lên các bức tường trụ sở chính phủ và khu dân cư trong khi các trụ sở cảnh sát bị đốt cháy; mặt tiền các cửa hàng bị đập phá; còi xe cảnh sát và cứu thương inh ỏi trong khi tiếng trực thăng ù ù trên đầu; và lệnh giới nghiêm toàn thành phố được áp đặt.
Đây chính xác là kiểu quốc gia mà Mỹ thường đầu tư hàng triệu đô la để thúc đẩy dân chủ. Nhưng hôm nay chúng ta không nói về Cộng hòa Dân chủ Congo, Philippines hay Venezuela. Đây chính là nước Mỹ. Điều trớ trêu là
chính quyền Mỹ hiện đang rất cần dạng chương trình hỗ trợ dân chủ mà họ thường áp dụng “phía bên đó” tại các nước tạm gọi là đang phát triển.
Nói cho ngay, những lỗi hệ thống căn bản khắc sâu trong nền dân chủ Mỹ không phải là điều gì mới. Và mặc dù nghe thì chướng tai, nhưng cái chết của George Floyd dưới tay một viên cảnh sát da trắng và sự đau thương bùng phát sau đó không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng có hệ thống, khoảng cách càng ngày càng bị đào sâu giữa người-có và người-không-có, và một hệ thống chính trị ưu tiên một cách trắng trợn ngân quỹ tranh cử hơn là thực tài của ứng cử viên đã làm mờ nhạt vị thế dân chủ của Mỹ từ lâu. Và những mối lo này không trở thành hiện thực chỉ sau một đêm, nhưng là hậu quả bất khả kháng khi “nền dân chủ mạnh nhất thế giới” như họ tự phong từ chối nhìn nhận và thành thật giải quyết những khuyết điểm của nó.
Thật vậy, Mỹ đang rất cần kíp một dạng chương trình thúc đẩy dân chủ mà các nhà lãnh đạo từ cả 2 đảng đã vận động từ lâu ở nước ngoài.
Sự chủ quan thể hiện bởi các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ đã cắm rễ rất sâu, đặc biệt ở Washington (D.C.), nơi mọi quan chức đều có vẻ thoải mái một cách lạ lùng khi các quy chế dân chủ của quốc gia đang mục ruỗng từ từ ngay trước mắt họ. Sự khó ở này có một yếu tố văn hóa sâu sắc, bắt nguồn từ khái niệm “Nước Mỹ kiệt xuất”. Theo thế giới quan này, nước Mỹ được mô tả, tưởng tượng, và thường tin tưởng rằng họ khác biệt từ nền tảng với mọi quốc gia khác trên thế giới - thường theo kiểu không thể bị chỉ trích hay phê bình.
Xu hướng lý tưởng hóa nền dân chủ Mỹ này đã được củng cố bởi nghiên cứu của một số tổ chức phân tích xu hướng dân chủ toàn cầu, ví dụ như Freedom House (Ngôi nhà Tự do), từ lâu đã đóng khung dự án nước Mỹ như một hình tượng mẫu mực cho một nền dân chủ-
nói cách khác là tiêu chuẩn để phán xét các quốc gia khác. Mặc dù Freedom House và một số tổ chức khác đã thể hiện sự lo ngại nghiêm túc về chiều hướng đi xuống của nền dân chủ Mỹ, cũng như hậu quả toàn cầu của nó, điều này vẫn chưa thẩm thấu được vào nhận thức của người dân.
Hậu quả là sự gián đoạn chu kỳ phản hồi diễn ra thường xuyên này, cùng với giả định phổ biến rằng nước Mỹ có những tổ chức mạnh mẽ và thiện chí tốt, đã góp phần che giấu những khuyết điểm nền tảng của đất nước. Nhất là trong những năm vừa qua, những sai sót này đã bao gồm cả sự thiệt thòi về kinh tế và chính trị của các nhóm thiểu số; sự thiếu vắng đại diện của phụ nữ trong các vị trí dân cử; gian lận trong bản đồ bầu cử dẫn đến một sân chơi chính trị không quân bình; sự thúc đẩy bạo lực chính trị của các quan chức cực đoan; và quyền lực khổng lồ của tài phiệt trong chính trị.
Bối cảnh này giúp giải thích lý do tại sao đã có một sự chấp nhận quái đản đối với các quá trình chính trị thiếu sót ở Mỹ, bao gồm cả các cuộc bầu cử. Ví dụ cực đoan nhất là sự tán thành của giới cầm quyền Mỹ với chiến dịch tranh cử của ông Brian Kemp trở thành thống đốc bang Georgia năm 2018, bất chấp những sự bất thường thấy rõ, sự kỳ thị và tước quyền bầu cử của người dân mà cuối cùng đã giúp ông ta thắng cử. Kemp, đương nhiệm thư ký tiểu bang Georgia trong khi đang tranh cử, đã lạm quyền một cách rõ ràng để gây khó khăn cho việc bỏ phiếu của những người ủng hộ đối thủ của ông, đặc biệt là những người da màu vốn ủng hộ áp đảo cho đối thủ của ông, bà Stacey Abrams. Không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ mới tuần qua, Georgia một lần nữa là tâm điểm của sự chỉ trích rộng rãi vì cách xử lý tồi tệ của họ trong cuộc bầu cử địa phương.
Bất chấp những thiệt hại mà các quá trình loại trừ này gây ra cho nền dân chủ, các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ vẫn chủ động chống lẫn nhau để ngăn chặn cải cách. Thực tế là HR 1, Đạo luật có tên phù hợp Vì Dân, đã thông qua Hạ viện năm 2019 và đáng lẽ sẽ mở rộng quyền cơ hội bầu cử, giảm ảnh hưởng của tài phiệt trong chính trị và tăng cường các quy tắc đạo đức cho công chức, đã bị chặn bởi Thượng Viện và là một minh họa hoàn hảo cho nan đề. Thủ lĩnh đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện, Mitch McConnell, đã công khai nhạo báng dự luật và thề sẽ không cho phép bỏ phiếu về nội dung của nó. Đây là loại hành vi hoàn toàn phản dân chủ mà chính phủ Mỹ thường lên án ở nước ngoài.
Tổng thống Donald Trump, một nhà lãnh đạo mà đặc điểm ổn định duy nhất là vi phạm các nguyên tắc chính của dân chủ và nhân quyền trong cả lời nói lẫn hành động, đã giúp đẩy nhanh sự trượt dài của nước Mỹ. Tuy nhiên, một cách quá thường xuyên, các nhà bình luận chính trị tập trung vào Trump như thể một mình ông ta có thể giải thích sự suy giảm trong dân chủ của nước Mỹ. Trong thực tế, ông ta giống như một triệu chứng hơn là một nguyên nhân của một hệ thống chính trị rạn nứt, được đánh dấu bằng sự phân cực và mất lòng tin ngày càng gia tăng trong suốt nhiều năm.
Trước sự suy tàn rõ rệt của nền dân chủ Mỹ, điều đáng nói là, trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã dành nhiều thời gian, năng lượng và tài nguyên hơn đáng kể để cố “làm cho dân chủ hoạt động” ở nước ngoài thay vì ở quê nhà. Từ những khởi đầu khiêm tốn vào cuối những năm 1980, chi tiêu toàn cầu cho việc thúc đẩy dân chủ hiện được ước tính lên tới khoảng 8 tỷ đến 10 tỷ đô la mỗi năm (mặc dù chi tiêu của Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, ngay cả dưới thời chính quyền Obama). Để nói cho rõ, các khoản đầu tư này không phải là một điều xấu-- khi được thực hiện một cách có chiến lược và mục tiêu dài hạn, các chương trình dân chủ là một cách hiệu quả để bảo vệ và nâng cao quyền lợi và sinh kế của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng nếu các nhân viên tận tụy làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sẽ về nhà từ các vị trí của họ ở các quốc gia như Nigeria, Iraq, Afghanistan và Bangladesh để tiến hành đánh giá các cuộc bầu cử ở North Carolina, Georgia và Wisconsin.
Họ chắc chắn sẽ kết luận rằng nhiều dự án mà họ đang thực hiện ở nước ngoài có thể giúp củng cố hệ thống chính trị Mỹ vào thời điểm vô cùng cấp bách này.
Trên thực tế, những gì nước Mỹ cần ngày hôm nay là một chương trình đổi mới dân chủ, học hỏi từ những gì hiệu quả nhất trên toàn thế giới. Điều này nên bao gồm các biện pháp tức thời được thiết kế để giảm nguy cơ bất ổn chính trị-- và bạo lực tiềm tàng-- xung quanh cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới, và một quá trình cải cách dài hạn để xây dựng lại niềm tin vào hệ thống chính trị.
Đầu tiên, Mỹ cần một chương trình sự thật, công lý và hòa giải để giải quyết sự ngược đãi của các nhóm thiểu số chủng tộc bởi cảnh sát và các lực lượng an ninh liên quan. Ở các quốc gia như Nam Phi, nơi chế độ phân biệt chủng tộc công khai tìm cách đào sâu sự phân hoá chủng tộc, các chương trình như thế này vừa thúc đẩy quá trình chữa lành và bắt đầu xác định những cải cách cần thiết tiếp theo cho các nước này tiến lên.
Lý tưởng mà nói, đề xuất này sẽ đi cùng với một hiệp ước hòa bình giữa các đảng phái, cam kết tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và không kích động bạo lực - ngấm ngầm hay ra mặt - trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Cách tiếp cận này đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn bạo lực chính trị, ví dụ như cuộc bầu cử ở Guatemala.
Thứ hai, rõ ràng là cần có những cải cách bầu cử lớn để chấm dứt gian lận bản đồ bầu cử và để ngăn chặn sự đàn áp cử tri - việc yêu cầu các loại giấy tờ tuỳ thân không cần thiết để một cá nhân có thể đăng ký bỏ phiếu và thực hiện các quyền dân chủ cơ bản. Như cả Trung Tâm Brennan cho Công Lý (Brennan Center for Justice) và Trung tâm Tiến bộ Mỹ (Center for American Progress) đều đã ghi nhận, thập kỷ vừa qua đã chứng kiến một “sự bùng phát” của các nỗ lực có chủ đích để đàn áp quyền bỏ phiếu của các nhóm thiểu số.
Điều này thường được biện hộ trên cơ sở đó là một cải cách dân chủ rất cần thiết, nhưng trên thực tế, loại gian lận cử tri này hiếm khi là một vấn đề đáng kể ở Mỹ, bất chấp những tuyên bố kỳ quặc của các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa và Trump. (Trên thực tế, ví dụ gần đây nhất được ghi nhận về gian lận hoàn toàn liên quan đến các nỗ lực giả mạo lá phiếu thay mặt cho một thành viên đảng Cộng Hòa của Hạ viện ở North Carolina, người đã từ chức sau các cáo buộc.)
“Cuộc bầu cử tháng 11 là quá sớm để đưa ra những cải cách hệ thống, nhưng chúng ta vẫn có thể giảm thiểu một số hệ luỵ.”
Ví dụ, các chiến dịch Get Out and Vote có mục tiêu kỹ càng và được tài trợ tốt, ở các quốc gia như Bờ Biển Ngà, đã thành công đáng kể trong việc tăng tỷ lệ đăng ký bầu cử của các cộng đồng vốn bị tước quyền bỏ phiếu như dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên.
Nước Mỹ từng chiến dịch “Rock the Vote", nhưng vào năm 2020, những chiến dịch này cần phải toàn diện và kết nối với những nỗ lực hiện có của chính phủ tiểu bang hơn để giảm chi phí bỏ phiếu, lý tưởng hơn nếu bao gồm tính năng đăng ký bỏ phiếu tự động hoặc trong ngày, điều đã được triển khai tại 16 tiểu bang và Quận Columbia (Washington D.C.).
Và cuối cùng, việc sử dụng mạng xã hội và các cuộc tấn công đảng phái gây chia rẽ trên tất cả các nền tảng truyền thông cần phải chấm dứt, bắt đầu từ chính ông Trump. Cần ghi nhận Twitter gần đây đã đưa ra quyết định kiểm tra công khai các bài tweet sai lệch của Trump, và Snapchat cũng áp dụng các điều khoản dịch vụ của họ đối với những kích động từ Trump. Ở Kenya, sau khi bạo lực dữ dội xảy ra hậu bầu cử vào năm 2007, một chương trình đào tạo “báo chí hòa bình” đã được giới thiệu để khuyến khích các chuyên gia suy nghĩ về hậu quả của những tuyên bố của họ.
Tất nhiên, điều này phải được thực hiện một cách cẩn thận để không dẫn đến sự kiểm duyệt lớn hơn, nhưng cùng với các chiến dịch giáo dục kỹ thuật số kỹ lưỡng - trong trường học cũng như trên sóng phát thanh - điều này có thể giúp giảm sự lan truyền và tác động của thông tin sai lệch. Cùng với việc giám sát kỹ truyền thông và truy tố những người dính líu đến ngôn luận thù ghét hoặc kích động, điều này có thể làm giảm nguy cơ bất ổn bầu cử.
Về lâu dài, việc tăng cường hệ thống giám sát và cân bằng quyền lực trên nhánh Hành Pháp, cũng sẽ rất quan trọng. Những năm Trump làm tổng thống đã cho thấy-- chưa nói tới khả năng của Quốc Hội trong việc buộc tội tổng thống-- rất nhiều ràng buộc vốn dĩ người ta tưởng là tồn tại, thật ra lại không được thành văn và dễ dàng bị phá vỡ bởi một nhà lãnh đạo sẵn sàng vứt bỏ các tiền lệ và thực hiện các hành vi vi hiến và bất hợp pháp. Đơn Vị Tình Báo Kinh Tế đã hạ bậc Mỹ từ một “nền dân chủ hoàn thiện" sang một “nền dân chủ không hoàn hảo,”-- sánh vai các quốc gia có nền tảng khác nhau như Namibia, El Salvador và Thái Lan-- sau khi nước Mỹ đi xuống trong một loạt các chỉ số, bao gồm bất bình đẳng, chính trị độc đoán, và sự thiếu niềm tin vào chính phủ.
Tình hình này là một điều xấu cho Mỹ và cho toàn thế giới nói chung. Các nhà hoạt động bị bao vây ở các nước khác vẫn nhìn đến Washington, cho dù chính trị của nó có không hoàn hảo đến đâu, để tìm thấy hy vọng và sự đoàn kết trong các cuộc đấu tranh dân chủ của họ. Phản bội những sự kỳ vọng này và thất bại trong việc sửa chữa những thiếu sót rõ rành rành của nền dân chủ trong nước sẽ là phản bội lời hứa dân chủ mà các nhà lãnh đạo Mỹ đã rao giảng từ lâu cho thế giới - và chính công dân của họ - qua nhiều thế hệ.
Jeffrey Smith là giám đốc sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận dân chủ Vanguard Châu Phi. Twitter: @Smith_JeffreyT
Nic Cheeseman là giáo sư về dân chủ tại Đại học Birmingham và là tác giả của cuốn Cách thức bầu cử. Twitter: @Fromagehomme
Translation by Cookie Duong & Nhan Nguyen.
Copy edits by Khoa Le.
Comments